RFA 26-7-13Gặp gỡ Obama-Trương Tấn Sang: hai bên cùng thắng
Nam Nguyên, phóng
viên RFA
Mục đọc báo trên mạng hôm nay Nam Nguyên cùng quí vị điểm lại chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang qua ghi nhận của truyền thông báo chí. Xích lại gần nhauCuộc hội kiến tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang sáng 25/7 đã kéo dài hơn dự định 30 phút. Phát biểu sau cuộc Hội đàm Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nói: “Chân thành mà nói thì tôi và ngài tổng thống Obama vừa có một cuộc hội đàm hết sức thẳng thắn, xây dựng hết sức có bổ ích và có hiệu quả, với những sự tiến bộ trong suốt 18 năm qua, kể từ hai đất nước chúng ta bình thường hóa quan hệ cho đến nay đã đến lúc hai nước cần xác lập một khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện làm cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ trên các lãnh vực của hai nước chúng ta trong thời gian tới. Chúng tôi đã bàn một cách cặn kẽ và sâu rộng về vấn đề quan hệ chính trị đối ngoại, về vấn đề khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, an ninh quốc phòng, về vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, về vấn đề khắc phục môi trường về vấn đề người Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như vấn đề quyền con người tại Việt Nam….” Toàn văn phát biểu của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam sau cuộc gặp gỡ song phương được Văn phòng Báo chí Tòa Bạch Ốc phổ biến lúc 11g30 ngày 25/7/2013. Vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày theo giờ đông bộ Hoa Kỳ tức 1g sáng ngày 26/7 theo giờ Hà Nội, Thông tấn xã VN đã phổ biến tuyên bố chung của Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama. Bản tuyên bố chung dài 3.200 từ, theo các chuyên gia có vẻ như một thắng lợi cho cả hai bên. Chúng tôi xin trích một đoạn: “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai nhà Lãnh đạo tuyên bố quan hệ Đối tác toàn diện nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, trong khu vực và trên toàn thế giới. Quan hệ Đối tác Toàn diện mới sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan hệ chính trị và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, thể thao và du lịch.” Theo AP, Sau cuộc họp, Tổng thống Obama nói với báo chí là ông và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang cam kết hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương trước cuối năm nay. Thỏa thuận này sẽ giúp tạo thêm việc làm và gia tăng đầu tư ở cả hai quốc gia cũng như khu vực Châu á Thái Bình Dương. Ông Obama còn cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận vấn đề nhân quyền và ông Obama nhận lời viếng thăm Việt Nam trước khi mãn nhiệm kỳ Tổng thống. Trước khi đến Mỹ, ông Sang đã nói với hãng AP rằng, sự kiện Hoa Kỳ quan tâm tới vấn đề Việt Nam vi phạm nhân quyền, bắt giữ nhiều người bất đồng chính kiến, sẽ không làm lu mờ mối quan hệ kinh tế và quân sự cận kề giữa hai nước. Theo tường thuật của hãng tin Pháp AFP, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi Chủ tịch Trương Tấn Sang nỗ lực cải thiện quyền tự do phát biểu và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trong khi hội đàm Barack Obama- Trương Tấn Sang diễn ra, trên công viên đối diện Tòa Bạch Ốc, theo AP khoảng 2.000 người biểu tình kêu gọi Hoa Kỳ bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam trước khi nói chuyện thương mại. Một ngày trước khi khi gặp gỡ Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, Ông Trương Tấn Sang đã gặp gỡ Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Penny Pritzker, Bộ trưởng Nông Nghiệp Tom Vilsack và Đại diện Thương mại Michael Froman. Trưa 24/7 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chủ tịch Trương Tấn Sang dự tiệc trưa do Ngoại trưởng John Kerry khoản đãi. Trong tất cả các dịp gặp gỡ này ông Sang chú trọng về thương mại trong phát biểu của mình, đặc biệt kêu gọi Hoa Kỳ sớm nhìn nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam tránh lập ra những rào cản thương mại. Riêng về Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Chủ tịch VN mong muốn phải là một hiệp định cân bằng vì các mục tiêu phát triển và tính đến tính đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên. Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Hoa Kỳ giờ đây là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chúng tôi. Tiềm năng trong hợp tác về khoa học công nghệ giáo dục y tế cũng ngày được phát huy một cách có hiệu quả hơn. Hai nước chúng ta tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề quyền con người thông qua các cuộc đối thoại chúng ta hiểu nhau hơn, nhất là về cách tiếp cận cũng như những đặc thù về văn hóa, lịch sử của mỗi bên.” Ý định thực sự của Bộ Chính trị giao phó cho Chủ tịch Trương Tấn Sang với chuyến Mỹ du được công luận bàn tán sôi nổi. Nhưng ngay cả các chuyên gia nổi tiếng thì cũng chỉ có thể bình luận dự đoán dựa vào thời sự. Với bản tuyên bố chung sau cuộc hội đàm tay đôi Barack Obama-Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng, giới quan sát cho thấy cảm giác rõ rệt là Việt Nam và Hoa Kỳ đang xích lại gần nhau. Áp lực về vấn đề nhân quyền trong giới lập pháp Hoa Kỳ cũng như cộng đồng người Việt ở Hải ngoại và giới trí thức trong nước là rất lớn. Nhưng Việt Nam giữa chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang, vẫn tiếp tục đàn áp giới Blogger và những người bất đồng chính kiến. Bề nổi chuyện thương mại là chính, nhưng Chủ tịch Việt Nam tìm kiếm điều gì ẩn chứa phía sau? Một số nhận định ám chỉ là tìm một sự cân bằng, giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc mà Việt Nam lúc nào cũng bị chiếc vòng kim cô xiết chặt trên đầu. Điển hình là những thỏa thuận mà ông Trương Tấn Sang ký kết với ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh cách nay chỉ 1 tháng rưỡi. GS Nguyễn mạnh Hùng, giảng dạy tại Đại học George Mason tiểu bang Virginia Hoa Kỳ phát biểu với Đài ACTD về tính cách chuyến Mỹ du của Chủ tịch Trương Tấn Sang: “Tôi nghĩ chuyến đi tương đối gấp rút và có lẽ đó là ý vọng của Việt Nam nhiều hơn và ông Obama cũng đáp ứng với cái ý vọng đó. Bởi vì ông cũng không muốn Trung Quốc tính toán sai lầm có thể gây ra những mâu thuẫn gọi là cái nẩy sảy cái ung.” Nhân quyền không quan trọng?Khi Chủ tịch Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Barack Obama vào sáng ngày 25/7, thì vòng đàm phán thứ 18 Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa đại diện 12 quốc gia ở Malaysia vừa kết thúc. Vòng 19 sẽ được tổ chức từ 22 đến 30/8 sắp tới tại Brunei. Dĩ nhiên sẽ còn nhiều vòng đàm phán nữa với kỳ vọng đạt thỏa thuận trước cuối năm nay. Hoa Kỳ và Việt Nam là 2 quốc gia thể hiện quyết tâm mong muốn TPP trở thành hiện thực bên cạnh 10 quốc gia khác. Khi TPP có hiệu lực nó là một khu vực mậu dịch tự do từ Úc châu qua một phần Á châu sang Mỹ châu, nơi đóng góp 40% GDP toàn cầu. Hãng tin Reuters mô tả TPP là một phần chiến lược xoay trục về Châu Á, trong đó có khu vực Đông Nam Á, của Tổng thống Hoa Kỳ Obama. Sự kiện được cho là để cân bằng thế lực đang trỗi dậy của Trung Quốc. Hãng tin AP của Mỹ trích lời GS Carl Thayer một chuyên gia về Việt Nam của các học viện ở Úc dự đoán, nội dung thảo luận giữa ông Obama và ông Sang sẽ khá tế nhị về vấn đề nhân quyền và đây không phải là một nội dung quan trọng. Điều này đã trở thành hiện thực, như chúng tôi đã nói lúc đầu. Theo GS Carl Thayer, Tổng thống Obama quan tâm tới lợi ích lớn nhất đó là làm sao tạo thêm nhiều việc làm cho dân Mỹ, tiêu thụ được nhiều hàng hóa Mỹ ở châu Á và đây là vấn đề cốt lõi. Như vậy chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang có thể được gọi là “tiện cả đôi bề,” Mỹ kỳ vọng TPP sớm hiện thực để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào các nước TPP trong đó có Việt Nam, còn Việt Nam thực hiện hội nhập trong nỗ lực tìm kiếm đồng minh. Mở rộng thị trường về nguyên tắc là tốt, nhưng câu hỏi đặt ra là Việt Nam còn muốn thêm gì ở phiá Hoa Kỳ, khi mà thương mại 2 chiều năm 2012 đạt gần 25 tỷ USD, nhưng Mỹ thâm hụt thương mại với Việt Nam tới 15,6 tỷ USD. Trong khi đó Việt Nam lại nhập siêu từ Trung Quốc tới 16,7 tỷ USD. Nếu giảm nhập siêu với Trung Quốc và cân bằng cán cân mậu dịch với Mỹ thì là một câu chuyện đẹp như mơ như một số ý kiến mà chúng tôi ghi nhận. Theo VnExpress tại cuộc Hội thảo tổ chức ngày 3/4/2013 tại Hà Nội, các chuyên gia Nhà nước cũng như chuyên gia độc lập cùng nhìn nhận rằng kinh tế Việt Nam đi xuống sau 5 năm gia nhập WTO. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này kém hơn 5 năm trước khi gia nhập WTO cả về tốc độ lẫn chất lượng. Đặc biệt trong giai đoạn 2007-2010, hiệu quả kinh tế còn suy giảm mạnh. Nói lên điều này để thấy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đã không cải cách đủ để có thể vận hành theo nguyên tắc thị trường. Thách thức về tự do mậu dịch khi Việt Nam mở cửa thị trường theo thỏa thuận TPP có thể còn lớn hơn rất nhiều so với cam kết WTO. TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định: “Để phát triển thì hội nhập là con đường tất yếu mặc dù nó chưa phải là đủ để cho phát triển bền vững được, mà phải gắn với những cải cách, gắn với những điều chỉnh cần thiết cả ở mức doanh nghiệp cả ở mức chính sách. Đấy là cái chung, nói cụ thể hơn Việt Nam và nhiều nước đang phát triển, hiểu được giá trị hội nhập, hiểu được những tác động bất lợi cả về những góc độ có thể là kinh tế vĩ mô hoặc liên quan đến vấn đề phát triển sống còn của doanh nghiệp, đàng sau là công ăn việc làm và thu nhập.” Vào thời điểm trước khi ông Trương Tấn Sang đi Mỹ, Theo báo chí Việt Nam, nhiều cuộc hội thảo về triển vọng TPP diễn ra ở Hà Nội và Saigon. Nhưng chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đều tỏ ra dè dặt trước những thách thức mà TPP đem lại bên cạnh những quyền lợi mà để có nó cũng rất khó. Khi TPP hiện thực, Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường cho hàng hóa các nước nội khối, cụ thể là Mỹ với thuế quan ưu đãi. Nếu trái cây Việt Nam vào Mỹ dễ hơn, thì ngược lại thịt gà, thịt heo, thịt bò, sản phẩm sữa của Mỹ có khả năng đánh bẹp sản phẩm nội địa. Nếu bề nổi chuyến đi Trương Tấn Sang là hiệp định TPP, thì hy vọng ông được hứa hẹn sự nhân nhượng từ phía Hoa Kỳ. Tuy vậy người dân Việt Nam lại có thể nhìn thấy một lợi ích đường dài, đó là càng hội nhập thì Việt Nam càng chịu nhiều sức ép về cải cách
|