RFA Blog
Trước Đại hội XII Song Chi
Một trong những đề tài được đề cập đến nhiều nhất trong những ngày này cả trên báo “lề đảng” lẫn “lề dân”, là Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 28 tháng 1 năm 2016 tại Hà Nội. Đại hội sẽ bầu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giới thiệu vị trí Tổng Bí thư. Đồng thời, “Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả 30 năm đổi mới; kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội 11 của đảng (nhiệm kỳ 2011-2015); quyết định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ 5 năm 2016-2020; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 nhiệm kỳ 2016-2020” (“1.500 đại biểu dự Đại hội Đảng 12 đánh giá kết quả 30 năm đổi mới”, VNExpress). Đã 30 năm kể từ đại hội lần thứ VI năm 1986 khi VN đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế - xã hội do nhất quyết đi theo mô hình kinh tế tập trung bao cấp với vô số những chủ trương, chính sách sai lầm, chủ quan, duy ý chí, buộc đảng phải “đổi mới” phần lớn về kinh tế và một phần nhỏ về chính trị. Cứ mỗi 5 năm đảng lại tổ chức một lần đại hội. Lần nào cũng vậy, từ những người dân trong ngoài nước còn nặng lòng lo nghĩ đến vận mệnh tương lai của đất nước, dân tộc, cho tới các nước trong khu vực, Trung Quốc, Hoa Kỳ và phương Tây đều quan tâm theo dõi xem đường hướng, chính sách của đảng cộng sản Việt Nam sẽ thay đổi ra sao sau mỗi kỳ đại hội. Và lần nào thì mọi người cũng thất vọng vì mọi sự lại “vũ như cẩn”, đảng cộng sản vẫn bám chặt lấy quyền lực, mọi chính sách đối nội đối ngoại vẫn thế, những khuôn mặt mới được bầu lên chẳng khá gì hơn những người đi trước, thậm chí còn kém hơn, cả về năng lực, bản lĩnh chính trị. Nhưng có nhiều lý do khiến dư luận trong ngoài nước càng quan tâm mạnh mẽ đến đại hội lần này của đảng cộng sản. Trước hết, xuất phát từ tình hình kinh tế, chính trị, quốc phòng, văn hóa, xã hội…. của VN đang thực sự rơi vào cuộc khủng hoảng mới, lần này còn nghiêm trọng hơn cả lần trước, buộc đảng phải thay đổi quyết liệt hay là chết. Cái áo “đổi mới” 30 năm trước đã không còn mặc vừa, sự “đổi mới” nửa vời ấy chỉ cứu đảng cộng sản và cả đất nước Việt Nam được một thời gian, bây giờ sau 30 năm, mô hình thể chế chính trị độc đảng và đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã chứng tỏ là những rào cản rất lớn khiến Việt Nam không thể phát triển hết mức, Việt Nam bị bế tắc, thụt lùi so với các nước láng giềng và thế giới. Việt Nam tiếp tục lệ thuộc nặng nề vào Trung Cộng về mọi mặt trong lúc mối nguy đánh mất độc lập, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải vào tay Trung Cộng ngày càng rõ rệt hơn. Sự thiệt thòi của người dân khi phải sống trong một xã hội độc tài là vậy. Lúc đầu, tâm trạng chung của nhiều người là lao vào khoái trá tìm đọc những thông tin dạng “bí mật cung đình” bị rò rỉ như vậy. Lâu dần người dân nhận ra thông tin nhiễu loạn, bịa đặt quá nhiều, và ngay cả nếu có phần nào chính xác đi nữa thì cũng là nhằm phục vụ mục đích, quyền lợi của một cá nhân, phe nhóm nào đó, chứ không phải vì sự thật, lương tri, lẽ phải. Trong khi đó, thế giới đã và đang biến chuyển từng ngày từng giờ. Những dịch chuyển sang hướng tự do, dân chủ ngay từ những quốc gia độc tài lâu đời ở Trung Đông, Bắc Phi, Miến Điện và nước cộng sản anh em Cu Ba, những cơ hội đồng thời với thử thách và sức ép do Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ trên thế giới mang lại cho Việt Nam nếu nhà cầm quyền chịu thay đổi, như việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong nhiều ví dụ; ngược lại, những hành động ngang ngược lấn chiếm chủ quyền, toàn vẹn lãnh hải của Trung Cộng ngày càng công khai hơn, khiêu khích hơn… Người dân bây giờ thì đã khác xưa nhiều, không còn dễ nói gì họ cũng nghe cũng tin. Internet đã tạo nên sự thay đổi đó. Trong những năm qua, đảng đã dần dà bị thua thảm bại trên mặt trận truyền thông, khi mạng xã hội, blog, những trang báo độc lập, báo chí của người Việt ở nước ngoài, báo chí quốc tế… đã bổ sung phần thiếu hụt thông tin hay phản biện thông tin bị sai lệch, bóp méo từ hệ thống báo chí truyền thông chính thức của nhà nước. Người ta chứng kiến những năm qua nhà cầm quyền Việt Nam phải chạy theo dư luận, vất vả bào chữa, chống đỡ, bao biện… trước những thông tin từ báo chí “lề trái” như thế nào. Tuy không phải người dân nào cũng quan tâm đến chính trị, không phải ai cũng đọc báo bên ngoài, nhưng rõ ràng nhân dân bây giờ không còn dễ tin, dễ cai trị nữa. Nhà cầm quyền biết điều đó. Tất cả những điều đó khiến đại hội đảng cộng sản lần này đứng trước sức ép lớn phải thay đổi nếu không muốn bị loại trừ, bị tiêu diệt. Nhưng như mọi đảng cầm quyền độc tài khác, đảng cộng sản không/chưa muốn thay đổi. Cứ nhìn vào những biểu hiện bên ngoài cho tới giờ phút này thì khả năng cao là mọi chuyện lại “bình mới rượu cũ”, họ lại tìm được cách thương lượng chia ghế với nhau để rồi lại vẫn những khuôn mặt bất tài, hèn kém thay nhau lãnh đạo đảng, lãnh đạo đất nước này. Như mọi kỳ đại hội hay bất cứ sự kiện chính trị lớn nhỏ khác của đảng cộng sản, người dân chẳng bao giờ được biết những gì sẽ xảy ra, ai sẽ là “tứ trụ” mới, đường lối chính sách của đảng, của nhà nước Việt Nam sắp tới sẽ như thế nào. Đất nước là của chung nhưng nhân dân chả hề có quyền gì. Thay vào đó, hậu quả của một nền chính trị không công khai, minh bạch là càng gần đến ngày đại hội, càng lắm thông tin không biết đúng sai được các phe nhóm tung ra tới tấp để triệt hạ nhau, khiến người dân càng không biết đường nào mà lần. Thời đại internet, các quan chức, các phe nhóm cũng biết lợi dụng vào đó để chơi xấu nhau, và gây ảnh hưởng cho mình, cho phe mình. Từ blog Quan làm báo, Chân dung quyền lực làm mưa làm gió một thời, nay lại đến CLB Nhà báo Trẻ, rồi ngay cả trang web lấy tên ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để ủng hộ ông Dũng, có lượng truy cập rất cao… Các quan, các phe tha hồ sử dụng những bài báo nặc danh, những nguồn tin chưa được kiểm chứng để tố cáo nhau, từ lý lịch, quá trình “hoạt động cách mạng” có những tì vết, những “nghi án” gì, đến tài sản, của chìm của nổi từ đâu mà có, những mối quan hệ cá nhân cần làm rõ… Không ít thông tin sau đó đã chứng tỏ là tin vịt, như facebook có tên Thùy Trang Nguyễn một dạo tung tin y như thật ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bị ám sát chết, hay những thông tin chung quanh cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh,… Các phe nhóm còn “lợi dụng” cả những trang “lề dân” có lượng người đọc cao như trang Anh Ba Sàm chẳng hạn. Xem ra từ tư thế bị động lúc đầu, nay đám chóp bu và nhà cầm quyền đã biết lợi dụng internet để quay ngược trở lại, tiếp tục lèo lái, dẫn dắt dư luận, xỏ mũi trí thức, nhân dân. Sự thiệt thòi của người dân khi phải sống trong một xã hội độc tài là vậy. Lúc đầu, tâm trạng chung của nhiều người là lao vào khoái trá tìm đọc những thông tin dạng “bí mật cung đình” bị rò rỉ như vậy. Lâu dần người dân nhận ra thông tin nhiễu loạn, bịa đặt quá nhiều, và ngay cả nếu có phần nào chính xác đi nữa thì cũng là nhằm phục vụ mục đích, quyền lợi của một cá nhân, phe nhóm nào đó, chứ không phải vì sự thật, lương tri, lẽ phải. Thế là người dân đâm mất lòng tin vào tất cả mọi nguồn thông tin, không biết đâu là thật đâu là phịa. Cái hại là ở chỗ đó. Trong một xã hội tự do dân chủ, với một nền báo chí truyền thông độc lập với nhà nước, những trang web, những bài báo nặc danh không rõ nguồn gốc với những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc những kiểu tin đồn, đoán mò như vậy sẽ không có đất sống, vỉ tất cả mọi thông tin nào “hot” nhất, “độc” nhất sẽ được báo chí khai thác công khai và chịu trách nhiệm về tin bài của mình trước người đọc và trước pháp luật. Lướt qua những trang facebook, blog, lắng nghe những câu chuyện bàn luận của người dân những ngày này mới thấy người VN thực sự bất lực, tuyệt vọng. Bất lực vì không có quyền gì để tác động vào cái kết quả của đại hội đảng, vào đường hướng phát triển của đất nước sau đại hội… Tuyệt vọng đến mức hy vọng, trông chờ cả vào một người như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà nhiều người vẫn cho rằng khá hơn một số khuôn mặt khác, thuộc phe cải cách, thân Mỹ, có tư tưởng chống Tàu - dù không ai chỉ ra được ông Nguyễn Tấn Dũng trong suốt thời gian tại vị đã làm được những gì gọi là “cải cách”, đạt được những thành tựu gì về kinh tế, có những bước đi tiến bộ nào về hướng tự do, dân chủ hóa cho đất nước, và đặc biệt, đã có những chính sách, hành động chống Tàu cụ thể nào ngoài vài ba câu nói cửa miệng. Ngược lại, có thể thấy rõ trình độ, kiến thức, khả năng nói, đọc, viết, tư duy cho tới đường lối chính sách điều hành kinh tế, ngoại giao, quốc phòng… của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra sao - trong đó những “thành tích” phá hoại về kinh tế, coi thường những ý kiến đóng góp của nhân dân, nhân sĩ trí thức, đàn áp người bất đồng chính kiến, đưa nền kinh tế đất nước lệ thuộc ngày càng nặng vào Trung Cộng… thì lại hiển hiện quá rõ ràng. Có chăng, chỉ công nhận ở ông Dũng, về mặt kinh nghiệm chính trường, kinh nghiệm đấu đá, tham nhũng, nhiều phen chuyển bại thành thắng, là bậc thầy! Rõ ràng là đảng cộng sản Việt Nam đang bế tắc trong việc tìm ra những khuôn mặt chính trị gia khả dĩ nổi trội hơn những người khác để đưa lên những vị tri cao nhất. Vì bế tắc nên đại hội đảng lần này mới hoãn đi hoãn lại, nên sự đấu đá mới càng quyết liệt đến thế. Người ta thấy những biểu hiện rối loạn như ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải chạy sang khấu đầu bẩm báo tình hình với Bắc Kinh, rồi nào Trung Quốc thông qua đạo luật chống khủng bố đầu tiên cho phép quân đội nước này tham gia vào các hoạt động chống khủng bố ở nước ngoài, miễn là được Quân ủy Trung ương và nước sở tại nhất trí (phải chăng để lỡ Việt Nam “có biến” thì có cớ kéo qua?), rồi nào đem cả dàn xe bọc thép chống khủng bố ra bảo vệ đại hội đảng, thực chất là “dọa” nhau, phòng đảo chính vào phút cuối giữa bọn họ với nhau… Đảng thì bế tắc, người dân thì tuyệt vọng. Phong trào dân chủ thì chưa đủ mạnh, chưa có đảng nào được phép hoạt động công khai để từ đó có thể cạnh tranh lành mạnh với đảng cộng sản, những nhân vật chính trị mới có cơ hội hoạt động, cọ xát thực tế để trưởng thành, được người dân biết đến, rồi những cá nhân nổi trội mới có thể xuất hiện. Có một điều chắc chắn, nếu còn giữ mô hình thể chế chính trị độc tài với sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản như từ trước đến nay thì người nào lên cũng vậy thôi, không thể sửa chữa, vá víu gì khi hệ thống này đã quá mục nát từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài... Phải là một thể chế khác. Trước hết, phải bắt đầu từ quyết tâm thay đổi từ cả hai phía- nhà cầm quyền và nhân dân, như trường hợp Miến Điện là một ví dụ. Freedom is not free. *Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
|