Báo chí truyền thông có một ý
nghĩa hết sức quan trọng trong
đời sống xã hội. Ở Việt Nam,
chính quyền coi truyền thông có
vai trò đặc biệt quan trọng
trong việc định hướng tư tưởng
cho người dân và dư luận xã hội,
nhằm tạo nên sự ổn định về chính
trị. Cũng có lẽ bởi chính quyền
hiểu về sức mạnh của báo chí,
như Napoleon Bonaparte đã khẳng
định "Bốn
tòa báo đối nghịch còn đáng sợ
hơn cả ngàn lưỡi lê".
Truyền
thông đại chúng, là quá
trình truyền tải thông tin
đến cho rộng rãi công chúng,
quá trình này được tiến hành
thông qua các lọai hình báo
chí. Truyền thông đại chúng
có vai trò to lớn trong việc
định hướng dư luận xã hội là
điều không còn phải bàn cãi.
Trong thời đại bùng nổ thông
tin thì vai trò của truyền
thông ngày càng lớn và là
mối e ngại của nhiều chính
quyền ở những quốc gia có
hơi hướng độc tài, mà Việt
Nam là một trong số các quốc
gia đó.
Việt Nam
là một trong số các quốc gia
có sự kiểm soát gắt gao
truyền thông và không chấp
nhận truyền thông phi nhà
nước. Truyền thông ở đây
được người ta chia thành hai
loại: truyền thông chính
thống - lề phải (của nhà
nước ) và truyền thông phi
chính thống (đối lập) - lề
trái (không phải của nhà
nước).
Sự so
sánh về số lượng các phương
tiện truyền thông sẽ là điều
kệch cỡm vì sự cách biệt quá
lớn. Dĩ nhiên truyền thông
nhà nước luôn áp đảo và trở
thành nguồn cung cấp tin tức
cho đa số dân chúng. Cũng
bởi do tính đa dạng của các
loại hình truyền thông và
được dùng nguồn chi phí lớn
từ ngân sách nhà nước, song
điều quan trọng hơn là do
chính quyền nhà nước coi
trọng và muốn định hướng dư
luận. Tuy vậy một điểm yếu
của truyền thông nhà nước là
chỉ đưa tin một chiều có lợi
cho mình, đó chính là lý do
kích thích người dân chủ
động tìm kiếm các thông tin
được cho là nhạy cảm, cấm kỵ
thậm chí kể cả những chuyện
thâm cung bí sử luôn có sẵn
trên các phương tiện thông
tin lề trái.
Truyền
thông lề trái tuy khiêm tốn
hơn, ngoài một số ít đài
phát thanh Việt ngữ của các
cơ quan thông tấn nước
ngoài, các tổ chức hay cá
nhân người Việt ở nước ngoài
mang tính chuyên nghiệp. Còn
lại là lực lượng các nhà
báo, các bloggers không
chuyên với các trang tin,
website, blog cà các tài
khoản cá nhân trên các mạng
xã hội như facebook,
twitter... Tuy vậy những cái
đó cũng đã gây cho chính
quyền không ít lo ngại, bởi
vì nó đã đề cập tới các vấn
đề nhà nước không muốn nhắc
tới, và không muốn người dân
biết đến. Quan trọng hơn,
nhờ có những thứ đó nên
không ít người dân luôn nghi
ngờ các thông tin từ truyền
thông của nhà nước.
Ở Việt
Nam Internet và mạng xã hội
là phương tiện cứu cánh cho
truyền thông lề trái, nó
không chỉ là phương tiện
viết, xuất bản... mà còn là
nơi chia sẻ tin tức hết sức
nhanh chóng. Mỗi facebooker
hay twitter trở thành một
người chuyển tải và phát
hành tin tức miễn phí cho
cộng đồng mạng. Và đến nay,
hầu hết các trí thức ở Việt
Nam đều quan tâm đến việc
tìm kiếm thông tin chính trị
xã hội ngoài luồng và việc
truyền thông lề trái đã có
khả năng định hướng dư luận
cho một số đông người sử
dụng internet ước chừng
khoảng 10 % là điều hoàn
toàn có thể. Đây là số lượng
hết sức khiêm tốn ở một quốc
gia như Việt Nam có số lượng
trên dưới 30 triệu người có
điều kiện sử dụng internet.
Truyền
thông lề trái đã có những
đóng góp tích cực cho sự
phát triển ở Việt Nam trong
những năm qua. Chính nhờ sự
phản biện của truyền thông
lề trái và dư luận xã hội đã
có ảnh hưởng và làm thay đổi
rất nhiều chính sách, phát
biểu của các vị lãnh đạo các
cấp. Hơn thế nữa những cái
đó cũng ảnh hưởng tới báo
chí lề phải, khiến họ phải
mạnh dạn đưa tin nếu không
muốn mất độc giả.
Chuyện không đáng có:
Gần đây,
trước sự biến chuyển của
chính trị quốc tế và trong
nước đã làm cho ban lãnh đạo
Việt Nam có vẻ đang thay đổi
chính sách đối ngoại. Xu
hướng thân phương Tây, đặc
biệt là Hoa kỳ được gia tăng
dần thay cho quan hệ đối tác
chiến lược toàn diện Việt
Nam - Trung Quốc. Người ta
tin rằng chính quyền Hà Nội
sẽ bằng mọi cách để gia nhập
tổ chức Hiệp định Đối tác
Kinh tế Chiến lược xuyên
Thái Bình Dương (Trans-Pacific
Strategic Economic
Partnership Agreement - viết
tắt TPP). Vì thế nhiều
người cho rằng vấn đề nới
lỏng các chính sách về nhân
quyền sẽ được quan tâm và
việc thả trước thời hạn các
tù nhân lương tâm sẽ là ưu
tiên hàng đầu.
Trước
ngày quốc khánh năm nay,
người ta tin rằng trong dịp
Đặc xá tù nhân hàng năm vào
dịp này sẽ có một số lượng
tù nhân lương tâm sẽ được
đặc xá, thậm chí là tha bổng
trước khi xét xử. Các thông
tin dồn dập về việc sắp thả
Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh,
Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải
hay việc xét xử Bùi Hằng
được cho là một phiên tòa
tốt có khả năng các bị can
được tha bổng tại Tòa v.v..
xuất hiện trên các trang
website. Vậy mà cho đến ngày
hôm nay, sau quốc khánh đã
nhiều ngày những thông tin
đó chỉ là những thứ đánh giá
và nhận định sai, song đáng
tiếc là không thấy sự cải
chính hay xin lỗi từ những
trang báo khởi nguồn của
những tin tức này.
Cũng như
việc gần đây có những tác
giả vô tình hay có chủ ý cắt
xén các dẫn chứng, của người
nọ gắn cho người kia để đưa
ra các nhận định, bình luận
không đúng với thực tế, mang
hơi hướng cho sự cổ xúy có
lợi cho chính đảng cầm
quyền. Chuyện tương tự cũng
đã xảy ra từ rất lâu trong
phong trào đấu tranh cho Dân
chủ và giải thể Cộng sản,
khi ấy các tổ chức và cá
nhân chống cộng theo xu
hướng cực đoan luôn tạo ra
một ảo tưởng việc giải thể
chính quyền cộng sản hiện
tại để xây dựng một xã hội
đa nguyên dân chủ ở Việt Nam
là chuyện dễ dàng. Những giả
thuyết ấn định bằng thời
gian cụ thể, như 6 tháng
nữa, một năm nữa... rồi ba
năm nữa v.v... cho rằng kinh
tế Việt Nam sẽ sụp đổ kéo
theo sự sụp đổ của chính
quyền. Thời gian đã trôi
qua, bằng cả chục lần thời
gian người ta giả định mà
vẫn thấy chính quyền hiện
tại ở Việt Nam hầu như không
sứt mẻ. Đây là vấn đề đáng
suy nghĩ.
Hiện
tượng này không chỉ đã khiến
cho những người làm báo
nghiêm túc bức xúc, mà quần
chúng nhân dân những người
theo dõi các thông tin
truyền thông lề trái cũng
hết sức bất bình. Xin được
trích một đoạn trong bài
viết "Nhìn
lại cuộc đấu tranh" gần đây
của nhà báo Bùi Tín nói về
thái độ lạc quan tếu của một
số tổ chức và cá nhân:
"Ví dụ như thái độ lạc quan
thiếu cơ sở, với nhận định
chủ quan là trong Bộ Chính
trị có một nhóm gọi là «nhóm
đổi mới, cấp tiến, thân
phương Tây» có khả năng dành
thế áp đảo, tiến hành một
cuộc «xoay trục hoành
tráng», thực hiện “liên minh
toàn diện với Philippines,
Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ».
Cũng có cả quan điểm cho
rằng Quân đội Nhân dân VN từ
khi có tổng tham mưu trưởng
mới đã ngả dần sang phương
Tây, do Hoa Kỳ lôi kéo và
tác động. Theo xu hướng lạc
quan như thế, đã có người
tin rằng chính quyền sẽ trả
tự do cho ba nhà bất đồng
chính kiến ở tòa án Đồng
Tháp, và một số bà con theo
đạo Hòa Hảo còn chuẩn bị
cuộc rước đón hân hoan, để
rồi rốt cuộc bị thất vọng,
sững sờ trước ba bản án quá
nặng."
Lòng tin
của con người là có giới
hạn, nó không cho phép ai
lạm dụng và lãng phí lòng
tin của dân chúng. Hình như
những nhà báo này, họ đã
quên mất câu "Một sự bất tín
thì vạn sự bất tin". Họ đã
không biết rằng một số không
nhỏ các bạn đọc đã và đang
bắt đầu hoài nghi về tính
trung thực, chính xác của
các thông tin của lề trái.
Càng tệ hơn khi biết điều
này thì một vài tác giả lại
cải chính bằng các bài viết
viện dẫn các lý do khách
quan thay vì nhận ra những
thiếu sót của bản thân mình.
Kinh nghiệm xưa
Trong
chiến tranh, một trong những
kinh nghiệm của những người
chỉ huy nhằm để giữ tinh
thần cho những người lính
trên các chặng đường hành
quân từ Bắc vào Nam trên con
đường mòn Hồ Chí Minh thiết
nghĩ cũng là những kinh
nghiệm của những người đấu
tranh cho Dân chủ nói chung
và các nhà báo nói riêng.
Ngày ấy
chuyển quân từ Bắc vào Nam,
từ Quảng bình trở vào bộ đội
đều hành quân đi bộ theo
đường mòn. Khoảng cách mỗi
một cung đường là hai Binh
trạm cách nhau khoảng trên
dưới 20 km. Binh trạm là các
điểm dừng chân của các đơn
vị bộ đội để nghỉ ngơi lấy
sức qua đêm cho chặng đường
sắp tới. Ban ngày bộ đội sẽ
hành quân bắt đầu đi từ
khoảng 8 giờ sáng, đến trạm
nghỉ thì trời đã tối. Đằng
đẵng như thế cả tháng trời.
Người dẫn đường cho các đoàn
quân vào Nam ra Bắc là người
của Binh trạm gọi là giao
liên.
Ai đã đi
bộ đường dài thì sẽ hiểu,
vấn đề tâm lý của người đi
đường rất quan trọng. Nhưng
nếu như người dẫn đường bảo
bạn đường chỉ dài khoảng 20
km đi chỉ hết 6 giờ đồng hồ,
nghĩa là kể cả nghỉ ngơi
cũng chỉ khoảng 4 giờ chiều
là tới thì tâm lý của bạn sẽ
ở một tâm trạng khác. Nếu
đến 4 giờ chiều mà vẫn chưa
thấy đến thì người ta bắt
đầu nghi ngờ. Đến 5 giờ
chiều cũng chưa đến thì
người ta sinh ra nghi ngờ
người chỉ huy và bắt đầu nảy
sinh tâm lý chán nản, khi ấy
bước chân của họ sẽ lê không
nổi. Nhưng một người giao
liên có kinh nghiệm thì họ
sẽ dự trù thời gian rộng
hơn, đáng đến đích 4 giờ
chiều thì họ sẽ nói đến đích
khoảng 7 giờ tối. Như vậy
chỉ khoảng 5-6 giờ tối khi
đã đến đích thì mỗi người
lính ai cũng thấy vui vẻ,
quên đi hết nỗi nhọc nhằn
trên đường hành quân.
Điều đó
cho thấy đưa ra các dự báo
là điều cần thiết, có giá
trị kích thích tinh thần,
song các dự báo hay nhận
định quá viển vông phi thực
tế thì lại là điều bất lợi.
Nó sẽ hủy hoại niềm tin và
đánh mất sức chiền đấu của
mọi người.
Kết
Công
cuộc đấu tranh cho Dân chủ
cũng như một cuộc vận động
đường dài mà cái đích ở đâu,
lúc nào thì chưa ai có thể
xác định rõ được. Nhưng do
tính chính nghĩa cộng với sự
tự do dân chủ mang trong nó
tính tất yếu của thời đại
nên việc đến đích là chuyện
tất yếu. Chắc chắn nó sẽ
đến, nhưng nhanh hay chậm
thì phụ thuộc vào sự nỗ lực
của mỗi cá nhân và tổ chức.
Nhưng không thể nhận định và
dự liệu trước một cách quá
phóng khoáng tới mức lạm
dụng lòng tin của quần chúng
là điều tối kỵ.
Chỉ sau
vài năm, sự lớn mạnh và hiệu
quả của truyền thông lề trái
với hệ thống các đài phát
thanh Việt ngữ, các trang
website, blogs hay các tài
khoản cá nhân trên các mạng
xã hội đã tạo thành một hệ
thống tiếng nói đối lập với
tính phản biện cao và trở
thành một đối thủ xứng tầm
với truyền thông nhà nước.
Quan trọng hơn cả là chính
quyền đã buộc phải quan tâm
và có các sự điều chỉnh phù
hợp trong các chính sách
phát triển trong các lĩnh
vực kinh tế - xã hội và kể
cả chính trị.
Tuy
nhiên việc tạo lòng tin cho
người dân phải là vấn đề
hàng đầu cần được chú trọng,
không có sự biện minh hay
cải chính nào từ người làm
báo có thể lấy lại niềm tin
đã đánh mất từ bạn đọc.
* Đây
là trang Blog cá nhân của
Kami. Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á
châu Tự do RFA