NGƯỜI ĐỒNG NGHIỆP NHỎ

Tạ Thị Ngọc Thảo

Một buổi chiều tháng năm trên đường Pasteur (TP.HCM) vào giờ tan tầm người xe dày đặc. Đã thế trời còn bất chợt đổ mưa. Dòng chảy của người và xe lưu thông một cách chậm chạp gần như đứng yên. Tôi thở dài rất nhẹ - lại trễ giờ hẹn,  rồi lơ đãng nhìn qua cửa xe. Chợt mắt tôi đọng lại ở trạm chờ xe buýt, ở đó có một cậu bé khoảng 9 - 10 tuổi (có thể ít tuổi hơn vì cháu rất nhỏ con). Cậu bé khoác một chiếc áo trắng ngắn tay, có phù hiệu của một trường Tiểu học nào đó, bên dưới là chiếc quần màu xanh học trò ngắn cũn cỡn trên mắt cá chân. Tôi quan sát kỹ hơn và nhận thấy một sự tương phản rõ rệt: người thì nhỏ con nhưng cái cặp cậu bé đeo sau lưng lại quá to. “Mang cặp sách nhiều như thế thì lớn gì nổi”, tôi nhủ thầm. Nhưng không, cậu bé buông cái cặp xuống và bắt đầu làm động tác bày hàng rất lành nghề.

Đầu tiên, cậu bé moi trong cặp ra một khúc cây ngắn rồi như làm xiếc, cậu kéo dài nó ra và buộc nó vào cái cây có sẵn ở trạm chờ xe buýt. Sau đó, cậu lấy trong cặp ra những chiếc áo mưa (loại mỏng, trong, được gói trong từng bao nhỏ) đã xỏ sẵn thành xâu máng lên cây lủng lẳng thành từng dây dài. Đoạn cây thừa còn lại cậu treo lên 5- 3 chiếc áo mưa dày dặn hơn cho gian hàng của mình thêm phần xôm tụ.      

Tôi nhận ra ngay đây là “đồng nghiệp” của mình, vội nói bác tài tìm chỗ đậu xe rồi tôi bước vào trạm xe buýt làm bộ lơ đãng trú mưa, nhưng thật ra là để quan sát xem cậu ta hành nghề ra sao. Quả nhiên, dù là Sài Gòn đang mùa mưa, nhưng cũng có nhiều người không mang theo áo mưa, và cũng vì vội và sợ ướt nên họ lấy áo mưa ở gian hàng của cậu bé mặc trước rồi trả tiền sau, không thèm trả giá; còn cậu bé cũng chẳng hề tỏ ra chút hoài nghi về sự ngay thẳng của khách hàng (nếu khách mặc vào xong rồ xe chạy luôn, thì sao?) Gian hàng áo mưa càng lúc càng đông khách, cậu giao hàng và lấy tiền luôn tay. Nét mặt của cậu trong lúc bán hàng nghiêm trang, căng thẳng.

Mưa Sài Gòn chợt đến chợt đi, trời lại quang đãng, những cơn nắng chiều quay trở lại rớt bên đường. Cậu bé dọn hàng vào, áo mưa chỉ còn lại dăm ba cái. Cậu cẩn thận xếp tất cả vào cặp. Lòng tôi chùng xuống khi thấy trong cặp của cậu có rất nhiều sách vở - hình như đang trên đường đi học về thì phải. Có lẽ vào mùa mưa, trong cái cặp mang theo đi học hàng ngày, thường xuyên có những chiếc áo mưa được cậu bé xếp ép thêm vào. Nếu trời bất chợt đổ mưa, cậu sẽ nhân thời cơ làm một cuộc kinh doanh chớp nhoáng tranh thủ kiếm tiền về phụ má nuôi em hoặc tự trang trải học phí của mình. Tôi trở lại xe khi cậu bé còn ngồi lại móc hết những tờ giấy bạc vừa kiếm được đem ra vuốt lại cho thẳng, khi nãy vì bận bán hàng cậu ta đã vội vã nhét đại vào túi quần. Tôi ngắm cậu, bây giờ đây, trên gương mặt của cậu bé chỉ còn lại nét hồn nhiên thơ trẻ.

Con trai ơi, rồi con sẽ là một doanh gia, tài phú sau này; vì không ít những doanh gia thành đạt ngày nay cũng có một tuổi thơ cơ cực và cũng bắt đầu sự nghiệp từ những việc rất nhỏ như con vậy!

 

TẠ THỊ NGỌC THẢO

Bài đăng trên Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số ra ngày 1 tháng 6 năm 2007 – Ngày Quốc tế thiếu nhi.