Project Syndicate 17-6-15 A Winning Strategy For Ukraine
Chiến lược chiến thắng cho Ukraine
George Soros*
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch Hồi đầu năm nay, tôi đã đề xuất một chiến lược cho Ukraine trong đó công nhận rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga là không đủ. Chúng phải được đi cùng với cam kết chính trị của các đồng minh của Ukraine rằng sẽ thực hiện bất kỳ điều gì nhằm cho phép quốc gia này không chỉ tồn tại mà còn thành công trong việc triển khai các cải cách chính trị và kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng, bất chấp sự phản đối không đội trời chung của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các biện pháp trừng phạt, mặc dù cần thiết, nhưng lại có hại không chỉ đối với Nga mà còn đối với nền kinh tế châu Âu. Ngược lại, tạo điều kiện cho nền kinh tế Ukraine phát triển mạnh sẽ có lợi cho cả Ukraine và châu Âu. Thậm chí quan trọng hơn, chính các biện pháp trừng phạt sẽ củng cố tuyên bố của Putin cho rằng Nga là nạn nhân của âm mưu của phương Tây hay Anglo-Saxon nhằm tước đoạt vị trí xứng đáng của Nga – đó là vị trí quyền lực to lớn ngang bằng với Hoa Kỳ. Theo bộ máy tuyên truyền của điện Kremlin lập luận, tất cả những khó khăn về kinh tế và chính trị mà Nga gặp phải là kết quả của sự thù địch phương Tây. Cách duy nhất để chống lại tuyên bố này là kết hợp các biện pháp trừng phạt với hỗ trợ hiệu quả cho Ukraine. Nếu Ukraine thịnh vượng trong khi Nga suy yếu, không một lượng tuyên truyền nào đủ để có thể che giấu các chính sách mà Putin đổ lỗi. Thật không may, các nhà lãnh đạo châu Âu đã chọn một hướng khác. Họ xem Ukraine như một Hy Lạp khác: một đất nước gặp khó khăn về tài chính – và một đất nước thậm chí không phải là quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Đây là một sai lầm. Ukraine đang trải qua sự biến đổi mang tính cách mạng, và chính phủ hiện tại có lẽ là đối tượng có khả năng nhất có thể mang đến sự thay đổi triệt để. Thực sự là có một số điểm tương đồng đáng kể giữa “Ukraine cũ” và Hy Lạp: cả hai đều phải chịu đựng bộ máy quan liêu tham nhũng và nền kinh tế bị chi phối bởi các nhà tài phiệt. Nhưng Ukraine mới được xác định là có điểm khác. Bằng cách đặt Ukraine dưới sự kiểm soát tài chính cẩn thận, châu Âu đang gây nguy hiểm cho quá trình phát triển của đất nước này. Theo đó, châu Âu thất bại trong việc nhận ra sự ra đời của một Ukraine mới là không có gì ngạc nhiên. Các nổi loạn tự phát xảy ra thường xuyên; ví dụ như Mùa xuân Ả Rập, lan ra như một làn sóng trên khắp Bắc Phi và Trung Đông. Nhưng hầu hết các cuộc nổi loạn không kéo dài; năng lượng của chúng cạn kiệt nhanh chóng – như với cuộc Cách mạng Cam của Ukraine cách đây một thập niên. Ukraine của hôm nay là một trong những trường hợp hiếm gặp trong đó cuộc biểu tình biến thành một dự án xây dựng quốc gia đầy thiện chí. Mặc dù đã tham gia vào quá trình chuyển đổi, tôi cũng phải thú nhận rằng ngay cả tôi cũng đã đánh giá thấp khả năng phục hồi của Ukraine mới. Putin cũng thực hiện sai lầm tương tự nhưng với quy mô lớn hơn nhiều. Ông đã thành công trong việc điều khiển dư luận rằng ông không muốn tin rằng mọi người có thể hành động tự phát. Đó chính là “gót chân Achilles” của ông. Đã hai lần ông ra lệnh cho cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych sử dụng vũ lực chống lại người dân biểu tình ở Maidan, Quảng trường Độc lập của Ukraine. Thế nhưng, thay vì chạy trốn khỏi bạo lực, người dân đổ xô đến Maidan, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đất nước. Lần thứ hai, vào tháng 3/2014, khi những người biểu tình đối mặt với đạn thật, họ bất ngờ tấn công cảnh sát, và cảnh sát lại là kẻ bỏ chạy. Một sự kiện như vậy có thể trở thành huyền thoại lập quốc. Putin biết rằng ông có trách nhiệm đối với việc biến Ukraine từ một đồng minh dễ uốn nắn thành một đối thủ không đội trời chung, và ưu tiên hàng đầu của ông là gây bất ổn cho đất nước liên tục từ khi đó. Thật vậy, ông đã thực hiện sự leo thang đáng kể – mặc dù hoàn toàn tạm thời – trên mặt trận này. Putin cũng công nhận rằng chế độ của ông có thể không tồn tại hai hoặc ba năm nữa với giá dầu thấp đáng kể dưới 100 USD/thùng, cảm giác cấp bách của ông cũng là điều dễ hiểu. Sự leo thang của ông – có thể đo lường bằng cách so sánh thỏa thuận ngừng bắn Minsk II với Minsk I – có thể một phần do ông với các kỹ năng một nhà chiến thuật. Điều quan trọng hơn, trong khi ông sẵn sàng đi đến chiến tranh, các đồng minh của Ukraine tỏ rõ họ không có khả năng đáp ứng nhanh và không sẵn sàng đón nhận rủi ro của cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Điều này đã cho Putin lợi thế người đi đầu, bởi ông có thể chuyển đổi theo ý muốn từ hòa bình lai (hybrid peace) đến chiến tranh lai (hybrid war) và ngược lại. Đồng minh của Ukraine không thể nào trội hơn Nga về mặt leo thang quân sự; nhưng chắc chắn họ trội hơn Nga về mặt tài chính. Cụ thể, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thất bại trong việc đánh giá tầm quan trọng của Ukraine. Bằng cách bảo vệ bản thân, Ukraine cũng đang bảo vệ EU. Nếu Putin thành công trong việc gây bất ổn Ukraine, sau đó ông có thể áp dụng các chiến thuật tương tự để chia EU và giành chiến thắng đối với một số quốc gia thành viên. Nếu Ukraine thất bại, EU sẽ phải tự bảo vệ mình. Các chi phí, về mặt tài chính và con người, sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí của việc giúp Ukraine. Thay vì cung cấp nhỏ giọt cho Ukraine, đó là lý do vì sao mà EU và các nước thành viên nên hỗ trợ cho Ukraine và xem đó như là chi tiêu quốc phòng. Theo cách này, số tiền hiện đang được chi tiêu sẽ giảm xuống đến mức trở nên không quan trọng mấy. Vấn đề là EU và các nước thành viên gặp khó khăn về tài khóa khó mà hỗ trợ Ukraine với quy mô cần thiết cho phép Ukraine tồn tại và phát triển thịnh vượng. Nhưng hạn chế đó có thể được gỡ bỏ, nếu tiện ích Hỗ trợ Tài chính Vĩ mô (MFA) của EU được thiết kế lại. MFA sẵn sàng được dùng để cung cấp hỗ trợ khiêm tốn cho Ukraine; nhưng MFA cần một thỏa thuận khung mới để phát huy tiềm năng của nó. MFA là công cụ tài chính hấp dẫn bởi nó không đòi hỏi kinh phí tiền mặt từ ngân sách EU. Thay vào đó, EU vay mượn từ các thị trường (sử dụng xếp hạng tín dụng triple-A phần lớn chưa được khai thác của nó) và lấy nguồn tiền này cho các chính phủ không thành viên vay. Kinh phí tiền mặt từ ngân sách EU sẽ hiện thực hóa khi và chỉ khi một nước đi vay bị vỡ nợ. Theo quy định hiện hành, chỉ có 9% của số tiền vay được tính vào ngân sách hiện hành như kinh phí không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo chống lại nguy cơ này. Một thỏa thuận khung mới sẽ cho phép sử dụng MFA ở quy mô lớn hơn và với cách thức linh hoạt hơn. Hiện nay, MFA có thể được dùng để hỗ trợ ngân sách nhưng không cung cấp bảo hiểm rủi ro chính trị và các ưu đãi đầu tư khác cho khu vực tư nhân. Hơn nữa, mỗi phân bổ phải được sự chấp thuận của Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, và mỗi quốc gia thành viên. Đóng góp của EU vào gói giải cứu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dẫn đầu vào hồi tháng 2 sẽ đến tháng 5 mới xử lý. Chiến lược cho Ukraine mà tôi đề xuất vào đầu năm đã bắt đầu va phải ba rào chắn. Đầu tiên, tái cơ cấu nợ được cho là chiếm 15,3 tỷ đô la trong 41 tỷ đô la thuộc gói giải cứu thứ hai của IMF đã có tiến triển rất ít. Thứ hai, EU thậm chí không bắt đầu xây dựng thỏa thuận khung MFA mới. Và, thứ ba, không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà lãnh đạo EU sẵn sàng thực hiện “bất cứ điều gì” để giúp Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande háo hức đảm bảo rằng thỏa thuận Minsk II, có mang chữ ký của họ, là thành công. Điều rắc rối là thỏa thuận đã được đàm phán giữa một bên là Ukraine do bị cưỡng ép, và một bên là Nga thì bỏ lững mơ hồ một cách cố ý. Thỏa thuận kêu gọi các cuộc đàm phán giữa chính phủ Ukraine và các đại diện của vùng Donbas, mà không chỉ định những đại diện đó là ai. Chính phủ Ukraine muốn đàm phán với đại diện được bầu cử theo pháp luật Ukraine; Putin lại muốn chính phủ Ukraine đàm phán với lực lượng ly khai, phe lên nắm quyền bằng vũ lực. Các nhà chức trách châu Âu mong muốn phá vỡ sự bế tắc. Bằng cách đứng ở vị trí trung lập trên sự mơ hồ của Minsk II và đặt Ukraine dưới sự kiểm soát tài chính cẩn thận, các nhà lãnh đạo châu Âu đã vô tình giúp Putin đạt được mục tiêu của ông: khủng hoảng tài chính và chính trị trên toàn Ukraine (trái ngược với các lợi ích lãnh thổ ở phía đông). Việc cung cấp nhỏ giọt cho Ukraine đã đưa nền kinh tế đến bờ vực của sự sụp đổ. Sự ổn định tài chính bấp bênh đã đạt được với cái giá là sự thu nhỏ đáng kể của nền kinh tế. Mặc dù cải cách chính trị và kinh tế vẫn đang tiến hành nhưng chúng có nguy cơ bị mất đà. Trong chuyến thăm gần đây, tôi thấy sự tương phản đáng lo ngại giữa thực tế khách quan đang xấu đi rõ ràng và sự nhiệt tâm cải cách của Ukraine “mới”. Khi Chủ tịch Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk hợp tác – thường là bất cứ khi nào cần đạt được sự tài trợ bên ngoài nào đó (chẳng hạn, các điều kiện đối với chương trình do IMF đứng đầu đã được đáp ứng trong hai ngày) – họ có thể thuyết phục (Quốc hội) Rada thực hiện theo sự lãnh đạo của họ. Nhưng những cơ hội như vậy đang trở nên khan hiếm hơn. Hơn nữa, Poroshenko và Yatsenyuk sẽ là đối thủ cạnh tranh trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 10, khi các đảng đối lập liên kết với các nhà tài phiệt, theo cuộc thăm dò ý kiến công chúng hiện nay, có thể đạt được lợi ích đáng kể. Đây là sự thụt lùi, bởi đã có tiến bộ đáng kể trong những tháng gần đây trong việc ngăn chặn các nhà tài phiệt không đánh cắp số tiền lớn từ ngân sách. Chính phủ giành được thắng lợi trong cuộc đối đầu bất thình lình với kẻ vi phạm tồi tệ nhất và mạnh mẽ nhất, Igor Kolomoisky. Và, mặc dù tòa án Áo thất bại trong việc dẫn độ Dmytro Firtash đến Hoa Kỳ, chính quyền Ukraine hiện đang tịch thu một số tài sản và kiềm chế sự độc quyền phân phối khí của ông ta. Hơn nữa, dù hệ thống ngân hàng vẫn chưa được tái cấp vốn và vẫn còn dễ bị tổn thương, Ngân hàng Quốc gia Ukraine đang thực hiện việc kiểm soát hiệu quả. Cũng đã có một số tiến bộ trong việc giới thiệu chính phủ điện tử và tính minh bạch trong đấu thầu. Thật không may, những nỗ lực cải cách tư pháp và thực hiện các biện pháp chống tham nhũng hiệu quả vẫn còn đáng thất vọng. Trọng tâm của cải cách kinh tế là lĩnh vực khí. Sự thay đổi triệt để có thể đảm bảo độc lập năng lượng đối với Nga, nhổ tận gốc các hình thức tham nhũng hao tiền tốn của, tăng cường ngân sách, và đóng góp đáng kể cho thị trường khí thống nhất tại châu Âu. Tất cả các nhà cải cách xác định rằng cần hướng đến định giá theo thị trường càng nhanh càng tốt. Điều này đòi hỏi trợ cấp trực tiếp cho các hộ nghèo trước khi bắt đầu mùa nóng tiếp theo. Sai lầm và chậm trễ trong việc đăng ký các hộ gia đình có thể tạo ra cơn lũ khiếu nại và làm hỏng cơ hội liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương sắp tới. Nguy cơ này có thể được loại bỏ bằng cách đảm bảo với công chúng rằng tất cả hồ sơ sẽ được chấp thuận một cách tự động trong thời gian này; nhưng có thể yêu cầu hỗ trợ ngân sách bổ sung. Tệ hơn nữa, nhiều người trong chính phủ miễn cưỡng hướng đến định giá theo thị trường, chưa nói đến các nhà tài phiệt, người hưởng lợi từ các sắp xếp hiện tại. Poroshenko và Yatsenyuk vẫn chưa chịu trách nhiệm cá nhân chung và vượt qua mọi đối lập. Nhiệt tình cải cách của Ukraine có thể bị làm suy yếu. Với thực tế bên ngoài đang xấu đi, kiệt sức cải cách ở Ukraine là hoàn toàn có khả năng xảy ra nếu EU vẫn cố chấp với hướng đi hiện tại. Cải cách triệt để của ngành khí có thể bị trật bánh, một cuộc khủng hoảng tài chính mới sẽ khó tránh khỏi, và liên minh cầm quyền phải chịu trách nhiệm vì đã làm lỡ mất cơ hội hỗ trợ được mọi người ủng hộ. Thật vậy, trong kịch bản xấu nhất, khả năng của một cuộc nổi dậy vũ trang – đã được thảo luận một cách cởi mở – không thể loại trừ. Hiện có hơn 1,4 triệu người di tản ở Ukraine; hơn 2 triệu người tị nạn Ukraine có thể tràn ngập châu Âu. Mặt khác, Ukraine “mới” đã nhiều lần khiến mọi người phải ngạc nhiên bởi khả năng phục hồi của mình; Ukraine có thể làm chúng ta bất ngờ thêm một lần nữa. Nhưng các đồng minh của Ukraine – đặc biệt là EU – có thể làm tốt hơn. Bằng cách sửa đổi các chính sách, họ có thể đảm bảo rằng Ukraine mới sẽ thành công.
|