Asia Sentinel
27-1-22
Xi Seeks to Quell Internal Rebellion

Bản dịch của một thân hữu của viet-studies

 

Tập Cận Bình tìm cách dập tắt cuộc nổi dậy trong nội bộ

Phe của cựu cảnh sát hàng đầu Trung Quốc đe dọa Tập

 

Phóng viên của chúng tôi

 

Một phe phái liên kết với một cựu quan chức cảnh sát cấp cao bị thất sủng của Trung Quốc đang đặt ra mối đe dọa đối với Chủ tịch Tập Cận Bình nghiêm trọng đến mức Bộ Công an Trung Quốc phải thành lập một đội để triệt hạ. Theo mức độ khẩn cấp mà Bộ Công an tìm cách ngăn chặn cuộc nổi loạn, phe phái này có thể đang âm mưu một cuộc đảo chính chống lại ông Tập.

 

Cựu quan chức này là Tôn Lập Quân (Sun Lijun), từng là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Trước khi bị ngã ngựa vào khoảng tháng Tư năm 2020, Tôn là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc giám sát lãnh thổ Hồng Kông khi thành phố này rung chuyển với các cuộc biểu tình năm 2019 và 2020. Người ta tin rằng, ông Tôn là kẻ chịu trách nhiệm bắt cóc và chuyển đến Trung Quốc lục địa năm người có liên quan đến một tiệm sách bất đồng chính kiến ở Hồng Kông năm 2015 và 2016.

 

Mặc dù Tôn đã bị giam từ năm 2020, Bộ Công an Trung Quốc đã thành lập một tổ công tác đặc biệt để “xóa bỏ ảnh hưởng độc hại của phe chính trị của Tôn Lập Quân”, Bộ này công bố trong cuộc họp riêng với tổ công tác vào ngày 24 tháng Giêng.

 

Mặc dù ông Tập tỏ ra là người không thể bị tấn công, là người thâu tóm nhiều quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, rõ ràng ông đang xem xét vấn đề rất nghiêm túc. Ông Tập đã tạo ra sự phản kháng đáng kể trong bộ máy hành chính Trung Quốc với chiến dịch chống tham nhũng kéo dài chín năm, bỏ tù hơn 120 quan chức cấp cao bao gồm các tướng lĩnh, giám đốc điều hành cấp cao của các công ty nhà nước và các cựu lãnh đạo cấp cao.

 

Trớ trêu thay, sự thù địch chống ông Tập sinh ra từ công cuộc đàn áp tham nhũng của ông có lẽ đang gây thêm bất an cho nhà lãnh đạo Trung Quốc, người đã đẩy nhanh cường độ chiến dịch chống tham nhũng trong thời gian gần đây. Vào ngày 26 tháng Giêng, trang web chính thức về chống tham nhũng của Trung Quốc thông báo Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), cựu bí thư thành ủy Hàng Châu và Hà Hưng Tường (He Xingxiang), cựu phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đã bị khai trừ đảng vì tội tham nhũng, trong khi một số quan chức khác đang bị điều tra.

 

Bộ Công an Trung Quốc thừa nhận sự tồn tại của một phe phái trong bộ đang nổi dậy chống lại ông Tập và chia rẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thông báo của bộ nói phe chính trị của Tôn “đã phá hoại nghiêm trọng sự đoàn kết của đảng, gây nguy hiểm nghiêm trọng an ninh chính trị của đảng và đất nước, làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của đảng và sự nắm quyền của đảng, đồng thời cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường chính trị của bộ máy Công an.”

 

Một nhà tư vấn rủi ro nói với Asia Sentinel rằng trong vài tháng tới, một số quan chức công an, gồm cả các quan chức cấp cao, sẽ bị bắt giữ. Trong thông báo của mình, Bộ Công an đã yêu cầu các vụ, các cục khác nhau trong bộ thành lập các đội của riêng họ “càng sớm càng tốt” để đoàn kết loại bỏ phe liên kết với Tôn. Bộ đã ra lệnh cho các quan chức điều tra kỹ lưỡng mọi người và mọi vụ việc để loại trừ các rủi ro chính trị, và nếu họ không điều tra kỹ lưỡng, họ sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tính cấp thiết của lời kêu gọi này đặt ra câu hỏi liệu phe nổi dậy có đang âm mưu đảo chính sớm hay không.

 

Nhà tư vấn rủi ro giấu tên cho biết, đây là thông điệp gửi tới các quan chức không trung thành với ông Tập [bảo họ] phải đứng cùng phe với nhà lãnh đạo Trung Quốc nếu không sẽ phải chịu hậu quả.

 

Một nhà phân tích nói với Asia Sentinel: “Rõ ràng ông Tôn chỉ là một phần của một tổ chức lớn hơn nhiều, làm việc phối hợp để hạ gục ông Tập... Gần đây tôi được thông báo rằng một cuộc xung đột nội bộ nguy hiểm đang bùng phát,” nhà phân tích cho biết, đồng thời nói thêm rằng các thông báo đó đến từ “những người hoàn toàn riêng biệt”.

 

“Tôi cũng nghe nói những khoản tiền khổng lồ đang đổ ra khỏi Trung Quốc từ những quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp. Tiền bạc là kẻ nhát gan, luôn chạy trốn khỏi rắc rối. Sự kiện người Trung Quốc gia tăng nhịp độ đưa tiền bạc của họ ra khỏi nước là một điềm báo về những điều sắp xảy ra,” nhà phân tích giấu tên tiết lộ.

 

Trong thông báo của mình, Bộ Công an Trung Quốc đã kêu gọi các quan chức phải bảo đảm đại hội đảng lần thứ 20 dự kiến ​​diễn ra vào mùa thu năm nay sẽ là một sự kiện không có rắc rối. Tại Đại hội lần này, ông Tập dự kiến ​​sẽ tự ban cho mình nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với các tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc do cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đặt ra.

 

Nhà phân tích cho biết: “Cơ hội cho những kẻ thù của ông Tập ra tay đang bị thu hẹp dần, vì một khi đại hội tiếp theo kết thúc và Tập thể hiện sự thống trị của mình với tư cách là nhà lãnh đạo, ông ấy sẽ củng cố và có khả năng tăng cường các chính sách của mình”.

 

Tranh giành quyền lực

 

Một bài báo từ Jamestown Foundation, một think-tank bảo thủ có trụ sở tại Hoa Kỳ ngày 25 tháng Giêng nhận định: "Cuộc cạnh tranh phe phái và những cuộc cãi vã lẫn nhau trong đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) 95 triệu đảng viên đã trở nên rõ ràng đến mức các cơ quan tuyên truyền thường thận trọng đã  không còn ngần ngại phơi bày trước công chúng những chuyện xấu xa trong nội bộ”.

 

Các phe phái cạnh tranh bao gồm phe Thượng Hải, còn được gọi là Băng Thượng Hải, do cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) đứng đầu; phe Đoàn Thanh niên Cộng sản do cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) đứng đầu, và phe Thái tử Đảng (gồm hậu duệ của các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc thế hệ thứ nhất) - là những người không đánh giá cao ông Tập và phản đối việc ông ta tăng thêm nhiệm kỳ tại đại hội đảng lần thứ 20.

 

Bài báo được viết bởi Lâm Lập Quả (Willy Wo-Lap Lam), một thành viên cấp cao của Jamestown.

 

Bài báo của Jamestown Foundation còn cho biết một bài báo trong số tháng Mười Hai năm 2021 của Tạp chí Giám sát và Kỷ luật Trung Quốc chính thức có tiêu đề “Đảng đã trở nên mạnh mẽ hơn thông qua huấn luyện cách mạng” đã thú nhận một cách thành thực rằng có một sự phản kháng cấp độ cao trong các phe phái khác nhau của ĐCSTQ. “Có những cán bộ tự cao… công khai bày tỏ quan điểm trái với [các cơ quan trung ương đảng]…. Một số cán bộ không chịu chấp hành mệnh lệnh”, bài báo trên Tạp chí cho biết.

 

Ông Lâm viết bằng chứng của cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt nhất của ông Tập với các đối thủ là việc ông thanh trừng bộ máy chính trị và luật pháp, trong đó có Bộ Công an. Ở bề mặt, ông Tập có vẻ như đã giành được chiến thắng hồi đầu tháng này, sau khi cài cắm được một tay chân lâu năm của ông là Vương Hiểu Hồng (Wang Xiaohong) làm Bí thư Đảng ủy kiêm Thứ trưởng Bộ Công an, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Công an vẫn là Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), “người hầu như không được ông Tập yêu thích”.

 

Hơn nữa, một số quan chức từ trung cấp đến cao cấp của ngành nội chính Trung Quốc vẫn trung thành với Bộ trưởng Triệu, bao gồm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Quách Thanh Côn (Guo Shengkun) và người tiền nhiệm của Quách là Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), ông Lâm nói thêm. Ủy ban chính trị và pháp lý trung ương giám sát tất cả các cơ quan thực thi pháp luật ở Trung Quốc bao gồm cả Bộ Công an.

 

Triệu, Quách và Mạnh được coi là những thành viên quan trọng của Băng Thượng Hải và có liên hệ mật thiết với các lãnh đạo hàng đầu của Băng Thượng Hải như cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng, ông Lâm viết.

 

Vào ngày 2 tháng Mười năm 2021, Asia Sentinel đưa tin ông Tôn liên minh với Băng Thượng Hải, tổ chức đang tìm cách lật đổ ông Tập. Tôn đã bị điều tra vào tháng Tư năm 2020. Vào ngày 13 tháng Giêng vừa qua, trang web chống tham nhũng chính thức của Trung Quốc thông báo Tôn đã bị buộc tội nhận hối lộ, thao túng thị trường chứng khoán và sở hữu súng trái phép. Cáo buộc thao túng thị trường được cho là chỉ ra vai trò của ông ta đối với sự sụt giảm mạnh trên các sàn chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông trong nửa cuối năm 2015. Điều này cho thấy Tôn là một phần của tổ chức, bởi vì một cảnh sát có rất ít chuyên môn tài chính, một mình ông ta không thể làm chao đảo thị trường. Cáo buộc sở hữu súng bất hợp pháp cho thấy có khả năng Tôn đã âm mưu thực hiện các hành vi bạo lực.

 

Một giáo sư giấu tên cho biết, nhiều quan chức cấp trung và cấp cao ở Trung Quốc, dù thuộc ngành cảnh sát hay không, đều có kho vũ khí lớn trong nhà và nhiều người trong số họ thậm chí còn có “quân đội riêng”.

 

Vào ngày 15 tháng Giêng, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã phát sóng tập đầu tiên của bộ phim tài liệu truyền hình gồm năm phần về tham nhũng có tựa đề “Không Dung Thứ”. Tập đầu tiên có cảnh Tôn thú nhận đã nhận hối lộ và thành lập một nhóm chính trị; điều này thật buồn cười vì thông thường các quan chức cảnh sát cao cấp như Tôn mới là người đứng ra sắp xếp các cuộc thú tội công khai. Tập phim đó cũng nêu tên các cựu quan chức cảnh sát cấp cao đã bị hạ bệ vì tội tham nhũng, như Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), cựu Thứ trưởng Bộ Công an và cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Cung Đạo An (Gong Dao’an), cựu Giám đốc Công an Thượng Hải.

 

Bộ phim tài liệu đã bỏ sót một phần quan trọng: Tôn từng làm thư ký cho Mạnh Kiến Trụ sau khi người này trở thành Bộ trưởng Bộ Công an vào năm 2007, nhà báo Vương Hướng Vĩ (Wang Xiangwei) đã viết như vậy trong một chuyên mục của tờ South China Morning Post vào ngày 22 tháng Giêng. Sự nghiệp và ảnh hưởng của Tôn phát triển nhanh nhất giữa năm 2012 và 2017 khi Mạnh là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc phụ trách luật pháp và trật tự, Vương viết thêm. Vương chính là cựu tổng biên tập của tờ báo Hồng Kông này.

 

Vị giáo sư ẩn danh cho biết trong vài năm qua, ông Tập đã cách chức bốn thứ trưởng Bộ Công an, bao gồm cả Tôn. "Nhưng có nghi ngờ rằng các cán bộ cấp cao hơn trong chuỗi chỉ huy an ninh chính trị và Phe Thượng Hải có thể là chủ mưu thực sự."

 

Một số nguồn tin ở Trung Quốc lục địa từ chối bình luận về tình hình chính trị ở Bắc Kinh. Nhà tư vấn rủi ro giải thích rằng họ quá sợ hãi không dám lên tiếng vì tình hình hiện tại đang biến động mạnh và điều gì đó đầy kịch tính có thể xảy ra trong tương lai gần.

 

Nguồn: Xi Seeks to Quell Internal Rebellion