LUẬT KHOA
Vừa đa đảng, vừa độc tài: 7 thủ thuật dàn xếp bầu cử của Trung Quốc
Rằng khác thì cũng thật là khác, mà quen thì cũng thật là quen.
Y CHAN Thể
chế chính trị của Trung Quốc và Việt Nam lâu nay vẫn được xem như anh em
song sinh: Trung Quốc thế nào thì Việt Nam thế ấy. Hệ thống bầu cử của
hai nước cũng được đánh giá tương tự. Tìm
hiểu về bầu cử tại Trung Quốc vì thế có thể giúp người đọc hiểu thêm
phần nào đó về tình hình tại Việt Nam. Các
vấn đề thường được nêu ra trong bầu cử tại Việt Nam đều xuất hiện ở
Trung Quốc, như các thủ thuật “hiệp thương” để loại bỏ ứng viên độc lập,
việc một người trong gia đình đại diện cho cả nhà bỏ phiếu, hay sự xuất
hiện của các ứng viên có chức năng “bình hoa di động” làm màu cho cuộc
bầu cử. Tuy
vậy, hình thức bầu cử tại hai quốc gia này vẫn có nhiều điểm khác biệt
quan trọng.
Ở Trung Quốc, cơ quan tương ứng với Quốc hội là “Đại hội Đại biểu Nhân
dân Toàn quốc” (National People’s Congress – NPC), thường được gọi tắt
là “Toàn quốc Nhân đại” hay “Nhân đại” (人大).
Với khoảng 3.000 thành viên, đây được xem là cơ quan nghị viện lớn nhất
thế giới. Tất cả các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhất của nhà nước, từ
chủ tịch, phó chủ tịch nước đến thủ tướng, chánh án Tòa án Tối cao, viện
trưởng Viện Kiểm sát Tối cao… đều được cơ quan này chọn ra. Hệ
thống “nhân đại” của Trung Quốc có năm
cấp từ trên xuống: trung ương -> tỉnh -> thành -> huyện -> hương. Các
đại biểu cấp trung ương, tức Quốc hội, không phải do dân trực tiếp bầu
ra mà được lựa chọn gián tiếp. Họ được “nhân đại” ở cấp dưới bầu, và đại
biểu cấp đó lại do cấp thấp hơn bầu ra. Chỉ có đại biểu hai cấp thấp
nhất, huyện và hương, là được cử tri trực tiếp bỏ phiếu chọn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân
dân được chọn ra bằng hình thức bầu trực tiếp. Bầu
cử – quá trình để tất cả người dân đưa ra lựa chọn – vốn thường có yếu
tố bất định. Bầu cử càng dân chủ, càng tự do, càng nhiều lựa chọn, kết
quả lại càng khó đoán trước. Mặt khác, mọi thể chế toàn trị đều cần đảm
bảo quyền lực tập trung về tay mình.
Chính quyền Trung Quốc làm thế nào để vừa tổ chức bầu cử dân chủ – theo
định nghĩa của họ, vừa đảm bảo kết quả cuối cùng theo đúng ý muốn?
Trong nghiên cứu “Playing
by the rules: How local authorities engineer victory in direct
congressional elections in China” được đăng trên Journal of
Contemporary China năm 2017, tác giả Zhongyuan Wang, giảng viên
ngành khoa học chính trị thuộc Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, thông qua
khảo sát thực địa đã chỉ ra những chiến lược và cách thức kiểm soát bầu
cử của chính quyền trung ương đối với các cuộc bầu cử tại địa phương.
Người viết liệt kê một số điểm đáng chú ý trong nghiên cứu trên.
1. Ứng viên gà nhà luôn áp đảo Theo
Luật Bầu cử của Trung Quốc, gần như ai cũng có thể ra ứng cử trong các
cuộc bầu cử tại địa phương. Luật
quy định các ứng viên có thể do những chính đảng giới thiệu, gọi là “tổ
chức đề cử”, hoặc do nhóm nhiều hơn 10 cử tri hay đại biểu khác giới
thiệu, được gọi là “liên danh đề cử”. Các
ứng viên của “tổ chức đề cử” tuyệt đại đa số đều do Đảng Cộng sản kiểm
soát. Có một điểm cần đề cập là trên danh nghĩa, Trung Quốc hiện có tất
cả chín
đảng phái chính trị. Trên thực tế, ngoài Đảng Cộng sản nắm quyền
tuyệt đối, tám đảng còn lại đóng vai trò như các tổ chức mặt trận, phối
hợp với chính quyền thực thi các chính sách được ban ra. Vì vậy, các ứng
viên do tổ chức đề cử, bất kể là đảng viên nơi đâu, về bản chất đều là
người của chính quyền.
“Liên danh đề cử” là con đường duy nhất khả dĩ để các ứng viên độc lập
tham gia. Tuy nhiên, chính quyền cũng kiểm soát phần lớn cuộc chơi, biến
con đường này thành một cái ngõ hẹp. Với
yêu cầu chỉ cần 10 người đề cử, đảng cầm quyền dễ dàng tạo ra những ứng
viên độc lập trên danh nghĩa. Trong nhiều trường hợp, các ứng viên ban
đầu được tổ chức đề cử sẽ được chuyển thành liên danh đề cử nhằm đảm bảo
tỷ lệ ứng viên phù hợp, giúp tạo ra hình ảnh cuộc bầu cử công khai, công
bằng và có cạnh tranh thực sự.
2. Cử theo cơ cấu, bầu bằng hiệp thương Các
ứng viên thật sự không có liên hệ gì với chính quyền phần lớn bị đánh
rớt ngay từ vòng đăng ký: họ không đáp ứng tỷ lệ cơ cấu (proportion
structure). Tỷ
lệ cơ cấu là tiêu chuẩn được đưa ra nhằm đảm bảo các nhóm dân cư khác
nhau đều có đại diện được bầu. Những sắc tộc khác nhau, các nhóm tôn
giáo, những người thuộc các “chính đảng” khác, phụ nữ, hay đại diện các
ngành nghề như công nhân, nông dân, trí thức… đều được giao tỷ lệ nhất
định tham gia ứng cử. Cơ
cấu này là rào cản đầu tiên được áp dụng linh hoạt để loại bỏ các ứng
viên tự do. Nghiên cứu dẫn trường hợp một luật sư nam tại Thâm Quyến đã
phải rút lui khi chính quyền địa phương thông báo khu vực đó chỉ có suất
dành cho ứng viên nữ. Rào
cản thứ hai là một quy trình tương tự như ở Việt Nam, được gọi là “uẩn
nhưỡng” (cất rượu) và “hiệp thương”. Nó được thực hiện theo phương pháp
“ba lên, ba xuống” (three ups, three downs). Danh
sách các ứng viên sẽ được ủy ban bầu cử rà soát một lần (lên), gửi cho
các nhóm cử tri đại diện họp thảo luận cho ý kiến (xuống). Kết quả thảo
luận được tập hợp lại gửi cho cơ quan phụ trách bầu cử (lên) và thông
báo cho tất cả cử tri để nhận phản hồi (xuống). Phản hồi được tập hợp
lần nữa trình cho ủy ban bầu cử để chốt danh sách chính thức (lên), và
cuối cùng công khai kết quả (xuống). Các
cuộc họp lên lên xuống xuống này vừa là công cụ để loại những ứng viên
độc lập “không phù hợp”, vừa là diễn đàn để những ứng viên của chính
quyền tiếp cận và tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.
3. Phù phép bản đồ đơn vị bầu cử Việc
kiểm soát cử tri được thực hiện từ trước khi tổ chức bầu cử. Thông qua
các cuộc khảo sát, chính quyền nắm được số lượng cử tri, ý định bỏ phiếu
của họ, từ đó đưa ra kế hoạch tổ chức bầu cử sao cho có lợi nhất cho ứng
viên của mình. Một
trong những biện pháp hữu hiệu nhất là phân chia khu vực bầu cử, hay
“gerrymandering” (vẽ lại bản đồ khu vực bầu cử). Lợi
dụng các quy định phức tạp và lắt léo của luật, các quan chức phụ trách
bầu cử thường tùy tiện tách hay nhập các khu vực. Như trường hợp một
huyện ở tỉnh Quý Châu, khi nhận thấy ứng viên của đảng có thể không đạt
đủ đa số phiếu như yêu cầu, các quan chức nơi đây đã gom thêm các khu
dân cư khác vào tạo thành đơn vị bầu cử mới. Một
trường hợp khác là khi một giáo sư đại học ở Bắc Kinh tự ra ứng cử.
Không muốn ứng viên độc lập này trúng cử, chính quyền đã tách đơn vị bầu
cử là trường đại học ra làm hai, một dành cho cán bộ nhân viên của
trường, một dành cho sinh viên. Bằng cách đó, các sinh viên không thể
bầu cho giáo sư của mình.
Những khu vực cách xa nhau về địa lý cũng có thể bị gom lại thành một
đơn vị bầu cử, như các cơ quan công sở thuộc cùng hệ thống được gom lại
để đảm bảo ứng viên, thường là quan chức đứng đầu cơ quan, đạt đủ số
phiếu. Vẽ
lại bản đồ khu vực bầu cử không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc mà còn là
công cụ ưa thích và gây rất nhiều tranh cãi tại Mỹ (đọc thêm về
“gerrymandering” tại Mỹ tại
đây).
Ngoài ra, các cử tri được khuyến khích đăng ký bầu cử theo đơn vị công
tác. Bằng cách đó, họ dễ bị kiểm soát và thuyết phục bầu theo chủ trương
của cơ quan mình làm việc. Chính quyền chỉ cần làm việc với những người
đứng đầu các cơ quan – lúc này đóng vai trò như “cò phiếu” – đảm bảo kết
quả cuối cùng như ý muốn.
4. Không cần đi bầu vẫn được tính phiếu Luật
Bầu cử của Trung Quốc cho phép việc bầu hộ (proxy voting). Một người có
thể ủy quyền cho người khác bỏ phiếu giúp mình. Mỗi người được thay mặt
tối đa ba người bỏ phiếu. Nghĩa là, một người có thể bầu tối đa bốn
phiếu (một cho mình và ba cho người khác). Quy
định bầu cử trực tiếp đại biểu là “hai lần quá bán” – hơn một nửa số
lượng cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu, và người trúng cử đạt được
hơn một nửa trong tổng số phiếu đó. Với
quy định bỏ phiếu hộ, trên lý thuyết, chính quyền chỉ cần 1/8 số cử tri
đã đăng ký xuất hiện, hay 12,5% cử tri là đủ để thực hiện cuộc bầu cử
đúng luật. Đây là con số cử tri đã đăng ký (registered voters). Nếu tính
tất cả những cử tri đủ điều kiện (eligible voters) nhưng không đăng ký,
tỷ lệ này còn thấp hơn nữa. Trên
thực tế, chính quyền địa phương thường tập trung nguồn lực vận động
những người đứng đầu các đơn vị công tác và các chủ hộ gia đình. Nhờ
vậy, họ có thể huy động lượng phiếu bầu hợp lệ với chi phí thấp nhất.
5. Tam ca và tam cấm Các
phương tiện truyền thông ở Trung Quốc luôn nằm dưới sự kiểm soát toàn
diện và chặt chẽ của chính quyền. Trong các cuộc bầu cử, toàn bộ hệ
thống báo chí truyền hình lẫn công cụ mạng xã hội đều được vận động để
thực hiện công tác tuyên truyền. Các
thông điệp tuyên truyền thường có ba phần, có thể gọi tắt là “tam ca”.
Một là ca ngợi hệ thống bầu cử dưới sự lãnh đạo của đảng, khẳng định chỉ
có đảng mới có thể giúp người dân thực sự làm chủ. Hai là phổ biến các
kiến thức về luật và quy trình bầu cử để cử tri thực hiện đúng cách.
Cuối cùng là ca ngợi tính ưu việt của chế độ “dân chủ xã hội chủ nghĩa”
(socialist democracy).
Ngoài “tam ca”, truyền thông còn có “tam cấm”. Một là cấm đưa tin về
hoạt động của các ứng viên độc lập hay các chiến dịch tranh cử cá nhân.
Hai là cấm bàn đến các chủ đề nhạy cảm. Và ba là cấm đưa tin tiêu cực về
bầu cử.
6. Suất diễn cho các “bình hoa di động” Một
chiến thuật tinh tế được sử dụng rộng rãi trong các kỳ bầu cử ở Trung
Quốc là việc cho xuất hiện các “bình hoa di động”: những ứng viên đóng
vai trò làm nền cho các ứng viên thực sự.
Những người này được mời, hay thậm chí bị gây áp lực buộc phải ra ứng
cử. Họ thường là cán bộ ở cấp thấp trong tổ chức, hoặc người có rất ít
kinh nghiệm, không có thành tích gì nổi bật, hay chỉ đơn giản là tên có
nhiều nét hơn và sẽ bị xếp dưới cùng trong danh sách (tương tự như tên
nằm cuối bảng chữ cái của tiếng Việt).
Những trường hợp thực tế như việc một cán bộ tầm tầm ở huyện ghi danh
“cạnh tranh” với lãnh đạo huyện đó, hay một công nhân trẻ tuổi ứng cử
cùng đơn vị với cảnh sát trưởng của khu vực. Bộ
máy tuyên truyền của Trung Quốc thường dùng các trường hợp này để nhấn
mạnh tính ưu việt của thể chế. Họ cho rằng đó là bằng chứng cho thấy bất
kỳ ai, kể cả “người thường”, cũng có thể cạnh tranh với quan chức lãnh
đạo, trái ngược với bầu cử của phương Tây, được họ mô tả chỉ là cuộc
chơi độc quyền của giới nhà giàu.
7. Vẫn có chỗ cho những bất ngờ
Không phải mọi kết quả của cuộc bầu cử đều diễn ra theo ý muốn của chính
quyền. Luật
Bầu cử năm 2010 quy định cử tri có thể bầu hay loại bỏ ứng viên trong
danh sách, hoặc bầu cho một ứng viên bất kỳ nào khác. Vào
kỳ bầu cử đại biểu năm 2001 – 2002, theo báo cáo, trên cả nước có hơn
8.000 ứng viên được cử tri tự ghi thêm vào (write-in candidates) và đạt
đủ số phiếu để trúng cử. Các
cuộc bầu cử địa phương còn thể trở nên vô hiệu khi không có đủ số lượng
cử tri tham gia. Một báo cáo được dẫn ra trong nghiên cứu cho biết trong
kỳ bầu cử năm 2006 – 2007, có 1,7% các cuộc bầu cử ở cấp hương và 1,3%
bầu cử cấp huyện vô hiệu vì không có đủ cử tri bỏ phiếu.
Nghiên cứu chỉ ra vấn đề của chính quyền khi phải cân bằng giữa chuyện
kiểm soát kết quả bầu cử và làm sao để bầu cử còn có ý nghĩa. Càng tăng
cường các biện pháp cấm đoán, kiểm soát, người dân càng không thấy có lý
do tham gia bầu cử. Chính quyền vì vậy sẽ mất đi tính chính danh có được
từ các cuộc bầu cử giả hiệu đó. Bầu
cử đại biểu cấp địa phương tại Trung Quốc không phải là cuộc bầu cử duy
nhất mà người dân được trực tiếp bỏ phiếu quyết định. Tại các thôn làng,
trong hơn 30 năm qua, người dân đã được trực tiếp bầu chọn ra trưởng
thôn và ủy ban quản lý thôn. Nhiều người đánh giá đây mới là hình thức
bầu cử dân chủ nhất đang tồn tại ở Trung Quốc, với các ứng viên độc lập
thật sự và kết quả thường không nằm trong sự kiểm soát của chính quyền.
Tài Liệu Tham Khảo
|