Người Việt 19-1-15
Một lần ghé thăm hai đài phát thanh RFA và VOA
Hà Giang/Người Việt
Chặng cuối của chuyến công tác kéo dài 12 ngày của chúng tôi tại các tiểu bang miền Ðông Bắc Hoa Kỳ là hai buổi ghé thăm đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA) và Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) tại Washington DC. Có hẹn lúc 11 giờ sáng, chúng tôi đến đài Á Châu Tự Do trước. RFA tọa lạc nơi lầu ba của M Street NW, một khu phố đông đúc ở Washington D.C. Từng có thời gian cộng tác với RFA, Á Châu Tự Do, với tôi, không xa lạ
Ông Nguyễn Văn Khanh, giám đốc chương trình Việt Ngữ, ân cần đón phái đoàn chúng tôi nơi tầng hầm đậu xe, dẫn lên thang máy, và đưa mọi người vượt nhanh qua những vòng kiểm soát an ninh vào ngay địa doanh của ban Việt Ngữ. Chương trình phát thanh vừa làm xong nên anh em tương đối thoải mái. Tôi đi một vòng chào hỏi những đồng nghiệp cũ rồi dừng lại nơi “cubicle” của phóng viên kỳ cựu Nam Nguyên, một khuôn mặt và giọng nói quen thuộc với nhiều thế hệ nghe đài phát thanh. Còn nhớ lúc chúng tôi tỏ ý muốn đến thăm và chuyện trò với một phóng viên “tiêu biểu” của đài, ông giám đốc Nguyễn Văn Khanh nói không do dự. “Ồ! chắc chắn phải là Nam Nguyên rồi!” Phóng viên Nam Nguyên tên thật là Nguyễn Mạnh Tiến, khuôn mặt kỳ cựu trong giới phát thanh, tâm sự, “Từ trước đến giờ tôi chỉ làm có một nghề này thôi.” Rồi kể ông từng làm cho Ðài Phát Thanh Sài Gòn từ năm 1964, và chính là người phóng viên tường trình về tình hình chiến sự Việt Nam trong bản tin cuối cùng của đài phát thanh Sài Gòn ngày 29 Tháng Tư, 1975, một bản tin lịch sử. Ông Nam Nguyên cho biết ông đến Hoa Kỳ vào cuối năm 2000, lúc đã “55 tuổi rồi” và rất may mắn được tuyển vào làm việc với đài Á Châu Tự Do ngay sau đó, một điều ông cho là “rất may mắn” vì “được làm điều mình yêu thích,” ở một cơ quan truyền thông tên tuổi của chính phủ Hoa Kỳ, nhất là “được trở về nghề cũ sau hơn 25 năm gián đoạn.” Ông tâm sự, “Hồi còn ở Việt Nam, tôi nghe làn sóng ngắn từ năm 2000. Một hôm nghe chương trình phát thanh của đài Á Châu Tự Do, tôi thấy có giọng chị Yến Tuyết, một đồng nghiệp cũ ở Ðài Phát Thanh Sài Gòn, và nghĩ rằng khi mình qua được bên ấy, thì chắc chẳng bao giờ vào được những nơi như thế mà làm.” Thế nhưng định mệnh và kinh nghiệm trong ngành phát thanh đã đưa ông đến với Á Châu Tự Do, và ông đã làm ở “một nơi như thế” từ hơn 14 năm qua. Ðược hỏi về sự khác biệt cũng như tương đồng giữa làm việc với Ðài Phát Thanh Sài Gòn và đài Á Châu Tự Do, ông Nam Nguyên trả lời, “Sự giống nhau là mình làm truyền thông thì phải luôn có tin sốt dẻo, phải tôn trọng sự trung thực, nhưng vì kỹ thuật ngày nay tân tiến hơn, cách làm việc của hai thời rất khác nhau. Ngày xưa chúng tôi làm gì có computer, có Internet. Ði đâu cũng phải mang theo đủ thứ dụng cụ lỉnh kỉnh.” Và nói thêm, “Ngoài ra, Á Châu Tự Do, tuy là đài phát thanh của chính phủ giống Ðài Phát Thanh Sài Gòn, nhưng là một đài “điền thế” có mục đích cung cấp thông tin đến cho người dân Việt Nam hiện chưa có được thông tin đầy đủ và trung thực.” Nhưng dù làm việc ở đâu, điều thích nhất với phóng viên Nam Nguyên về việc làm là “mình là một phần của lịch sử.” “Thí dụ Việt Nam có biểu tình một cái là mình biết ngay, mình bám sát, tường thuật biến cố, tức là mình sống trong giây phút lịch sử đó.” Ðể được sống trong những phút giây lịch sử như vậy, một phóng viên phải đối diện với nhiều thử thách. Ông tâm sự, “Nghề này mình không bao giờ có thì giờ, có thể nói là mình làm việc gần như 24 trên 24 vì lúc nào cũng có thể có breaking news. Phải yêu nghề mới làm nổi. Phải yêu nghề, phải tường thuật không có ý kiến, phải đa chiều, phải trung thực, và cần nhất là phải giữ được ‘đạo đức nghề nghiệp,’ vì một bài tường thuật sai lệch hay một câu hỏi không tế nhị có thể giết chết một người.” Về dự định tương lai, phóng viên Nam Nguyên cho biết ông sẽ theo đuổi ngành truyền thanh mà ông yêu mến cho đến ngày về hưu, hay đúng ra là cho đến ngày sức khỏe không còn cho phép làm việc nữa.
Tổng hành dinh VOA (Voice of America), thật không hổ danh là tiếng nói chính thức của Hoa Kỳ, là một tòa nhà khang trang, tọa lạc tại số 330 Independence Avenue, Washington D.C., cách đài Á Châu Tự Do không xa. Sau khi làm đủ thủ tục an ninh, chúng tôi được đưa vào phòng tiếp khách, và chưa đầy một phút sau, nữ phóng viên Trà Mi, trong mái xóc xõa ngang vai, và tà áo dài tha thướt yêu kiều, rất Việt Nam, ra đón. Phóng viên Trà Mi có lẽ là là một trong những giọng nói và khuôn mặt quen thuộc nhất của khán, thính giả thích nghe cả hai đài Á Châu Tự Do và VOA. Tiếp chúng tôi bằng nụ cười e ấp, Trà Mi khiêm nhường, “Từ trước đến giờ chỉ quen phỏng vấn người khác, giờ đến lượt sắp ‘bị’ phỏng vấn, run quá!” Thật ra buổi tiếp xúc của chúng tôi là câu chuyện tâm tình giữa hai đồng nghiệp hơn là cuộc phỏng vấn. Tuy được xem là phóng viên trẻ, Trà Mi không thiếu kinh nghiệm truyền thông chút nào. Tại Việt Nam, cô từng làm trong ngành truyền hình từ năm 1997 đến năm 2001 sau khi tốt nghiệp ban văn chương. Phóng viên Trà Mi cho biết, qua đến Hoa Kỳ, cô theo học tại California State Univeristy, Fullerton, tốt nghiệp Cao Học Giáo Dục. Học thì học hai ngành văn chương và giáo dục, nhưng kinh nghiệm truyền thông của Trà Mi trước đây khiến cô được tuyển vào Á Châu Tự Do năm 2004. Và vốn liếng học vấn của Trà Mi, như với tất cả những người trong giới truyền thông, giúp cô có “nội lực” để hoàn thành trách nhiệm. Làm việc với đài Á Châu Tự Do từ năm 2004 đến 2009, và nổi tiếng ở đây với chương trình “Diễn Ðàn Bạn Trẻ,” nơi cô điều khiển những cuộc thảo luận đặc sắc với giới trẻ khắp nơi trong nước, về các vấn đề thời sự liên quan đến Việt Nam. Sau khi rời đài Á Châu Tự Do, Trà Mi chuyển sang làm việc với VOA và đã ở đây được gần sáu năm rồi. Tại VOA, chương trình “Tạp Chí Thanh Niên” của Trà Mi thu hút rất nhiều khán thính giả trước đây từng theo dõi chương trình Diễn Ðàn Bạn Trẻ của cô ở đài RFA. Về công việc tại VOA, Trà Mi cho biết ngành truyền thông ở Hoa Kỳ “có lẽ làm việc ở đâu cũng giống nhau,” cũng phải đưa thông tin trung thực, phải kiểm chứng nguồn tin, phải “tường trình chứ không bình luận.” “Nhưng với VOA, vì là tiếng nói chính thức của chính phủ Hoa Kỳ, nên tương quan với Việt Nam nhẹ nhàng hơn một chút.” Cô nói. VOA phát thanh về Việt Nam qua làn sóng trung, mỗi ngày một tiếng rưỡi so với mỗi ngày hai tiếng của Á Châu Tự Do, nhưng công việc của Trà Mi, “phóng viên nhỏ nhất ở VOA,” theo lời cô, không nhẹ hơn tí nào. Ngoài những cuộc phỏng vấn hay chương trình do chính mình thực hiện, Trà Mi cho biết cô “có trách nhiệm biên tập nội dung tất cả các chương trình phát hình từ A đến Z.” “Một ngày của em rất dài, phải thức dậy làm việc từ bốn giờ sáng,” cô kể, rồi tâm sự, “Chị cũng ở trong ngành thì biết, làm ngành truyền thông vất vả lắm, luôn phải theo dõi thời sự, luôn phải trau dồi kiến thức, luôn phải học hỏi. Trước kia ở RFA thì em học chú Khanh. Ở đây thì em học những đồng nghiệp đi trước khác.” Nhưng dù vất vả tất bật, Trà Mi cho biết “yêu truyền thông” lắm vì “không yêu thì không thể nào làm được,” và chắc chắc sẽ mãi theo đuổi ngành này. Á Châu Tự Do, VOA, phóng viên lão thành Nam Nguyên, phóng viên trẻ Trà Mi, ở họ và ở các phóng viên chuyên nghiệp khác có điểm gì chung? Yêu nghề, yêu công việc phụng sự và yêu vai trò đóng góp của mình vào lịch sử.
|