SÀI GòN NHỎ
4-1-23

Nạn tham nhũng ra sao sau 10 năm ‘đốt lò’?

Nhìn lại thành tích của "người đốt lò vĩ đại" Nguyễn Phú Trọng sau 10 năm

Mai Vũ Phạm

‘Lãnh tụ’ tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã bắt đầu chiến dịch ‘đốt lò’ phòng, chống tham nhũng kể từ Tháng Hai năm 2013. Truyền thông nhà nước khoe khoang thành tích ‘đốt lò’ của ông Trọng trong mười năm qua bao gồm: kỷ luật hơn “2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.” Trong cuộc họp thường trực ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Trọng tuyên bố “trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.”

Còn theo báo cáo của chính phủ Việt Nam, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 40,97% trong năm 2022. Thật khó có thể xác định được tính chính xác về số các vụ tham nhũng mà nhà nước Việt Nam đưa ra. Nhưng nhìn chung, sau mười năm ông Trọng và ban chỉ đạo Trung ương ‘đốt lò’, tham nhũng không giảm đi, nhưng vẫn tăng đều và tăng mạnh.

Mới ngày đầu tiên của năm mới 2023, Việt Nam lại được ‘tai tiếng’ vì nạn tham nhũng, bòn rút. Một du khách người Singapore, anh Kugan Pillai, đã tố cáo an ninh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội đòi tiền tip trên tài khoản Facebook của mình, thu hút hàng chục ngàn chia sẻ (share). Anh Kugan cho biết khi đang làm thủ tục xuất cảnh để bay về Singapore, một nam an ninh đã viết chữ ‘tip’ trên vé máy bay của anh:

Tôi không biết phải làm gì hoặc nhờ ai giúp đỡ và tôi cũng đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến bay của mình. Cuối cùng, tôi đã nhượng bộ bằng cách đưa 500.000 đồng. Tôi biết điều này có thể là bình thường ở các quốc gia khác, nhưng tôi cảm giác như mình đang bị bắt làm con tin, nếu không đưa tiền, hộ chiếu của tôi sẽ không được đóng dấu cho qua.” Đáng chú ý, anh Kugan Pillai cho biết đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Singapore về sự việc.

‘Công thần’ của Đảng Cộng sản Việt Nam, cố Trung tướng Trần Độ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, kiêm phó Chủ tịch quốc hội, đã từng nhận định vấn nạn nhức nhối này trong cuốn nhật ký cuối đời ‘Nhật Ký Rồng Rắn’: Nơi nơi tham nhũng, cấp cấp tham nhũng, ngành ngành tham nhũng. To tham nhũng to, nhỏ tham nhũng nhỏ.

Từ đâu có tham nhũng?

Từ “power” trong tiếng Anh vừa có nghĩa quyền lực, đồng thời cũng có nghĩa sức mạnh. Điều này phần nào lý giải quyền lực thì có sức mạnh, vì thế nhiều người bị sức mạnh quyền lực cuốn hút. Trong các loại quyền lực, đáng kể nhất là quyền lực chính trị bởi nó có khả năng thay đổi, hoặc chi phối các chính sách xã hội và kinh tế của một quốc gia.

Để đảm bảo rằng quyền lực chính trị không bị lạm dụng phải có những cơ chế để kiểm soát hoặc giới hạn quyền lực. Cả hai triết gia vĩ đại của thế kỷ Khai Sáng (Enlightenment) là John Locke (1632) và Baron de Montesquieu (1689) đều trăn trở, suy tư tìm cách bảo vệ tự do của người dân trước một chính phủ lạm dụng quyền lực.

Trong cuốn sách nổi tiếng “Tinh Thần Pháp Luật” năm 1748, triết gia Montesquieu đưa ra giải pháp duy nhất để ngăn chặn sự tha hóa và tham nhũng quyền lực là chia đều quyền lực để giám sát và giới hạn quyền lực. Khi quyền lực không được phân tản, triết gia Montesquieu cảnh báo rằng tự do sẽ bị tước đoạt. Thực thế!

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã và đang dưới sự lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả mọi quyền lực, bao gồm của chính phủ, quốc hội, và tư pháp, đều dưới sự lãnh đạo ‘độc quyền’ của ‘đảng ta’. Như thế, quyền lực chỉ tập trung mà không được phân tán, dẫn đến lạm quyền và tham nhũng là hiển nhiên. Như sử gia người Anh, Lord Acton, nhấn mạnh cách đây hơn 100 năm: “Quyền lực thường tha hóa. Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối.

Tham nhũng giản dị là sử dụng quyền lực từ chức vụ để mang về lợi ích cho cá nhân hoặc gia đình. Tại Việt Nam, đại đa số những người tham nhũng đều là đảng viên, hoặc thân hữu của chế độ sử dụng chức vụ hoặc đặc quyền để trục lợi, bòn rút. Căn bệnh tham nhũng có mặt tại mọi quốc gia độc tài lẫn dân chủ. Tuy nhiên, căn bệnh này ‘sinh sôi nảy nở’ rất mạnh, gần như không thể kiểm soát trong môi trường độc tài chuyên chế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự quản lý độc quyền của bộ máy nhà nước với mọi khía cạnh của nền kinh tế.

Nền kinh tế của Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, hoặc Việt Nam đều dưới sự kiểm soát tuyệt đối của một đảng cầm quyền duy nhất, thông qua các doanh nghiệp nhà nước và sở hữu ngân hàng, đất đai, và tài nguyên khoáng sản. Khi các viên chức nhà nước tham gia trực tiếp sâu rộng vào kinh tế, họ có nhiều cơ hội để trục lợi bằng chức vụ. Thêm vào đó là bộ máy nhà nước cồng kềnh, đảng cầm quyền phải ‘nhắm mắt’ cho cấp dưới tham nhũng để nuôi dưỡng lòng trung thành. Có thể thấy, thể chế chuyên quyền là nguồn gốc của lạm quyền và tham nhũng.

Chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ‘năm lần bảy lượt’ thừa nhận những yếu kém tất yếu từ chính sách ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’: “Mặc dù Đảng đã có nhiều văn bản chỉ đạo đổi mới hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn có không ít tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp …lạm dụng chức quyền, vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước.

Thực hư chiến dịch ‘đốt lò’

Nhìn vào những con số của chiến dịch ‘phòng, chống tham nhũng’ của ông tổng bí thư trong mười năm qua, như “khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo” sẽ thấy họ chỉ tập trung vào việc điều tra, truy tố, và trừng phạt. Nói cách khác, ông Trọng không đưa ra cụ thể cách thức để phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Ông Trọng và phe cánh hiểu rõ hơn ai hết cách thức phòng chống tham nhũng như thế này khác gì ‘nước đổ lá môn’.

Có thể dễ dàng thấy lý do chính mà ban chỉ đạo Trung ương của ông Trọng chọn phương pháp này bởi lợi ích chính trị lâu dài: gầy dựng niềm tin của công chúng và trấn an các nhà đầu tư nước ngoài và quan trọng hơn là thanh trừng các đối thủ. Nói cách khác, chống tham nhũng bằng các truy tố, trừng phạt thì có lợi với ông Trọng hơn là ngăn ngừa tham nhũng.

Thực tâm chống tham nhũng hay chống bằng mồm?

Các học giả chuyên nghiên cứu cải cách chống tham nhũng đồng thuận rằng bài trừ tham nhũng bằng cách tập trung vào điều tra, khởi tố, và hình phạt nghiêm khắc, mà bỏ qua phương pháp phòng ngừa là không có hiệu quả. Kết quả thường thấy của các chiến dịch chống tham nhũng như vậy có thể dự đoán được: tham nhũng được trấn áp tạm thời, nhưng nguồn gốc của tham nhũng vẫn còn nguyên vẹn. Một khi chiến dịch chống tham nhũng được nới lỏng, tham nhũng sẽ tiếp diễn, có thể đi kèm là các vụ thanh trừng được thực hiện bởi lãnh tụ tối cao mới.

Lịch sử thế giới cũng chứng minh rằng khó có thể cải tiến một nhà nước tham nhũng toàn diện, nếu như không thay đổi cơ chế và hệ thống tạo ra tham nhũng. Tin chắc rằng ông Trọng và ban lãnh đạo Trung ương hiểu rõ nguyên lý này hơn ai hết.

Tuy nhiên, nếu như ông Trọng và Bộ Chính trị thực tâm muốn phòng ngừa tham nhũng hiệu quả lâu dài, nó có thể được thực hiện bằng các biện pháp phòng ngừa. Về mặt kinh tế, biện pháp tối quan trọng là giảm quyền kiểm soát tập trung của nhà nước đối với nền kinh tế.

Nghĩa là, phải tư nhân hóa tất cả doanh nghiệp và tài sản thuộc sở hữu nhà nước theo thời gian, có hệ thống, và đặc biệt trong sự minh bạch. Quyền lực dẫn tới tham nhũng và quyền lực tuyệt đối đưa tới tham nhũng tuyệt đối. Bởi thế, muốn chống tham nhũng hiệu quả trước hết phải giảm bớt và phân tán quyền lực tập trung của nhà nước với nền kinh tế.

Về mặt thể chế, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phải quy định bắt buộc tất cả các đảng viên, bất kể chức vụ, công khai tài sản và tạo điều kiện để người dân có thể kiểm chứng thu nhập của họ. Thành viên Bộ Chính trị có thể cho người dân thấy quyết tâm chống tham nhũng bằng cách công khai và minh bạch tài sản của mình để ‘làm gương’.

Thêm nữa, các cơ quan chống tham nhũng phải hoạt động độc lập, có thẩm quyền cụ thể, và được pháp luật bảo vệ để tránh bị chính trị hóa. Ví dụ, Đạo luật Phòng chống Tham nhũng (POCA) của Singapore ra đời năm 1960 và đạo luật này trao thẩm quyền rộng và đảm bảo ngân sách hoạt động cho cơ quan chống tham nhũng duy nhất và độc lập của Singapore. Cục Điều tra Hành vi Tham nhũng (CPIB) của Singapore là một trong những vũ khí đắc lực giúp chính phủ Singapore ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả.

Cuối cùng, nếu thực tâm muốn kiểm soát tham nhũng, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phải cho phép tự do báo chí và tự do ngôn luận. Chính báo chí và người dân sẽ giúp đảng giám sát và kiểm soát bộ máy quan liêu hiệu quả. Về lý thuyết, nếu Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện những biện pháp đề nghị trên, cuộc chiến phòng và chống tham nhũng sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế, Đảng Cộng sản sẽ thấy đề nghị trên là đáng sợ và không thể thực hiện, vì phân tán quyền lực chưa bao giờ tồn tại ở chế độ chuyên quyền. Âu cũng vì một chữ SỢ. Sợ mất quyền!

Bởi thế, sau mười năm ‘đốt lò’ và mười mấy năm trước đó, Đảng Cộng sản càng chống tham nhũng, thì tham nhũng ngày càng tăng, như cố Trung tướng Trần Độ nhận định: Chống tham nhũng không được, cũng chỉ vì Đảng không thật sự chống.