RFA 15-4-14Thả hàng loạt tù nhân lương tâm, Hà Nội gửi thông điệp gì?
Mặc Lâm, biên tập
viên RFA, Bangkok
Chỉ trong hơn một tháng Hà Nội đã lần lượt thả 5 tù nhân lương tâm gồm thầy giáo Đinh Đăng Định, Ông Nguyễn Hữu Cầu, TS luật Cù Huy Hà Vũ, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và ông Vi Đức Hồi, tất cả đều được phóng thích trước thời hạn. Việt Nam muốn gửi một thông điệp gì đến với quốc tế qua hành động rất đáng ngạc nhiên này Năm 2006 sau khi Việt Nam gia nhập WTO người ta những tưởng khi đã bước chân vào cuộc chơi sòng phẳng với thế giới trên thương trường thì chính quyền Việt Nam sẽ nới lỏng hay ít ra không làm cho thế giới chú ý tới vấn đề nhân quyền trong nước nữa, thế nhưng chỉ vài tháng sau hàng loạt các cuộc bắt giữ những người bất đồng chính kiến và tới năm 2007 khi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra thì các cuộc bắt bớ ngày một dày đặc thêm. Tám năm sau ngày ký kết WTO trong các nhà giam của Việt Nam con số từ nhân lương tâm đã lên hơn 200 người. Sức ép hay là một cuộc mặc cả? Những hứa hẹn mà Hà Nội đưa ra trong vấn đề nhân quyền từ trước tới nay không bao giờ là đáng tin cậy và thế giới hiểu rõ việc này hơn bao giờ hết. Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền, nghị sĩ dân cử của Hoa Kỳ, EU, Canada hay Úc hầu như không bỏ cuộc. Cho tới khi Việt Nam chính thức được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc thì không còn là hứa hẹn nữa mà phải thực hiện một cách công khai, minh bạch chứng tỏ thiện chí của mình. Thiện chí ấy đã được thế giới hoan nghênh khi các tù nhân lần lượt được ra tù do được đặc xá, mặc dù giấy đặc xá không ghi lý do mà người tù được hưởng. Việc TS luật Cù Huy Hà Vũ sang Hoa kỳ được dư luận vui mừng chia sẻ khi thấy người tù nhân đặc biệt này sang Mỹ, như một tin nhắn của Hà Nội gửi cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về thiện chí của mình. Thiện chí ấy dù tự nguyện hoặc do sức ép hay tệ hơn là một cuộc mặc cả thì cũng cho thấy Hà Nội đã có một bước lùi đáng kể. Nếu là mặc cả thì những người tù nặng ký như Hà Vũ bị buộc phải thả ra là một cuộc mặc cả thua thiệt. Nếu là sức ép thì quốc tế đã chiến thắng sau nhiều năm kiên nhẫn đối với chính sách không chấp nhận phê phán của Việt Nam và nếu là tự nguyện thì người dân có quyền nghĩ tới một tương lai khác, mặc dù còn chậm chạp nhưng nhân quyền sẽ được cải thiện. Nói với Trà Mi của VOA, ông Bob Dietz, Điều phối viên Chương trình Châu Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả quốc tế (CPJ) cho rằng dù ông hoan nghênh việc tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ được trả tự do, nhưng CPJ rất lo ngại trước chính sách của Hà Nội là bắt giam, đàn áp, ngược đãi các nhà bất đồng chính kiến, và dùng họ như những con tin để đổi chác với quốc tế. Giảng viên Phạm Minh Hoàng chia sẻ ý kiến này khi chính ông cũng là một nhà bất đồng chính kiến và từng bị bắt giam trước đây vì đã hoạt động trong đảng Việt Tân, ông nói: -Tôi đồng tình với chuyện đó tại vì những diễn tiến trong hơn một tháng vừa qua từ hồi thả thầy Đinh Đăng Định cho đến ông Nguyễn Hữu Cầu rồi Nguyễn Tiến Trung, đây là sự kiện bất thường chưa từng có tiền lệ xảy ra. Thả 5 người trong vòng 5 tuần cá nhân tôi đối với chế độ cộng sản chắc chắn là lúc nào họ cũng có chủ đích nào đấy. Kể từ giữa năm ngoái lúc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền LHQ cho tới hôm nay là 2014 thì tôi nghĩ tất cả những sự việc này đều có lý do. Theo cá nhân tôi thì có những chỉ dấu họ hướng về Tây phương và đặc biệt là Mỹ để chứng tỏ họ tôn trọng nhân quyền cũng như là những thương lượng vấn đề TPP. Tôi nghĩ các lo âu của các tổ chức trên thế giới trước vần đề bất thường này cũng là điều bình thường vì nếu là họ thì tôi cũng đặt câu hỏi đấy. Trong cả ba trường hợp, Việt Nam đã gửi một thông điệp là Hà Nội đang hợp tác, hay cố hợp tác để cải thiện hình ảnh nhân quyền trong cái nhìn của quốc tế và ngay cả với người dân trong nước, một thông điệp tương tự cũng được người dân đón nhận mặc dù hết sức bỡ ngỡ. Mọi sự việc đều có chủ đích Một vài ngày sau khi TS luật Cù Huy Hà Vũ được thả sang Mỹ, hai tù nhân lương tâm khác là Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung cũng được đặc xá. Ngay cả trong tù ông Vi Đức Hồi cũng cảm nhận một cách sâu sắc rằng ông được tha vì áp lực của quốc tế chứ không phải là thiện chí của Việt Nam. Vốn là một giảng viên trường Đảng ông hiểu thế nào là sự nhượng bộ khi đảng cộng sản phải chấp nhận, ông nói với chúng tôi ngay khi vừa ra khỏi nhà tù: -Không! đây là do áp lực quốc tế gây áp lực buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thả tôi trước thời hạn chứ không có bệnh tật hay là gì cả. Tôi mặc dù ở trong tù nhưng mà cũng có thể nhận biết được bởi vì bản chất của chế độ này không bao giờ có thương hại gì đối với những người như chúng tôi cả. Tôi hiều điều đó và bản thân tôi từ lúc ra tòa cho đến khi được thả tôi khằng định chưa bao giờ tôi có tội cả cho nên họ rất là cay cú với tôi. Không bao giờ có chuyện là họ tìm cách để mà giảm án cho tôi, điều đó là không có. Tôi hiều rằng đây là tác động ở bên ngoài, anh em bên ngoài quan tâm và thúc đẩy gây áp lực buộc giới chức cộng sản Việt Nam phải tha cho tôi trước thời hạn đó là chắc chắn, tôi xin khẳng định như vậy mặc dù tôi không có thông tin gì về điều đó. Một tù nhân lương tâm khác là Luật sư Nguyễn Văn Đài thì nhìn động thái này của Hà Nội dưới một góc khác, ông phấn khởi vì người tranh đấu trong nước có thêm niềm tin vào sự hỗ trợ của quốc tế nhưng ông cũng cho rằng mọi việc phải do trong nước tự đảm đương vì quốc tế không thề làm hơn: -Vâng điều ấy là chắc chắn rồi anh. Điều này nó cổ vũ rất lớn cho phong trào dân chủ trong nước anh có thể thấy thông tin trên các trang mạng xã hội và tôi đã gặp gỡ rất nhiều nhóm bạn trẻ anh em sinh viên họ được khích lệ rất lớn, nó sẽ như những liều dopping cho những người đấu tranh nhưng chúng ta phải nhìn nhận một cách rõ ràng là vai trò quốc tế cũng chỉ đặt một điểm nhất định còn để thay đổi thực sự tình trạng nhân quyền, có thể dân chủ hóa Việt Nam hay không từ thể chế độc đang sang nền dân chủ đa đàng hay không thì phải do yếu tố trong nước quyết định. Nếu lực lượng trong nước không đủ sức mạnh để chính quyền phải tiến đến thỏa hiệp hay chấp nhận một nền dân chủ thì nỗ lực của quốc tế cũng chỉ dừng lại ở mức độ làm cho họ không bắt người, trả tự do cho người nào bị bắt thế thôi chứ không có tính chất quyết định thay đổi nền chính trị Việt Nam. Mọi cuộc tranh đấu ở nước ngoài để Hà Nội chấp nhận trả tự do cho tù nhân chính trị Việt Nam không hề là việc dễ dàng. Trước đây 24 năm vào ngày 5 tháng 1 năm 1990 những người tù cải tạo đầu tiên quá cảnh Thái Lan để sang Mỹ là nỗ lực của nhiều người trong đó bà Khúc Minh Thơ là người theo đuổi đến cùng những việc mà bà cho là phải làm mặc dù chưa có tiền lệ như thế, bà Khúc Minh Thơ chia sẻ: -Thật sự không ai nghĩ tới chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận chương trình này đâu. Chương trình tù nhân chính trị là chương trình duy nhất của lịch sử Hoa kỳ. Khi tôi qua tới đây giống như con đường tăm tối mà tôi phải đi vì tình thương của gia đình, tình thương của bạn bè mà tôi cùng với anh chị em trong hội Tù nhân chính trị để mà làm. Làm mà không có hy vọng nhưng không bao giờ nghĩ tới là mình sẽ thành công. Nhưng vì không thể nào nhìn những người thân yêu ruột thịt chết trong tù mà mình không làm gì được. Tôi không chấp nhận ngồi khóc hay là than vãn gì hết mà mình phải tranh đấu mà thôi. Hàng trăm ngàn tù nhân cải tạo đã tới Mỹ và họ vẫn tiếp tục tranh đấu cho Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Giờ đây nếu Hà Nội chấp nhân đối thoại và thực hiện những gì mà họ hứa cũng là điều bình thường như trước đây 24 năm. Áp lực nào nếu đủ mạnh sẽ luôn nhận được sự phản hồi của chính nó, kể cả áp lực nhân quyền cho Việt Nam.
|