Tìm Thế Năng Từ Tiền Nhân
Trần Thị Thanh Nguyên
Hôm nay, chủ nhật, có nhiều cách để người ta trải qua một ngày chủ nhật. Tôi cùng em gái đang trọ học tại Sài Gòn, nó vừa mới thi học kì xong. Thế là hai chị em leo lên xe máy làm một cuộc hành hương …sở tại. Đầu tiên, như bao sự bắt đầu khác, chúng tôi cần nạp năng lượng. Tạt qua lề đường mua hai ổ bánh mì và ghé vào một quán cà phê thật, hạt, rang xay tại chỗ (cà phê phải tự chiêu tuyết cho mình như con người phải luôn nhắc nhở nhau sống và làm việc theo pháp luật vậy!). Hai chị em đứa cà phê đá, đứa cà phê sữa đá và bàn về buổi học triết hôm trước của đứa chị, về giọt nước mắt tự rơi sau khi thi môn luật môi trường của đứa em, về chuyện những bức thư tình của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vừa được công bố thành sách, … Hai đứa chúng tôi say sưa, rồi tự động cười hí hí vì niềm hạnh phúc mình đang có, vì sự tự do mình đang được hưởng, vì hơi hướng đấu tranh cho … nữ quyền (quyền phụ nữ ngồi cà phê bàn đại - thế - quốc sự!). Hai cô gái, ngày chủ nhật và chuyến đi (xin giảm nhẹ từ hành hương) … thắp hương. Một bó hoa huệ vàng chúng tôi mang theo đến địa chỉ: Số 9, đường Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình. Đó là Di tích lịch sử quốc gia Mộ Phan Châu Trinh. Cổng chính đóng, chúng tôi vào bằng cổng của một cửa hàng cây cảnh mang tên Tây Hồ. Chúng tôi được một chú trẻ tuổi, có lẽ tôi nên gọi bằng anh, dẫn đi qua con đường lát đan dưới bóng râm giữa hai làn hoa cỏ còn thấm đẫm mưa Sài Gòn mấy ngày qua, đến nhà tưởng niệm. Chúng tôi bắt chước anh bỏ dép ngoài bậc thềm, anh mở khóa và chúng tôi bước vào trong. Anh đưa chúng tôi một bình hoa sứ men xanh vì thấy em tôi ôm một bó hoa huệ vàng, sau đó đưa cho chúng tôi mỗi đứa 3 cây nhang và dặn vị trí cần thắp nhang rồi lặng lẽ đi ra ngoài. Tôi và em tôi thành kính dâng hương. Tôi đứng trước chân dung cụ Phan Tây Hồ đặt trên ban thờ mà lòng tự tuyên thệ sẽ không phụ lòng trời đất, tổ tiên, cha mẹ và cả sự hi sinh của chồng và con tôi, cố gắng tập trung trau dồi tri thức, gạt bỏ những si mê vọng tưởng để tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội trong giới hạn bản thân mình. Dâng hương xong, chúng tôi tìm hiểu những câu đối, bức hoành phi Hán tự và bản tiểu sử Phan Châu Trinh (in trên tường bằng chữ Quốc ngữ) do chính cụ Huỳnh Thúc Kháng soạn. Hai đứa cố gắng ghi nhớ một số Hán tự mà chúng tôi vẫn chưa đọc được để về tra từ điển. Chúng ta quay ra khu vườn để viếng mộ cụ Phan. Không gian thâm trầm nhưng tươi sáng, yên ả nhưng không cô tịch, khép kín nhưng không hoàn toàn tách biệt với Sài Gòn vồn vã của buổi sáng chủ nhật. Chúng tôi quay trở lại cửa hàng Tây Hồ và xin phép người đã mở cửa cho chúng tôi vào viếng cụ Phan để ra về. Chúng tôi không phải là nhà khoa học khảo cứu văn hóa, lịch sử hay cái chi trọng đại, chúng tôi không ghi chép, không phỏng vấn nên không biết luôn cả tên người đã mở cửa cho chúng tôi vào. Vậy mà chúng tôi mang về nhiều thứ lắm. Những dòng chữ của cụ Huỳnh Thúc Kháng nói về tâm huyết của cụ Phan Châu Trinh trong công cuộc giải phóng đất nước, chấn hưng dân tộc bằng con đường DÂN CHỦ làm lòng tôi dường như có một sự chuyển biến lạ lắm. Là người theo đuổi các ngành khoa học xã hội như chị em chúng tôi (tôi học văn, em tôi học luật), hai tiếng DÂN CHỦ nhìn thấy trong sách vở mãi rồi cũng … chỉ còn là cái vỏ ngôn từ võ đoán. Vậy mà khi bắt gặp lại cũng hai tiếng ấy trong nhà tưởng niệm và ngoài mộ cụ Phan, tôi biết rằng mình không hiểu hết giá trị của điều thiêng liêng đó. DÂN CHỦ - khát vọng đời người, thế hệ người và dân tộc. Riêng bản thân tôi có một may mắn là một phụ nữ sắp tuổi 30, đã có chồng con nhưng vẫn được tiếp tục học hành, gánh nặng gia đình được người thân san sẻ cho rất nhiều. Đôi khi, văn chương (đối tượng mà tôi nghiên cứu) cũng tác động đến tâm hồn tôi bằng tác dụng phụ của nó. Tôi nhầm lẫn nhiều trong suy nghĩ, trong tình cảm lẫn hành vi. Song tác dụng chính của văn chương đã giữ tôi lại, giúp tôi nhìn lại và đi tiếp. Đi thắp hương cho cụ Phan là lời xin lỗi của tôi trước tiền nhân vì đã không xứng đáng với những gì mà thế hệ họ đã hi sinh cho chúng tôi. Nước Việt Nam còn nghèo, dân Việt Nam còn khổ, văn hóa Việt Nam xuống gần đáy, khoa học Việt Nam lạc hậu, … Ai trả lời cho các vấn đề ấy? Là thế hệ chúng tôi! Chúng tôi, thế hệ 8x không thể lẫn trốn trách nhiệm của mình được nữa. Phải biết trưởng thành để gánh vác! Phải biết chuyển thế năng của tiền nhân thành động năng cho chính mình. Mỗi người cụ thể không thể an trú trong con người “đại tự sự” về mặt trách nhiệm LÀM NGƯỜI giữa nhân loại, LÀM CÔNG DÂN của một quốc gia dân tộc, LÀM PHẬN SỰ của chức nghiệp đang mang, cũng như các mối quan hệ khác nhau của đời sống thế thái nhân tình. Thưa thế hệ 8x, chúng ta đang ở điểm vàng của đời mình, yếu tố vàng trong cơ cấu vàng của dân số Việt Nam hiện nay. Nếu Việt Nam không thể sánh vai cùng cường quốc năm châu như tâm nguyện của tiền nhân, thì đó là lỗi ở chúng ta (trong đó có chính tôi) chứ không ai khác! Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2015. Trần Thị Thanh Nguyên
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 12-7-15 |