FB Song Chi
26-1-16
 

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII-Những điều cần nhìn lại, từ phía người dân


Song Chi

Nếu bạn sống ở VN, đi ngoài đường, bạn sẽ dễ có cảm giác rằng người VN bây giờ chả mấy ai quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước, ai cũng lo làm ăn, nuôi thân và nuôi gia đình, lo tương lai cho con cái, lo tuổi già của chính mình. Cuộc sống ngày càng khó khăn, có vẻ như chả ai hơi đâu mà nghĩ đến chuyện đại sự, một phần vì cái sợ đã ăn sâu vào trong máu-sợ dính đến chuyện chính trị, một phần vì sự thờ ơ đến vô cảm, ôi dào những chuyện lớn đã có đảng lo, nhà nước lo, phận dân đen có làm được gì đâu, và nếu có hỏi họ về đại hội đảng cộng sản lần thứ XII đang diễn ra tại Hà Nội thì họ cũng chẳng mấy hào hứng, ông nào lên ông nào xuống thì cũng thế. Suy cho cùng đó cũng là một thái độ chính trị-chuyện bầu bán là chuyện riêng của đảng các ông, người dân chúng tôi chả có quyền gì cho nên chúng tôi cũng chả buồn quan tâm!

Nhưng nếu theo dõi trên các trang mạng xã hội, các trang báo độc lập bên ngoài suốt thời gian qua thì sẽ thấy tình hình khác hẳn. Người Việt, dù sống ở trong hay ngoài nước, đều theo dõi sát sao tình hình đại hội đảng XII từ lúc các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng được công bố toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và các tổ chức tham gia góp ý kiến vào khoảng giữa tháng 9.2015 (tất nhiên chỉ là hình thức, dân góp ý là một chuyện, đảng có nghe không là chuyện khác), cho tới Hội nghị lần thứ 12 vào tháng 10.2015, Hội nghị lần thứ 13 vào tháng 12.2015, Hội nghị lần thứ 14 vào tháng 1.2016 và cuối cùng là đại hội XII diễn ra từ ngày 20-28.1.2016.

Càng gần đến ngày và trong những ngày đại hội đảng XII đang diễn ra, không khí trên các trang mạng, báo “lề trái” và cả báo chí nhà nước càng “nóng”. Mối quan tâm lớn nhất, chủ đề được bàn luận, tranh cãi nhiều nhất là đại hội đảng XII, vấn đề nhân sự ai lên ai xuống, tình hình VN sẽ ra sao sau đại hội…Và dù thừa biết rằng nhân dân chẳng có quyền gì và cũng chẳng hy vọng sẽ tác động được gì vào kết quả của đại hội, người ta vẫn cứ bàn luận, suy đoán, hy vọng, mong chờ một cái gì đó sẽ xảy ra từ đại hội và sau đại hội.

Có thể rút ra những kết luận gì từ thực tế trên?

1. Người Việt không phải không quan tâm đến chính trị, và người Việt đang khao khát thay đổi.

Sự khát khao đó là rất lớn. Dù bất luận thay đổi như thế nào, nhưng không thể cứ mãi như thế này. Tâm trạng chung ở nhiều người là như vậy.

2. Một đại hội mà sự chia rẽ đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, đấu đá nhau không chút khoan nhượng.

Chưa bao giờ có một đại hội đảng nào mà vấn đề nhân sự lại gay gắt đến thế, sự mất đoàn kết, chia rẽ, đấu đá lẫn nhau để tranh giành “ghế” lại căng thẳng đến thế. Đấu đá nhau để lọt vào Bộ Chính trị, lọt vào 4 vị trí cao nhất, và sau cùng là cuộc tranh giành chức Tổng Bí thư giữa đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.

Từ trước Hội nghị 13, 14 cho tới khi đại hội XII diễn ra, những thông tin có tính chất nội bộ, những tài liệu có tính tuyệt mật cứ “tự nhiên” rò rỉ ra ngoài, do các nhân vật thuộc các phe nhóm khác nhau tung ra để đánh nhau, lôi tất tần tật từ quá trình công tác có những “nghi án”, khoảng tối nào cần làm rõ, lý lịch rồi đời tư có những tì vết gì cho tới tài sản cá nhân “khủng” không minh bạch ra sao…Các trang blog, trang web với những bài báo nặc danh xuất hiện tố cáo ông này ông kia cũng như đơn thư tố cáo tới tấp gửi về Bộ Chính trị…

Người dân qua đó tha hồ được biết thêm những góc khuất xấu xí của các ông lãnh đạo mà xưa nay họ vẫn ra sức dấu kín cho mình và bao che cho nhau. Tất nhiên ai cũng thấy phải là những người trong đảng, thậm chí trong bộ máy khá cao của đảng và nhà nước mới có thể có được những thông tin nội bộ cỡ đó. Tình hình căng đến nỗi trước và trong suốt thời gian diễn ra đại hội, quân đội, công an, xe tăng…các loại được điều động để bảo vệ đại hội, canh cả bếp ăn của đại hội 24/24…cứ như thể sắp có chuyện gì, sắp có đảo chính diễn ra không bằng.

3. Đảng cộng sản hoàn toàn thất bại trong nỗ lực bưng bít thông tin và thuyết phục người dân tin rằng mọi chuyện vẫn rất ổn.

Trong lúc trên mạng tràn ngập các thông tin tố cáo lẫn nhau như vậy thì nhà cầm quyền, thông qua phát ngôn của các nhân vật có quyền lực trên báo chí chính thức, ra sức bác bỏ, rằng đó là do các thế lực xấu, thế lực thù địch tung ra, rằng không hề có biểu hiện tranh giành quyền lực, người thì tự nguyện xin rút để dồn phiếu cho người ở lại, người ở lại thì nhận được đa số đồng thuận, tín nhiệm rất cao, rằng nội bộ rất ổn, việc bầu cử, ứng cử…rất dân chủ v.v…

Nhưng chỉ trừ những người không hề đọc báo bên ngoài và phải mê muội lắm mới còn tin vào những lời nói đó, nhà cầm quyền thực sự đã thất bại trong nỗ lực cố gắng bưng bít, phản bác những thông tin bị rò rỉ và thuyết phục người dân tin rằng mọi chuyện vẫn rất ổn định, tốt đẹp. Ngay cả báo chí quốc tế cũng biết rõ đại hội đảng VN đấu đá, bế tắc về vấn đề nhân sự ra sao. Tình hình đại hội đảng cộng sản VN lần này khiến người ta liên tưởng đến một phiên chợ chiều sắp rã đám của một đảng cầm quyền đã quá lâu và đã bộc lộ hết mức sự thối nát của nó.

4. Bất chấp mọi hy vọng của người dân, tất cả những ai có hiểu biết đều biết rằng mọi chuyện sẽ chẳng có gì thay đổi, từ đại hội này và sau đại hội.

Nếu thử nghe những bài diễn văn, bài tham luận, những phát biểu... tại đại hội với những từ ngữ sáo mòn bộc lộ tư duy cũ kỹ, lạc hậu (trừ một vài trường hợp, như bài phát biểu thẳng thắn gây xôn xao dư luận của ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, mà thật ra thì những điều ông nói đa phần người dân cũng biết cả, tuy nhiên khi một quan chức cộng sản nói thì khác, hoặc trong số các quan chức đang ngồi trên đầu dân kia cũng có những người nhìn ra vấn đề, nhưng cái đáng khen ở ông Vinh là đã dám nói thẳng ra).

Nếu nhìn vào những khuôn mặt được đề cử vào 4 vị trí chủ chốt hiện nay: một ông Tổng Bí thư người cũ ngồi lại thêm nửa nhiệm kỳ, mà từ tư duy, tầm nhìn, quan điểm, năng lực…đã được chứng minh trong suốt nhiệm kỳ qua là một con người bảo thủ, giáo điều, xơ cứng, tư duy lạc hậu, mụ mẫm, kiên trì bảo vệ đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa xã hội tới cùng, sợ Tàu, khiếp nhược, luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc; một ông đại tướng đương kim Bộ trưởng Bộ Công an - một cái ngành coi dân như kẻ thù, vấy máu nhân dân nhiều nhất, sẽ lên làm Chủ tịch nước; một ông Thủ tướng tương lai chưa ngồi vào chỗ nhưng đơn thư tố cáo tài sản và mức độ tham nhũng cũng chẳng thua kém gì ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nếu ngồi vào ghế Thủ tướng sẽ còn tiếp tục ăn dài dài; một bà Chủ tịch Quốc hội tương lai mặt mũi có vẻ sáng sủa nhất nhưng trong suốt thời gian qua cũng chẳng ai nhớ được đã có những hành động gì, phát biểu gì gây ấn tượng…

Cứ nhìn vào đó thì người VN cũng hiểu rằng tương lai vận mệnh đất nước chả có gì thay đổi, nếu không có một sự cố gì đó hoặc nếu người dân không vùng đứng dậy.

5. Nhiều nhân vật trong đảng cộng sản đã biết sử dụng vũ khí truyền thông phi chính thống/ ngoài luồng.

Không chỉ lợi dụng truyền thông ngoài luồng bằng cách dựng lên những trang blog, trang web mới hay gửi tin, bài đến những trang báo "lề dân" vốn đã có lượng người đọc khá cao để tố cáo, triệt hạ nhau hoặc dựa vào dư luận để nghe ngóng tình hình, tâm tư của nhân dân mà nhiều cá nhân, phe nhóm còn tìm cách lèo lái, hướng dẫn dư luận theo hướng có lợi cho cá nhân đó, phe nhóm đó. Việc có những thông tin nội bộ, thông tin mật mà phải là người trong cuộc tuồn ra, việc có những bài viết phải do người trong cuộc viết ra, chỉ trích, hạ bệ ông này, nâng ông kia…là những bằng chứng.

Và càng về sau, khi những thông tin rò rỉ cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại thêm nửa nhiệm kỳ và ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải ra đi thì càng thấy rõ “bàn tay” của phe ông Nguyễn Tấn Dũng tích cực tìm cách hướng dẫn, tác động đến dư luận, tác động đến việc bỏ phiếu, chọn lựa của các đại biểu bằng cách đưa ra những hình ảnh, thông tin bất lợi cho ông Trọng và tô vẽ cho ông Dũng-tạo hình ảnh ông Trọng thì bảo thủ, thân Tàu, ông Trọng mà còn ngồi đó thì đất nước này chắc chắn rơi vào tay Tàu trong khi ông Dũng là người cấp tiến, thân Mỹ, thân phương Tây, chống Tàu, ông Dũng mà lên thì hứa hẹn sẽ có nhiều cải cách v.v…

6. Điều quan trọng nhất, thông qua thái độ, ý kiến, bài viết, những cuộc tranh luận của những người dân VN có quan tâm đến tình hình chính trị nói chung và những nhà báo, blogger, nhà hoạt động dân chủ…nói riêng xung quanh đại hội đảng XII, chúng ta nhận ra một số vấn đề đáng suy nghĩ.

Như nhà phê bình văn học, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc có nhận xét trong bài “Khi lòng yêu nước bị từ khước” đăng trên blog VOA, thái độ quan tâm theo dõi tình hình đại hội đảng chứng tỏ người Việt có tinh thần yêu nước, lo lắng đến vận mệnh đất nước (dù biết rằng có lo cũng chả làm được gì); nhưng bên cạnh đó những khía cạnh đáng buồn, đáng lo cũng bộc lộ ra.

Thứ nhất trong sự trông chờ, hy vọng vào một điều gì đó sẽ thay đổi của đám đông có cái gì đó rất ngây thơ, viển vông. Hết trông chờ, hy vọng đại hội sẽ chọn ra được những khuôn mặt xuất sắc vì dân vì nước (ở đâu ra?), đại hội sẽ vạch ra những đường hướng mới, bước đi mới cho đất nước, sau đó lại gửi gắm hy vọng vào ông này ông kia lên làm Tổng Bí thư sẽ thay đổi. Trong đó đáng nói nhất là hy vọng vào ông Nguyễn Tấn Dũng.

Như một sự thay đổi ngoạn mục trong suy nghĩ của mọi người, ông Nguyễn Tấn Dũng từ một nhân vật bị chĩa mũi dùi chỉ trích nặng nề vì thao túng quyền lực, cực kỳ tham nhũng, với những chính sách gây tác hại kinh khủng cho nền kinh tế của đất nước trong thời gian dài nắm quyền, đồng thời đẩy đất nước lún sâu trong sự lệ thuộc vào nền kinh tế của Trung Cộng, nợ công nợ xấu ngập đầu, từng suýt bị kỷ luật tại Hội nghị Trung ương 6 năm 2012, và bị đồng chí cho tới nhân dân gọi bằng biệt danh “đồng chí X”, nay bỗng trở thành biểu tượng của sự cấp tiến, cải cách, chống Tàu, là niềm hy vọng của nhiều người.

Phải chăng đây phần nào là ảnh hưởng, là kết quả của sự tác động do phe của ông Nguyễn Tấn Dũng đã biết sử dụng truyền thông ngoài luồng để nâng hình ảnh ông Dũng lên? Nếu so sánh thì phe nào cũng có những bài viết bênh vực người của mình và triệt hạ người của phe kia, nhưng xem ra phe của ông Nguyễn Tấn Dũng hoạt động mạnh hơn, có lượng bài vở, thông tin nhiều hơn hẳn. Bên cạnh đó, có lẽ do tâm lý khát khao thay đổi, nhưng tuyệt vọng, bế tắc vì không nhìn thấy một đường hướng nào, một khuôn mặt nào vừa nổi trội vừa có quyền có thế lực nên nhiều người đặt hy vọng vào ông Dũng?

Có những người còn tin rằng nếu ông Dũng ngồi vào ghế Tổng Bí thư, sẽ giải tán đảng cộng sản, tuyên bố thành lập một nước cộng hòa, dù không/chưa phải là một nước dân chủ thật sự nhưng trước mắt là xóa sổ đảng cộng sản, và lên làm Tổng thống. VN sẽ trở thành mô hình kiểu như nước Nga hậu cộng sản, thậm chí có bài báo bên ngoài đã gọi ông Dũng là “Putin của Việt Nam”. Có người lập luận rằng dù sao độc tài cá nhân còn dễ đối phó hơn độc tài tập thể hoặc mô hình kiểu như Nga vẫn cứ tốt hơn mô hình hiện nay với đảng cộng sản cầm quyền.

Tất cả những điều đó phản ánh một thực tế là người dân chúng ta không có quyền gì trong việc chọn lựa ai sẽ là người lãnh đạo đất nước, đất nước này sẽ phát triển theo mô hình nào, sẽ đi về đâu, chúng ta chỉ biết hy vọng và ước mơ. Và hành động duy nhất mà chúng ta làm, đó là hoặc gửi kiến nghị cho…đảng cộng sản đề nghị đổi tên đảng, đổi tên nước, và những thứ đại loại như vậy, hoặc viết bài, hy vọng tác động được đến những suy nghĩ của đám đại biểu đang dự đại hội, tác động được đến nhà cầm quyền.

Mặt khác, trong sự tuyệt vọng, dường như chúng ta rất dễ bị tác động. Không chỉ các phe nhóm đấu đá nhau mà trên mạng, người ta cũng nhận thấy sự tranh cãi giữa người ủng hộ ông này với người ủng hộ ông khác, người viết bài chỉ trích ông X bênh ông Y và ngược lại…Và trong lúc cố gắng chứng minh lập luận của mình trong việc ủng hộ hay chỉ trích một ông nào đó, nhiều người dường như đã không còn giữ được sự tỉnh táo, khách quan cần thiết, sẵn sàng “ném đá”, “chụp mũ” ai đó không đồng quan điểm với mình. Chưa kể những người có tâm lý “ăn theo”, thấy dư luận hy vọng, ca ngợi ông X nhiều thì cũng đồng ý theo, chẳng hạn.

Mà những thông tin mọi người dựa vào thì hầu hết là thông tin “gián tiếp”, hoặc do chính các phe nhóm tung ra để triệt nhau và không dễ kiểm chứng thực hư, hoặc từ việc đọc “giữa hai hàng chữ” những thông tin trên báo chính thức và suy luận. Có thể nói hầu như chẳng có mấy ai có được những thông tin trực tiếp, do chính mình tham dự đại hội hoặc phỏng vấn những người đang tham dự, phỏng vấn các ứng viên…

Chính những nhà báo, blogger độc lập có xu hướng tiến bộ, những nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ…cần phải tỉnh táo hơn nữa, để tránh bị tác động và ngược lại, mình cũng tác động đến tâm lý chung của người dân.

Và một điều mà ai cũng biết, nếu chỉ trông mong, hy vọng vào sự thay đổi của đảng và nhà nước cộng sản thì chẳng bao giờ sự thay đổi ấy đến, bởi đối với một đảng cầm quyền đang nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong tay hàng chục năm nay tha hồ muốn làm gì thì làm, tại sao họ lại phải nhường bước, chia sẻ quyền lực, thậm chí rút lui? Sự thay đổi ấy chỉ có thể diễn ra khi chính người dân gây sức ép cho họ bằng hành động. Lâu nay chúng ta đã hành động bằng những bài viết, ý kiến, kiến nghị, thư gửi ông này ông kia…nhưng điều đó rõ ràng là chưa đủ. Một ví dụ gần đây nhất, sự thay đổi của Miến Điện là kết quả của cả từ hai phía: nhận thức, tự giác thay đổi vì đã nhận ra nguy cơ cũng như triển vọng phát triển của đất nước từ phía chính quyền, và sự tranh đấu không mệt mỏi của người dân