RFA 30-5-15

Trương Duy Nhất: “Hãy lên tiếng!”

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

 

Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất sau hai năm ngồi trong trại giam với bản án vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự vừa được trả tự do đã có những chia sẻ với Mặc Lâm về những trải nghiệm anh đã qua cũng như những gì mà anh tiếp tục làm trong tương lai mời quý vị theo dõi.

Ấn tượng về Anh Điếu Cày

Mặc Lâm: Mọi người đều biết anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã có thời gian bị giam chung với anh, anh có thể nói chút ít về ấn tượng của anh đối với anh Hải cũng nhưng kỷ niệm gì mà hai anh có với nhau trước khi anh Hải sang Mỹ được không ạ?

Trương Duy Nhất: Ấn tượng của tôi nhất về Điếu Cày thì đó là một con người bản lĩnh kiên cường, khó tìm một người nào có ý chí và bản lĩnh như anh Điếu Cày, khó lắm. Bởi vì tôi và anh Hải Điếu Cày ở hai phòng sát nhau, hai phòng có bức tường cao khoảng 3 hay 4 mét gì đó, họ cách ly hai phòng lại. Ban ngày khi mở cửa, tôi bị đau lưng trèo không được thì anh Hải ảnh trèo lên tường ngồi tâm sự với tôi. Anh em nói chuyện với nhau, tôi ngồi bên này còn ảnh ngồi bên đó. Ấn tượng ban đầu khi mới vào nhìn thấy anh tôi thương lắm. Người ốm khô ốm quắt da bụng nó như dính vào lưng, sợ thật. Trong đó chỉ có anh với tôi là hai người cương quyết nhất, mạnh bạo nhất đấu tranh với trại giam. Anh Hải là một người về mặt ý chí, bản lĩnh thì tôi cho rằng khó tìm ra một người như thế.

Mặc Lâm: Việc anh Hải bị mang ra thẳng phi trường để sang Hoa Kỳ có làm anh bất ngờ không? Sau khi anh Hải ra đi và một mình ở lại anh có cảm giác thế nào?

Trương Duy Nhất: Bất ngờ thì không bất ngờ lắm bởi vì việc anh Hải Điếu Cày ra trại sớm và đi Mỹ thì đã có thông tin trước đó mấy tháng kia, khi có một đoàn cán bộ an ninh vào làm việc. Anh Hải ảnh ra gặp ai, làm việc thế nào thì anh ấy đều kể hết cho tôi cũng như tôi ra thăm nuôi, làm việc với quản giáo thế nào thì tôi cũng kể hết cho anh Hải.

Cán bộ của Bộ Công an họ vào họ gặp anh Hải, họ gọi ra bảo bên Bộ Ngoại giao Mỹ có quan tâm đến vấn đề của anh và muốn anh định cư và sinh sống ở Mỹ, họ tác động để trả tự do cho anh. Anh Hải khi vào ảnh có trao đổi việc đó với tôi và hai anh em cũng bàn bạc thống nhất với nhiều ý cho nên đã chuẩn bị trước. Khi đi anh Hải cũng để lại tặng tôi rất nhiều vật dụng chăn màn quần áo, ngay cả cái bát ăn cơm, cái thìa uống cà phê anh Hải cũng để cho tôi. Hai anh em chuẩn bị trước đó cả hơn hai tháng rồi nên cũng không bất ngờ lắm, thứ nhất là mừng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” mà.

Bởi vì chúng tôi ở hai phòng sát bên cho nên mỗi lần có những điều không nói được, vì không phải ai trong cái khu đó mình cũng có thể tâm sự được, nên khi anh Hải ảnh trèo lên tường thì tôi viết sẵn lời tâm sự để chia tay với anh ấy. Tôi đưa tờ giấy mà bây giờ thì anh cũng biết rồi đó, tôi nghĩ sau khi đọc xong thì anh ấy hủy nó đi, hóa ra khi tôi ra tù mới bữa hôm qua tôi mới biết là ổng đem tờ giấy đó qua tới bên Mỹ luôn. Tôi bảo là dù sao đi nữa “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” anh ra thì em mừng.

Mừng khi nghĩ lại khi anh đi rồi thì ngày nào cũng thế tôi gọi: “Này! lên đài!” lên đài tức là leo lên tường ngồi nói chuyện với tôi. Tôi nhớ mãi cái hình ảnh anh mặc quần đùi đưa xương sườn ngồi nói chuyện suốt với tôi. Anh Hải có tặng tôi một số bài thơ và một số giấy tờ ảnh ghi tặng cho tôi mà cuối cùng khi ra trại họ cũng thu hết. Không biết tại sao cái bài thơ của Điếu Cày mà họ cũng lấy?

Kêu gọi mọi người hãy lên tiếng

Mặc Lâm: Sau ba ngày tự do và có điều kiện để xem lại những thông tin mà anh không biết sau hai năm dài, sự kiện nào làm anh chú ý và suy nghĩ nhiều nhất?

Trương Duy Nhất: Cái tôi suy nghĩ nhiều nhất là sau hai năm tôi ở trong tù tôi ra thì tôi thấy xu hướng lên tiếng, như tôi kêu gọi là mọi người hãy lên tiếng mà! Một người lên tiếng như Trương Duy Nhất có thể nó cũng chưa là gì cả nhưng 10 người lên tiếng thì khác, 100 người lên tiếng, hàng nghìn người lên tiếng thì nó sẽ tạo những cơn dư chấn lớn hơn. Tôi thấy cái thay đổi rõ nhất mà cái này là chuyện đáng mừng đó là sự lên tiếng đặc biệt của tầng lớp trí thức, những người cầm bút, nó lan tỏa rộng hơn và thậm chí nó hình thành những phong trào mà tôi cho là nó tác động tạo những xoay chuyển sẽ là những xoay chuyển lớn.

Như anh Nguyên Ngọc thành lập hội văn bút độc lập, lại thêm cái hội nhà báo độc lập công khai, rồi tôi cũng bất ngờ, hơn hai mươi nhà văn xin ra khỏi Hội nhà văn Việt Nam để viết văn cho nó tốt hơn, cho nó văn hơn! Câu chuyện đó cũng làm tôi hơi bất ngờ mà đó là bất ngờ thích thú.

Mặc Lâm: Anh từng nhiều lần khẳng định rằng việc làm của mình có mục đích khiến cho chế độ tốt hơn chứ không phải là đạp đổ nó. Với kinh nghiệm đau đớn sau hai năm trong nhà giam anh có thay đổi lập trường đó hay không?

Trương Duy Nhất: Lập trường này nó vẫn như thế anh à, nó vẫn như thế mà tôi cũng sẽ làm như thế. Quan điểm của tôi tôi đã nói hết trước phiên tòa rồi cũng như trong lời cảm ơn của tôi, cũng như trong cái bài phỏng vấn của RFA ngay sau khi tôi ra tù tôi cũng nói chuyện đó rồi. Cách làm của tôi cũng như quan điểm của tôi nó vẫn thế và tôi sẽ làm mãi như thế. Còn làm thế nào cho nó hiệu quả hơn thì phải tính. Tôi tin rằng bây giờ làm thì nó sẽ thuận lợi hơn. Sau hai năm tôi ra tù bây giờ tôi lên tiếng thì tôi thấy có nhiều người, nhiều cánh tay họ giơ lên cùng tôi hơn, nhiều người đứng bên tôi hơn. Cái đó là nguồn cổ vũ nó tác động cho mình mạnh mẽ hơn để có thể làm mình rút ra cái điều mình làm. Họ bắt nhốt mình hai năm tù mà nghĩ là lung lạc được ý chí của những người cầm bút như tôi là điều sai lầm. Ngược lại, đó là sự nung nấu ý chí, nung nấu ngòi bút của tôi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.

Trương Duy Nhất: Vâng cũng qua anh xin chân thành cảm ơn quý đài cũng như tất cả bạn đọc đã quan tâm đến tôi và câu chuyện của tôi trong suốt hai năm qua và tôi hy vọng sẽ còn tiếp tục vẫn còn quan tâm và ủng hộ sự lên tiếng của tôi trong thời gian tới.