Việt Nam Thời Báo
11-5-17

 

Vì sao bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng trên Vietnamnet bị gỡ?

     

Anh Văn

 

Việc bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng mang tên "Kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân" (6/5/2017) vừa đăng tải trên Vietnamnet, nhưng sau đó bị rút bài biểu hiện cho sự tiếp tục theo đuổi các quan điểm bảo thủ về nền kinh tế - chính trị trong thời gian tới. 

Những quan điểm đáng chú ý 

Từ sau phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì có lẽ quan điểm tiếp theo của nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng cũng về vấn đề này là rất đáng chú ý.

Đáng chú ý không chỉ nằm ở việc ông đã đề cập đến gần như các yếu tố then chốt của XHCN như kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước,… mà lần đầu có thể nhận ra, các yếu tố này được phủ nhận bằng những luận chứng rất Mác, trong đó khẳng định – một số quan điểm buộc bị xem là “chính trị hiển nhiên”, thực tế là Chủ nghĩa duy vật Siêu hình (trước Mác). 

Ông Vũ Ngọc Hoàng dẫn quan điểm K.Marx thừa nhận Chủ nghĩa tư bản, cái đang bị bài xích tại Việt Nam, sẽ phát triển lên một mức mà không còn là nó nữa, sự tích lũy về lượng sẽ làm biến đổi về chất, biến CNTB trở nên tiến bộ hơn. Chính điều này đã khiến cho mục tiêu xã hội và phương thức xã hội hóa đi đến “gần hơn một cách đáng kể với CNXH”, và thậm chí, là hơn so với những nước “đang định hướng XHCN trên thế giới”. Và từ luận điểm này, ông đã chỉ đích danh ra ràng, đó mới là thứ CNXH chân chính, lành mạnh chứ không phải là thứ CNXH “hình thức, nhân dân, giả mạo” (được hiểu như 5 nước tiến lên CNXH như hiện nay, bao gồm có cả Việt Nam).  

Điều đáng chú ý tiếp theo, ông nhận định, K.Marx chỉ làm khoa học, làm dự báo khoa học, không làm “chủ nghĩa”, tức bản thân Marx không là nhà Mác-xít như cách nhiều nước có ĐCS cầm quyền đang tuyên truyền. 

Nhưng đáng chú ý hơn cả, ông phản bác lại tư duy cho rằng, “sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước là đương nhiên thành một đặc trưng của kinh tế thị trường trong CNXH”, mà ông cho rằng, nó phần chủ quan, không biện chứng. Điều này được có là cơ sở xóa sổ sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, hoặc thậm chí là nền tảng để phản bác lại luận điểm, kinh tế doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, là then chốt như ngay trong Hiến Pháp 2013. Đối với khái niệm kinh tế nhà nước và kinh tế doanh nghiệp nhà nước, ông chỉ ra rằng, cả hai là hai “phạm trù khác nhau, nằm ngoài nhau”, do đó bản thân DNNN có tiếp tục cổ phần hóa cũng cần điều hiển nhiên, và bản thân nó chỉ còn nên được sử dụng cho mục đích quốc phòng – cái mà “mọi doanh nghiệp thuộc thành phần khác không làm được”. 

Vậy thì cái gì sẽ thay thế tính “chủ đạo, then chốt” của DNNN hiện nay? Ông Vũ Ngọc Hoàng “dự báo rằng”, đó chính là kinh tế cổ phần, một yếu tố phát triển lên từ kinh tế tư nhân. Và cũng từ yếu tố nào, cùng với một “nền chính trị thực sự dân chủ” thì mới có thể hình thành CNXH. 

Nó dự báo điều gì? 

Nhà nước đang dần phá sản hóa các học thuyết siêu hình/ trừu tượng về xây dựng XHCN, hoặc bớt sự thô cứng như cách công nhận các thành phần kinh tế năm 1986.

Nhưng sâu xa hơn, nếu căn cứ quan điểm của ông Vũ Ngọc Hoàng thì hệ chính trị - xã hội sẽ buộc phải biến động rất nhiều để cứu vãn tình thế hiện nay. Trong đó, thay tính chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước ăn hại bằng sự linh động và có hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân. Buộc phải cắt bỏ đuôi xã hội chủ nghĩa trong thành tố kinh tế thị trường để phát triển kinh tế và hỗ trợ cho việc nhiều quốc gia công nhận thành tố này. 

Tuy nhiên, đó là về mặt lý thuyết, thực tế cho thấy, dù có đề cập đến kinh tế tư nhân như một động lực nhưng trong diễn văn khai mạc Hội nghị 5 vừa qua của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn tiếp tục kiên trì tìm hiểu mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng nguyên tắc “vừa làm, vừa đúc kết kinh nghiệm”. 

Việc bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng mang tên "Kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân" (6/5/2017) vừa đăng tải trên Vietnamnet, nhưng sau đó bị rút bài biểu hiện cho sự tiếp tục theo đuổi các quan điểm bảo thủ về nền kinh tế - chính trị trong thời gian tới. Đồng thời, nó cũng ám chỉ rằng, nội bộ đảng CS đang có những phân hóa rõ rệt, nhưng yếu tố bảo thủ, kiên trì dựa vào thành quách của hệ chủ nghĩa Mác trên cơ sở Stalin vẫn đang thắng thế. Các biện pháp, câu từ nâng khu vực kinh tế tư nhân chỉ là phương thức tạm thời để ĐCSVN thoát ra khỏi khủng hoảng (như năm 1986), chứ không phải là sự nhận thức đầy đủ về mặt bản chất.