NGƯỜI VIỆT
1-5-21

Phải chăng miền Nam Việt Nam thua vì yếu kém về mặt tâm lý chiến?

Vann Phan

SANTA ANA, California (NV) – Sự sụp đổ tương đối mau lẹ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, đã làm cho cả bạn lẫn thù ngạc nhiên không ít, mặc dù cả hai bên chiến tuyến đều đã đánh hơi thấy được kết cuộc như thế.

Lý do, ngay sau khi Hiệp Định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết, hoàn toàn thất lợi cho phía Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời nó cũng không hề bảo đảm rằng xung đột sẽ không được phép tái phát sau đó.

Lỗi tại ai?

Trong khi chiến thắng thường dẫn đến lòng tự phụ và tính khoe khoang quá mức thì thất bại lại ưa dẫn tới tâm trạng uất hận và đổ lỗi lẫn nhau.

Cộng Sản Việt Nam và những phần tử thiên tả trên khắp thế giới lập tức quy lỗi cho chính quyền và quân đội miền Nam Việt Nam Cộng Hòa là thiếu ý chí chiến đấu và chỉ lo tham nhũng, trong khi lại còn tùy thuộc nặng nề vào súng đạn và tiền bạc của Hoa Kỳ trong cuộc chiến.

Còn các quốc gia thuộc Thế Giới Tự Do thì một mặt đổ lỗi cho phía Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay quân Cộng Sản, mặt khác thì chê trách rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tuy thiện chiến nhưng lại không thể chiến đấu một mình nếu thiếu sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ, nhất là về hỏa lực từ trọng pháo và phi pháo.

Rồi với thời gian, một số nhược điểm khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng được vạch ra, trong đó nhắc tới khả năng yếu kém của các vị chỉ huy cao cấp và các tư lệnh chiến trường, đồng thời một số các chuyên gia quân sự cũng cho rằng hoạt động kém hữu hiệu của ngành tâm lý chiến trong guồng máy chính quyền và quân đội miền Nam Việt Nam cũng đã giúp dẫn đến thất bại trong cuộc chiến tranh chống quân Cộng Sản xâm lược trước đây.

Kế hoạch chiến tranh tâm lý của chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa

Phải biết rằng chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã không hề lơ là mà còn rất chú trọng tới mặt trận tâm lý chiến trong cuộc chiến tranh tự vệ của miền Nam Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt và tay sai của họ là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Về mặt chính quyền, trong cả hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đều có các bộ Thông Tin, dùng để tuyên truyền cho chính nghĩa quốc gia, và Chiêu Hồi, dùng để kêu gọi các cán bộ và binh lính Cộng Sản buông súng mà quay về đầu thú với chính phủ quốc gia (và họ được gọi là các “hồi chánh viên”).

Kế Hoạch Chiêu Hồi phát động dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa vào đầu năm 1963 và dựa theo chương trình EDCOR (Economic Development Corps) của Philippines để chiêu dụ lực lượng Cộng Sản Huks (Hukbalahap) về đầu thú với chính quyền Manila và chương trình của Sir Robert Thompson thuộc quân đội Anh để chiếu dục các phần tử Cộng Sản về đầu thú với chính quyền Malaysia sau Thế Chiến Hai.

Chương trình này của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trực thuộc Bộ Công Dân Vụ (dưới quyền của Bộ Trưởng Ngô Trọng Hiếu) và trước đó mang tên Phong Trào Chiêu Tập Kháng Chiến Lầm Đường.

Sau năm 1963, ngành Chiêu Hồi trực thuộc Phủ Thủ Tướng, rồi đến năm 1965 thì chuyển sang Bộ Thông Tin.

Sang thời Đệ Nhị Cộng Hòa, chính phủ nâng Phủ Đặc Ủy Dân Vận-Chiêu Hồi thành Bộ Chiêu Hồi riêng rẽ để điều hành hệ thống Chiêu Hồi trên khắp 44 tỉnh thành tại bốn Vùng Chiến Thuật.

Ngành Chiến Tranh Tâm Lý, thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, được giao nhiệm vụ “phản tuyên truyền, hạ uy thế Cộng Sản, tranh thủ nhân tâm, nhất là nông dân, tách rời tâm hồn và tư tưởng của dân chúng ra khỏi ý thức hệ Cộng Sản.” Về mặt chiến lược, cần phải xây dựng cho dân chúng lập trường quốc gia để giữ lòng tin đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa và tạo cho dân chúng có cơ sở lý luận vững chắc chống lại tuyên truyền Cộng Sản. Các hoạt động tâm lý chiến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bao gồm:

Giai đoạn 1954-1960: Tuyên truyền “Cộng Sản tam vô, tàn ác,” “Miền Bắc đói kém”…

Giai đoạn 1961-1964: Quốc Sách Ấp Chiến Lược tách dân ra khỏi các lực lượng Cộng Sản “nằm vùng,” quảng bá sức mạnh của Hoa Kỳ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và tổ chức cho thanh niên chiến đấu chống lại lực lượng Cộng Sản tại các làng xã, đồng thời thả truyền đơn và các tài liệu Chiêu Hồi.

Giai đoạn 1965-1969: Tổ chức các đoàn Công Dân Vụ và Võ Trang Tuyên Truyền, Nhân Dân Tự Vệ, cán bộ Xây Dựng Nông Thôn; thành lập trung tâm điều hợp chiến tranh chính trị tại các quân khu, tiểu khu để phối hợp các cơ quan quân sự và dân sự; và lập các trung đội võ trang tuyên truyền Chiêu Hồi, đồng thời mở thêm các chương trình phát thanh đặc biệt của Đài Tiếng Nói Tự Do, Đài Gươm Thiêng Ái Quốc, Đài Mẹ Việt Nam…

Giai đoạn 1970-1975: Phát huy tối đa khả năng của các đài phát thanh nói trên và thực hiện kế hoạch Tiếng Gọi của Tổ Quốc để kêu gọi hồi chánh.

Mặt trận chiến tranh tâm lý của Việt Nam Cộng Hòa không hề yếu kém

Nói chung, chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam Cộng Hòa và Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ đều phạm những lỗi lầm dẫn đến việc để mất Việt Nam Cộng Hòa vào tay Cộng Sản Quốc Tế trong thế kỷ trước.

Riêng về phía Việt Nam Cộng Hòa, những lỗi lầm dẫn đến kết cục bi thảm của đất nước trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, thì không phải chỉ riêng ngành tâm lý chiến phải gánh chịu mà đó là trách nhiệm của toàn quân, toàn dân trong cuộc chiến vừa qua. Các lý do sau đây có thể giải thích cho lập luận nói trên:

Thứ nhất, sự thức tỉnh của toàn thế giới và cả dân chúng Việt Nam từ Nam chí Bắc trước hiểm họa Cộng Sản sau khi có cuộc “khủng hoảng thuyền nhân” Việt Nam hồi thập niên 1970 cho thấy ngành chiến tranh tâm lý của Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh không hề yếu kém như người ta vẫn nghĩ.

Vì “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết,” các chiêu thức chiến tranh tâm lý và chiến tranh chính trị của Việt Nam Cộng Hòa, dù có hay ho và xuất sắc đến cách mấy, cũng không nói không lại cái miệng của thế gian lúc đó. Khi từ phe phản chiến Mỹ cho tới giới chính trị và trí thức Âu Châu và Úc đều đua nhau nói tốt cho Cộng Sản Bắc Việt và gièm pha cuộc chiến đấu tự về đầy chính nghĩa của dân, quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa.

Phải biết rằng, vì lòng ganh ghét cố hữu của con người, ngay cả các đồng minh cũ từng hưởng viện trợ kinh tế tràn trề của Mỹ qua Kế Hoạch Marshall (Marshall Plan) phục hồi sự sống cho Âu Châu từng bị tan tành sau Thế Chiến Hai, như Pháp, Ý, (Tây) Đức, Thụy Điển… đều không muốn Mỹ thành công tại Việt Nam.

Vả lại, chủ nghĩa Cộng Sản là thứ mà loài người không thể nào hiểu được nếu không được dịp sống trực tiếp dưới sự cai trị của nó, và loài người chỉ mở mắt ra khi thảm họa ùn ùn kéo đến cho các dân tộc Việt Nam, Cambodia và Lào sau khi Cộng Sản Quốc Tế đã nhuộm đỏ toàn bộ Bán Đảo Đông Dương cũ.

Cộng đồng nhân loại lúc cuộc Chiến Tranh Việt Nam đang diễn tiến phải nói là cực kỳ mê tín, cho nên họ chỉ thích nghe những gì Cộng Sản nói chứ không chịu nhìn những gì Cộng Sản làm.

Thứ nhì, các hoạt động chiến tranh tâm lý của chính quyền và quân đội VNCH, dù không đạt hiệu quả tối đa như mong muốn nhưng vẫn mang lại những kết quả cụ thể tốt đẹp cho tới ngày mất nước. Trong số những hồi chánh viên được nhiều người biết đến phải kể tới nhà văn Xuân Vũ, Thượng Tá Tám Hà, Trung Tá Phan Văn Xưởng, Trung Tá Huỳnh Cự, ca sĩ Bùi Thiện, ca sĩ Đoàn Chính (con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn)…

Thứ ba, ngành tâm lý chiến của Việt Nam Cộng Hòa, nhất là trong quân đội, không theo khuôn mẫu của Hoa Kỳ mà theo sát những tinh hoa trong ngành Chiến Tranh Chính Trị của Trung Hoa Dân Quốc, do những nhà hoạch định chiến lược đã từng trải qua nhiều thập niên rút tỉa kinh nghiệm xương máu khi đối đầu với quân Cộng Sản của Mao Trạch Đông tại Hoa Lục trước lúc bị thất thế phải rút sang đảo Đài Loan hồi năm 1949.

Nội dung hoạt động căn bản của ngành Chiến Tranh Chánh Trị Việt Nam Cộng Hòa, cũng như của Trung Hoa Dân Quốc, là “lục đại chiến,” tức là sáu trận chiến lớn chống đối phương, bao gồm: tư tưởng chiến, mưu lược chiến, tổ chức chiến, tình báo chiến, tâm lý chiến, và quần chúng chiến. Trong quá trình đấu tranh chính trị với Cộng Sản trong cuộc chiến vừa qua, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện rất bài bản và nghiêm chỉnh sáu cuộc chiến nói trên để tranh thủ nhân tâm và đập tan những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ địch trên nhiều lãnh vực.

Thứ tư, phải công bằng mà nhận định, trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam hồi thế kỷ trước, phía Việt Nam Cộng Hòa đã bị thất lợi khi luôn ở trong thế thủ chứ không hề ở thế công – ngoại trừ các phi vụ oanh tạc Bắc Việt hồi 1965-1966 – khiến lúc nào chính phủ và quân đội miền Nam Việt Nam cũng cứ phải dàn mỏng tài nguyên, vật lực, nhân sự và vũ khí ra khắp bốn Vùng Chiến Thuật bao la mà đứng chờ quân Cộng Sản tấn công.

Vì lực lượng tấn công luôn đông hơn lực lượng phòng thủ cho nên nhu cầu yểm trợ chiến trường bằng trọng pháo và phi pháo của quân chính phủ lúc nào cũng cao, khiến cả thế giới phải đánh dấu hỏi tại sao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lại cần tới nhiều hỏa lực yểm trợ từ pháo binh và máy bay đến thế.

Rồi khi Hoa Kỳ cắt hết viện trợ kinh tế và quân sự, đồng thời ngưng các cuộc yểm trợ hải pháo cho các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang lâm trận thì điều tất nhiên là cuộc chiến đấu chống quân Cộng Sản xâm lược phải thất bại mà thôi.

Bốn mươi sáu năm sau cái ngày 30 Tháng Tư đó, nhiều người có thể đã chiêm nghiệm và thấy được điều này: Vì bàn cờ chính trị quốc tế lúc đó đã được quốc tế sắp xếp như thế và vì duyên số của một quốc gia nhược tiểu như Việt Nam Cộng Hòa lúc đó chỉ có thế thôi, cho nên ngay cả khi miền Nam Việt Nam sản sinh được một nhà lãnh đạo lỗi lạc và khôn khèo hơn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi nữa thì chuyện chuyển bại thành thắng cho Việt Nam Cộng Hòa trong tình thế đó xem ra thật cũng chẳng dễ dàng gì!