Việt Nam sẽ có lợi nếu ngay thời điểm này đưa Trung Quốc ra kiện ở tòa án quốc tế vì đã 'đưa giàn khoan vào lãnh hải của Việt Nam' với khoảng cách chỉ còn cách Đà Nẵng 120 hải lý.
Đây là quan điểm của một chuyên gia luật quốc tế và cựu Vụ trưởng Ban Biên giới chính phủ, được đưa ra hôm 05/5/2014 nhân sự kiện Việt Nam vừa phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Hôm thứ Hai, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nói với BBC động thái mới về giàn khoan của Trung Quốc 'nghiêm trọng hơn' rất nhiều vụ cắt cáp tàu Bình Minh trước đây và ông khẳng định đây là thời điểm thích hợp cho một vụ kiện độc lập:
"Tôi tin là như vậy, Việt Nam có lợi trong lập luận, trong chứng cứ thực tế, cũng như trong sự ủng hộ của quốc tế, ít nhất là các quốc gia ven Biển Đông.
"Bởi vì hành động này nghiêm trọng hơn vụ việc tàu Bình Minh bị cắt cáp. Khi tàu Bình Minh bị cắt cáp, nó như một sự khiêu khích thôi.
"Nhưng hành động này đang tạo nên một tiền lệ để củng cố cho sự hiện diện dần dần của Trung Quốc xuống phía Nam Biển Đông để mà thôn tính Trường Sa, cũng như một số vùng giàu tài nguyên nằm trên vùng thềm lục địa của Việt Nam."
Ngoài ra, theo ông Giao, Việt Nam cần có các hành động mạnh mẽ, dứt khoát hơn, mà trong đó phải sử dụng các đường dây điện thoại nóng để trao đổi thẳng thắn trên tư cách nhà nước với nhà nước, với Trung Quốc mà không nên dùng cách đối thoại 'doanh nghiệp - doanh nghiệp.'
Nhà luật học nói: "Trong trường hợp nghiêm trọng như thế này, rất đáng tiếc, câu hỏi của tôi không biết rằng Bộ Ngoại giao có dùng đường dây nóng đó để trao đổi thẳng thắn, trực tiếp với Chính quyền Trung Quốc hay không.
"Trong khi đó về phía Việt Nam, chỉ có Tổng công ty dầu khí Việt Nam gửi văn bản phản đối đối với Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc. Đây là hai doanh nghiệp, trong khi vấn đề không phải là giữa các doanh nghiệp, vấn đề là vấn đề giữa hai quốc gia."
'Lúng túng'
Hôm 05/5, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam, nay chuyển thành nhà bất đồng, nói với BBC rằng cách thức xử lý của chính phủ và lãnh đạo Việt Nam trong vụ việc là quá 'lúng túng'.
"Lãnh đạo Việt Nam chắc cũng đang hết sức lúng túng, và đang rất khó xử trong những tình huống như thế này, nhất là khi Trung Quốc rõ ràng đã công khai lấn chiếm Biển Đông," ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ nói.
"Hiện nay, lãnh đạo Việt Nam vẫn dừng ở mức phản ứng như mọi khi, tức là chưa có sự tiến triển. Lấy một công ty, lấy Công ty Dầu Khí Việt Nam để gửi thư phản đối.
"Rồi ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Việt Nam, vẫn nói như thế: có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, tức là những câu, những thứ phản ứng rất là lười suy nghĩ.
"Vẫn lấy bài bản cũ để áp dụng cho một hiện tượng mà nó đã khác hẳn tính chất, so với những lần trước."
'Nên chủ động'
Hôm 05/5, một nhà nghiên cứu khu vực học và quốc tế học từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng quy mô của giàn khoan và động thái triển khai giàn khoan 981 của Trung Quốc là rất nghiêm trọng với Việt Nam.
"Hành vi mang một giàn khoan siêu khủng và đặt lên trên đó và người ta có thông báo thời hạn từ ngày bao nhiêu, đến bao nhiêu đó, thì tôi nghĩ chuyện Trung Quốc đặt ra giới hạn hoạt động cho dàn khoan này chỉ là thủ đoạn thôi.
"Khi đã đặt xuống biển rồi, với độ sâu 3.000 mét trên đáy biển, khó lòng Trung Quốc có thể rút cái đó ra," Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế, từ Khoa Quốc tế học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nói.
"Có lẽ người Việt Nam cũng đang chờ đợi kết quả khởi kiện của người Philippines đối với Trung Quốc trong chuyện lấn chiếm các vùng lãnh thổ của họ.
"Nhưng chờ đợi cũng không phải là biện pháp tốt nhất, tôi nghĩ là nên chủ động. Việt Nam cần phải tích hợp các cứ liệu, không phải chỉ riêng giàn khoan này mà còn có nhiều sự kiện khác, để chúng ta thống kê.
"Và trong một chừng mực cần thiết, chúng ta có thể đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế."
Theo ông Kế, Việt Nam cần tận dụng các kênh pháp lý từ ở khu vực lẫn ra quốc tế, và tích cực chuẩn bị mà không nên để rơi vào tình trạng quá bị động và muộn mằn.
Ông nói: "Có lẽ theo quan điểm của tôi, cần phải nghiên cứu kỹ kênh pháp lý này, chứ không phải chỉ là tình trạng đến lúc nước đến chân mới nhảy."