RFA
20-4-15

Thành phần thứ ba là ai trong chiến tranh Việt Nam?

Kính Hòa, phóng viên RFA
 

Khi chiến tranh Việt Nam gần kết thúc, người ta có nói đến những người được gọi là Thành phần thứ ba với khả năng đứng ra làm cầu nối cho việc thương lượng kết thúc chiến tranh. Thực sự họ là ai? Giáo sư Nguyễn Văn Trung là người từng được gọi là thuộc Thành phần thứ ba trên công luận tại miền nam trước năm 1975, và hiện nay sống tại Canada. Ông dành cho Kính Hòa cuộc phỏng vấn về câu chuyện này. Đầu tiên ông cho biết về thành phần thứ ba như sau:

GS Nguyễn Văn Trung: Bản thân tôi tôi lúc nào cũng chủ trương là không tham gia vào bất cứ thứ chính quyền nào, dù là đối lập hay tham chính. Vì tôi muốn giữ tư thế độc lập của một người trí thức dấn thân, nhưng mà dấn thân với tư cách tư tưởng chứ không phải tham gia tổ chức hay đoàn thể gì. Nói về thành phần thứ ba thì tôi biết nhưng tôi không phải là một nhân vật hay hoạt động gì ở trong đó, mặc dầu có vẻ xét về nguyên tắc tôi chẳng đứng với bên nào thì xếp vào thành phần thứ ba là đúng rồi, tôi không phải chính quyền, tôi không phải đối lập. Mà lúc đó có nhiều tổ chức thành phần thứ ba chứ không chỉ có một.

Kính Hòa: Giáo sư có nhớ cái ý tưởng về thành phần thứ ba ra đời như thế nào không ạ?

GS Nguyễn Văn Trung: Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng biết là lúc đấy ở VN có chính quyền, có đối lập, và có những người không phải chính quyền, cũng không phải đối lập thì họ đứng vào thành phần thứ ba, nhưng trong thành phần thứ ba đó có nhiều tổ chức. Tôi thì xét về một mặt nào đó tôi cũng có thiện cảm với thành phần thứ ba. Nhưng tôi không dính vào tổ chức nào trong đó. Tôi chỉ là một người trí thức dấn thân thôi, dấn thân vào thời cuộc, và cả chính trị nữa nhưng không thuộc tổ chức chính trị nào, nhưng với tư cách là người có quan tâm đến thời cuộc, đến chính trị. Tôi cũng có thành lập những tổ chức nhưng không mang một áp lực chính trị nào. Cuộc đời tôi nó như vậy.

Kính Hòa: Bây giờ đứng từ ngoài nhìn vào, đứng ở chổ 40 năm sau thì Giáo sư có thấy là thành phần thứ ba có hoạt động nào không hay là họ chỉ có tiếng nới như vậy chứ không có thực lực gì? Vì rằng cuộc chiến tranh đã kết thúc bằng vũ lực!

Giáo sư Nguyễn Văn Trung: Cho tới bây giờ thì tôi thấy là thành phần thứ ba thì có nhưng không có thực lực gì. Nó vẫn có đó, nhưng mà không có một tổ chức gì có thống nhất hay là sức mạnh về chính trị. Nó có tiếng như vậy thôi, cũng có lúc họ cũng dính vào tổ chức nọ tổ chức kia, rồi cũng như tôi, dính vào thấy cũng … nên lại rút ra. Nó rất là linh động và không có thực lực lâu dài. Có những người cũng dính vào rồi nhưng mà… vì bản thân họ không thích chính trị cho nên họ dính vào rồi lại thấy không đi tới đâu, họ nghĩ là mình có thể làm được cái gì đó, sau họ chán rồi lại bỏ.

Kính Hòa: Giáo sư nhận xét gì về Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam?

Giáo sư Nguyễn Văn Trung: Tôi ở Việt Nam đến năm 1994 tôi mới đi cho nên tình hình lúc năm 1975 tôi biết hết. Những người Mặt trận giải phóng miền Nam cũng là những người có thiện tâm thiện chí, nhưng sau năm 1975 thì họ thấy họ chỉ là con bài của miền Bắc thôi. Rồi có người họ rút ra, có người vẫn ở lại đó nhưng không làm gì cả. Tôi thấy họ cũng tự trọng. Họ không chống đối, họ biết họ sai lầm, nhưng họ cũng không nói ra, thế thôi, rồi mọi thứ tan biến cả.

Kính Hòa: Giai đoạn sau 1975 Giáo sư sống dưới chế độ của những người cộng sản cầm quyền thì Giáo sư cảm thấy thế nào?

Giáo sư Nguyễn Văn Trung: Trước 1975 tôi bị mang tiếng là người cấp tiến hay là thân cộng, có những tổ chức nọ kia mời tôi vô ủy ban cải thiện chế độ lao tù chẳng hạn. Nhưng khi mà họ về cầm quyền thì họ thấy tôi không phải là người của họ, và họ rất sợ, sợ tôi là thành phần nằm vùng của phe quốc gia. Họ sợ nên bắt tôi bỏ tù hết sáu tháng ở cái trại giam trong Sở công an. Sau họ thấy là không phải thì họ lại thả tôi ra. Tôi là một cái người mà tiếng Pháp gọi là ambigue, rất hàm hồ, tức là người ta đứng ở đâu thì người ta nhìn ra tôi theo cái quan điểm của họ.

Kính Hòa: 40 năm rồi Việt Nam cũng có nhiều hay đổi, hiện nay trong nước cũng có nhiều trí thức người ta lên tiếng, người ta chỉ trích những cái làm không đúng của nhà cầm quyền. Giáo sư có nhận xét rằng giới trí thức ở Việt Nam bây giờ họ đã mạnh dạn hơn không ạ?

Giáo sư Nguyễn Văn Trung: Tôi rời Việt Nam đã 20 năm rồi, dù có về một lần nhưng mà cũng khó cho tôi để nói. Nhưng tôi thấy chưa có dấu hiệu gì làm thay đổi chế độ trong nước bây giờ. Cái này tôi thấy cái này khó hiểu lắm. Nước Việt Nam ở cái vị thế mà các thế lực bên ngoài lúc thì lợi dụng lúc thì không. Những người ở trong nước họ có cái hoàn cảnh của họ, những người bạn của tôi hay những người trẻ hơn mà tôi biết thì đều không tạo được một thế đứng nào rõ ràng cả.

Kính Hòa: Người ta nói là chiến tranh đã kết thúc 40 năm rồi nhưng dường như chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc vẫn chưa hoàn tất, Giáo sư có thấy như vậy không?

Giáo sư Nguyễn Văn Trung: Có chứ. Tôi gặp cả những người đảng viên từ ngoài Bắc vào, những người Sài Gòn cũ, rồi những ông chống cộng, trong những buổi gặp gỡ như vậy ai cũng nói là thấy có thể làm những cái gì đó, nhưng rồi thì… Theo tôi thì những yếu tố đó không còn là Việt Nam nữa, vì Việt Nam dường như vẫn bị các cường quốc dù là Trung quốc, hay Nga, hay Mỹ lợi dụng theo cái quan điểm của họ.

Những người Việt Nam cũng ý thức được chuyện đó nhưng ngồi với nhau rồi thì cũng chưa dẫn tới được cái gì. Bây giờ nói ví dụ như những người cộng sản, tôi có biết họ, họ cũng chán lắm rồi, nhưng cũng không ra khỏi tổ chức của họ, rồi những ông chống cộng cũng vậy thôi.

Kính Hòa: Cám ơn Giáo sư đã dành thì giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.