RFA 5-3-13
Nợ xấu giảm, đâu là sự thật? Mặc Lâm, RFA Tỷ lệ nợ xấu vừa được NHNN chính thức công bố đã tụt từ 8% xuống 6%. Nhiều doanh nghiệp đã phản ứng tích cực trước tin này như không ít chuyên gia kinh tế lo lắng đối với thông tin này. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc CIEM, Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương để biết thêm chi tiết. Không có con số thựcMặc Lâm: Thưa TS, ông nghĩ thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo rằng tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 8% xuống 6%. Đánh giá này theo TS nói lên được điều gì? TS Lê Đăng Doanh: Việc xử lý nợ xấu của Việt Nam cho đến nay Công ty Quản lý Tài sản viết tắt là VAMC vẫn chưa được thành lập và Thủ tướng có chỉ thị là đến cuối tháng Ba phải tìm ra để thành lập. Vì vậy cho nên việc ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố nợ xấu đã giảm từ 8% xuống 6%, tức là 2% của tổng số nợ xấu là một điều hết sức đáng quan tâm. Bởi vì số nợ xấu này đã giảm được mặc dầu không có sự can thiệp của công ty xử lý tài sản, một giải pháp mà chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ trước tới nay vẫn nhấn mạnh. Lý do đưa ra là các ngân hàng thương mại đã dùng quỹ của mình để tự xử lý. Tôi nghĩ việc tự xử lý như vậy thì các nhân hàng thương mại chỉ lấy quỹ dự trữ của mình bù đắp vào các số nợ xấu chứ thực sự các khoản nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Nó chưa biến đi mà chỉ từ trong sổ sách chui vào kho của các ngân hàng thương mại và bảo rằng bây giờ sổ sách của chúng tôi sạch đi 2%. Và số 2% ấy xảy ra trong một thời gian rất ngắn là một điều hết sức ngạc nhiên. Cho nên tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước nên cung cấp thêm các thông tin chi tiết xem những nợ xấu này đã được xử lý như thế nào và trên cơ sở đó tình hình các ngân hàng thương mại của Việt Nam đã lành mạnh lên hơn bao nhiêu, thanh khoản đã cải thiện bao nhiêu và tính ổn định đã có bao nhiêu. Mặc Lâm: Thưa ông nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng như nhà nước cho tới nay vẫn chần chừ không đưa ra những con số thực về nợ xấu cũng như sổ sách kế toán vẫn còn nhiều điểm mù mờ, đây có phải là mối nguy tiềm ẩn của nợ xấu sẽ bùng nổ trong thời gian tới? TS Lê Đăng Doanh: Con số chính xác của nợ xấu cho đến nay chúng ra biết Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những con số khác nhau và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nói đến con số nợ xấu lên đến 400 ngàn tỷ, tức là nó gần gấp đôi con số mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra. Cho nên con số thực là bao nhiêu thì cho đến nay vẫn chưa có cơ sở nào để kiểm chứng được. Hai nữa các ngân hàng thương mại chưa thực hiện các nghĩa vụ báo cáo công bố các con số của năm 2012. Có lẽ nếu như mọi việc đều tốt đẹp cả thì họ sẽ công bố nhưng chắc là có một tình tiết thế nào đó cho nên họ chưa công bố. Thứ ba nữa là các con số nợ xấu ở trên thế giới nói chung các ngân hàng thương mại đều có xu hướng không công bố một cách trung thực. Kinh nghiệm cho thấy nợ xấu trong các cuộc khủng hoảng từ Nhật Bản cho đến Thái Lan, Malaysia đều đưa ra những con số khác nhau. Những con số đầu tiên rất thấp nhưng sau đó những con số sau cao hơn rất nhiều nên tôi nghĩ tình hình Việt Nam không khác gì so với các nước khác trên thế giới Đối phó nợ xấu như thế nào?Mặc Lâm: Thưa TS, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh rằng nợ xấu giảm do nỗ lực tự xử lý của bản thân các ngân hàng thương mại. Nếu thật sự như thế thì theo ông Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ cho họ thêm bằng cách nào? TS Lê Đăng Doanh: Có lẽ cho đến nay mọi người đều tin rằng việc các ngân hàng thương mại tự xử lý nợ xấu được cho là điều quá sức của các ngân hàng thương mại. Nếu họ đã làm được như thế thì họ đã làm từ lâu rồi để tránh cho tình hình của họ ngày một khó khăn thêm. Người ta trông chờ vào công ty xử lý nợ vá mua bán nợ của Ngân hàng Nhà nước và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ thì cho đến nay cái công ty đó vẫn chưa được công bố và chưa hoạt động. Vì vậy tôi chưa có thể nói gì thêm về tình hình các công ty đó. Rõ ràng là việc đó quá chậm so với xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Mặc Lâm: TS đánh giá thế nào về công ty mua bán nợ (VAMC) khi chính thức hoạt động chúng sẽ đối phó với khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước ra sao? TS Lê Đăng Doanh: Cho đến nay thì công ty quản lý nợ xấu chưa ra đời và cũng chưa có quy chế về cách thức hoạt động ra sao. Nhưng qua kinh nghiệm hoạt động của các công ty xử lý mua bán nợ ở Hoa Kỳ cũng như Thái Lan Nhật Bản, Malaysia thì chúng ta có thể thấy rằng công ty xử lý nợ xấu đòi hỏi các kỹ thuật, kỹ năng đánh giá các tài sản định giá theo cơ chế thị trường. Có cho các công ty chứng khoán tham gia vào xử lý nợ xấu hay không. Các sản phẩm của công ty xử lý nợ xấu đưa ra chứng khoán hay không và vai trò các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào. Hiện nay các quyết định đó chưa được rõ ràng và các quyết định ấy sẽ không dễ dàng gì vì trong nước đang có những ý kiến nói về lợi ích nhóm và sự thiếu công khai minh bạch. Vì vậy việc bán một tài sản dưới giá trị sổ sách phải được chứng minh và bảo đảm của luật pháp như thế nào. Nêu không thì có thể gây ra rắc rối và nhiều vấn đề nghi kỵ. Đây là điều tôi nghĩ không phải đơn giản cho công ty xử lý nợ này khi nó hoạt động. Mặc Lâm: Thưa TS. khi một nhà đầu tư có ý định mua nợ xấu tại VN việc đầu tiên họ nhắm tới là gì? Và điều gì khiến họ quan ngại nhất? TS Lê Đăng Doanh: Nếu nợ xấu được họ mua thì phải có cơ chế thị trường, tức là mua tài sản đó theo giá thị trường chứ không thể theo giá của sổ sách đã được ghi trước đấy. Nếu điều này không được thực hiện thì có lẽ không phải dễ dàng thu hút được họ. Thứ hai phải có các nhà tư vấn nước ngoài họ tham gia vào việc định giá tài sản theo đúng định giá tài sản của thị trường, và thứ ba phải công khai minh bạch và thứ tư phải cho phép họ được quyền lựa chọn các món nợ nào mà họ muốn mua trước, mua sau. Đấy là những điều mà theo tôi quy chế công ty quản lý nợ xấu cần phải được làm rõ. Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh.
|