Diễn Đàn
27-1-16

Tàn cuộc, hạ màn

Hoà Vân


 

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
(Nguyễn Gia Thiều)


Gọi nó là cuộc cờ cũng đúng, vì tính cách sát phạt của nó. Nhưng có lẽ so với một vở hí kịch thì đúng hơn, với nhiều cung đoạn, thắt, mở, bi, hài đủ cả nhưng chất hài vẫn nối bật, dù rằng (hay nhất là khi) các diễn viên cố gắng nhăn mặt mong cho khán giả hiểu rằng (vai) mình là quan trọng nhất, thua thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực lớn tới người xem. Khán giả cũng có người có lúc bị lôi theo màn diễn nhưng nói chung vẫn ai làm việc nấy, thi thoảng liếc mắt lên màn hình đang truyền lại vở kịch đang diễn ở đâu đâu, cũng chẳng bán vé cho ai xem. Người ta thừa biết rằng mình chẳng có vai gì trong kết cục của câu chuyện đang được diễn, chẳng ai dư nước mắt mà khóc cho bên nào, dù tài tử có đóng hay đến mấy.

Đó cũng là lý do mà trên mặt báo này, ở tranh chính, mấy tháng nay chúng tôi không bình luận gì về cái gọi là Đại hội thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa họp xong hôm nay. Tất nhiên, bạn đọc vẫn được thông tin về một số diễn biến trước và trong đại hội, thông qua những tin tức (tin đồn cũng là một dạng tin tức!), bình luận được giới thiệu trong mục Thấy trên mạng. Quá nhiều để nhắc lại toàn bộ (chỉ từ 7/1 tới 26/1, có 30 bài trong chủ đề này trên tổng số 100 bài được giới thiệu), chỉ xin nhắc lại một vài bài tiêu biểu gần đây (không kể các bản tin thuần tuý):

Game over !, Lê Diễn Đức. Một lời bình ngắn gọn và khá chính xác về sự nghiệp của ông “Ba Dũng”.

- Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không?, Nguyễn Thị Từ Huy. Góc nhìn khác về "bên thắng cuộc" hay chiêu tuyết cho người vẫn được dân gian gọi là "Tổng Lú"?

- Gây cấn đến phút 89 nhưng không quá bất ngờ, Nguyễn Quang A. Một tóm lược tỉnh táo về cuộc đấu đá có thể nói là không tiền khoáng hậu nhân một đại hội đảng: "Dẫu kịch bản nào xảy ra, ta thấy ĐCSVN đang thay đổi và sẽ còn thay đổi sau 28-1-2016. Nếu nó đi theo hướng với nhân dân chắc nó còn có vai trò, ngược lại chắc chắn nó sẽ tan rã."

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị loại, bởi “giọt nước đã tràn ly”, Huy Đức và Nguyễn Đức Thành. Một người hoan hỉ và một người hi vọng ngược lại trước những thông tin ngày càng rõ về diễn biến bất lợi cho ông Dũng trong những ngày cuối của đại hội.

- Đại hội Đảng 12 : Chọn chén thuốc độc nào ?, Trần Minh Khôi. Tham nhũng hay bảo thủ? Vỏ dưa hay vỏ dừa? Hình như những tài tử trên sân khấu đã nghe theo gợi ý của tác giả!

- Biết ơn Chủ tịch nước và Thủ tướng đã thể hiện dũng khí trước Trung Quốc. Chủ tịch Tổng công đoàn phớt lờ TBT NP Trọng trong việc kể tên những người có "dũng khí" này.

- “Bộ tứ quyền lực” bắt đầu lộ diện ?, Hoàng Trần, Dân Làm báo. Tin ngày 12/1, mục tiêu của lời bình của ban tuyên giáo "không nên suy diễn về nhân sự đảng", nhưng lại quá chính xác !


Hôm nay thì cuộc cờ đã tàn, màn đã hạ. Dầu sao thì kết quả của nó, một cuộc tranh giành quyền lực ở các vị trí chóp bu của đảng cầm quyền, cũng là những thông tin chính trị mà người dân cần biết. Vậy xin tóm lại dưới đây vài tin "kỹ thuật".

- Trên mặt báo chính thống, dĩ nhiên trước hết là... tin chính thức: Danh sách những người trúng cử (uỷ viên chính thức và dự khuyết ban chấp hành trung ương khoá XII). Trên nguyên tắc đây là "cơ quan quyền lực cao nhất" của đảng giữa hai đại hội, tức là trong 5 năm tới.  Nói "trên nguyên tắc" vì ai cũng biết là giữa những người bình đẳng ở cấp cao này, còn có những người bình đẳng hơn. Nói cách khác, cái BCHTW này thực chất là cấp dưới của một nhóm nhỏ hơn trong đó: Bộ chính trị và Ban bí thư. Cho tới khi bài này lên khuôn (27/1, 11g30 giờ Paris, tức 17g30 giờ Hà Nội), chưa có thông tin chính thức về hai cơ quan này, nhưng nhà báo Mạnh Quân (báo Thanh Niên) đã đưa một danh sách lên FB của anh từ 3 tiếng trước, và Dân Quyền vào lúc 18:48 (giờ Việt Nam). Theo Vietnam+ (trang web của VNTTX) vào 19g04, giờ HN, thì "Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp Hội nghị lần thứ nhất và đã bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII". Nhưng "kết quả bầu cử Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ được báo cáo Đại hội trong phiên họp toàn thể sáng 28/1" tức đêm nay tại Pháp. Khả năng rò rỉ những thông tin đó, như thường lệ, là khá cao ! Chúng tôi sẽ bổ sung bản tin này sau.

- Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ được/bị thay đổi khá nhiều (sau khi quốc hội khoá tới được bầu, dự kiến vào tháng 5/2016): ngoài ông và phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (đến tuổi nghỉ hưu), 14 bộ trưởng khác cũng không có chân trong BCHTƯ mới, hoặc do quá tuổi không ra ứng cử, hoặc ra nhưng trượt (như bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng y tế, hay ông Huỳnh Phong Tranh, tổng thanh tra chính phủ). Trang blog Tễu có thêm thông tin về vài nhân vật khác trong chính phủ (một số thứ trưởng có khả năng sẽ lên bộ trưởng sau tháng 5/2016). Bộ ngoại giao có 3 nhân vật, bộ trưởng Phạm Bình Minh và hai thứ trưởng (nhưng ông Hồ Xuân Sơn, uỷ viên khoá trước, chuyên trách mảng quan hệ với TQ, được giới thiệu ra lần nữa thì lại rớt). Ngành giáo dục - "quốc sách hàng đầu" của đất nước - thì ông Luận, bộ trưởng, về hưu, không có một thứ trưởng nào được chuẩn bị kế tục ! Đại học Quốc gia HCM ngoài ông Phan Thanh Bình, giám đốc, trung ương từ khoá trước,  có thêm ông Huỳnh Thành Đạt, phó giám đốc, trong khi Đại học quốc gia Hà Nội không có đại diện nào. Ngành y tế, bà bộ trưởng chủ quan rớt đài, cũng không có nhân vật nào lọt vào.

- Về phía các nhân vật trong Đảng, hai bí thư Hà Nội và TP HCM, Phạm Quang Nghị và Lê Thanh Hải đều không còn trong ban lãnh đạo mới, mặc dù có lúc ông Nghị đã được chuẩn bị để thay thế ông Trọng. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành uỷ TP HCM không trúng cử. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Tổ chức Tô Huy Rứa cũng nằm trong danh sách những người "về hưu". Ông Hồ Mẫu Ngoạt, trợ lý tổng bí thư cũng "lọt từ vòng gửi xe" trong khi có lời đồn "đã được cơ cấu" vào thẳng BCT.

- Theo danh sách đã dẫn, những uỷ viên hiện giữ các chức vụ cao cấp trong Bộ công an gồm có:Trần Đại Quang, Đại tướng, Bộ trưởng và các thứ trưởng Tô Lâm - Thượng tướng, Bùi Văn Nam - Thượng tướng, Nguyễn Văn Thành, Lê Quý Vượng - Thượng tướng. Tuy nhiên, phải kể thêm một vài nhân vật khác từng là công an cao cấp như các ông Trương Hoà Bình, chánh án toà án nhân dân tối cao, Nguyễn Hoà Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Phạm Minh Chính, phó trưởng ban Tổ chức TƯ, Nguyễn Đức Chung, vừa từ giám đốc công an Hà Nội lên chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân HN... Công an vẫn nắm rất chặt tư pháp và khâu tổ chức nhân sự, nay sẽ thêm quyền lực mới: ông Trần Đại Quang được dự tính sẽ lên làm Chủ tịch nước - tức Tổng tư lệnh quân đội, người có quyền quyết định " phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam".

- Quân đội có 19 tướng lĩnh, gồm 2 đại tướng (các ông Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tống cục chính trị và Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng; bộ trưởng Quốc phòng thay thế ông Phùng Quang Thanh sẽ là một trong hai nhân vật này), 4 thượng tướng (các ông Lương Cường,  Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Bế Xuân Trường, Võ Trọng Việt, và Nguyễn Chí Vịnh, đều là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), 7 trung tướng, 5 thiếu tướng, và 1 chuẩn đô đốc, phần lớn những người trong ba cấp này là tư lệnh các quân khu hoặc binh chủng. Đông hơn số công an trong TƯ, nhưng đều sẽ ở dưới quyền ! 

- Về phía các "thái tử đảng", ngoài những nhân vật lớp lớn như Nguyễn Chí Vịnh (con cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh), Phạm Bình Minh (con cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người ta chú ý tới mấy nhân vật trẻ (cỡ 40) như Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Kiên Giang, con thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Đà Nẵng, con cựu uỷ viên BCT Nguyễn Văn Chi), Trần Tuấn Anh (Thứ trưởng bộ Công thương, con cựu chủ tịch nước Trần Đức Lương). Ngược lại, Nông Quốc Tuấn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, con cựu tổng bí thư đảng Nông Đức Mạnh, đã không được bầu lại.

 

Trên đây là vài thông tin về kẻ thắng người thua trong cuộc đấu đá vừa qua. Như đã nói, người dân Việt Nam không có tiếng nói nào trong đó. Tương lai trước mắt vì thế chẳng ai có thể hi vọng gì ở những lời hứa hẹn "có cánh" quen thuộc trước các kỳ hội. Bên ngoài, người hàng xóm "16 chữ" ngày càng ngang ngược lấn chiếm biển đảo, đồng thời lũng đoạn nhiều khâu trọng yếu của nền kinh tế. Bên trong, ngoài tranh giành quyền lực người ta chưa thấy bất kỳ một dấu hiệu nào về sự đổi mới các chính sách kinh tế - xã hội của những nhà thắng cuộc. Họ có sẵn sàng đáp ứng những mục tiêu thiết yếu của xã hội: tôn trọng những quyền cơ bản nhất của người dân, bảo đảm cho cuộc sống bình an của họ trước những áp bức, sách nhiễu ngày càng tăng của cường quyền các cấp...?  Nói chi những mục tiêu xa xôi hơn mà mỗi người dân VN đều mong mỏi: "một thể chế đích thực tự do, dân chủ, có pháp luật nghiêm minh, có đa nguyên đa đảng...", như trang Bauxite Việt Nam vừa nhắc lại. 

Cường độ của cuộc đấu đá mấy tháng qua dẫn đến nhận định rằng dù thế nào cái đảng cộng sản sau đại hội này cũng không còn như cũ. Nhận định đó có phần hợp lý. Nhưng nó sẽ thay đổi thế nào, tự thân vận động sang chiều hướng dân chủ hoá hay sẽ cố bám lấy những lợi ích ích kỷ của mình, bất chấp tất cả..., cho tới ngày sụp đổ?

 

Hoà Vân