Calitoday
Vì sao chính phủ phải ‘quyết phá sản ngân hàng’?
Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – “Điểm sáng” ngay vào đầu kỳ họp quốc hội
tháng 10 – 11 năm 2017 là chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuống
tay “phê duyệt phá sản ngân hàng”.
Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đã phải “buông” những ngân hàng yếu kém và
tràn ngập nợ xấu, sau một số cố gắng “ôm”, nhưng đã hoàn toàn bất khả
thi.
Vào giai đoạn 2014 – 2015 và rất trùng khớp với thời gian mà thống đốc
Ngân hàng nhà nước khi đó là Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên phải thú nhận
số nợ xấu ngân hàng đã vượt trên 500 ngàn tỷ đồng, trái ngược với con số
nợ xấu được cơ quan này báo cáo chỉ khoảng 100 – 150 ngàn tỷ đồng vào
năm 2012, Luật các tổ chức tín dụng đã ra đời và dành cả một chương cho
cơ chế phá sản ngân hàng. Tuy nhiên, đã chẳng có một ngân hàng nào bị
cho phá sản từ đó cho tới nay, mặc dù cũng trong hai năm 2014 và 2015,
đã có đến 3 trường hợp cộm cán nhất về nợ xấu vượt gấp đôi vốn điều lệ
là Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu.
Khi đó, cả ba ngân hàng này đều được Thống đốc Bình chỉ đạo cho Ngân
hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Nhưng nguồn tiền mua lại từ đâu
cùng nhiều khuất tất trong cơ chế mua lại này cho tới nay vẫn còn là một
bí mật mà một quốc hội quen “gật” đã chẳng biết gì hết.
Đến cuối năm 2016, lần đầu tiên “Thí điểm phá sản ngân hàng” được Ủy
viên Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng là Vương Đình Huệ chính thức loan
báo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm đó. Khi đó, đã ngập ngụa tin xấu về
tình trạng nợ xấu không thể xử lý được, trong lúc Công ty quản lý tài
sản các tổ chức tín dụng (VAMC) khoe thành tích đã xử lý được hơn 200
ngàn tỷ đồng nợ xấu, nhưng thực chất chỉ là xử lý… trên giấy.
Đến giữa năm 2017, Thủ tướng Phúc phải ký một quyết định về hạn mức trả
tiền bảo hiểm.
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo
hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo
hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người
gửi tiền hoặc phá sản.
Theo quyết định trên, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản
tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả
gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi
tối đa là 75 triệu đồng. Trước đó, hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi áp dụng
từ năm 1999 là 30 triệu đồng và tăng lên 50 triệu đồng từ năm 2005.
Tuy nhiên tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017, nhiều ý kiến cho
rằng mức bảo hiểm tiền gửi chỉ có 75 triệu đồng vẫn là thấp so với việc
nhiều khách hàng gửi tiền tỷ vào ngân hàng, để khi ngân hàng đó phá sản
thì khách hàng coi như vị mất trắng.
Cần tham khảo, luật pháp Hoa Kỳ quy định hách hàng được nận mức bồi
thường khoảng 250 ngàn USD khi ngân hàng bị phá sản.
Giờ đây, tình hình còn nguy hiểm hơn nhiều so với năm 2016: thị trường
tín dụng đã và đang lan truyền thông tin về một số ngân hàng thương mại
nhỏ và cả ngân hàng nằm trong top đầu đã lọt vào “danh sách đen”. Kể cả
và đặc biệt là “ngân hàng quốc doanh lớn nhất” Agribank với tư cách quán
quân bị ra tòa vì tham nhũng…
Động thái “thí điểm phá sản ngân hàng” từ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
vào cuối năm 2016, Quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của Thủ tướng
Phúc ký vào tháng 6/2017 và tin tức về “chính phủ phê duyệt phá sản ngân
hàng” mới đây lại lồng trong bối cảnh nợ xấu thực chất trong hệ thống
ngân hàng đã lên đến 900 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 40 tỷ USD. Trong
10 tháng đầu năm 2017, khá nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng thêm về số
tuyệt đối, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ.
Trong khi đó, nguyên một kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017 đã chỉ có
thể “ra nghị quyết”, nhưng về thực chất không xử lý được một đồng nợ xấu
nào. Từ đó đến nay, cho dù một số ngân hàng đã tích cực siết nợ “dưới
ánh sáng soi đường của nghị quyết quốc hội”, nhưng tình cảnh vẫn chưa
được cải thiện bao nhiêu.
Rõ ràng hơn bao giờ hết, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đang
tồn tại hiện thời, chắc chắn có ít nhất 30% có thể phải “đội nón ra đi”,
trước khi kế hoạch “tái cơ cấu ngân hàng” đạt mục tiêu giảm phân nửa số
tổ chức tín dụng hiện có.
Câu hỏi rất lớn phải giải quyết là nếu một số ngân hàng thương mại nào
đó rơi vào tình cảnh phải phá sản, tiền gửi của người dân và doanh
nghiệp sẽ chịu số phận ra sao?
Nếu chiếu theo Luật phá sản, tài sản của ngân hàng phá sản sẽ phải nộp
đầu tiên cho cơ quan thuế của nhà nước, sau đó mới đến việc thanh toán
tiền tiết kiệm cho người dân và rồi mới đến doanh nghiệp. Nhưng đó chỉ
thuần túy là lý thuyết.
Không có gì chắc chắn đối với điều được xem là “an toàn” của các ngân
hàng Việt Nam, đặc biệt là nhiều ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ, luôn là
tác nhân trong những đợt sóng kinh hoàng về tăng lãi suất tiết kiệm và
lãi suất cho vay.
Sau hàng chục năm “tăng trưởng” với cơ chế cho vay vô tội vạ cùng “ngồi
mát ăn bát vàng” trên đầu các doanh nghiệp, đã đến lúc giới chủ ngân
hàng phải chịu đau đớn.
Nhưng không hề muốn đau đớn, chính phủ của ông Phúc đang cố gắng phủi đi
những hậu quả từ thời thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn Dũng để lại. Hiển
nhiên, ông Phúc không hề muốn “ôm” những ngân hàng sắp phá sản, cũng như
ông Phúc đã vừa phủi tay không đưa số nợ của các tập đoàn và doanh ngiệp
nhà nước – lên tới khoảng 230 tỷ USD – vào khái niệm nợ công quốc gia và
Luật Nợ công. |