RFA 2-3-14Số liệu thống kê Việt Nam
Vũ Hoàng- RFA
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có chỉ số năng lực thống kê năm 2013 là 71 điểm, đứng thứ 64 trên 149 quốc gia trong danh sách xếp hạng, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm nước có năng lực thống kê trung bình của thế giới trong suốt 3 năm vừa qua. Mặc dù vậy, khi nói đến những số liệu thống kê Việt Nam, không chỉ các chuyên gia kinh tế trong nước mà nhiều khi chính các giới chức chính phủ cũng phàn nàn về tính xác thực và độ khả tín của những số liệu thống kê. Điển hình là cuối năm ngoái, liên tục những bài báo đăng tải ý kiến của nhiều chuyên gia cho thấy các số liệu như GDP của các địa phương cao hơn GDP trung bình cả nước, số lượng doanh nghiệp phá sản, số nợ xấu, tỷ lệ thất nghiệp… đều không nhất quán trong các báo cáo của chính phủ hay các bộ ngành có liên quan. Điều này khiến dư luận không khỏi lo lắng và hoài nghi khi các số liệu đưa ra không chính xác sẽ dẫn đến những kết luận kinh doanh sai lầm, ai sẽ đền bù và ai phải trả giá…? Trong khi đó, đối với các cấp quản lý nhà nước, hậu quả khôn lường vì những nhà lập chính sách sẽ vạch ra những bước đi không phù hợp với thực tế chỉ vì những số liệu ảo. Theo phân tích của T.S Hoàng Thọ Xuân thuộc Viện nghiên cứu Thương Mại được truyền thông trong nước trích đăng thì tác động lớn nhất của việc nhiễu loạn số liệu chính là mất lòng tin về các con số thống kê của người dân, của doanh nghiệp. T.S Xuân cho rằng con số hiện nay chưa thực sự thuyết phục được mọi người và đây là vấn đề nguy hiểm nhất. Mới đây, bài báo “Lạ lùng Tổng cục thống kê công bố 2 số liệu CPI” của báo Đất Việt cho hay cùng trong một ngày sáng chiều 24/1, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 số liệu chỉ số gia tiêu dùng CPI cho tháng giêng khác nhau, khi giải thích ông Nguyễn Văn Tiến, chủ tịch Hội Thống kê VN cho rằng số liệu thống kê ở VN luôn có hai số, một số dùng khi nghiên cứu sẽ chính xác hơn, và một số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiều vấn đề, có thể bị chỉ đạo, nên cũng có điều chỉnh. Chúng tôi trao đổi với T.S Trần Đức Việt, một giáo viên dậy môn Thống Kê ở Hà Nội và được ông cho biết về chất lượng số liệu như sau: Theo tôi chất lượng số liệu thống kê có thể chia làm 3 nhóm, nhóm thứ nhất là nhóm cung cấp thông tin cho ngành thống kê, nhóm thứ hai là nhóm sản xuất và công bố thông tin thống kê và nhóm thứ 3 có thể coi là nhóm sử dụng thông tin thống kê. Theo tôi thì chất lượng thông tin đầu vào là nhân tố chính quyết định thống kê, vì thế, nhóm cung cấp thông tin đóng vai trò quan trọng nhất và có tác động lớn nhất đến vai trò và chất lượng của các con số thống kê. Ngoài ra, T.S Trần Đức Việt giải thích rằng, khi thu thập thông tin về thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình, người ta thường thực hiện qua hình thức điều tra chọn mẫu, còn số liệu về kết quả sản xuất của các doanh nghiệp và các dự án nước ngoài thì được thực hiện thông qua báo cáo của chính các doanh nghiệp đó. Ông cũng không quên nhắc rằng hiện nay, vấn đề sai số và cả sai sót trong quá trình thu thập và tính toán vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam vì cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. T.S Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc xác nhận có 3 nguyên nhân khiến số liệu “vênh nhau” đó là: sai sót kỹ thuật, không muốn theo chuẩn quốc tế hoặc số liệu giả dối. Hãy khoan bàn về sự “sai sót kỹ thuật” hay “số liệu giả dối” chúng ta cùng nghe ý kiến của một vài nhà quan sát về lĩnh vực này ở Việt Nam. Trước hết, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế trung ương cho biết: Hiện nay trong số các chuyên gia không ít người trong đó có tôi, nêu lên những hoài nghi nhất định về sự chính xác của con số thống kê của Việt Nam. Đặc biệt là con số thống kê của các tỉnh về tăng trưởng GDP thì bao giờ cũng gấp đôi cái con số GDP được công bố của Việt Nam. Và giữa con số thống kê GDP của Việt nam và con số thống kê của Ngân hàng Thế giới, Qũy tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng phát triển Châu Á bao giờ cũng có khoảng cách nhất định. Đôi khi khoảng cách ấy là tương đối xa Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lại có góc nhìn khác về các báo cáo kinh tế của Việt Nam: Ở Việt Nam có điểm là trước khi báo cáo giải trình gì của các cơ quan nhà nước thì cứ nói tình hình kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, tăng bao nhiều phần trăm nơi này tăng bao nhiêu phần trăm nơi kia... Luôn luôn là "tích cực, tích cực", nhưng mà phẩy một cái là "tuy nhiên, tuy nhiên"... Cái đấy rõ ràng có vấn đề trong báo cáo tình hình, nó thành một nề nếp của một cách giải trình không được thông thoáng lắm. Cho nên việc quản lý thống kê để tạo ra hình ảnh này nọ không phải riêng gì ở Việt Nam mà là tất cả các chính phủ trên thế giới đều có. Nhưng không phải vì vậy mà lợi dụng thống kê để nói tốt những chuyện mà không hoàn toàn là tốt. Đấy là cái trách nhiệm của người quản lý nhà nước, cho thế giới thấy một hình ảnh trung thực của Việt Nam, chứ không thể vơ đũa cả nắm mà nói rằng tất cả thống kê của Việt Nam đều xấu. Còn nhớ, tại một buổi hội thảo hồi cuối năm ngoái, nói về số liệu thống kê VN, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng thẳng thắn nhận xét “những con số đó cứ thế nào, tôi không dám tin” ông dẫn chứng số nợ xấu hiện không biết tin vào đâu vì “nay thế này mai thế kia.” Nói đến đây, khiến chúng tôi nhớ đến số liệu về nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa được tổ chức đánh giá tín dụng Hoa Kỳ Moody’s công bố cách đây ít ngày là không dưới 15%, ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước VN chính thức công bố “tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam nếu tính một cách thận trọng chỉ khoảng 9%” và không quên giải thích rằng cách đánh giá của Moody’s là dựa trên các phương pháp, tiêu chí, thông tin của riêng Moody’s; còn số liệu nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước của VN được xác định dựa trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành và các thông tin chính thức của Việt Nam. Mặc dù, chuyện số liệu sai, ảo và thiếu xác thực trong các số liệu thống kê ở Việt Nam vẫn là những đề tài tranh cãi và cũng chưa có một cơ quan thẩm quyền quốc tế nào đứng ra kiểm định, nhưng người ta vẫn sử dụng những dữ liệu chính thống này vào các quyết định đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Thiết nghĩ “thuốc đắng dã tật” dù có thể các số liệu báo cáo không thực sự đẹp, không mang lại một bức tranh màu hồng, nhưng hi vọng đó là những con số chính xác, “biết nói” để chính những nhà lập chính sách là người được hưởng lợi từ sự minh bạch thông tin và sự khả tín của các con số thống kê.
|