Người Việt
16-9-18

 

Thủ Thiêm: Những quan chức nào sắp lên ‘bàn mổ?’

Phạm Chí Dũng

 

 

Hai hiện tượng vừa tương đồng vừa “bất đồng” vừa diễn ra cùng lúc tại “mặt trận Thủ Thiêm” ở Sài Gòn.

Từ ‘đánh giả’ đến ‘đánh thật’

Ngay sau ngày 7 Tháng Chín năm 2018 là thời điểm cơ quan Thanh Tra Chính Phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra vụ khiếu nại của công dân về Khu Ðô Thị Mới Thủ Thiêm, nhiều tờ báo nhà nước một lần nữa đồng loạt đăng tải không chỉ tin tức về bản kết luận kiểm tra này mà còn viết bài mổ xẻ nhằm truy cứu trách nhiệm của những cơ quan và quan chức trong giới lãnh đạo TP.HCM có nhiều dấu hiệu và biểu hiện “ăn đất.” Hiện tượng này là rất tương đồng với làn sóng báo chí ồ ạt đăng tải rất nhiều tin bài về Thủ Thiêm vào đầu Tháng Năm năm 2018 ngay sau khi tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm bất ngờ bị vài phóng viên phát hiện là đã không cánh mà bay trong suốt nhiều năm trời.

Tuy thế, cuộc “khởi nghĩa Thủ Thiêm” của báo chí nhà nước vào Tháng Năm năm 2018 đã chỉ tồn tại trong vỏn vẹn một tuần lễ. Sang tuần thứ hai, như bị một nốt giáng đột ngột, bản giao hưởng Thủ Thiêm bất thần biến mất khỏi mặt báo nhà nước. Khi đó, nhiều thông tin cho biết chính Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Ủy Viên Bộ Chính Trị Võ Văn Thưởng – nhân vật mà vào Tháng Năm năm 2017 từng hé ý muốn “đối thoại với những cá nhân bất đồng” nhưng lại tuyệt đối câm lặng từ đó đến nay – đã chỉ đạo báo chí phải “câm miệng” vụ Thủ Thiêm.

Cũng vào thời gian trên đã dậy lên nghi ngờ của người dân nghi ngờ về một “bí mật cung đình” không hẳn là thuyết âm mưu: sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra và được báo chí đồng loạt lên tiếng tạo thành một cơn địa chấn đủ mạnh trong lòng xã hội, một thế lực chính trị – lợi ích nào đó sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào “lò.” Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó, lối thoát duy nhất của những quan chức tham nhũng là phải “ói ra,” tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm cho nhóm lợi ích mới với giá cực thấp hoặc “cho không.” Nếu chịu “ói ra,” sẽ chẳng có quan chức “ăn đất” nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị “cách hết mọi chức vụ trong quá khứ” như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ chui vào túi của những kẻ tống tiền. Người dân cũng nghi ngờ phải chăng vào khoảng thời gian báo chí bị “khóa miệng,” một nhóm quyền lực – lợi ích mới đang bí mật đàm phán với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để “chuyển giao với giá rẻ” một phần lớn hoặc toàn bộ đất vàng ở Thủ Thiêm?

Mối nghi ngờ trên càng trở nên có cơ sở khi kết luận thanh tra Thủ Thiêm đã nhiều lần bị giấu biến mà không công bố, mà trong khoảng thời gian gần đây nhất đã hai lần bị hoãn công bố sau thời điểm cam kết ngày 15 Tháng Sáu và ngày 15 Tháng Bảy.

Cũng vào thời gian trên, song song với một bản báo cáo của Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM mà nội dung của nó là hoàn toàn vô trách nhiệm, không thừa nhận bất kỳ sai phạm nào trong vụ Thủ Thiêm, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một kết luận chỉ đạo về vụ Thủ Thiêm, trong đó ông Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết Ðịnh 367 của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và quyết định ký vượt quyền của Phó Chủ Tịch Chính Quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi “thay thế” Quyết Ðịnh 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền TP.HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ. Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ “sai sót” đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi “cố ý làm trái” và tham nhũng…

Nhưng đến đầu Tháng Chín năm 2018, hiện tượng có vẻ lạ lùng là bản kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ với tinh thần “được sự đồng ý của thủ tướng,” đã như thể lột xác, trở thành bản kết luận kiểm tra chi tiết nhất trong toàn bộ lịch sử 15 năm ròng rã khiếu nại của hàng ngàn người dân Thủ Thiêm, tuy vẫn không có một cái tên quan chức sai phạm nào được nêu ra trong kết luận kiểm tra này.

Bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm đã được công bố, công khai toàn văn là một chỉ dấu khá rõ ràng cho thấy sau một thời gian “cân nhắc,” Bộ Chính Trị hoặc ít ra cũng phải là một phần đa số trong “siêu bộ” này, đã quyết định “đốt lò” vụ Thủ Thiêm mà không để bị dư luận xã hội và mạng xã hội chỉ trích Bộ Chính trị “ăn tiền” của giới quan chức “ăn đất” ở Sài Gòn khiến vụ Thủ Thiêm chìm xuồng.

Vậy là hiện tượng “bất đồng” vào lúc này so với trước đây đang lộ ra: nếu vào Tháng Năm năm 2018 có thể chỉ là “diễn” hay “đánh trận giả,” thì nay lại có khuynh hướng “đánh thật.”

Lên ‘bàn mổ’ và ‘của thiên trả địa’

Báo Thanh Niên, vẫn là tờ báo Thanh Niên ấy, tờ báo mà vào đầu năm 2017 đã nổ phát súng đầu tiên vào Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam và một ủy viên bộ chính trị khi đó là Đinh La Thăng, giờ đây rút tít: “Sai phạm tại Thủ Thiêm, những ai liên quan?” Theo báo này, kể từ khi thủ tướng ký Quyết Ðịnh số 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm vào thời điểm 4 Tháng Sáu năm 1996 đến nay, quá trình triển khai dự án trải qua 4 đời chủ tịch UBND TP.HCM, gồm: ông Võ Viết Thanh (1996 – 2001), ông Lê Thanh Hải (2001 – 2006), ông Lê Hoàng Quân (2006 – 2015) và đương nhiệm là ông Nguyễn Thành Phong.

Như vậy là đã khá rõ ràng: sau một thời gian bị “xem xét tư cách đảng viên,” sắp tới rất có thể một số gương mặt quan chức dính dáng trực tiếp đến vụ “ăn đất” ở Thủ Thiêm sẽ bị đưa lên “bàn mổ.”

Cách đây 4 tháng, đã có những tờ báo chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ: Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM, Lê Thanh Hải – Chủ tịch TP.HCM và sau đó là bí thư thành ủy TP.HCM.

Sau khi từ Phó chủ tịch thành phố trở thành Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM vào thời Lê Thanh Hải làm bí thư, Nguyễn Văn Đua đã nắm khối an ninh nội chính và mau chóng trở thành một “sát thủ” đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn. Nguyễn Văn Đua bị “tố” là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của thủ tướng chính phủ.

Còn Lê Thanh Hải – vào thời còn là chủ tịch thành phố, đã “dọn đường” cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.

Tiếp đến là Tất Thành Cang – người được xem là “đệ ruột” của anh Hai (Lê Thanh Hải), bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. Sau khi Lê Thanh Hải về hưu, Tất Thành Cang trở thành phó bí thư thường trực TP.HCM và lại dính đậm ở một vụ “ăn đất” khác: Cang là người chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của thành ủy TP.HCM bán trái phép với giá bèo 32 hécta đất Nhà Bè cho tư nhân.

Cuộc tháo chạy tán loạn của đàn chuột bắt đầu…

Khoảng một tháng trước khi xuất hiện bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ, trên mạng xã hội chợt hiện lên một loạt bài viết của một tác giả ẩn danh, trực chỉ vào hai nhân vật Trần Vĩnh Tuyến – phó chủ tịch TP.HCM, và Nguyễn Thành Phong – chủ tịch TP.HCM, với những hồ sơ kèm theo để mô tả một cách có bằng chứng về việc hai quan chức này đã không chỉ “ăn đất” ở Thủ Thiêm như thế nào mà còn “ăn” cả những vụ khác và nơi khác. Chỉ có điều, loạt bài viết trên, không hiểu vì nguyên do tế nhị gì, đã không đề cập đến “Hai – Ba – Sáu”’… (Hai Nhật – tức Lê Thanh Hải, Ba Đua – tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang – tức Tất Thành Cang).

Một số người phân tích đứng ở góc độ khách quan cho rằng loạt bài viết trên là nhằm “thí chốt” và chạy tội cho giới quan chức dư sức ăn nhưng quá kém sức chịu. Hoặc là một trò “đánh lộn tầm bậy” trong nội bộ giới lãnh đạo cao cấp trong thành ủy và chính quyền TP.HCM.

Quả thật, gần đây đã xuất hiện trên mạng xã hội một số bức ảnh được chụp từ cự ly gần về những “lều đày tớ” quá đồ sộ và hoàng tráng của Tất Thành Cang và Nguyễn Văn Đua, hay cảnh Sáu Cang ăn nhậu với một số quan chức và báo chí cánh hẩu ngay trong nhà khách thành ủy… Chỉ có người trong nội bộ “‘đảng ta” mới có thể chụp gần như vậy.

Trong khi đó, Lê Thanh Hải kín đáo tung tích hơn. Nhưng rất nhiều người dân và công chức ở Sài Gòn cho rằng đây mới là “chuột cống” với vô số nhà cửa và đất đai tích góp được qua 15 năm làm chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy. Vài tờ báo đã bắt đầu nêu đích danh trách nhiệm Lê Thanh Hải trong vụ Thủ Thiêm.

Có một điểm thú vị là vào thời gian này cách đây tròn một năm, Đà Nẵng đã diễn ra cuộc chiến “hai cọp một rừng” giữa Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Xuân Anh với Chủ Tịch Thành Phố Huỳnh Đức Thơ và liên quan đến “Thượng Tá Tình Báo Công An Phan Văn Anh Vũ,” kéo theo cuộc chiến loạn xạ giữa hai bè đảng tại “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” này.

Sau Đà Nẵng, hẳn đang tiếp đến “đảng bộ anh hùng TP.HCM” – như dự báo từ trước của không ít người. Đã đến lúc “của thiên trả địa,” đã đến thời của những quan chức cướp đất của dân, “đi lên từ đất,” phải “ói ra,” nhưng cũng chưa chắc cứu nổi sinh mạng của chúng. (Phạm Chí Dũng)