Người Việt
17-10-16

 

Thêm một nút thắt vào cổ Ðinh La Thăng

Tư Ngộ/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Ông Ðinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN, bí thư Thành Ủy Sài Gòn, lại bị thêm một nút thắt vào cổ qua bài viết của nhà báo Osin Huy Ðức vừa đăng trên trang Facebook cá nhân hôm 17 tháng 10, mang tựa đề “Những ‘Vinashin’ của Ðinh La Thăng.”

*Vô tiền khoáng hậu

Ðây là bài viết thứ 3 liên tiếp, sau hai bài “Thanh hay Thăng” và “Tảng Băng Nổi” được nhà báo Huy Ðức đưa lên facebook trong hai ngày 26 và 27 tháng 9. Cả ba bài viết tập trung vào các thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng trong thời kỳ ông Ðinh La Thăng làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN, từ 2006-2011) đã thu hút hàng chục ngàn người “like” và lan truyền nhanh chưa từng thấy.

Sự kiện này được coi là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử chính trị tại Việt Nam từ khi đảng Cộng Sản cầm quyền. Khi mà một ủy viên Bộ Chính Trị đầy quyền uy bị một nhà báo “đánh trực diện” và phanh phui các biểu hiện tham nhũng hoặc bảo kê cho tham nhũng, trong 3 bài báo liên tiếp trong vòng 20 ngày mà ông Ðinh La Thăng, cũng như nội bộ đảng Cộng Sản, chưa có phản ứng nào đáp trả hay thanh minh.

Trở lại bài viết “Những ‘Vinashin’ của Ðinh La Thăng,” Huy Ðức liệt kê ra một số dự án kinh doanh của PVN dưới thời ông Ðinh La Thăng làm chủ tịch mà Huy Ðức ví như những dự án ma bùn của tổng công ty Vinashin đã làm thiệt hại cho nhà nước hàng tỉ đô la.

Những dự án mà Huy Ðức liệt kê ra với những con số và chi tiết rất cẩn trọng và tỉ mỉ không biết từ ai cung cấp, người ta thấy, nếu đúng như thế, là những dự án kinh doanh chỉ nhờ tài phù phép, ngược với quy định của luật pháp. Tất cả đều dẫn tới thất bại, đổ vỡ mà trăm nghìn tỉ đồng “bị ném qua cửa sổ.”

Ðiều kỳ lạ nhất là thủ phạm chính thì ngày một leo cao hơn trong hệ thống quyền lực đảng và nhà nước. Có lẽ nhờ vậy mà an toàn nhất chăng?

Theo Huy Ðức dẫn chứng, Ðinh La Thăng khi về cầm đầu PVN, ông nâng cấp công ty Tài Chánh Dầu Khí (công ty con của PVN) thành Tổng Công Ty Tài Chánh Cổ Phần Dầu Khí (PVFC) trong kế hoạch biến PVN thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành.

Ông Thăng đã đẻ ra các công ty con, công ty cháu bằng chính tiền của mẹ, của con rồi lại lấy “cháu mua mẹ” để làm đẹp sổ sách.

Huy Ðức kể: “Theo phương án mà Hội Ðồng Quản Trị Tổng Công Ty Dầu Khí lúc đó (do Ðinh La Thăng làm chủ tịch) phê chuẩn, công ty con PVFC đã dùng 500 tỷ ‘đẻ’ ra công ty cháu PVFC Invest và rót 671 tỷ khác để PVFC Invest mua cổ phần công ty mẹ với giá đạt ‘mục tiêu chính trị’ (70,000 đồng/cổ phiếu).”

“Theo luật, PVFC chỉ được góp tối đa vào PVFC invest 11%. Nghị quyết của PVN phê duyệt cho PVFC góp 11% (55 tỷ đồng), đồng thời phê duyệt thêm cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) góp 38% (190 tỷ đồng). Trên thực tế, PVFC dùng tiền nhà nước góp tới 295 tỷ đồng [Ngoài 55 tỷ đồng đứng tên trực tiếp, PVFC còn dùng 240 tỷ góp dưới dạng cho cá nhân (CBCNV) ‘ủy thác đầu tư trả chậm mua cổ phần PVFC Invest’ – Bản chất là cho cá nhân vay trá hình không có tài sản bảo đảm].”

“Sau đó, bằng hàng loạt ‘hợp đồng ủy thác đầu tư’, PVFC chuyển xuống cho PVFC Invest 671 tỷ, bao gồm các khoản: Chuyển trực tiếp 200 tỷ cho PVFC Invest; Chuyển thông qua công ty con khác, PVFC Land, 400 tỷ; Chuyển thông qua công ty PV Inconess (PVFC là cổ đông lớn 30%) 71 tỷ.”

“Vì PVFC Invest cũng không thể dùng hết số tiền 671 tỷ này để mua cổ phần nên phải chuyển 510 tỷ cho CBCNV ‘vay’ dưới dạng nhận ủy thác đầu tư để mua cổ phần với tỷ lệ 50-50 (CBCNV bỏ ra 50%, công ty cho ‘vay’ 50%). Bằng cách này, PVFC Invest đã ‘thắng’ 20 triệu cổ phần với giá 71,000 đồng trong đó có 14 triệu cổ phần do ‘CBCNV mua’ (sau cổ phần hóa, PVFC là một tổng công ty có vốn điều lệ 5000 tỷ, Tập Ðoàn PVN nắm 78%; như trên đã nói, 22% còn lại cũng chủ yếu được mua bằng tiền nhà nước).”

Trong một “phi vụ” khác về đầu tư du lịch ở Quảng Ngãi, Ðinh La Thăng giao cho PVFC lập ra công ty Mỹ Khê Việt Nam có vốn điều lệ trên giấy là 400 tỷ.

Theo Huy Ðức, “Cũng như PVFC Invest, Mỹ Khê Việt Nam đã sai luật ngay từ khi ra đời vì có tới 99.98% vốn ở Mỹ Khê VN được góp từ PVFC trong khi mức cho phép không quá 11% (thực góp 210.1 tỷ trong đó, PVFC góp 210 tỷ, hai cổ đông khác góp 100 triệu).”

“Mỹ Khê Việt Nam sau đó còn được PVFC biến thành một công ty đầu tư bất động sản trái phép với hai dự án: ‘Ðầu tư’ 192.5 tỷ vào dự án 99C Phổ Quang (Sài Gòn); ‘Ðầu tư’ 360 tỷ vào dự án 168 Nguyễn Ðình Chiểu (Sài Gòn). Với ba ‘dự án’ này, Mỹ Khê VN đã ‘nướng’ của PVFC 762.6 tỷ.”

Theo Huy Ðức, “Gần 10 năm trôi qua, phần vốn 210 tỷ đồng đã hết, Biển Mỹ Khê vẫn chỉ có… cát; khoản chi đáng kể nhất của công ty này là để phá 10 hecta rừng dương dọc bãi biển. Mỹ Khê còn: Ðưa ngay 192.5 tỷ cho công ty tư nhân Lạc Hồng trong khi 99C Phổ Quang đang là đất của Satraco và Lạc Hồng chưa hề có ‘mảnh giấy lộn’ nào chứng minh công ty này là chủ đầu tư hay đồng sở hữu; Ðưa ngay 360 tỷ cho công ty cổ phần Phúc Thịnh chỉ để nắm được một bản photo giấy tờ đất 168 Nguyễn Ðình Chiểu trong khi Phúc Thịnh chưa phải là chủ sở hữu và không được cấp phép đầu tư.”

Một công ty con khác có tên là PVN Assets có trị giá tài sản được ghi là 707 tỷ đồng nhưng PVFC đã bán 23 triệu cổ phiếu của mình trong VN Assets cho một công ty tư nhân, ATC (Công ty cổ phần dầu khí An Thịnh), với giá chỉ 1 đồng/cổ phiếu (hợp đồng 16/2003/PVFC-ATC) trong khi giá vốn là 10.000 đồng/cổ phiếu (thất thoát khoảng 230 tỷ đồng).

Vẫn theo Huy Ðức, PVFC rót vốn cho ATC 120 tỉ để xây nhà máy sản xuất xơ sợi Hưng Yên trong đó 40 tỉ làm vốn lưu động. Thay vì nhập thiết bị của Ðức thì “ATC đã dùng số tiền đó để nhập một dây chuyền ‘nghĩa địa’ về. Nhà máy hoạt động được một năm rưỡi thì đóng cửa. Thay vì tìm cách thu hồi nợ, PVFC đã âm mưu ‘chuyển đổi’ 40 tỷ vay làm vốn lưu động này thành vốn góp (do không thực hiện được nên đã phải trích lập 100% dự phòng). Tháng 6 năm 2009 nhà máy ngưng hoạt động. Tháng 7 năm 2011, PVFC kêu bán thanh lý. Mãi tới tháng 2 năm 2012 mới bán được với giá… 3.9 tỷ.”

“Trong số 240 tỷ ‘ủy thác đầu tư’ dưới hình thức góp vốn lập nên PVFC Invest qua cán bộ công nhân viên (CBCNV) mà Ngân Hàng Nhà Nước cho là ‘cố ý làm trái’ (công văn 9788-2009), tới nay chỉ mới thu hồi được 10 tỷ (gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát 230 tỷ). Trong số 510 tỷ ‘ủy thác’ dưới dạng đưa tiền cho CBCNV mua cổ phần tới nay vẫn chưa thu hồi được 419 tỷ gốc, 86 tỷ tiền lãi.”

Một dự án đầy sai trái khác của PVN dưới thời Ðinh La Thăng là dự án mua sân vận động Chi Lăng ở Ðà Nẵng và có liên quan đến Hà Văn Thắm (chủ tịch ngân hàng Ocean Bank) và Phạm Công Danh (chủ tịch ngân hàng Xây Dựng).

Theo Huy Ðức kể, “Ngày 1 tháng 12, 2010, để mua sân vận động Chi Lăng Ðà Nẵng với giá 1,393 tỷ, Phạm Công Danh lập 10 công ty (con của tập đoàn Thiên Thanh) để đứng tên 10 sổ đỏ [có tổng diện tích 55,061m2, giá 25.3 triệu/m2). Ngay sau khi Ðà Nẵng giao sổ đỏ, 28 tháng 1, 2011, Danh đem cắm cả 10 vào OceanBank để vay 1,254 tỷ đồng.”

“Hơn một tháng sau đó, 4 tháng 3, 2011, đất sân Chi Lăng được PVFC – nơi mà PVN của Ðinh La Thăng nắm 78% cổ phần – định giá lên hơn gấp đôi: 57 triệu/m2; sau khi ‘tham chiếu các kết quả tư vấn khác’, PVFC đưa giá xuống một chút, 54.9 triệu/m2, và quyết định mua gần phân nửa sân Chi Lăng từ tay Danh với giá 1,510 tỷ (27,000m2, thuộc 5 sổ đỏ).”

“Hơn 1,306 tỷ được PVFC chuyển thẳng cho OceanBank, thanh toán cả gốc lẫn lãi cho Phạm Công Danh; 20 tỷ được chuyển vào tài khoản của tập đoàn Thiên Thanh; 183 tỷ chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của Danh. Như vậy, với thương vụ mua bán sân vận động Chi Lăng, chỉ trong một tháng, Danh lấy lại được vốn, cầm về 5 sổ đỏ ‘sạch’ (28,000m2) và vẫn còn dư 203 tỷ.”

Theo Huy Ðức, chưa thấy cơ quan điều tra nhắc đến thương vụ này, ít nhất là khoản “trốn thuế” không dưới 160 tỷ. Không chỉ là vấn đề lời lãi, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ bản chất của nó và đường đi lắt léo của các dòng tiền [tháng 5-2011, PVFC lại bán 27,000m2 đất này cho Seabank AMC (công ty mua bán nợ của Seabank) với giá không lời, không lỗ].

Khoản tiền 1,510 tỷ mà PVFC trả cho thương vụ nửa sân Chi Lăng đã giúp Phạm Công Danh có “lực” để mua TrustBank từ tay Hà Văn Thắm, có vai trò như bàn tay của một bà đỡ giúp Danh “đẻ ra” ngân hàng Xây Dựng.

“Nếu Ðinh La Thăng không quyết định góp 800 tỷ đồng (20% vốn) và ‘lái’ phần lớn dòng tiền của PVN chảy qua Ocean Bank thì ngân hàng này đã khó mà tồn tại [Từ thời Thăng làm chủ tịch Tập Ðoàn Dầu Khí gần như tất cả các công ty thành viên của PVN đều phải mở tài khoản tại Ocean Bank; tổng cộng PVN đã đem hơn 50 nghìn tỷ đồng gửi Thắm].”

Huy Ðức viết, “Khi Thắm ‘chìm’ theo Ðại Dương – OceanBank bị mua với giá 0 đồng – PVN không chỉ mất 800 tỷ VND góp vốn (theo quyết định của Ðinh La Thăng) mà còn kẹt ‘dưới đáy’ Ðại Dương hơn 10 nghìn tỷ (bao gồm cả 70 triệu USD của Vietsopetro).”

Tưởng cũng nên nhắc lại hai bài viết “Thanh hay Thăng” và “Tảng Băng Nổi” được đưa lên facebook trong hai ngày 26 và 27 tháng 9, Huy Ðức dẫn một số tài liệu để viết về những trò kinh doanh ma mãnh trái luật dẫn đến thất thoát hàng ngàn tỉ đồng tại Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC, công ty con của PVN), kết luận rằng kẻ chịu trách nhiệm chính là Ðinh La Thăng, sếp ngồi trên Trịnh Xuân Thanh và Vũ Ðức Thuận. Trịnh Xuân Thanh hiện đã trốn ra nước ngoài, Vũ Ðức Thuận và 3 đàn em khác mới bị bắt giam

* Siết dần dây thòng lọng

Từ khi có mạng xã hội, đặc biệt là facebook, cư dân mạng chắc hẳn chưa quên rất nhiều blogger hay facebooker bị “xử lý,” thậm chí vào tù, chỉ ít lâu sau khi bài của họ xuất hiện trên mạng xã hội vì bị cáo buộc tiết lộ thông tin cấm kỵ, hay chỉ trích các lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam.

Có thể kể ra các trường hợp như nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên bị mất việc sau khi chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng; blogger “Cô Gái Ðồ Long” bị bắt vào tù về thông tin gia đình tướng công an Nguyễn Khánh Toàn; hai cán bộ bị phạt 5 triệu đồng vì chê “cái mặt kênh kiệu” của chủ tịch tỉnh An Giang, cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh bị ép gỡ bài thơ “Ðất nước mình lạ quá phải không anh?”; và gần đây nhất là ông Giang Kiên Huy, chủ trang “I love Danang” bị phạt hơn 8 triệu đồng vì “xúc phạm lãnh đạo Ðà Nẵng”…

Ðó là chưa nói tới hàng loạt các nhà báo, nhà hoạt động, blogger, facebooker có chủ trương đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền trên mạng xã hội bị bắt giam, khởi tố, bỏ tù, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” mà blooger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là trường hợp mới nhất.

Trong trường hợp 3 bài viết của nhà báo Huy Ðức “đánh trực diện” vào Ðinh La Thăng, dư luận đặt câu hỏi rằng, phải chăng có một thế lực rất mạnh “chống lưng” cho Huy Ðức, và thế lực ấy đang siết dần sợi dây thòng lọng vào cổ Đinh La Thăng, tạo dư luận để có thể dẫn đến việc điều tra, khởi tố một ủy viên Bộ Chính Trị vì tham nhũng – nếu thế, thì sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng CSVN.

Bởi người ta thấy đã nhiều lần nghe những lời cả quyết từ các lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN là chống tham nhũng “không có vùng cấm.” Nhưng để coi, cái chế độ xưa nay vốn quen thói nói một đàng làm một nẻo, có dám hành tội một ủy viên chính trị, một kẻ ngồi ở tầng cao nhất của đảng ra trị tội?

Cũng trong ngày Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016, Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri quận Ba Ðình, thành phố Hà Nội là, “đánh tham nhũng là ta đánh vào ta.” Vậy nếu đánh Ðinh La Thăng là “đánh vào ta” rồi còn gì!