Blog RFA 1-6-14Thấy gì qua phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La 13
Kami
Sáng 31/5 - ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược.”. Bài phát biểu quan trọng này được dư luận trong nước, quốc tế có các nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Cũng không ít người đã thất vọng về phát biểu này. Phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 được cho rằng khá nhũn nhặn và phù hợp với tinh thần giải quyết tranh chấp trong hòa bình đang được dư luận thế giới đồng tình và ủng hộ. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa bị tai tiếng trong các vụ biểu tình mang tính bạo động đập phá các cơ sở sản xuất, văn phòng của các công ty nước ngoài đầu tư ở Việt Nam thì đây là điều cần thiết. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng: phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 và chính điều ấy đã đẩy Hoa kỳ và Nhật bản là hai quốc gia đã công kích Trung Quốc rất mạnh mẽ trong việc này vào thế việt vị. Điều này đã làm một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam đã tỏ ra thất vọng, và ngay sau đó trên các mạng xã hội nhiều người đã biểu lộ thái độ giận dữ trước sự mà họ cho rằng đớn hèn không thể chấp nhận được của một ông Đại tướng đứng đầu quân đội Việt Nam trước kẻ thù Trung Quốc xâm lược vào thời điểm quan hệ Việt-Trung đang ở mức xấu nhất chưa từng có từ sau Hội nghị Thành đô (9.1990).
Các đoạn bình luận cho rằng Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết "quan hệ Việt-Trung vẫn "phát triển tốt đẹp" và so sánh xung đột hiện nay trên Biển Đông với 'mâu thuẫn gia đình'" và "Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng" đã được rất nhiều người trích dẫn làm dẫn chứng để chỉ trích sự khiếp nhược của Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thể hiện qua bài phát biểu tại một Diễn đàn lớn và quan trọng trong khu vực. Thắc mắc quan trọng nhất vẫn là: Vì sao Đại tướng Phùng Quang Thanh vẫn coi kẻ xâm phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bạn? Hay đây là tín hiệu của nhà nước Việt Nam chuyển tới nhà cầm quyền Trung Quốc một thông điệp đầu hàng?
Bỏ qua các câu hỏi thắc mắc trên, để thấy các đoạn bình luận kể trên chứng tỏ những người đó chưa từng đọc, hay đọc chưa kỹ toàn văn bài phát biểu này của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13. Bài phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tạm chia làm 3 phần, bao gồm:
Thực ra BT Phùng Quang Thanh không hề "so sánh xung đột hiện nay trên Biển Đông với 'mâu thuẫn gia đình''" như người ta đã dẫn, mà đoạn đó nằm trong phần đánh giá tình tình thế giới và khu vực hiện nay của bài phát biểu, với nội dung nguyên văn là: "Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là ở chỗ, lãnh đạo cấp cao của các nước nên hết sức bình tĩnh, kiềm chế, đặt lợi ích của quốc gia trong lợi ích của khu vực và quốc tế; lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao để giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa các nước.". Đoạn này nằm ở phần 2 - Phần đánh giá tình tình thế giới và khu vực hiện nay, chứ hoàn toàn không đề cập tới vấn đề Biển Đông. Mà nêu lên những bất ổn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang có sự phát triển năng động, tăng trưởng cao và là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư thế giới. Thiết nghĩ đây là sự đánh giá và so sánh khách quan mang tính nhân văn cao của bài phát biểu, khi nói đến bối cảnh chung trong quan hệ của các quốc gia láng giềng, sự bất đồng xảy ra là điều đương nhiên phải có. Việc so sánh với trong gia đình anh em, cha mẹ ruột thịt mà còn không tránh khỏi bất đồng thì ở tầm các quốc gia các bất đồng đó là dễ hiểu và logic. Theo ý kiến cá nhân tôi một số người đã không khách quan, đã bình luận theo lối suy diễn theo chiều hướng bất lợi, nhằm kích động tư tưởng dân tộc theo kiểu đổ thêm dầu vào lửa. Đó là điều không trung thực và không nên.
Nhận xét một cách khách quan bài phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 là hết sức mềm mỏng và nhún nhường. Điều đó có lẽ là phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và tiềm lực của Việt Nam trong lúc này. Dù rằng trên thực tế điều đó đã trái với mong đợi của số đông người Việt Nam, đó là họ mong muốn một được nghe phát biểu hết sức cứng rắn và mạnh mẽ để chứng tỏ rằng người Việt Nam sẽ không sợ và không chịu khuất phục. Theo tôi đó là những suy nghĩ hoàn toàn mang tính cảm tính, kiểu "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt". Suy nghĩ này chỉ là suy nghĩ của những người bốc đồng. Chính trị gia đặt mình vào hoàn cảnh thực tế hiện nay thì không được phép suy nghĩ đơn giản như thế.
Nếu giờ đây các bạn thật tỉnh táo và đặt câu hỏi nếu chiến tranh xảy ra thì "Ta lấy gì để chống chọi với Trung Quốc?" trong lúc tiềm lực kinh tế của Trung Quốc hơn Việt Nam hàng chục lần và ngân sách đầu tư cho quân sự của Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây mỗi năm chiếm vào khoảng 20% tổng thu ngân sách. Hơn nữa, "Nếu đánh (hay kiện) Trung Quốc mà thua thì điều gì sẽ xảy ra?" là điều ít người nghĩ tới. Nếu không phải là Việt Nam sẽ mất hàng loạt các đảo và bãi ngầm trong vùng quần đảo Trường sa do bị tập kích và vĩnh viễn quần đảo Hoàng sa nếu Tòa án quốc tế phán quyết có lợi cho Trung Quốc? Đó là chưa kể tới việc ai sẽ giúp đỡ và ủng hộ Việt Nam khi lâm chiến? Vũ khí khí tài quân sự lấy đâu ra? Đó là những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có câu trả lời cho đến lúc này.
Đó là chưa kể với một chính quyền bạc nhược, tham nhũng và mất lòng dân như hiện nay, cùng với một chính sách ngoại giao thần phục và quỳ gối của chính quyền Việt Nam từ xưa đến nay, trong lúc hai đảng CS Việt Nam và Trung Quốc luôn có vận mệnh tương liên. Nhất là từ các động thái từ trong nước, đặc biệt các phản ứng thiếu dứt khoát từ phía Đảng và Quốc hội cho thấy ở thời điểm này cho thấy đảng CSVN khó có đủ can đảm để tuyệt giao mọi quan hệ chính trị với Trung Quốc như mong mỏi đa số người dân, thì làm sao có thể đòi hỏi sự cứng rắn từ họ?
Trong một bài viết của tôi gần đây về Biển Đông đã nêu rõ là: "... theo nguyên tắc bất di bất dịch trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ năm 1991 đến nay thì mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ một khi có tranh chấp hay bất đồng thì một điều quan trọng nhất là phải "kiên định phương châm không làm ầm ĩ". Điều đó có nghĩa là trong bất cứ tình huống nào thì lãnh đạo đảng CSVN và chính quyền sẽ không bao giờ để tình huống chiến tranh quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể xảy ra. Đó là điều chắc chắn và dứt khoát. Và riêng lãnh đạo Đảng CSVN thì họ sẽ bằng mọi giá không cho phép điều đó có thể xảy ra, họ sẽ sẵn sàng kể cả chấp nhận mất một phần lãnh thổ nhưng không thể để có chiến tranh với mục đích để đảng của họ vẫn toàn vẹn. Đây chính là nguyên nhân vì sao quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông luôn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm." Nếu coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong vấn đề Biển Đông thì không thể đòi hỏi một phát biểu cứng rắn từ Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Đó là điều hoàn toàn không thể có, và hơn nữa về điều này bản thân Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã "bật mí" khi cho biết rằng "Việt Nam sẽ không xích gần lại Hoa kỳ".
Do vậy bài phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 được đánh giá cho rằng "đưa Hoa Kỳ và Nhật Bản vào thế việt vị tại Biển Đông" là hoàn toàn chính xác. Đó là quan điểm của Hà Nội cho đến lúc này, họ luôn luôn không muốn làm phật lòng Trung Quốc.
Gần đây có một nhà báo, nguyên Đại tá QĐND Việt Nam nhận định rằng: ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nắm chắc lực lượng quân đội và công an. Vì thế có người đặt câu hỏi rằng "Tại sao các phát biểu của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì hết sức cứng rắn, trong lúc phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng lại tỏ ra nhũn nhặn nếu không nói là yếu ớt?". Câu trả lời có lẽ là: chúng ta cần tỉnh táo và cảnh giác, đừng dễ tin vào những gì báo chí và truyền thông nhà nước đang tuyên truyền. Nếu không chúng ta sẽ rơi vào cái ma trận kẻ tung người hứng trong một kịch bản nhằm trấn an và đánh lạc hướng dân chúng của ông Thủ tướng, một con người lọc lõi và quá nhiều kinh nghiệm và của cả Ban Tuyên giáo. Nhất là trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội... trong nước đang đứng trước các biểu hiện hết sức lo ngại như hiện nay, họ sẽ dắt chúng ta "vào rừng mơ để bắt con tưởng bở" mà quên đi cái thực tại.
Nói tóm lại là, hòa bình trên cơ sở đối thoại, thương lượng là cái quý nhất và chiến tranh là điều bất đắc dĩ phải chấp nhận khi không còn lối thoát nào khác. Đừng quá ỷ lại và bám vào cái tinh thần bất khuất chống quân xâm lược của dân tộc Việt Nam để hô hào mà không nghĩ tới hậu quả. Nên đặt địa vị mình vào những người phải cầm súng ra trận để suy xét, đừng cảm tính.
Không phải các bạn vẫn nói rằng "Đừng tin những gì Cộng sản nói" hay sao? Vậy có gì mà phải ầm ĩ?
Ngày 01 tháng 6 năm 2014
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân
của Kami. Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á châu Tự
do RFA
|