VOA 26-9-13
Người siêu giàu ở Việt Nam: Họ là ai?
Một phúc trình về
người siêu giàu ở Việt Nam với tài sản từ 30 triệu đôla trở lên
mới được công bố trong bối cảnh Việt Nam có khả năng không đạt
được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Theo công ty tư vấn Wealth-X và ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), số
người siêu giàu ở Việt Nam tăng lên 195 người trong năm 2012,
với tổng tài sản ước tính là khoảng 20 tỷ đôla.
Ông David Friedman, Chủ tịch Wealth-X, cho VOA Việt Ngữ biết
công ty ông thu thập các dữ liệu từ các nguồn mở mà bản thân
công chúng có thể tiếp cận, rồi sau đó sử dụng cách thức riêng
để đánh giá những thông tin về tài sản của những người siêu
giàu.
Phúc trình cho hay, sự gia tăng số người siêu giàu ở Việt Nam
đứng hàng thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan, trong năm
2012. Năm 2011, Việt Nam chỉ có 170 triệu phú tiền đôla.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ, Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh cho
biết ông không ngạc nhiên.
“Trong khi kinh tế khó khăn thì một số người, do có những
mối quan hệ và có thể tiếp cận được với các tài nguyên, họ vẫn
tiếp tục giàu lên một cách nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng xu thế đó
hiện nay vẫn đang tiếp tục”.
Ông Friedman cho biết ông không thể tiết lộ công khai các cá
nhân siêu giàu ở Việt Nam cũng như nghề nghiệp của họ vì những
thông tin như vậy ‘chỉ cung cấp cho các khách hàng của công ty
Wealth-X’.Báo chí trong nước cũng
đưa ra các phán đoán riêng về những người siêu giàu Việt Nam dựa
trên các dữ liệu từ thị trường chứng khoán.
Đứng đầu trong danh sách của nhiều tờ báo là ông Phạm Nhật
Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, tỷ phú đôla đầu tiên của Việt
Nam theo đánh giá của tạp chí Forbes.
Tiếp sau đó là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh
– Gia Lai, người từng được tạp chí the World Street Journal đưa
vào danh sách một trong 30 doanh nhân có ảnh hưởng nhất Đông Nam
Á.
Trong khi đó, khi được hỏi những người siêu giàu ở Việt Nam có
thể là ai, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói ông ‘không thể nói tên’
mà chỉ cho hay rằng đó là ‘những người có các mối quan hệ và
được hưởng lợi rất nhiều từ những mối quan hệ đó’.
“Vì vậy cho nên là họ có thể khai thác tài nguyên, họ có thể
khai thác gỗ, họ có thể giàu lên nhờ bán đất, hoặc họ cũng có
thể giàu lên nhờ các lý do khác nữa. Điều ấy cho thấy thực tế
rằng xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng phân hóa
giàu nghèo ngày càng tăng lên”.
Ông Doanh cũng nói thêm rằng những người siêu giàu ở Việt Nam
‘không có người nào đóng góp gì mới về khoa học, công nghệ’.
“Những người giàu lên ở Việt Nam chủ yếu là nhờ đất, bất
động sản, vì được hưởng lợi từ tài nguyên, và những đặc quyền,
đặc lợi khác”.
Theo ông Friedman, trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt
Nam, phần lớn khối tài sản của các triệu phú là do các công ty
tư nhân thuộc sở hữu của các gia đình tạo ra.
Chủ tịch công ty Wealth-X nói rằng đó là một trong các lý do
giải thích vì sao tài sản của cá nhân siêu giàu ở Việt Nam vẫn
tăng trong năm 2012 dù kinh tế không có dấu hiệu khởi sắc.
“Khi ta người ta có các công ty tư nhân do gia đình quản lý
và những gia đình này am hiểu về những gì họ cần làm với nhiều
nhiệt huyết thì kể cả khi nền kinh tế sút giảm và yếu kém, kinh
doanh của họ vẫn phát triển, dẫn tới tài sản của các gia đình đó
tăng. Ngoài ra, có thể có các lý do khác như hoạt động kinh
doanh của họ dựa vào xuất khẩu nên nó không phụ thuộc vào tình
hình kinh tế ở Việt Nam”.
Tại một cuộc hội thảo quốc tế đầu tuần này về kế hoạch kinh tế
xã hội 5 năm của Việt Nam, phần lớn những người tham dự đều tỏ
ra bi quan.
Các giới chức được trích lời nói rằng Việt Nam có khả năng không
đạt được nhiều mục tiêu của kế hoạch 5 năm, dẫn đến nguy cơ tụt
hậu so với các quốc gia ở Đông Nam Á.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nhiều người Việt Nam
giàu lên nhờ gia đình.
“Mới đây, có hiện tượng một gia đình cho một đứa bé một tuổi
làm chủ tịch hội đồng quản trị và có gia sản rất lớn. Đấy là một
trong các điều mà chúng ta thấy rằng là người giàu lên ở Việt
Nam khác với những người giàu lên trên thế giới như thế nào.
Trên thế giới, người ta muốn giàu lên, người ta phải giỏi về
quản trị hay người ta phải làm chủ về khoa học công nghệ, người
ta phải đóng góp rất lớn về tiến bộ của cộng đồng. Nhưng trong
trường hợp của Việt Nam, những người giàu lên ở Việt Nam là
những người giàu lên vì đất”.
Ông Doanh cũng nhận định rằng những người siêu giàu ở Việt Nam
hiện có vai trò rất quan trọng vì họ ‘nắm rất nhiều dự án’.
Nhưng chuyên gia này cho rằng cần phải thấy một thực tế là việc
khai thác tài nguyên của một số triệu phú đã làm tổn hại nghiêm
trọng tới môi trường.
|