BBC 3-4-13Thống đốc Bình 'mâu thuẫn về giá vàng'
Cập
nhật: 11:54 GMT - thứ
tư, 3 tháng 4, 2013
Ngày 4/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ hai, với tổng khối lượng vàng dự kiến 26 nghìn lượng và mức giá tham chiếu 43.61 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, những ảnh hưởng lên thị trường của đợt đấu thầu lần thứ nhất hôm 28/3 khiến giới chuyên gia quan ngại về chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước. 'Mâu thuẫn'Đợt đấu thầu hồi cuối tháng Ba, cũng với lượng chào thầu 26 nghìn lượng vàng và giá tham chiếu 43,6 triệu đồng/lượng chỉ có hai đơn vị trúng thầu và lượng vàng được mua chỉ dừng lại ở 2000 lượng, đồng nghĩa với việc 24 nghìn lượng còn lại không có người mua. Không những vậy, giá tham chiếu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra bị chỉ trích là 'quá cao'. Trước tác động của phiên đấu thầu này, giá vàng miếng trong nước đã tăng trở lại, khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước với thế giới cũng tăng từ 2,8 triệu đồng/lượng lên hơn 4 triệu đồng/lượng. Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt ngày 3/4, kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng đây là "điều hết sức mâu thuẫn." Chính sách NHNN dễ tăng buôn lậu vàng? Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước đầy mâu thuẫn và dễ thúc đẩy tình trạng buôn lậu. "Ngân hàng Nhà nước nói muốn bình ổn thị trường vàng nhưng lại không quan tâm đến việc giảm giá vàng," ông nói. "Cách đây ít lâu, thông điệp của Thống đốc đưa ra là muốn kéo giá vàng về với giá thế giới. Nhưng gần đây ông ấy lại nói là không quan tâm tới điều ấy nữa." "Tôi thấy rằng đây là điều hết sức mâu thuẫn và không biết là chính sách đó của Nhà nước đang giúp giải quyết gì cho thị trường vàng Việt Nam hiện nay?" "Trước kia thì thống đốc nói là bình ổn và có thị trường vàng, muốn kéo giá vàng trong nước chênh lệch khoảng độ 500 nghìn đồng/lượng là phù hợp so với chi phí. Nhưng giờ lại thấy hành động của Ngân hàng Nhà nước không đi theo hướng ấy." "Nếu không đi theo hướng ấy, thì liệu thị trường vàng có thực sự là thị trường vàng hay không, và liệu có huy động được vốn vàng trong người dân hay không?" "Khuyến khích buôn lậu"Hôm 1/4 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết việc Ngân hàng Nhà nước giao doanh nghiệp SJC được dập và kinh doanh vàng miếng và coi đó là thương hiệu vàng quốc gia đang gây nhiều vấn đề cho nền kinh tế. Trả lời báo trong nước, ông Lực nói từ năm 2012 đến nay ngoài việc xuất hiện độ chênh lệch giá lớn giữa giá vàng trong nước và nước ngoài, đã xuất hiện vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các doanh nghiệp kinh doanh bán cho dân. "Việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC, làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác", ông Lực bình luận. Ngoài ra, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và nước ngoài được ông Lê Đăng Doanh cho rằng dễ làm gia tăng tình trạng buôn lậu: "Ngân hàng Nhà nước muốn kiểm soát vàng chấm dứt hiện tượng đầu cơ vàng và tình trạng buôn lậu." "Nhưng giá vàng càng chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới thì tạo điều kiện khuyến khích cho việc buôn lậu." "Trong kinh tế học, người ta đã xác định nếu mức cách biệt giá quá lớn, không có bức tường thành nào của thuế qua hoặc hải quan có thể ngăn chặn được việc buôn lậu." "Với tình hình đó thì tôi nghĩ tình hình buôn lậu vàng vẫn sẽ tiếp tục xảy ra." "Tạo sự thông thương"Ông Lê Đăng Doanh cho rằng cần "tạo sự thông thương giữa thị trường vàng trong nước và thế giới". "Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần phải có tham khảo ý kiến của các chuyên gia và của hiệp hội vàng để đưa ra giải pháp có tính chất thị trường" Ông cũng cho rằng cần phải đạt được chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vào khoảng 500 nghìn đồng/lượng. "Như vậy sẽ chấm dứt được tình trạng buôn lậu vàng," ông nói.
|