RFA 25-2-13
Sửa đổi hiến
pháp: Kiến nghị tới đâu?
Thanh Quang, phóng viên
RFA
Nguyên tắc cơ bản vẫn
giữ nguyên
Sau khi nhà nước VN đưa
ra bản dự thảo Hiến Pháp mới nhằm sửa đổi Hiến
Pháp 1992, rồi kêu gọi toàn dân góp ý mà không
có “vùng cấm” nào, thì nhiều ý kiến đã được đóng
góp, nổi bật nhất là Kiến nghị về sửa đổi Hiến
Pháp 1992 của 72 nhân sĩ, trí thức- gọi tắt là
“Kiến Nghị 72”, mà được biết cho tới lúc này, có
trên 4 ngàn người đủ mọi thành phần xã hội ký
tên ủng hộ.
Hôm 4 tây tháng Hai này,
các vị đại diện cho Kiến Nghị 72 đã đích thân
đến trụ sở “Quốc Hội” gởi Kiến nghị 7 nội dung
này mà nhà báo Nguyễn Minh Cần liên tưởng tới
“thất trảm sớ” của cụ Chu Văn An dâng lên Vua
Trần Dụ Tông ngày xưa.
Nhưng gần như ngay sau
đó, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp
luật Quốc Hội, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa
đổi Hiến pháp 1992, đã gởi văn thư cho nguyên Bộ
trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc - nhân vật chủ
chốt trong nhóm dâng “thất trảm sớ”, giải thích
đại ý rằng “Kiến Nghị 72” tâm huyết của các nhân
sĩ, trí thức ấy là “không đúng với quy định của
Nghị quyết 38 của Quốc Hội”. Như vậy là, điều mà
ông Phan Trung Lý trước đó khẳng định “ không có
vùng cấm” thì giờ biến thành có “vùng cấm”. Đó
là chưa kể hồi cuối năm ngoái, ông Phan Trung Lý
có khẳng định về dự thảo Hiến Pháp của phía cầm
quyền rằng “ Mỗi lần trình và thảo luận đều có
những vấn đề cụ thể được sửa đổi, nhưng những
định hướng lớn, nguyên tắc cơ bản vẫn giữ
nguyên”.
Qua bài “Lan man chuyện
hiến pháp”, nhà báo Nguyễn Minh Cần nhắc lại
rằng trước khi đưa ra việc lấy ý kiến dân về “Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” thì các nhân vật
chóp bu trong Bộ Chính Trị, từ tổng bí thư, chủ
tịch nước cho tới thủ tướng... đã lớn tiếng
“chặn họng” nhân dân rằng “Bỏ điều 4 là tự sát”,
“chỉ có quyền sở hữu toàn dân, chứ không thể có
quyền sở hữu tư nhân về đất đai”, “không thể có
báo chí tư nhân”, “không thể có đảng phái đối
lập”, “không thể có đa nguyên, đa đảng”, “quân
đội và công an là của đảng, không thể khác
được”, “kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, “nhà
nước ta không tam quyền phân lập”... Do đó, theo
nhà báo Nguyễn Minh Cần, người dân bình thường
có chút suy nghĩ cũng có thể nhận rõ cái việc
sửa đổi hiến pháp này chỉ là một “trò bịp” không
hơn không kém.
Qua bài “Đảng – Nhà nước,
Hiến Pháp”, tác giả Nguyễn Trung không quên lưu
ý rằng:
Sửa hiến pháp nhưng bị
khuôn vào những nguyên tắc chỉ đạo của Tổng bí
thư như sửa gì thì cũng phải trong khung khổ
Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, quyền lực của hệ
thống chính trị là thống nhất, không có tam
quyền phân lập, gác lại vấn đề sở hữu đất đai…,
chỉ đạo như thế là đứng trên, là ban cho, là ông
chủ của nhân dân, là đứng trên Hiến pháp mất
rồi!
Giáo sư Hoàng Xuân Phú đề
cập tới “Hai tử huyệt trong chế độ”, cảnh báo
rằng quy định trong Hiến pháp 1992 về quyền
“lãnh đạo mặc nhiên” của đảng CSVN (tại Điều 4)
và “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” (ở Điều 17)
vẫn được duy trì trong bản dự thảo sử đổi Hiến
pháp lần này trong khi quyền con người và quyền
công dân lại bị “thu hẹp” đáng kể. GS Hoàng Xuân
Phú nhận xét tiếp:
Đối với Dân, Hiến pháp
kiểu này có thể trở thành bãi mìn pháp lý.
Nếu dự thảo như vậy được thông qua, thì Hiến
pháp có thể không còn là khuôn khổ pháp lý cho
hoạt động của Nhà nước và xã hội, mà trở thành
cái gông cùm Nhân dân và Dân tộc.
Sau khi lưu ý rằng những
vấn đề quan trọng như tư hữu đất đai, tự do dân
chủ, chế độ kinh tế, cơ chế giám sát và hạn chế
quyền lực nhà nước…không thấy được giải quyết
trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 này,
blogger Phạm Lê Vương Các bày tỏ quan ngại:
Nếu được thông qua, nó
sẽ tiếp tục báo hiệu cho những hình ảnh người
nông dân ùn ùn kéo nhau đi khiếu kiện đất đai,
bất đồng chính kiến lần lược rủ nhau vào tù vì
“đe dọa cho an ninh quốc gia và trật tự công
cộng”, cho đến việc người dân phải oằn lưng gánh
nợ cho sự thua lỗ của các tập đoàn nhà nước, và
rồi chúng ta sẽ tiếp tục được nghe những điệp
khúc tự chỉnh đốn, phê bình và tự phê bình lên
một tầm cao mới.
Vậy sửa đổi hiến pháp
để làm gì?
Trong bối cảnh như vậy,
nhiều bloggers cảnh báo rằng việc giới cầm quyền
cho sửa đổi hiến pháp là vô nghĩa, đó là chưa kể
các quan mọi cấp lâu nay chứng tỏ bất tuân luật
pháp – mà nói theo lời báo Tổ Quốc, “chính đảng
CS cũng không coi hiến pháp ra gì”.
Khi nêu lên câu hỏi là giới
cầm quyền “Sửa đổi hiến pháp để làm gì ?”, tờ
báo nhắc lại rằng Hà Nội đã 5 lần sửa đổi hiến
pháp, nhưng “Tất cả đều chỉ nhắm giải quyết một
vấn đề nhất thời của ban lãnh đạo CS, chứ hoàn
toàn không liên quan gì tới lợi ích dân tộc” cả.
Nhà báo Nguyễn Minh Cần,
khi “Lan man chuyện hiến pháp”, khẳng định rằng:
Mục đích chính của
đảng cầm quyền là qua việc lấy ý kiến dân để sửa
đổi hiến pháp lần này là để khoác lên chế độ độc
tài toàn trị hiện hữu, khoác lên đảng cầm quyền
một cái áo choàng “chính thống”,“chính danh” nào
đó bằng cách tuyên bố cuộc lấy ý kiến của dân
vừa qua đã hoàn toàn thắng lợi, “nó tương đương
với một cuộc Trưng cầu dân ý”! Nghĩa là họ sẽ
“mập mờ đánh lận con đen” là đảng cầm quyền đã
“hiện thực hóa quyền dân chủ trực tiếp của nhân
dân” trong “một cuộc Trưng cầu dân ý” (!),trong
“một Ðại hội Diên Hồng của dân tộc ta trong thời
đại mới”(!) và toàn dân đã chuẩn thuận, đã phúc
quyết bản hiến pháp sửa đổi, như vậy là toàn dân
đã cho phép cái gọi là đảng Cộng Sản Việt Nam
tiếp tục trường kỳ thống trị nhân dân Việt Nam
“muôn năm”.
Qua bài “Hiến pháp và
thực tế VN”, BS Hồ Hải phân tích:
Sau thời gian hơn 20
năm cởi trói, một thành phần lớn của đảng, kể cả
quân đội và an ninh, đã tích lũy tư bản kiểu
hoang dã, đến lúc này cần thể chế hóa cương lĩnh
của đảng cho việc được luật hóa những tài sản
bất chính, nên cần phải sửa đổi hiến pháp cho
phù hợp…Chưa bao giờ đảng cầm quyền tôn trọng
hiến pháp trong quá trình điều hành đất nước. Đó
là ý nghĩa thực tiễn của lần sửa đổi hiến pháp
(trong năm 2013) này.
Blogger Trương Nhân Tuấn
đề cập đến “Những vấn đề hiến pháp: Tình trạng
con vua thì lại làm vua”, nêu lên câu hỏi rằng
hiến pháp sẽ sử dụng vào việc gì nếu “con vua
thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa,
như tình trạng đã và đang xảy ra ở VN ?”. Tác
giả nhận thấy ở VN ngày nay, các “con ông cháu
cha” tài cán chưa biết ra sao nhưng đều được
“gài” vào các chức vụ then chốt để trực chờ thay
thế cha, ông “lãnh đạo” gần 90 triệu dân VN này.
Cho nên, theo tác giả, tình trạng “con vua thì
được làm vua” của chế độ phong kiến ngày xưa
được trá hình trong chế độ VN ngày nay, thì nói
chuyện về hiến pháp nhiều khi chỉ là “chuyện
trào phúng, mất thì giờ” mà thôi. Tác giả báo
động:
Sự việc “con vua thì
lại làm vua” của tầng lớp con cháu của các đảng
viên cao cấp hiện nay tại VN, chỉ có thể xảy ra
ở các xã hội bán khai, phong kiến. Không hề có
qui định nào trong Hiến pháp thành phần “thái tử
đỏ” này sẽ là thành phần lãnh đạo tương lai. Tất
cả các qui định trong Hiến pháp về quyền lực nhà
nước đều vô ích. Việc này không chỉ trái với sự
“tiến hóa”, mà còn làm cho những thành viên ưu
tú của xã hội, những người có tư chất tự nhiên
“lãnh đạo”, không có môi trường phát triển. Nếu
không, họ trở thành nạn nhân của chế độ, những
người bị bắt vì “khác chính kiến”. Đây là một
hình thức phung phí nhân tài của đất nước.
Blogger Trương Nhân Tuấn
nhân tiện lưu ý rằng giới cầm quyền trong mấy
thập niên qua đã không hoàn thành nhiệm vụ lịch
sử được rầm rộ quảng bá là làm cho “dân giàu
nước mạnh”, mà lèo lái đất nước “đi từ thất bại
này đến thất bại khác”: Nền kinh tế kiệt quệ,
tài nguyên bị khai thác bừa bãi, cạn kiệt, môi
trường bị tàn phá, đạo lý xã hội suy đồi, con
người hư hỏng, đất nước bị phương Bắc đe doạ,
lãnh thổ không còn nguyên vẹn như Tiền Nhân để
lại… Tác giả xem chừng như không dằn được bực
tức:
Nhưng Hiến pháp Việt
Nam vẫn khẳng định con đường đã thất bại từ hơn
ba thập niên qua. Ngay trong những dòng mở đầu
của Hiến pháp, những quan điểm chủ quan về “lịch
sử”, với thành quả hoang tưởng, với các mục tiêu
“ảo tưởng”. Trong khi bản Hiến pháp trước hết là
một văn bản “luật”. Lời mở đầu Hiến pháp của các
nước Mỹ, Pháp... từ thập niên 70 trở đi đã trở
thành “luật”. Lời mở đầu Hiến pháp VN là một
diễn văn chính trị nhạt nhẽo, rỗng tuyếch…Hiến
pháp này không thể sửa, mà phải thay thế.
Nhân chuyện nhà nước kêu
gọi toàn dân góp ý sửa đổi hiến pháp, blogger
Người buôn Gió có bài “Kiến nghị lên trời và sự
tích nước Chai”, kể rằng “Ngày xửa ngày xưa ở
một nước giáp biển Đông, có tên là nước Chai.
Năm ấy nước Chai loạn, kinh tế, chính sự, chủ
quyền mọi thứ đều be bét. Bởi thế triều đình mới
sửa hiến pháp gọi là có thay đổi chút ít từ trên
cao, ngõ hầu trấn an dân chúng. Nhóm nhân sĩ,
trí thức lựa dịp ấy, mới làm tờ sớ trình một bản
hiến pháp mới có sửa đổi dựa trên bản hiến pháp
cũ. Sớ được đưa đi bốn phương để thỉnh bá tánh.
Sớ đưa ra công chúng hàng ngàn người ký đồng
tình, triều đình vội vã họp lại nghị luận. Các
quan trách nhau rằng "Vội bày ra trò đó làm
chi, không khéo bọn hủ nho lợi dụng làm xằng."
Quan khác nói "Giờ uy
tín triều đình đã không còn trong bá tính, kêu
góp ý sửa chứ đã sửa cái gì đâu mà phải lo. Cứ
kệ cho chúng góp ý để khách quan. Dao kia ta nắm
đằng chuôi, có gì phải sợ."
Quan nọ nói "Đúng, cho
chúng kiến nghị lên trời là hết chuyện."
Về sau hiến pháp chả có
gì thay đổi, cãi nhau, dèm nhau một chập rồi
phần thắng vẫn thuộc về bên nắm quyền. Bấy giờ
dân chúng mới nhận ra quan lại nước mình chả ai
mọc râu trên mặt cả. Bởi vậy họ tự đặt nước mình
là nước Chai.