RFI 12-3-14RSF tố cáo Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam là kẻ thù của internet
Nhân ngày thế giới chống
kiểm duyệt internet, tổ chức Phóng viên không
biên giới – RSF- có trụ sở tại Paris, Pháp, ngày
hôm nay, 12/03/2014, công bố bản báo cáo «
Những kẻ thù của internet ». Trong báo cáo
2014, RSF tố cáo những thủ đoạn kiểm duyệt
internet, bưng bít thông tin, của 32 định chế
tại nhiều quốc gia, kể cả ở phương Tây.
Đối với Việt Nam, báo cáo năm nay của RSF đã nêu đích danh Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trực thuộc Bộ này, là kẻ thù của internet.Theo RSF, để kiểm soát thông tin trên mạng, chính quyền Việt Nam đã sử dụng các phương tiện tư pháp, hành chính và công nghệ, được tập trung vào tay Bộ Thông tin và Truyền thông. Cho dù chính quyền và tư pháp Việt Nam không ngần ngại lạm dụng các điều khoản 88 và 79 trong Bộ Luật hình sự để bỏ tù những người làm thông tin, Bộ Thông tin và Truyền còn tiến hành chính sách riêng của mình để kiểm duyệt internet một cách khắc nghiệt và tỉ mỉ. Để làm việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã soạn thảo và đề xuất những văn bản pháp luật cho phép chính quyền dựa vào đó để tiến hành truy tố các blogger và các nhà ly khai sử dụng internet. Nhằm tránh phải trình bầy tại Quốc hội với nguy cơ bị các đại biểu chất vấn hoặc thậm chí bác bỏ các văn bản này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo các nghị định và trình Thủ tướng ký. Đó là trường hợp nghị định 97 được ban hành năm 2009. Tháng 11/2013, Việt Nam công bố nghị định 174, có hiệu lực từ 15/01/2014. Văn bản này đưa ra những biện pháp trừng phạt mới đối với cư dân mạng đăng các bài có nội dung « tuyên truyền chống Nhà nước » hoặc « các tư tưởng phản động » trên mạng xã hội. RSF nêu ra một văn bản khác : Đó là nghị định 72, có hiệu lực từ 01/09/2013, được đánh giá là một sự vi phạm chưa từng thấy về quyền tự do thông tin tại Việt Nam. Nghị định này hạn chế việc sử dụng các blog và mạng xã hội trong việc « phổ biến » hoặc « chia sẻ » thông tin « cá nhân ». Thậm chí, văn bản này cấm cả việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin của báo chí. Do Việt Nam không có báo chí tư nhân, nhiều người phải dùng blog để thể hiện quan điểm của mình về những vấn đề của đất nước. Thế nhưng, hầu như toàn bộ các blog và website, bị coi là có quan điểm trái ngược với chế độ, đã bị phong tỏa và chủ nhân các blog này bị bắt, kết án tù giam. Theo RSF, các tập đoàn cung cấp dịch vụ internet lớn tại Việt Nam như VNPT hay Viettel đã phong tỏa các website, blog theo yêu cầu của chính quyền. Đồng thời, chính quyền còn áp dụng các biện pháp theo dõi, nghe lén, gây nhiễu, đánh sập các blog, website, câu lưu các blogger, cài virus tin học. Bất chấp các hành động ngăn chặn, trấn áp của chính quyền, RSF nhận định là đã xuất hiện xu hướng quốc tế hóa các hoạt động của blogger Việt Nam. Ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, RSF đặc biệt chú ý đến những kẻ thù của internet khác như Cơ quan quản lý Viễn thông của Pakistan, Cơ quan an ninh liên bang Nga – FSB, Trung tâm khai thác và phân tích thông tin của Belarus, Cơ quan quản lý thông tin điện tử Nhà nước của Trung Quốc hay Cơ quan thông tin khoa học và kỹ thuật trung ương của Bắc Triều Tiên. Ba định chế tại các quốc gia dân chủ cũng bị RSF coi là kẻ thù của internet, như Cơ quan an ninh quốc gia - NSA - Hoa Kỳ, Cơ quan tình báo điện tử - GCHQ của Anh Quốc và Trung tâm phát triển phần mềm tin học - CDOT - của Ấn Độ.
|