SÀI GÒN NHỎ https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/dau-gia-dat-thu-thiem-mat-bo-moi-lo-lam-chuong/
Đấu giá đất Thủ Thiêm – mất bò mới lo làm chuồng!
Vụ đấu giá đất gây bất ngờ ở bán đảo Thủ Thiêm thành phố Sài Gòn càng
lúc càng lộ rõ là một áp-phe thổi giá trục lợi của một số công ty bất
động sản.
Hiếu Chân
Toàn cảnh các lô đất được đem ra đấu giá ở Thủ Thiêm. Ảnh Quỳnh
Trần/VNExpress
Vụ đấu giá đất gây bất ngờ ở bán đảo Thủ Thiêm thành phố Sài Gòn càng
lúc càng lộ rõ là một áp-phe thổi giá trục lợi của một số công ty bất
động sản hơn là một hoạt động kinh doanh bình thường của nền kinh tế.
Như tin đã đưa trên báo chí, ngày 10 Tháng Mười Hai 2021, chính quyền
Sài Gòn đã tổ chức bán đấu giá bốn lô đất thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm
và kết quả bốn lô đất đều được đặt mua với giá cao hơn nhiều lần so với
giá chào bán, gây bất ngờ và sửng sốt cho cả giới kinh doanh địa ốc và
người dân bình thường. Lô đất mang ký hiệu 3.5 rộng 6,446 mét vuông được
công ty Dream Republic trả giá 3,820 tỷ đồng, gấp 6.6 lần giá chào bán;
lô 3.8 rộng 8,561 mét vuông được công ty Sheen Mega trả giá 4,000 tỷ
đồng, bằng 3.9 lần giá chào bán; lô 3.9 rộng 5,009 mét vuông được công
ty Bình Minh trả giá 5,026 tỷ đồng, gấp 6.9 lần giá chào bán và lô 3.12
rộng nhất 10,060 mét vuông được công ty Ngôi Sao Việt trả giá 24,500 tỷ
đồng, bằng 8.3 lần giá chào bán.
Tính theo giá đơn vị diện tích, Ngôi Sao Việt trả giá cao nhất 2.45 tỷ
đồng mỗi mét vuông, tiếp theo đó là Bình Minh 1.003 tỷ đồng/mét vuông;
Dream Republic 593 triệu đồng/mét vuông và Sheen Mega 467 triệu đồng/mét
vuông. Tất cả các mức giá này đều cao hơn nhiều lần so với giá đất thị
trường Sài Gòn, kể cả giá đất ở các trục đường lớn và mang tính lịch sử
như giá đất đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (Tự Do cũ) hay đường Lê Lợi ở
quận Nhất; thậm chí cao hơn giá đất của các đô thị đắt đỏ nhất thế giới
như Tokyo, New York hoặc Hong Kong.
Ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, đông đảo dư luận đã nghi ngờ tính
chất hợp lý của cuộc đấu giá, căn cứ vào mức giá “không tưởng” cũng như
thực lực tài chính của các công ty trúng đấu giá. Trong bốn công ty bỏ
giá cao để mua đất, Ngôi Sao Việt là có vẻ vững mạnh nhất, đã hoạt động
được sáu năm và có vốn điều lệ 1,600 tỷ đồng. Công ty Dream Republic
hoạt động được năm năm, vốn điều lệ chỉ có 300 tỷ đồng, hai công ty còn
lại chỉ mới thành lập được vài tháng, vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng (công
ty Sheen Mega) và 200 tỷ đồng (công ty Bình Minh). Vốn liếng của cả bốn
công ty này chỉ bằng một phần nhỏ so với mức giá đất mà họ phóng tay đưa
ra trong cuộc đấu giá ngày 10 Tháng Mười Hai vừa qua.
Và rồi nỗi hoài nghi của dư luận đã chứng tỏ là đúng. Chỉ một tháng sau
ngày đấu giá “thành công”,ngày 10 Tháng Giêng 2022, tập đoàn Tân Hoàng
Minh gửi “tâm thư” lên lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam và thành phố Sài
Gòn xin chấm dứt hợp đồng mua đất, chịu bỏ khoản tiền cọc 588.4 tỷ đồng.
Đến ngày 28 Tháng Giêng, công ty này gửi văn bản chính thức xin đơn
phương chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất 3.12 mà họ đã trúng đấu giá.
Giới quan sát cho rằng, Tân Hoàng Minh – công ty mẹ của Ngôi Sao Việt –
là kẻ đầu tiên bỏ của chạy lấy người, và ba công ty còn lại sớm muộn
cũng sẽ theo sau.
Đúng như vậy, ngày 8 Tháng Hai vừa qua, Cục Thuế TPHCM cho biết Công ty
TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) đã
gửi văn bản đến các cơ quan liên quan, trong đó có Cục Thuế thành phố,
xin bỏ cọc lô đất 3-9 ở Thủ Thiêm mà doanh nghiệp này trúng đấu giá; số
tiền cọc đã đóng là 145.6 tỷ đồng. Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế
Sài Gòn cho biết thêm đến chiều ngày 8 Tháng Hai, hệ thống quản lý của
cơ quan thuế vẫn chưa nhận được tiền sử dụng đất của hai doanh nghiệp
còn lại trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm dù đã qua thời
điểm công ty trúng đấu giá phải nộp 50% số tiền mua đất (vào ngày 6
Tháng Hai); khả năng nhận được tiền đất của hai công ty này trước hạn
chót là ngày 6 Tháng Tư 2022 xem ra khá mù mịt.
Như vậy đến lúc này có thể nói chắc cuộc đấu giá bốn lô đất Thủ Thiêm đã
thất bại, chính quyền Sài Gòn thu được số tiền đặt cọc hơn 1,000 tỷ đồng
nhưng dự tính bán bốn lô đất thu về 37,346 tỷ đồng dường như đã
tan thành mây khói.
Đồ họa VNExpress.net
Cuộc đấu giá đất đã không thành nhưng để lại một số hậu quả nghiêm trọng
cho thị trường bất động sản trong nước và đặt câu hỏi về cung cách điều
hành thị trường của nhà cầm quyền Hà Nội.
Trước tiên, cần khẳng định ngay rằng tổ chức đấu giá đất là một chính
sách đúng; thay vì để cho các quan chức đảng và chính quyền tùy tiện
giao đất cho các doanh nghiệp cánh hẩu với giá thấp hơn giá trị thực và
nhận lại những khoản hối lộ khổng lồ mà các vụ án tham nhũng đang được
xét xử cho thấy. Ở đây chúng tôi không bàn tới nguồn gốc của các lô đất
đem ra bán cùng thủ đoạn cướp đất của nhà cầm quyền cộng sản tước đoạt
quyền sở hữu đất đai của người dân nhân danh những điều luật phi lý “đất
đai thuộc sở hữu toàn dân” – một thực tế đã được bàn luận nhiều lần trên
trang báo này.
Tuy nhiên, trong một xã hội hỗn loạn, kỷ cương trật tự bị đảo lộn thì
một chính sách đúng đã bị thao túng để làm lợi cho một số người, một số
công ty mà gây hại cho xã hội, cho đất nước. Điều gì đã khiến bốn công
ty đấu giá đất Thủ Thiêm phóng tay đặt những mức giá cao ngất ngưởng,
vượt xa khả năng thanh toán của họ, để rồi sau đó lẳng lặng bỏ của chạy
lấy người, chịu mất hàng trăm tỷ đồng tiền đặt cọc?
Đáng chú ý là các công ty “cò con” này chỉ là bình phong, là công ty con
của các tập đoàn bất động sản có tiếng như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh
Phát, Đại Quang Minh… Tại sao các tập đoàn không ra mặt công khai và
trực tiếp mua đất mà đưa các công ty con vô danh tiểu tốt với số vốn ít
ỏi ra đấu giá rồi đặt những mức giá trên trời cao hơn nhiều lần so với
vốn liếng của họ?
Chỉ có một cách giải thích khả dĩ hợp lý là cuộc đấu giá đã tạo điều
kiện để các tập đoàn bất động sản lập ra một mặt bằng mới về giá đất,
cao hơn rất nhiều lần so với giá hiện hành, ở khu đô thị Thủ Thiêm, nơi
mà các tập đoàn “cá mập” nói trên đã thâu tóm được rất nhiều đất với giá
hời từ trước đây dựa vào mối quan hệ “bè phái” với các quan chức ở trung
ương và thành phố Sài Gòn. Đặt giá cao rồi bỏ, chịu mất tiền cọc nhưng
sẽ thu lợi gấp nhiều lần từ việc tăng giá những lô đất rộng lớn hơn,
cũng ở Thủ Thiêm, mà họ đã nắm trong tay là một thủ đoạn “bỏ con săn sắt
bắt con cá rô” của các “đại gia” kinh doanh nhà đất ở Việt Nam.
Để làm được điều đó, họ đã không từ thủ đoạn nào, từ việc bỏ giá cao hơn
nhiều lần so với giá chào bán, thông đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để
có thông tin nội bộ, đưa “quân xanh, quân đỏ” vào tham gia đấu giá làm
cò mồi cho các động tác nâng giá hạ giá của họ, thậm chí sử dụng du côn,
du đãng để đe dọa và uy hiếp những người có ý định cạnh tranh với họ
trong cuộc đấu giá.
Kết quả là cuộc đấu giá diễn ra đúng như mưu đồ của họ, giá đất bị đẩy
tới mức không tưởng tượng nổi và một mặt bằng giá mới hình thành, ảnh
hưởng đến giá mua bán của tất cả các diện tích đất giao dịch trên thị
trường. Kế hoạch bán đất thu tiền đầu tư cải thiện đường sá cầu cống của
chính quyền Sài Gòn tạm thời xem như phá sản. Và giấc mơ có được lô đất,
căn chúng cư “hợp túi tiền” của người dân trung lưu càng trở nên xa vời,
có thể sẽ không bao giờ thực hiện được với giá đất trên trời như vậy.
Nhà cầm quyền có biết tới những thủ đoạn ma quái của giới kinh doanh hay
không? Biết nhưng đã không làm gì để chấn chỉnh mà chỉ cần bán giá cao
để thu tiền, càng cao càng tốt. Ông Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từng
nói tại diễn đàn Quốc hội cộng sản hôm 4 Tháng Giêng 2022 rằng “Đấu giá
đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường”, tạo ra một mặt
bằng “giá ảo” bất lợi cho thị trường bất động sản. Khi đó cũng đã có
nhiều ý kiến phản bác nhận định của ông Phớc.
Bây giờ, khi thủ đoạn thao túng vụ đấu giá đã lộ rõ, Bộ Xây dựng mới đề
nghị Thủ tướng xử lý nghiêm các vi phạm có yếu tố thổi giá, trục lợi.
Mất bò mới lo làm chuồng! Nhưng xử lý thế nào để giải quyết mâu thuẫn
giữa mục tiêu bán đất với giá càng cao càng tốt và khả năng doanh nghiệp
tạo mặt bằng giá ảo để trục lợi thì chưa thấy nhà cầm quyền Việt Nam có
giải pháp gì.
Trong khi đó thị trường bất động sản vẫn tiếp tục bị những công ty, tập
đoàn tư bản đỏ thao túng, lũng đoạn vì mục đích tối hậu của họ là thu
lợi tối đa trong một môi trường pháp lý mù mờ và nhiều lỗ hổng. |