VIỆT NAM THỜI BÁO
Tình huống giả định: nếu ai đó trong ‘tam trụ’ bị ‘bứng’?
Nguyễn Nam
(VNTB) - Ngày 20-7 tới đây, Quốc hội sẽ bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao
khóa mới, trong đó có Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính
phủ... Như
vậy về nguyên tắc dân chủ, các đại biểu Quốc hội có thể dùng sức mạnh lá
phiếu quyền lực của mình để ‘thay ngựa giữa dòng’, khi bất tín nhiệm với
3 vị đầu lãnh là Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính. Tin
tức cho biết, chiều 14-6, tại phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội đã nghe và thảo luận báo cáo về một số vấn đề chuẩn bị kỳ họp thứ
nhất, Quốc hội khóa XV. Tổng
Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến
chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng: Không tiến hành công tác
tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội
dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết
kiệm thời gian – tức là trong thời gian Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự,
các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng các dự thảo
nghị quyết. Đồng
thời, xem xét, quyết định nhân sự các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký
Quốc hội ngay sau phiên khai mạc để các cơ quan này thực hiện các nhiệm
vụ theo quy định - vì đến thời điểm khai mạc kỳ họp, Hội đồng Dân tộc,
các ủy ban của Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội khóa XIV sẽ kết thúc
nhiệm vụ; riêng Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV được hoạt động cho
đến khi Quốc hội bầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Dự
kiến tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác
nhân sự: 5 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác: 4,5 ngày;
trù bị: 0,5 ngày; khai mạc, bế mạc: 1 ngày; dự phòng: 0,5 ngày. Quốc hội
họp phiên trù bị vào chiều ngày 19-7; khai mạc vào ngày 20-7 và dự kiến
bế mạc vào sáng ngày 3-8-2021.
Trong 5 ngày làm công tác nhân sự, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ
tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội khóa mới. Và nếu kết quả ông Nguyễn
Xuân Phúc tiếp tục là tân Chủ tịch nước, có nghĩa hồi thượng tuần tháng
tư năm nay, ông đã ‘tuyên thệ’ trước Quốc hội khi nhậm chức Chủ tịch
nước, thì đến hạ tuần tháng 7 cùng năm 2021, ông sẽ lại tái tuyên thệ
lần nữa khi tiếp tục là Chủ tịch nước. Còn
nếu kết quả ngược lại, ông Nguyễn Xuân Phúc có lẽ là Chủ tịch nước có
thời gian ‘trị vì’ ngắn nhất tính đến lúc này của lịch sử Quốc hội nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tình
huống tương tự cũng có thể xảy ra với hai chức danh Chủ tịch Quốc hội và
Thủ tướng Chính phủ ở hiện tại.
Thước đo cho năng lực quản trị quốc gia của ‘tam trụ’ lúc này có thể
đang là các chính sách đạt hiệu quả đến đâu trong việc chống đỡ với đại
dịch Covid-19. Xin
được dẫn chứng đôi điều liên quan chuyện lá phiếu ‘bất tín nhiệm’.
Một. Từ
giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 ở thành phố Hồ Chí Minh, và phương
thức ứng phó của các địa phương trước dịch bệnh Covid-19 là không theo 1
kịch bản nào. Điều
đó cho thấy trong thời gian qua, các địa phương và ngay cả bề trên Trung
ương của đủ cả ‘tứ trụ’ chỉ chú trọng đến các kịch bản chống bạo loạn,
lật đổ chính quyền. Nói
thật, nếu 500 ‘phản động’ trong nước có cố kết với 1.000 lực lượng vũ
trang ở hải ngoại xâm nhập thì không có khả năng lật đổ nhà nước này,
nhưng dịch bệnh Covid-19 thì hậu quả khôn lường. Từ
bài học kinh nghiệm trong chống dịch, nên chăng nhà nước phải có các
kịch bản để đối phó với các trình trạng khẩn cấp như dịch bệnh, thiên
tai... và các kịch bản này phải là bài học bắt buộc trong các giáo trình
đào tạo lý luận chính trị từ sơ đến cao cấp. Liệu
tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nguyễn Kim Sơn có ‘xử trí’ được yêu cầu đó nếu như cả hai sẽ ‘tái đắc
cử’ vào hạ tuần tháng 7 này?
Hai. Trên
thực tế, chính sách của nhiều quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh là cho
tiền người dân như một lưới an sinh và kích thích các hoạt động kinh tế
(bản chất nó là một gói kích cầu). Khi làm ngược lại thì sẽ có tác dụng
ngược với gói kích cầu. Bên
cạnh để toàn dân được tiêm vắc xin, việc giúp người dân và nền kinh tế
ít chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh cũng không kém phần quan trọng.
Do vậy, cần hết sức hạn chế những chính sách gây tác động không tốt cho
nền kinh tế và người dân. Dù
bằng cách nào thì chi phí để tiêm vắc xin cho toàn dân cũng do gần 100
triệu người Việt Nam gánh chịu. Do vậy, chìa khoá là lựa chọn cách thức
triển khai chứ không phải chỉ là cách làm sao huy động đủ nguồn lực để
mua chúng. Tất
cả câu chuyện gút mắc về ngân sách ở trên mà tân Thủ tướng Phạm Minh
Chính đang xử trí đầy lúng túng, nói cho công tâm, đó là hệ lụy trong
tầm nhìn quản trị quốc gia của vị thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc. Vậy
thì liệu sự tin cậy sẽ ra sao nếu như kỳ vọng vào cải cách tư pháp nước
nhà sắp tới đây có thể vẫn được coi là trọng trách của Chủ tịch nước, và
‘tái đắc cử’ là Chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc?
Ba. Cái
này chỉ dám gọi là phiếm chỉ.
Chuyên gia dịch tễ Bill Foege, nguyên giám đốc CDC Hoa Kỳ, cố vấn cao
cấp Quỹ Bill &Melinda Gates từng nói: “Bạn cần phải đưa ra những quyết
định đủ tốt dựa trên những thông tin không đầy đủ” - một cách hiểu về
bản chất của điều tra dịch tễ học. Bởi
phải nhanh chóng “quyết định đủ tốt” - hay quyết đoán chọn “giải pháp ít
xấu nhất” cho mọi phương thức điều hành ở các lãnh vực - thì mới giúp
ngăn chặn ca mới, thậm chí tử vong. Tiến
sĩ y khoa, nhà dịch tễ học nổi tiếng thế giới M.T.Osterholm nhận định:
“Điều quan trọng là dân chúng phải hiểu được điều này, cũng như tin
tưởng rằng những người có năng lực và tận tụy đang cố gắng giải quyết
vấn đề: rằng họ đang nói cho người dân chính xác những gì họ biết và
không biết, cũng như điều họ đang làm để ‘tháo bỏ tay cầm vòi bơm’ -
cách xử trí ngăn chặn truyền nhiễm vi khuẩn tả tại Anh từ năm 1854
-1866”.
Trong cuộc rượt đuổi sống còn này, chỉ khi thừa nhận cả những gì “không
biết” một cách trung thực, minh bạch thì mới có thể sống sót được. Ngạo
nghễ là tiêu vong.
Dường như người đứng đầu ‘tứ trụ’ ở Việt Nam lâu nay đang rất ngạo nghễ
như vậy. |