Nguyuời Việt Sắm vàng 'kiểu' người Việt ở Little Saigon
WESTMINSTER (NV) - Trong khi phần lớn đều lắc đầu lia lịa, tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe hỏi, “Từ lúc qua Mỹ đến giờ có khi nào mua vàng để dành không,” thì cũng có một số người dè dặt, ngập ngừng trả lời kiểu, “Hồi trước cũng có chút đỉnh, giờ hết rồi.” Chẳng ai “dại” gì khai ra là “Có, tôi hay mua vàng lắm. Giờ tôi cũng có cả mấy chục cây vàng cất ở nhà!” Tuy nhiên, chỉ cần nhìn số lượng tiệm vàng vẫn còn tồn tại trong chợ Phước Lộc Thọ và quanh vùng Little Saigon này thôi cũng có thể nghĩ đến phần nào nhu cầu mua bán vàng diễn ra tại đây. Không giống như những phóng sự viết về nhà hàng, quán ăn, tiệm bán quần áo, vải vóc..., nhà báo có thể đến đứng trước tiệm, chờ đón những người khách ra vào để mời phỏng vấn. Với các tiệm vàng, vừa mới lò dò “chặn” một người khách vào tiệm để hỏi thăm chuyện mua bán vàng là họ đã nhìn người hỏi bằng cặp mắt “kinh ngạc,” đầu thì lắc, chân thì bước, miệng thì “sorry.” Chính vì lý do đó mà bài toàn bộ những người đồng ý trả lời phỏng vấn cho bài tìm hiểu về tâm lý mua sắm để dành vàng trong người Việt tại Little Saigon đều được đổi tên để bảo đảm sự an toàn trong chừng mực có thể. Vẫn mua vàng cất vì 'thói quen' Một trong số những người bền bỉ và kiên trì với suy nghĩ “muốn để dành 'của' thì phải mua vàng” là bà Liên Phạm, ngoài 60 tuổi, hiện sống tại thành phố Westminster. Có thể xem bà Liên, người phụ nữ thấp, nhỏ, chân mang dép, đầu đội nón mỗi khi ra đường này là hình ảnh tiêu biểu thường thấy của nhiều người “nội trợ” hay làm những công việc phụ buôn bán, lãnh tiền mặt, sống quanh khu vực Little Saigon. Là người gốc Hải Phòng, sang Mỹ từ giữa thập niên 1980, bà Liên lặp gia đình, sinh con đẻ cái và làm phụ việc cho một tiệm phở. Dường như hai mươi mấy năm qua, chân bà bén rễ với vùng đất nổi tiếng đông người Việt này, và bà sống “như một người Việt,” trên đất Mỹ. Bà Liên đi làm lãnh tiền mặt, và “không nhớ rõ là bắt đầu từ năm nào, chỉ nhớ là khi nghĩ đến chuyện để dành thì cứ mỗi đầu tháng, khi lãnh tiền lương ra thì đi mua một 'au' (ounce) vàng để dành.” Vì đó là “của để dành” nên bà không quan tâm lắm đến chuyện “vàng hôm nay lên hay xuống” mà chỉ biết là bà hiện có trong tay được bao nhiêu “ounce” vàng. Một ounce vàng thì chưa tới một cây (một lượng). Một cây vàng nặng 37,50 gram, còn một ounce vàng nặng 31,103 gram. Thành quả sau bao nhiêu năm góp nhặt của bà Liên Phạm đạt đến con số bao nhiêu cây vàng thì bà không cho biết, chỉ biết là khi bà mua nhà thì nhà đó được trả bằng vàng (đổi ra tiền). Bốn đứa con của bà, đứa nào cũng vậy, khi bước chân vào đại học là bà “mua cho mỗi đứa một chiếc xe mới, 'trả đứt một lần'” cũng từ vàng bà để dành mà ra. “Tôi cũng không biết tại sao tôi lại có suy nghĩ mua vàng để dành. Chỉ nhớ là hồi nhỏ tôi thấy má tôi cũng mua vàng. Giờ qua đây thì đi làm lãnh tiền mặt, tôi cũng mua vàng, chứ đâu có biết để dành trong nhà 'bank'. Mà để tiền thì người ta biết, người ta cắt trợ cấp làm sao!” Người phụ nữ này cho biết lý do bà cất vàng. Bà giải thích thêm, “Nhớ hồi đó tui mua mỗi 'au' có chừng $300 à, đến bây giờ thì giá lên một ngàn mấy rồi. Kỳ rồi thấy giá vàng tuột xuống quá trời, nhưng mà mình cũng có buôn bán gì đâu mà lo, mua mấy 'au' còn mấy 'au'. Để dành mà!” Trả lời câu hỏi “Cất vàng trong nhà có sợ bị ăn cướp không?” bà Liên nói ngay, “Sao lại không sợ! Phải biết cách giấu.” Người xa lạ nhìn dáng vẻ bề ngoài của người phụ nữ này thì khó lòng nghĩ rằng bà là người “có của ăn của để.” “Đó cũng là một cách để thiên hạ đừng chú ý.” Bà nói. “Nhưng quan trọng là phải biết cách giấu.” “Giấu trong mấy chậu cây, trong tủ lạnh, dưới thùng rác, hay giữa các nệm giường. Nhiều chỗ để giấu mà.” Bà Liên chỉ. Bà Liên mô tả chi tiết một vài cách cất vàng, nhưng không khẳng định đây có phải là cách bà thường dùng hay không, đó là “giấu trong tủ lạnh.” “Gói mấy miếng vàng lại bằng nylon rồi nhét vô giữa hộp thịt bằm, bỏ vô ngăn đá. Đó là một cách.” Bà Liên chỉ vẽ. “Có khi bỏ vô một túi áo nào đó trong mớ quần áo treo trong tủ. Cứ mỗi chỗ giấu một ít. Đâu có ai dại gì mà bỏ nguyên đống vàng vô một chỗ. Lỡ có ăn cướp hay đứa nào xấu mồm xấu miệng nó chỉ thì mất hết có mà tức chết!” “Nhưng giấu ở đâu thì phải nhớ.” Người phụ nữ này nhắc thêm. Bà Loan Huỳnh, tròm trèm tuổi 70, cũng là một người bị những miếng vàng lá mê hoặc. Bà sang Mỹ theo diện bảo lãnh năm 2000, hiện sống cùng vợ chồng người con trai út tại thành phố Fountain Valley. Những năm đầu sang Mỹ, vừa phụ trông cháu cho con trai và con dâu đi làm, bà Loan cũng nhận giữ thêm vài ba đứa trẻ khác. Có ít đồng ra đồng vào, bà cũng “đón xe bus ra Phước Lộc Thọ mua 'khâu' để dành.” Không có đủ tiền để mua mỗi lần cả lượng cả cây, bà Loan mua theo kiểu “góp gió thành bão.” Tức là cứ nhắm có tiền mua được chừng 1, 2 chỉ là bà mua ngay. “Nói cô đừng cười chứ tôi thích cầm cái túi vàng mỗi ngày mỗi nặng thêm,” bà Loan khoe. Dĩ nhiên, đi đâu bà Loan cũng mang kè kè túi vàng bên người. Để dành vàng theo kiểu đó, mỗi khi có bà con họ hàng bên Việt Nam cần giúp đỡ, hay muốn gửi tiền về giúp cho các hội từ thiện ở Việt Nam, thì bà lại mang một “khâu” đi bán lấy tiền. Vài năm trước đây, bà Loan bắt đầu được “lãnh tiền già.” Theo lời người phụ nữ này thì con cái bà “hiếu thảo ngoan ngoãn theo kiểu Việt Nam,” tức là “không bắt tôi phải đóng tiền nhà, trả tiền cơm như nhiều gia đình khác,” nên khi có tiền rủng rỉnh trong túi thì bà lại “đi ra tiệm Ngọc Bích mua vàng để dành.” Vẫn mua vàng cất vì 'vàng là vĩnh cửu' Ông Phước Trần ở Westminster không trả lời vào câu hỏi “có thói quen mua vàng để dành hay không,” mà chỉ nói, “Cô muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi, tôi biết cái gì thì trả lời cái đó.” Điều đầu tiên ông Phước, một công chức đã về hưu, cho biết là ông không có giữ tiền trong ví, ông “chỉ có một đồng tiền vàng khoảng chừng một ounce lúc nào cũng mang theo mình” để “phòng thân.” “Đồng tiền vàng này hiện có giá khoảng $1,700. Khi có việc cần, tôi đi bất kỳ ở đâu bán cũng được, giá chỉ chênh lệch chừng $5-$10 ở mỗi tiệm. Tiệm Mỹ hay tiệm Việt gì cũng vậy. Cất đồng tiền vàng gọn hơn là cất 17 tờ bạc 100.” Ông Phước giải thích. “Vàng có giá trị vĩnh viễn” hay “Gold for ever” là quan niệm của người đàn ông có nhiều am hiểu về lãnh vực vàng bạc này. Ông Phước cho rằng, “Nhiều người trong chúng ta đi qua chiến tranh rồi đều đã chứng kiến, cháy nhà là cháy hết, không còn gì hết. Nhưng mà về lại ngôi nhà cháy, đào đất lên thì vàng vẫn còn nằm ở dưới. Tôi nói vàng có giá trị vĩnh viễn là như vậy. Chưa kể giữ 10 cây vàng thì gọn hơn là tìm chỗ cất 16, 17 ngàn đô la.” Theo ông Phước, “người dân bình thường mua vàng tích cóp để dành trong nhà thì không quan tâm đến vàng lên hay vàng xuống, không có thấy sợ hãi gì hết.” Nhưng “với những người có chút tiền, xem chuyện mua bán vàng không chỉ là niềm vui mà còn để sinh lợi thì lại khác.” “Những người hay mua vàng thì sẽ có tiệm quen. Họ sẽ dặn tiệm, thí dụ như 'khi nào vàng lên trên giá $1,7000 thì gọi cho tôi, hay khi nào vàng xuống đến $1,350 thì cho hay.' Rồi khi nghe tiệm gọi báo giá thì họ sẽ tùy theo nhu cầu mà dặn để dành cho 5 cây, 7 cây gì đó, chừng nửa tiếng một tiếng sau chạy ra đưa tiền lấy vàng, hoặc bán vàng.” Ông Phước giảng giải. Với những người mua sắm vàng theo kiểu này, ông Phước cho rằng “cần phải theo dõi giá vàng hàng ngày, lạng quạng một chút là ôm hận như chơi!” Cũng theo ông Phước, để “chắc ăn” là tiệm vàng sẽ gọi cho mình khi giá vàng lên hay xuống, thì những người mua vàng để buôn bán kiếm lời kiểu này thường gửi sẵn nơi tiệm quen chừng $1,000, như một cách đặt cọc làm tin. “Có vậy thì tiệm vàng mới nhớ ra mà gọi chứ ai rảnh đâu mà lo cho mình.” Ông Phước nói. Người đàn ông này cũng khẳng định thêm một điều là “ở đâu không biết, nhưng riêng với các tiệm vàng Phước Lộc Thọ thì chỉ có dùng tiền mặt mà thôi. Từ đây cũng có thể hiểu hầu hết những người cất giữ vàng là người đi làm lãnh tiền mặt. Không tin cứ ra hỏi thử!” Khi được hỏi “trong thời điểm này nên mua vàng hay nên bán vàng” thì ông Phước không ngần ngại trả lời ngay, “Mua.” Không mua vàng để dành vì “lỗ sặc máu” Ngược lại với suy nghĩ của bà Liên Phạm, ông Phước Trần, và bà Loan Huỳnh, là bà Minh Lê ở Westminster. “Tôi không nghĩ mua vàng cất là có lợi.” Bà Minh nêu suy nghĩ, “Vì vàng có những biến động mà mình không ngờ được.” Bà Minh Lê, ngoài 60 tuổi, hiện làm việc cho một công ty địa ốc, cho biết trước đây bà cũng từng “bắt chước người ta mua vàng để dành.” “Lúc mình mua mỗi cây đâu chừng $400. Để đó gần cả 4, 5 năm bán ra cũng giá như vậy, chẳng có lời lóm gì hết. Trong khi nếu lúc đó lấy tiền gửi ngân hàng thì còn có lời chút đỉnh.” Bà Minh từ tốn giải thích. Bà Minh nói thêm một cách dí dỏm, “Mà nhiều khi chắc tại mình không có số trữ vàng. Tôi mua cùng lượt với bạn tôi. Khi tôi bán thì bà bạn không bán. Tôi bán rồi không bao lâu thì tự dưng vàng lên quá chừng. Bạn tôi bán ra lúc giá trên dưới $1,300 lận.” Hiện tại, bà Minh vẫn giữ nguyên suy nghĩ nếu có tiền “nhàn rỗi” không biết làm gì thì mang gửi ngân hàng hay “nếu sợ người ta biết mình có nhiều tiền mặt” thì mướn “safety box” trong ngân hàng mà cất hoặc “gửi con cháu”, chứ “mua vàng lên xuống thấy lỗ lã quá!” Chị Hồng Nguyễn ở Midway City cũng cùng suy nghĩ như bà Minh Lê, “Không bao giờ còn muốn mua vàng cất nữa.” “Chắc tại tôi vụng tính nên sao cứ mỗi lần đụng tới vàng là bị từ lỗ tới lỗ.” Chị Hồng cho biết gần đây nhất chị “bắt chước” người ta mua vàng để dành, nhưng “lúc mua thì giá $2,050 một lượng, giờ thì thiệt tình là không dám ngó tới luôn, vì nó xuống thấp quá chừng.” Quả thật, ngay tại thời điểm này, giá một cây vàng được bán ra tại tiệm vàng Ngọc Bích là $1,610, và mua vào là $1,590. Vậy, số tiền mà chị Hồng lỗ trên mỗi lượng vàng nếu bán ra lúc này là $460. Một sự thất thu không nhỏ. Theo lời chị Hồng Nguyễn, đang làm kế toán cho một công ty buôn bán đồ gỗ, thì khi quyết định lấy tiền của người thân gửi “nhờ giữ dùm” để mua vàng, chị “cũng lên internet coi giá vàng, coi xu hướng vàng lên hay xuống, thấy dự đoán vàng sẽ lên mình mới mua. Ai dè, mới 6, 7 tháng mà lỗ sặc máu. Bán ra bây giờ thì lấy tiền đâu bù vô để trả lại đủ số tiền người ta gửi. Thiệt tình là tôi đành bỏ lơ luôn. Kệ, đến khi nào họ đòi thì tính.” Chị Hồng nói một cách ngán ngẩm. Ông Tonny Phan, một người buôn bán vàng sỉ lâu năm tại Mỹ, cũng cho rằng “số người mua vàng để cất giữ làm của không nhiều đâu. Có chăng chỉ một số ít người lớn tuổi, vẫn giữ nếp nghĩ vàng bạc là vật liền thân nên chắt mót mua vàng để dành. Còn lại thì họ mua 'vàng đồ', tức vàng nữ trang để mang thôi.” “Tiền Mỹ dẫu sao cũng ổn định, có giá hơn nhiều so với tiền Việt Nam. Cho nên người dân ở đây không có tâm lý giữ tiền sẽ có lúc trắng tay như thời còn ở Việt Nam. Nhưng giữ vàng ở đây không khéo có ngày tán gia bại sản chứ chẳng chơi!”
|