FB Nguyễn Đắc Kiên
Thành Phố Cần Một Cuộc Đại Phẫu
Nguyễn Đắc Kiên 1.
Hôm trước trả lời phỏng vấn tờ Zingnews, TS Vũ Thành Tự Anh có nói ý
rằng: “TP.HCM đã không còn là cảm hứng cho quốc gia về cải cách”*. TS
Anh cho rằng suốt 10 năm qua, các tỉnh không còn đến TP.HCM để học hỏi
kinh nghiệm cải cách nữa. Câu
nói của TS Anh làm tôi nhớ lại thời gian hơn 10 năm trước, năm 2008, lần
đầu tiên tôi vào TP.HCM làm báo. Khi đó tôi đã hết sức ấn tượng với cách
làm việc chuyên nghiệp và cởi mở của chính quyền thành phố (những nơi
tôi tiếp xúc**), nhất là khi so sánh với đội ngũ cán bộ ở Hà Nội thời
bấy giờ. Nhưng nay, sau khi chuyển vào sinh sống tại thành phố hơn 5
năm, thì tôi lại thấy một bộ mặt khác. Nhiều vị cán bộ thành phố tôi có
dịp tiếp xúc thời gian gần đây làm tôi nhớ đến bộ mặt của các “ông quan
cán bộ” thủ cựu, hách dịch của miền Bắc những năm 99, 2000.
Thành phố đã không chỉ thụt lùi so với chính mình mà có lẽ còn bị tụt
lại phía sau nhiều địa phương khác. Đó không chỉ là lời cảnh báo, mà có
vẻ nó đã thành sự thật rành rành với cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn
ra gần 2 tháng qua. Với
đợt dịch Covid-19 này, có lẽ chính quyền TP.HCM đang phải đối mặt với
một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong suốt nhiều năm (thậm chí hàng
thập kỷ qua). Và với những gì đã và đang diễn ra, có thể nói cuộc khủng
hoảng cũng đã phơi bày bộ mặt năng lực quản trị yếu kém của thành phố
hơn bao giờ hết. Theo
thông tin của tờ Zingnews, ngày 26/6/2021, phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô
Minh Châu ký kế hoạch lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm trong 10 ngày (26/6 đến
5/7) để truy tìm F0. Tuy nhiên, báo cáo của Sở Y tế ngày 6/7 cho thấy từ
26/5 đến hết ngày 5/7 thành phố mới lấy được gần 1,7 triệu mẫu xét
nghiệm PCR. Mục tiêu lấy hàng triệu mẫu xét nghiệm của tầm soát diện
rộng của TP.HCM đã không đạt được***. Chỉ
một sự kiện này thôi đã cho thấy rất nhiều vấn đề. Hoặc là lãnh đạo
thành phố đã duy ý chí trong việc ra quyết định; hoặc là đội ngũ chuyên
viên, tham mưu giúp việc của lãnh đạo thành phố rất kém; hoặc là đội ngũ
tổ chức thực hiện thiếu năng lực. Và
một vấn đề đáng nói hơn nữa là sau thất bại này và các “thất bại” khác
như sự kiện hỗn loạn tiêm chủng ở nhà thi đấu Phú Thọ hay lấy kết quả
xét nghiệm ở chợ Bình Điền… cuối cùng thì không có một ai phải gánh chịu
trách nhiệm? Phải đến ngày 9/7 báo chí mới loan tin về việc điều chuyển
công tác giám đốc HCDC như một hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, kể cả động
thái này cũng có vấn đề. Sự
rành mạch trong diễn ngôn kỷ luật cũng là một yếu tố quan trọng cho thấy
sự chuyên nghiệp của hệ thống quản trị. Ngay trong ngày 10/7, báo chí
cũng loan tin Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê bình 3 lãnh đạo địa
phương ở tỉnh này vì lơ là chống dịch. Trước đó, Bắc Giang cũng phê
bình, thậm chí đình chỉ chức vụ một loạt lãnh đạo địa phương vì để dịch
bệnh lây lan. Dù
có đau đớn hay đáng hổ thẹn thì bộ mặt năng lực quản trị yếu kém của
thành phố hiện nay vẫn là sự thật mà thành phố phải đối mặt và cũng là
thách thức mà thành phố phải giải quyết rốt ráo khi cuộc khủng hoảng
Covid-19 này qua đi. Cái
khối u trì trệ yếu kém lan khắp từ dưới lên trên ở thành phố hiện nay có
lẽ là hệ quả của 2- 3 nhiệm kỳ tệ hại vừa rồi, và để giải quyết nó ắt
cũng không thể một sớm một chiều, nhưng điều quan trọng là ngay từ bây
giờ lãnh đạo thành phố phải nhận thức rõ vấn đề và quyết tâm thay đổi. Vừa
rồi, một vị lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn có nói
rằng Bộ này phải sửa đổi, không chỉ trình độ mà còn phải cả thái độ, và
thậm chí thái độ mới là cái “gốc” của một nền hành chính công vụ, sau đó
mới đến trình độ. Theo tôi, đây cũng chính là hai thứ mà chính quyền
thành phố cần nhìn nhận sửa đổi, và đầu tiên chắc chắn phải bắt đầu từ
các cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố. Tất
nhiên, không phải không có những tín hiệu tích cực, như vừa rồi, Sở
Thông tin Truyền thông đã cung cấp dữ liệu Covid-19 cho nhóm nghiên cứu
Đại học Fulbright và nhóm nghiên cứu Tech4Covid để phân tích, đánh giá,
dự báo và tìm giải pháp đối phó với dịch Covid-19 tại thành phố. Hay
ngay trong sáng nay, 10/7, Bí thư thành Ủy TP.HCM cũng đã gặp gỡ các
chuyên gia, nhà khoa học cùng bàn cách chống dịch Covid-19. Đó là chẳng
phải là tín hiệu của việc biết lắng nghe và muốn thay đổi hay sao? 2.
Một cuộc đại phẫu cho TP.HCM chắc chắn phải bắt đầu từ lãnh đạo, chính
quyền và người dân thành phố, nhưng cũng như việc chống lại khủng hoảng
Covid-19 hiện nay, việc này không thể thành công thiếu đi sự hỗ trợ, đặc
biệt là sự hỗ trợ chính sách từ phía trung ương. Một
bài phỏng vấn khác của Zingnews với TS Vũ Thành Tự Anh đã nói kỹ việc
này. Theo TS Anh, điều quan trọng thành phố cần không chỉ là được giữ
lại ngân sách bao nhiêu, mà quan trọng hơn là cơ chế để tự tạo vốn phát
triển. Đó là thực hiện một cách nhất quán chủ trương cho phép TP.HCM trở
thành một “thí điểm cải cách thể chế” theo mô hình sandbox về đổi mới
thể chế****. Bản
tin mới đây trên báo Thanh Niên đưa ra một chi tiết đáng chú ý đó là “hộ
gia đình sở hữu xe hơi ở TP.HCM thấp hơn vùng nông thôn Vĩnh Phúc”.
Thống kê rộng ra thì khu vực Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ hộ gia đình sở
hữu xe hơi lên cao nhất là 7,9% và thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long
chỉ có 2,5%. Trong nhóm các địa phương có số hộ sở hữu xe hơi đứng đầu
có Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… Có nhiều yếu tố
dẫn đến kết quả này, tuy nhiên, có một yếu tố chắc chắn không thể đến là
hệ thống đường sá, hạ tầng giao thông rất phát triển ở các địa phương
này. Hạ
tầng giao thông ở TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
nói chung chắc chắn đang là một nút thắt mà ai cũng thấy rõ, và là bài
toán mà các lãnh đạo cấp trung ương phải giải. Cách
đây 2 năm, cũng trên FB này tôi đã nhận định rằng, “quản trị sẽ là vấn
đề lớn nhất của Việt Nam trong vòng 10 năm tới”. Cơn khủng hoảng
Covid-19 đã khiến cho vấn đề này sớm bộc lộ hơn, nhưng cũng là cơ hội để
chính quyền các cấp sớm nhận diện và có sách lược đối phó. Và
cuối cùng, tôi đồng ý với quan điểm này của TS Vũ Thành Tự Anh (trong
bài đã dẫn ở trên): “TP.HCM phải được Trung ương coi như đây là một điểm
đột phá. Đây là một điểm thử nghiệm các cải cách mới, đây là một điểm
đưa Việt Nam đi đến vị trí tiên phong và cạnh tranh một cách ngang hàng
bình đẳng với các đô thị khác trên thế giới.” Cá
nhân tôi cho rằng, dù ở hoàn cảnh nào thì TP.HCM có lẽ vẫn là nơi duy
nhất hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để làm một “điểm đột phá”, một “đầu tàu
đích thực” thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở ra những vận hội mới cho cả
nền kinh tế. ——– (*) https://zingnews.vn/tphcm-khong-con-la-cam-hung-cho-quoc… (**)
Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là bài đầu tiên tôi viết khi vừa chân ướt
chân ráo vào TP.HCM năm 2008, khi đó tôi làm cho tờ VnExpress: https://vnexpress.net/hang-nghin-container-hang-hoa-bi…
(***) https://zingnews.vn/2-ngay-3-cuoc-hop-va-thay-doi-trong…
(****) https://zingnews.vn/can-thi-diem-cai-cach-the-che-o-tphcm… |