TIếNG DÂN
16-12-22

Vài lời tâm sự cùng ông Phạm Nhật Vượng

Jackhammer Nguyễn

Bi hài giao tế công cộng

Vinfast của ông Phạm Nhật Vượng ở Việt Nam bị một nhà báo Mỹ chuyên về xe hơi đánh cho một đòn trời giáng. (Bản dịch trên Tiếng Dân: Phần I, Phần II,    Phần cuối)

Chuyện là ông Vượng mướn chuyên cơ chở cả trăm người gồm nhiều nhà báo Mỹ đến Việt Nam để thực hiện chiến dịch quảng cáo rầm rộ của họ, rằng họ sẽ bán xe hơi chạy điện ở Mỹ.

Nếu bạn đọc muốn biết chi tiết thì cứ đọc cho kỹ bài báo của ông Kevin Williams nói trên. Để giản tiện hơn, xin tóm tắt vài ý chính trong bài viết ấy về xe hơi điện Vinfast như sau:

1/ Xe Vinfast không thể chạy được ở Mỹ trong tình trạng hiện nay.

2/ Xe chạy rất yếu chứ không phải như quảng cáo, và hoạt động không ổn định.

3/ Cả động cơ lẫn thiết kế hình dáng đều của nước ngoài.

4/ Giá cả niêm yết trên website của Vinfast không minh bạch.

Đó là về chuyện xe, mục đích mà tác giả được Vinfast mời sang Việt Nam. Ngoài ra, tác giả còn thấy rằng Vinfast muốn tạo ấn tượng rằng công ty “Vin” của ông Vượng rất vĩ đại hoành tráng, tiềm lực vô cùng mạnh mẽ.

Than ôi, nhóm PR (giao tế công cộng) của ông Vượng đã sai lầm khi cho các nhà báo đầy tọc mạch (không tọc mạch thì chỉ là cán bộ tuyên giáo) của Mỹ thăm viếng quá nhiều nơi chốn làm ăn của mình. Tác giả nhận xét rằng, khu đại học Vin cũng như các khu nhà ở mới toanh, sáng bóng như lau như li của ông Vượng, chỉ loe hoe vài người ở.

Cái cách ông Vượng mời nhà báo cũng y chang như các cán bộ tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là giới hạn tối đa chuyện người ta đi đây đi đó, thực hiện đúng câu … “xấu che tốt khoe” của người đời.

Thực ra “xấu che tốt khoe” thì cũng là thường tình, các công ty phương Tây cũng thế thôi, nhưng do tính minh bạch xã hội dân sự phương Tây đòi hỏi, họ không chỉ khoe cái tốt, mà còn cố gắng để làm cái tốt. Họ cũng quảng cáo cái tốt của sản phẩm, nhưng không có nghĩa là sản phẩm của họ ngược lại với lời quảng cáo đó.

Ông Vượng nghĩ rằng ông đãi các nhà báo, nào là khách sạn sang trọng, nào là tham quan kỳ quan thiên nhiên Hạ Long, nào là ăn uống phủ phê… thì họ sẽ viết tốt cho sản phẩm của ông ư?

Tôi không muốn nói rằng nhà báo phương Tây đạo đức cao vời không ham tiền, không hưởng thụ, nhưng liệu ông Vượng có … “phong bì” cho ông Kevin Williams được một số tiền đủ để ông ấy sống cuộc đời về hưu dư giả sau khi bị mất việc vì viết bậy để tâng bốc Vinfast hay chăng?

Câu chuyện ông Vượng mời nhà báo Mỹ làm tôi nhớ đến cái thời mà các cán bộ ngoại giao cộng sản ở Mỹ mới bắt đầu tổ chức họp báo. Sau buổi họp báo, các nhà báo phương Tây mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau vì mỗi người có một … phong bì 100 dollars.

Nay cơ quan ngoại giao Việt Nam khá hơn rất nhiều, nhưng có lẽ nhóm tư bản bồ bịch như ông Vượng thì vẫn không khá. Nói như ông Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose, vẫn là đầu óc nông dân.

Ông Vượng từng sai bảo công an “làm việc” với một khách hàng mua xe Vinfast vì người này than phiền sau khi xe bị hư. Chẳng những thế mà phát ngôn nhân của ông Vượng còn tuyên bố rằng, sang Mỹ ông cũng sẽ làm y như thế nếu ai đó nói “xấu” công ty ông (ghê thật!)

Câu chuyện này cũng được ông Williams nhắc lại trong bài của ông. May mà ông ta không đọc được tiếng Việt, cho nên không biết thêm câu chuyện VinSchool của ông Vượng cũng từng sai công an làm việc với các phụ huynh nào than phiền về trường học của ông.

Tâm sự với đại gia

Có những suy đoán cho rằng, việc “sản xuất” xe điện của ông Vượng chỉ là chiến thuật tìm cách đặt chân vào thị trường tài chánh chứng khoán của Mỹ, sau khi đăng ký tên công ty ở Singapore. Mà thật ra ông có sản xuất đâu, ông chỉ lắp ráp mà thôi.

Tôi không rành chuyện chứng khoán với lại tài chánh rất phức tạp của nước Mỹ, nhưng theo suy đoán của một người bình thường thì cũng không dễ mà gạt được những người Mỹ có tiền. Hai vụ gần đây nhất là vụ công ty Theranos (công nghệ y khoa) của người đẹp Elizabeth Holmes, và FTX (tiền ảo) của anh chàng trẻ tuổi đẹp trai Sam Bankman-Fried, lừa được nhiều người bỏ tiền vào, rồi “lên sàn” chứng khoán. Cả hai đang đối diện với những án tù nặng nề vì lừa đảo.

Câu chuyện “đi lên” của ông Vượng thì ai ai cũng biết, rằng ông thành công trong việc sản xuất mì gói ở Ukraine thời mồ ma Liên Xô sụp đổ, nhưng quan trọng nhất là ông vớ bẩm đất công, đất quân đội… ở Việt Nam để thành tỷ phú Việt Nam, có tên trong Forbes.

Có nhiều người dè biểu, mỉa mai chuyện “đi lên” ấy của ông Vượng, trong đó có người viết bài này, nhưng mặt khác, cũng như ông Kevin Williams, tôi cũng giữ cho quan điểm của mình một cách cởi mở, rằng cái gì đã qua thì cho qua, các đại gia Mỹ thời lập quốc cũng tốt lành gì đâu, nào nô lệ, nào cướp bóc mỏ vàng…

Bây giờ, nếu ông Vượng muốn ghi danh thiên cổ, giúp đỡ đồng bào nghèo khó của ông (trong đó có 39 đồng hương Hà Tĩnh của ông chết thảm khốc trong thùng xe đông lạnh bên Anh), thì thiếu gì việc ông có thể làm. Nào là nhà ở cho người nghèo, trạm y tế cho nông thôn, trồng rừng ven biển đồng bằng Cửu Long, lập nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời… kể ra không hết. Người từng trải trên thương trường như ông Vượng chắc chắn có thể nghĩ ra được cả trăm nghìn cách để vừa kinh doanh vừa cứu tế xã hội!

Đại đế Vespasianus ngày xưa của La Mã có nói, tiền bạc thì không có mùi. Các nhà Marxists thì bảo rằng, thời tư bản hoang dã cướp bóc không luật lệ là thời tập trung tư bản. Nay ông Vượng đã tập trung tư bản xong rồi, tiền của ông không có mùi gì đâu. Ông có thể dùng tiền đó giúp đồng bào, hơn là dùng tiền đó rắp tâm muốn gạt bọn tư bản cá mập Mỹ, có khi tiền mất tật mang không chừng. Ông đừng dùng tình tự dân tộc mà thúc đẩy dân chúng Việt Nam lên đồng… tự hào quá Việt Nam ơi! Đó là một chứng thủ dâm tinh thần rất nguy hại.

Tôi nghĩ nếu ông Vượng tiếp tục sản xuất … mì gói Made in Vietnam, rồi xuất khẩu sang Úc, sang Mỹ, … tôi sẽ mua rất nhiều, cho mùa đông tha hương thêm ấm áp, nhưng tôi thà chạy chiếc xe Toyota cũ rích của mình chứ không bao giờ xài Vinfast VF8, cho dù tôi có được khuyến mãi với giá hời ông ạ. Niet, Niet, và Niet!