Người Việt Xuân Giáp Ngọ 2014 (trang 184-185)
Tại sao chính quyền CSVN vẫn tồn tại? Và họ còn tồn tại bao lâu? Nam Phương phỏng vấn TS Nguyễn Mạnh Hùng Hỏi: Dù có rất nhiều áp lực của quần chúng hơn bao giờ hết và ngay cả trong nội bộ đảng, tại sao chính quyền CSVN vẫn tồn tại? Và họ còn tồn tại bao lâu? Hay các áp lực quá yếu nên sẽ không có gì thay đổi? Đáp: Quả thật chính quyền CSVN đang chịu áp lực thay đổi ngày càng gia tăng; áp lực ấy còn lớn hơn các áp lực đã làm sụp đổ các chế độ cộng sản Đông Âu cuối thập niên 1980. Ở Đông Âu, đó là kết hợp của đòi hỏi tự do dân chủ với chủ nghĩa dân tộc bởi vì người dân cho rằng chính quyền của họ quá lệ thuộc vào Nga Xô. Hai yếu tố ấy đều có ở Việt Nam ngày nay, cộng thêm với bất mãn của quần chúng đối với nạn tham nhũng lan tràn, tình trạng bất công xã hội, khoảng cách giàu-nghèo quá lớn, và bất mãn của nông dân trước hành động chiếm đất mà không có bồi thường thỏa đáng của chính quyền đôi khi đẩy người ta vào tình trạng tuyệt vọng. Với những áp lực ấy, chính quyền cộng sản như đang ngồi trên một thùng thuốc súng, nó có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Hiện tượng ”tức nước vỡ bờ” chỉ trong vòng 2 tháng đã làm sụp đổ chính quyển độc tài ở Tunisia đầu năm 2011 là một đe dọa thường trực đối với chế độ hiên hữu ở Việt Nam. Lý do chính khiến chế độ CSVN tồn tại vì họ kiểm soát được phương tiện đàn áp và dám sử dụng phương tiện ấy. Đó là lý do khiến cho cuộc tranh đấu của sinh viên Trung Quốc ở Thiên An Môn năm 1989 và cuộc “cách mạng áo cà sa” (saffron revolution) ở Miến Điện năm 2007 bị dập tắt, trong khi các đòi hỏi lật đổ độc tài lai thành công ở Đông Âu. Nếu không phải là nhà tướng số và tin tướng số thì khó ai dám đoán chắc chính quyền CSVN còn tồn tại được bao lâu, chỉ biết với những áp lực kể trên, nó không thể tồn tại mãi mãi dưới hình thức này. Áp lực thay đổi ở Việt Nam hiện này chưa đủ mạnh để chính quyền chùn tay trong việc sử dụng phương tiên đàn áp, nhưng không đủ mạnh không có nghĩa là nó cứ yếu mãi. Tương quan giữa cố gắng duy trì nguyên trạng và áp lực thay đổi có ảnh hưởng hỗ tương. Quần chúng càng bất mãn thì áp lực đàn áp hoặc thay đổi càng gia tăng, đến một lúc nào đó khả năng kiểm soát phương tiện đàn áp và ý chí sử dụng phương tiện ấy sẽ kém đi. Lúc ấy thay đổi sẽ đến, hoặc bằng thương thuyết và tương nhượng như trường hợp Đông Âu, hoăc bạo loạn như trong “Mùa Xuân Á Rập.” Hỏi: Làm sao để có dân chủ thực sự ờ Việt Nam? Đáp: Đây là một câu hỏi chính đáng nhưng khó có câu trả lời khiến mọi người thỏa mãn. Vả chăng, nói thì dễ mà làm thì khó. Tôi xin trả lời câu hỏi của ông trong tinh thần ấy và trong giới hạn sự hiểu biết của tôi. Hiện nay, Việt Nam đang sống trong một chế độ độc tài, độc đảng, nghĩa là không có dân chủ. Muốn có dân chủ thì trước hết phải gỡ bỏ chế độ ấy đi. Có 4 phương cách chính để thay đổi chế độ. Cách thứ nhất là cải tổ từ bên trên, như ở Nga dưới thời Gorbachev, Đài Loan dưới thời Tưởng Kinh Quốc. Cách thứ hai là bẳng điều đình, tương nhượng (đôi khi xảy ra sau các cuộc biểu tình, xuống đường, và đàn áp), như ở Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đại Hàn. Cách thứ ba là bằng bạo loạn bộc phát, lật đổ như ở Tunisia, Lybia, và Ai Cập. Cách thứ tư có thể, có thể thôi, là bằng một cuộc nội chiến như đang xảy ra ở Syria. Kinh nghiệm chuyển đổi thể chế độc tài từ Đông Âu, qua Bắc Á dến Trung Đông cho thấy chuyển đổi qua phương thức hòa bình dễ dẫn đến dân chủ hơn là qua bạo loạn vì bạo loạn, nếu kéo dài, thường tạo điều kiện cho sự phát triển của những phong trào quá khích với những lãnh tụ quá khích. Vì thế, tầm nhìn, khả năng, và sư chọn lựa của nhà lãnh đạo chính quyền đương nhiệm cũng là yếu tố rất quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa. Lật đổ hay thay thế được chế độ độc tài không nhất thiết dẫn đến chế độ dân chủ. Dân chủ không phải là hậu quả tự nhiên hay tất yếu của sự sụp đổ một chính quyền độc tài. Dân chủ cũng không nhất thiết là kết quả của một cuộc bầu cử tự do. Đôi khi cuộc bầu cử tự do sau cách mạng có thể dẫn đến một chính phủ do đại đa số bầu lên, nhưng lại không phải là một chính quyền dân chủ, như trường hợp Iran dưới các ayatollahs, và Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Muslim Brotherhood . Người ta gọi hiện tượng này là dân chủ phi tự do (illiberal democracy). Hơn nữa, dân chủ cũng không nhất thiết đưa đến một chính quyền hữu hiệu, một điều kiện rất cần thiết của một quốc gia chậm tiến. Những gì xảy ra ở Ai Cập và sự tê liệt của chính quyên Mỹ trong thời gian gần đây bắt nguồn từ đòi hỏi của các chính trị gia quá khích là những trường hợp điển hình. Việc xây dựng dân chủ sau thời cộng sản là một công tác quan trọng và khó khăn chẳng kém gì việc lật đổ chế độ. Vậy, thế nào là dân chủ, và dân chủ đòi hỏi những điều kiện gì? Các học giả không đồng ý với nhau về số điều kiện cần có của nền dân chủ. Có người đề nghị 8 điều kiện (như Robert A. Dahl), có người đúc kết thành 3 điều kiện (như Georg Sorensen). Nói chung, dân chủ đòi hỏi những yếu tố cốt lõi tối thiểu sau đây: 1. Dân chủ, nói nôm na, là người dân phải làm chủ mình. Điều này có nghĩa là người dân có quyền tham dự vào việc làm chính sách công (public policy) có ảnh hưởng đến họ. Nhưng, trừ trường hợp trưng cầu dân ý, không phải lúc nào người dân cũng có thể trực tiếp tham dự vào việc làm chính sách chung, cho nên họ phải có quyền bầu người đại diện cho họ làm chuyện ấy. Việc này được thực hiện qua thể thức bầu cử tự do. 2. Trong cuộc bầu cử này, người dân phải có sự lựa chọn thực sự. Điều này có nghĩa là phải có sự cạnh tranh giữa những người và tổ chức muốn đại diện cho dân. Chế độ độc đảng không thể là một chế độ dân chủ. 3. Dân chủ có nghĩa là chính sách công phải phản ánh sự lựa chọn của đa số, nhưng quyền bất đồng chính kiến của thiểu số phải được bảo vệ, vì khi hoàn cảnh hay nhu cầu thay đổi, phe thiểu số hôm nay có thể trở thành đa số ngày mai. Điều này có nghĩa là các quyền căn bản của người dân phải được luật pháp và thủ tục chính trị bảo vệ. Để tránh lạc đường vào một nền dân chủ phi tự do, ba điều kiện tối thiểu của một nền dân chủ đích thực là: bầu cự tự do, cạnh tranh chính trị, và tôn trọng các quyền căn bản và bất khả xâm phạm của người dân. Lý thuyết là như vậy, nhưng làm thế nào để áp dụng lý thuyệt ấy vào thực tế? Đối với những quốc gia chậm tiến về phương diên chính trị, thì trong lúc ban đầu, yếu tố quan trọng nhất là tầm nhìn, bản lãnh, khả năng của các nhà lãnh đạo chính trị. Đó là lý do tại sao cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ 1776, dù các nhà lập quốc không hoàn toàn đồng ý với nhau về bản chất và quyền hạn của chính quyền liên bang, vẫn đem đến ngay một nền dân chủ vững vàng, trong khi cuộc Cách Mạng Pháp 1789 phải trải qua một thời kỳ cực quyền mới đi đến dân chủ. Gần đây hơn, cái nhìn sáng suốt và cải tổ chính trị ngay trong nội bộ Quốc Dân Đảng của Tưởng Kinh Quốc đã giúp cho Đài Loan chuyển đổi tương đối ôn hòa từ một chế độ độc tài sang chế độ dân chủ. Ở Đại Hàn, cạnh tranh và tương nhượng giữa Roh Tae Woo, Kim Young Sam, và Kim Dae Jung sau những cuộc biểu tình và đàn áp đẫm máu cũng giúp cho nước này đi từ một chế độ độc tài sang dân chủ. Tiến trình này có thể đang xảy ra ở Miến Điện. Cuộc tranh đấu lật đổ chế độ độc tài có nhiều triển vọng thành công hơn nếu phong trào chống đối được lãnh đạo bởi một nhân vật có tầm vóc và trí tuệ, trung thành với quy luật dân chủ, và được sự ủng hộ của quần chúng cũng như sự kính nể, dù miễn cưỡng, của một số người lãnh đạo chính quyền độc tài, như Vaclav Havel ở Tiệp Khắc. Càng tốt hơn khi nhân vật này được hậu thuẫn bởi một lực lượng có tổ chức và đoàn kết, như Lech Walesa ở Ba Lan, Nelson Mandela ở Nam Phi, Kim Dae Jung ở Đại Hàn. Sức mạnh của tổ chức không những chỉ quan trọng trong khi tranh đấu mà còn ngay sau khi chính quyền độc tài bị lật đổ. Nếu những người hay tổ chức tranh đấu cho dân chủ không đoàn kết, chia rẽ nhau, và không thu phục được sự ủng hộ của quần chúng thì cuộc tranh đấu của họ dễ bị “cướp tay trên” bởi những thành phần phản dân chủ. Vì vai trò của nhà lãnh đạo lúc đầu quan trọng như thế, họ thường được dân chúng thán phục và ủng hộ, và họ dễ biến thể từ một nhà dân chủ thành một nhà độc tài, nếu họ không tự chế và không có lực lượng kìm hãm họ. Nước Mỹ có thể không có những cuộc bầu cử Tổng Thống đều đặn như ngày nay nếu George Washington không cương quyết từ chối mọi đề nghị ông tiếp tục ứng cử Tổng Thống khi nhiệm kỳ chấm dứt. Người ta cho rằng sau khi đánh thắng quân Anh giành độc lập cho nước Mỹ, tướng George Washington được toàn dân biết ơn và ngưỡng mộ đến nỗi họ có thể bằng lòng cho ông làm vua nước này, nếu ông muốn. Tuy yếu tố cá nhân lãnh đạo quan trọng như thế, một nền dân chủ bền vững còn đòi hỏi nhà lãnh đạo phải xây dựng định chế mạnh để nó có thể tồn tại sau khi mình rời chính quyền và có khả năng duy trì ổn định chính trị dù dưới một nhà lãnh đạo không xuất chúng. Đó là lý do tại sao Mustafa Kemal được ghi công là người không những đã đem lại độc lập và canh tân cho Thổ Nhĩ Kỳ mà còn lập ra mỗt đảng chính trị, Đảng Cộng Hòa Nhân Dân (Republican People’s Party) và cho phép sự thành lập một đảng đối lập, Đảng Cộng Hòa Cấp Tiến (Progressive Republican Party) làm nền móng cho chế độ đa đảng tiếp tục sứ mệnh canh tân đất nước sau khi ông qua đời. Đó là những bài học lịch sử, nó có thể giúp cho người ta tránh được những lỗi lầm. Đó là lý thuyết. Áp dụng lý thuyết như thế nào để đem đến dân chủ đích thực và bền vững cho Việt Nam tùy thuộc vào khả năng, tầm nhìn, và sự chọn lựa của các nhà tranh đấu cũng như của các nhà lãnh đạo chính quyền đương nhiệm.
|