RFA 11-2-14
 

Gia nhập TPP: cơ hội và thách thức

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Năm 2013 đã trôi qua, các cuộc đàm phán TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều bế tắt mặc dù Mỹ đã hết sức khuyến khích Việt Nam trong nhiều cuộc đám phán. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất vẫn tiềm ẩn từ nền kinh tế, chính trị Việt Nam trước khi gia nhập TPP. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) để tìm hiểu thêm về vấn đề này, trước tiên TS Lê Đăng Doanh nhận xét những thuận lợi khi Việt Nam tham gia vào TPP:

TS Lê Đăng Doanh: Trước hết cần khẳng định rằng nếu Việt Nam tham gia TPP thì sẽ được nhiều quyền lợi. Một là trong số 12 nước TPP thì Việt Nam có nhiều cơ hội bổ xung nền kinh tế của mình với những nền kinh tế khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mới đây Nhật có cho biết sẽ thực hiện sự hợp tác trong nông nghiệp và chế biến nông, thủy sản để sản xuất tại Việt Nam nhưng có thể xuất khẩu về Nhật với mức thuế suất về phía Nhật Bản là 0%. Như vậy là một cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp, thủy sản cũng như chế biến và phát triển công nghiệp thực phẩm.

Điểm thứ hai đặc trưng của TPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có những yêu cầu cao hơn rất nhiều. Nếu những hiệp định thương mại tự do trước đây chỉ yêu cầu tự do hóa về thương mại hàng hóa thì Hiệp định thương mại tự do sau đó mở ra tự do hóa thương mại dịch vụ, đầu tư, tài chính, tiền vốn và bây giờ hiệp định TPP này nó yêu cầu có sự thống nhất về quy định và hành xử của nhà nước trong đó có các quy định rất phù hợp với Việt Nam thí dụ như cạnh tranh, kiểm soát độc quyền. Nó cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải công khai minh bạch và không được ưu tiên ưu đãi gì.

Mặc Lâm: Thưa Tiến Sĩ, một trong những khó khăn khi Việt Nam gia nhập TPP là vấn đề cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài nhất là với các nước tiên tiến sẽ là một thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo TS thì những khó khăn ấy Việt Nam phải chuẩn bị như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam bước vào sân chơi TPP thì một là phải có những cải cách mạnh mẽ và điều ấy cho đến nay Việt Nam có đề ra phương hướng sẽ cải cách nhưng còn nhưng biện pháp cụ thể thì chưa thấy rõ.

Thứ hai nữa như ông nói có một số mặt hàng của Việt Nam sẽ khó có khả năng cạnh tranh được. Điều đáng lo nhất đối với Việt Nam là về mặt hàng công nghiệp với quy định xuất xứ của sản phẩm. Thí dụ như đối với sản phẩm dệt may thì TPP quy định từ sợi trở lên phải có hàm lượng TPP 70%. Điều đó có nghĩa là người Việt Nam phải phát triển công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho dệt may như nhuộm, chỉ may, cúc áo, chất độn để cho hàm lượng đạt được 70% . So với hiện nay chủ yếu là nguyên liệu Trung Quốc là nước không phải TPP chiếm đến 60-70% tùy từng loại mặt hàng, đấy là một thách thức.

Thách thức thứ hai là công khai minh bạch. Lâu nay tuy chúng ta nói công khai minh bạch nhưng chúng ta chưa thực hiện được vì nó đòi hỏi một cái tâm rất lớn bởi nó có thể đụng chạm đến các lợi ích nhóm.

Điều thứ ba rất quan trọng đó là nông nghiệp thì 5 ăn 5 thua có nghĩa là các sản phẩm về thủy sản, cây trồng tứ lúa cho tới cà phê, hồ tiêu thì Việt Nam có lợi thế nhưng sản phẩm về chăn nuôi thì Việt Nam hiện nay đang lạc hậu rất lớn. Nếu không kịp thời có cải cách và thay đổi thì các mặt hàng ấy khó cạnh tranh với các mặt hàng như thịt heo từ Đan Mạch, từ Canada, Hoa Kỳ rất rẻ. Hay thịt bò, sữa…đấy là các thách thức rất lớn

Một thách thức cuối cùng nữa là Việt Nam có chấp nhận cải cách hay không.

Trong hiệp định TPP nó có những quy định phải công khai việc mua sắm của chính phủ, quy định về luật công đoàn tức là quyền tự do lập công đoàn của người lao động…hiện nay chúng ta đang hy vọng Việt Nam có thể tiến những bước tiến mạnh mẽ để có thể kết thúc đàm phán TPP trong thời gian gần nhất. Có tin nói sẽ cố thực hiện trong năm 2014 này.

Mặc Lâm: Thưa TS một trong những quy định của TPP là việc đấu thầu phải công khai minh bạch và được giám sát. Tuy nhiên đây là miếng bánh béo bở nhất mà nhóm lợi ích đang chia chát với những người trách nhiệm. Làm cách nào Việt Nam có thể đối phó hữu hiệu để đạt được yêu cầu do TPP đề ra?

TS Lê Đăng Doanh: Việc các nhóm lợi ích trục lợi trên việc đấu thầu thì Việt Nam đã biết và chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị III của Ban chấp hành trung ương ngày 15 tháng 10 năm 2011 đã nêu đích danh lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ.  Thế thì việc cải cách đó nằm trong lợi ích của Việt Nam nhưng lại không phù hợp với lợi ích nhóm. Tôi rất hy vọng sự đồng thuận về nguyên tắc mà ông Tổng bí thư đã nêu lên với yêu cầu về công khai minh bạch về đấu thầu và mua sắm của chính phủ ở TPP sẽ có sự đồng thuận với nhau.

Mặc Lâm: Mới đây qua kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam (UPR) thì nhiều nhà làm luật của Mỹ tỏ ý không hài lòng và tuyên bố sẽ ngăn cản Quốc hội Mỹ chuẩn thuận hiệp định này đối với Việt Nam. Theo TS nếu không vào được TPP thì Việt Nam sẽ thiệt thòi gì và liệu TPP có phải là chiếc đũa thần đối với nền kinh tế Việt Nam đáng để Việt Nam phải xem xét và điều chính sách của mình về vấn đề nhân quyền cho phù hợp?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì Việt Nam vẫn còn có thời giờ và gần đây nhận thức trong xã hội về quyền con người đã được nâng cao lên rất rõ rệt và bản hiến pháp của Việt Nam mới thông quan năm 2013 này trên lời văn đã nhấn mạnh nhiều hơn về quyền con người so với bản hiến pháp trước đây. Thế thì ta vẫn còn hy vọng Việt Nam vẫn còn thời gian để thực hiện một số cải cách về quyền con người đáp ứng yêu cầu để hai bên có thể thống nhất với nhau được.

Nếu không gia nhập TPP được thì như ông thấy Việt Nam vẫn đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do với liên minh châu Âu và Việt Nam sẽ là thành phần của cộng đồng kinh tế ASEAN. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy cộng đồng ASEAN phần lớn là các nền kinh tế đang cạnh tranh với Việt Nam trong khi đó nếu vào TPP thì sẽ có nhiều nền kinh tế bổ xung cho Việt Nam.

Thí dụ như Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Những sản phẩm mà họ cần dùng mà họ không sản xuất nữa thì họ sẽ nhập từ Việt Nam như dệt may, da giày, hàng nông sản và thủy sản….

Trong khi đó ngược lại tại ASEAN Việt Nam đang phải cạnh tranh về dệt may da giày với rất nhiều đối thủ. Trong TPP hiện nay chưa có Thái Lan, Ấn Độ cho nên các đối thủ cạnh tranh về gạo cũng như các thứ khác của hai quốc gia này cũng là lợi thế cho Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng TPP không phải là chiếc đũa thần, mà chiếc đũa thần chính là sự cải cách của con người Việt Nam, nhà nước Việt Nam. TPP chỉ có thể là chất xúc tác, kích thích để Việt Nam có thể mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện cải cách mà thôi chứ TPP không làm thay được cho Việt Nam

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.