RFA Blog
2-2-14

Taị sao đến bây giờ Thủ tướng mới cho tẩy chay Chân dung Quyền lực?

 

Trong vài năm gần đây, trước các hội nghị quan trọng của Ban Chấp hành TW Đảng CSVN, người ta thường thấy việc xuất hiện một số trang mạng "độc hại" đăng tải các thông tin được coi là thâm cung bí sử trong nội bộ lãnh đạo cao cấp trở nên phổ biến. Các trang mạng này đã thu hút một lượng bạn đọc rất đông đảo và đã tạo ra sự khủng hoảng lòng tin của dân chúng đối với chế độ hiện tại. Đây là điều khiến cho các lãnh đạo nhà nước Việt nam hết sức lo ngại.

Trước lúc khai mạc Hội nghị TW6 - Khóa XI (tháng 10 năm 2012), một Hội nghị trung ương được đánh giá là rất quan trọng, với mục đích để xem xét việc kỷ luật đồng chí X, thì sự ra đời của trang Quan Làm Báo (QLB) với nhiều thông tin bạch hóa các âm mưu lũng đoạn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, cũng như các phi vụ tham nhũng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm lợi ích của ông đã từng gây rúng động dư luận khi đó.

Hội nghị Trung ương 10 - Khóa XI khai mạc ngày 05.1.2015, trong bối cảnh mà truyền thông nhà nước hé lộ cho biết Hội nghị sẽ xem xét "biểu quyết giữ nguyên hình thức kỷ luật Đảng như đề nghị của Bộ Chính trị" . Đồng thời, một trong những nội dung quan trọng nhất của Hội nghị Trung ương 10 - Khóa XI là tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng CSVN để làm cơ sở cho việc lựa chọn nhân sự cấp cao cho Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII sẽ diễn ra khoảng trung tuần tháng giêng năm 2016. Vì lẽ đó, từ trước ngày khai mạc tin tức về Hội nghị TW10 được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Sự xuất hiện trở lại của trang Chân dung Quyền lực (CDQL) vào ngày 15.12.2014, là thời điểm 20 ngày trước lúc khai mạc Hội nghị TW10, đã đáp ứng được sự quan tâm theo dõi của một số đông dân chúng. Các nội dung chính của trang CDQL là, với các bằng chứng cụ thể về hình ảnh, tài liệu... có sức thuyết phục cao, để tập trung nhằm vạch trần tệ nạn tham nhũng của một số nhân vật thuộc diện đang được chú ý trong việc cơ cấu lãnh đạo chủ chốt trong Đại hội Đảng lần thứ XII, như các ông Phùng Quang Thanh, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Quang Nghị v.v... Và trái lại với các nội dung mang tính bôi nhọ đó, thì trang CDQL mặt khác đã hết lời ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không chỉ coi ông Thủ tướng là một hình ảnh độc tôn trên sân khấu chính trị Việt Nam, mà còn là một người đầy tài năng và quyền lực, và có triển vọng trở thành vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam thời hậu cộng sản. v.v...

So với trang QLB, Ban Biên tập trang CDQL đã tỏ ra chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Các bài viết đã được chuẩn bị kỹ càng, công phu đối với các tài liệu dùng để làm bằng chứng, đặc biệt với lối viết của những cây bút chuyên nghiệp mang hơi hướng tuyên huấn, lập luận chặt chẽ kèm theo các bằng chứng không dễ ai mà có được đã gây lòng tin cho mọi bạn đọc. Không chỉ thế, trang CDQL đã thể hiện rất rõ quan điểm chính trị của nó, qua "Thông báo về việc quản lý comments", theo đó Ban Biên tập CDQL đã tuyên bố dọn dẹp bất cứ lúc nào mà không cần thông báo, đó là : Thóa mạ Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua điều đó, để có thể khẳng định trang CDQL là một trang web "độc hại", của quân ta nhằm đánh quân mình.

Điều đáng chú ý là trang CDQL nắm bắt được các thông tin mà dư luận đang quan tâm và đã kịp thời trưng ra nhiều hình ảnh, tài liệu, kể cả lịch bay trở về Việt nam của Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh chính xác đến mức kinh ngạc. Lý do việc truyền thông nhà nước không dám công bố các hình ảnh sau khi trở về Việt nam của ông Nguyễn Bá Thanh, cũng được cho là họ không muốn là một cách gián tiếp thừa nhận tin tức của CDQL là có thật và chính xác. Không chỉ thế, trang CDQL lại một lần nữa ghi điểm, đó là việc họ đã cho công bố cụ thể Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 20 lãnh đạo cao cấp của Đảng CSVN, trong khi lãnh đạo Đảng và truyền thông lại muốn ém nhẹm, cho dù trước đó họ đã từng nói rằng cần thiết phải công khai.

Với cách im lặng như thế, vô tình lãnh đạo của Đảng CSVN và truyền thông nhà nước đã để trống câu trả lời về các vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm và đang bằng mọi cách để tìm hiểu. Đồng thời cũng là việc tạo điều kiện cho trang CDQL làm chủ những thông tin về vấn đề này. Điều đó khiến dư luận càng tin các thông tin do CDQL đưa ra và coi đó là thông tin chính xác, mặc dù các thông tin này chưa thể kiểm chứng được. Do vậy, việc cho rằng sự ra đời của trang CDQL đã khiến bộ máy truyền thông của nhà nước đã tỏ ra bất lực và đã bị rơi vào vào tình thế từ lúng túng đến hoang mang cực độ, nếu không muốn nói là đã bị hạ đo ván là đánh giá hoàn toàn chính xác.

Các trang QLB, CDQL tuy khác nhau về chất lượng các tin tức, các bằng chứng song đều có cùng một mục đích nhằm bôi nhọ để hạ uy tín một số lãnh đạo cao cấp của Đảng. Và một điểm chung nữa cần phải được nhắc đến, đó là những người đứng sau các trang mạng này được dư luận cho rằng cũng là các cán bộ lãnh đạo cao cấp nằm trong số còn lại không bị nêu danh. Cụ thể hơn, trước đây người ta đã dẫn các bằng chứng để chỉ đích danh người đứng đằng sau trang Quan Làm Báo là Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang với 02 chị em đồng Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm là người trực tiếp chỉ đạo. Và lần này, người ta cũng cho rằng người đứng đằng sau trang Chân dung Quyền lực không ai khác là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được hưởng lợi nhiều nhất từ những thông tin do trang mạng này đưa ra. Và cái mà lợi lớn nhất mà Thủ tướng đã đạt được, đó là ông đã chiếm vị trí đầu bảng trong kết quả bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10. Trong kết quả này, trang CDQL cũng có một đóng góp đáng kể.

Tuy vậy còn nhớ, đối với trang QLB lúc mới ra đời ngay từ đầu đã bị ngăn chặn triệt để. Đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chỉ thị và yêu cầu  Bộ Công an cùng các ngành liên quan cần xử lý. Cụ thể như các trang QLB, Dân làm Báo... và ngay lập tức các trang mạng này thậm chí đã bị hack và rất khó khăn trong việc truy cập. Không những thế, thừa lệnh của Thủ tướng cơ quan an ninh đã ráo riết điều tra và tiến hành bắt giữ một số nghi can của một số văn phòng được cho là liên quan đến trang blog QLB. Mà nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập cũng từng là một nạn nhân bị bắt oan và được trả tự do sau đó.

Song đối với trang CDQL thì người ta cho rằng hình như nhận được một sự ưu đãi có phần đặc biệt hơn rất nhiều. Đó là kể từ ngày 15.12.2014, là ngày trang CDQL xuất hiện trở lại thì người ta thấy nó không những được quảng cáo mất tiền trên các mạng xã hội Facebook, mà trang CDQL được truy cập hết sức dễ dàng, không bị ngăn chặn bằng tường lửa như các trang "độc hại" khác. Kể cả cho đến trước ngày khai mạc Hội nghị TW10, khi Tổng BT Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước lên tiếng yêu cầu cần phải có biện pháp ngăn chặn các thông tin xấu và độc hại trên mạng internet thì mọi việc vẫn diễn ra bình thường và không có gì thay đổi. Và người ta thấy Bộ CA hoàn toàn án binh bất động, không có việc điều tra, truy xét hay bắt bớ như thời của QLB trước kia. Phải cho đến ngày 15.1.2014, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Không thể cấm thông tin trên mạng xã hội.". Đáng chú ý là, ngay sau phát biểu trên của Thủ tướng thì lập tức trang CDQL cho đăng tải chi tiết "Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10". Điều này được đánh giá là sự phối hợp ăn ý và nhịp nhàng.

Phải đến ngày 30.1.2015 vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2015 thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới chỉ đạo, yêu cầu phải: "Kiên trì chặn thông tin xấu về lãnh đạo trên mạng.". Sau quyết định này của Thủ tướng, một ngày sau người ta thấy Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã lập tức lên tiếng phụ họa khi cho biết: "Các blog “Dân làm báo”, “Quan làm báo”… và gần đây nhất là “Chân dung quyền lực” đã nhanh chóng bị quay lưng vì đưa tin nhảm nhí, xấu độc trước sức mạnh đấu tranh của thông tin chính thống" một cách vô thưởng vô phạt. Và lập tức, tin tức này được truyền thông nhà nước không biết vô tình hay cố ý đã đăng tải với các title chữ đậm khi nhắc tới cái tên trang CDQL hầu như với mục đích là nhằm để quảng cáo cho trang website "độc hại" này.

Tới nay, giới bình luận thì cho rằng những hành động đó chỉ xảy ra sau khi trang CDQL đã hoàn tất vai trò và sứ mệnh cao cả của nó trong việc phục vụ cho cuộc đấu đá nội bộ diễn ra trong kỳ Hội nghị TW10. Mà bằng chứng là trên thực tế cho thấy bài vở trên trang CDQL đang có biểu hiện là bắt đầu cạn kiệt vì người chủ trang web "độc hại" này đã đạt được nguyện vọng của mình. Và đây cũng là lúc bước sang một giai đoạn khác, để người ta tranh thủ PR cho CDQL, để trang web "độc hại" này sẽ tiếp tục phục vụ cho chủ nhân của nó trong các cuộc chiến hết sức dữ dội sắp tới từ nay đến trước Đại hội Đảng lần thứ XII.

 

Ngày 02 tháng 02 năm 2015
 

© Kami