Dân Chủ & Phát Triển
Khi ông Thủ đi giải độc và vận động ngoại giao!
Âu Dương Thệ
Theo dõi các hoạt động ngoại giao của một số nhân vật cầm đầu chế độ toàn trị trong thời gian gần đây nổi bật lên một sự hoạt náo rất đặc biệt, bay ngược xuôi từ đông sang tây, từ bắc tới nam. Bề nổi là để đáp ứng ba vấn đề lớn rất nóng bỏng của chê độ. Đó là tình hình kinh tế-tài chánh ngày càng đi xuống rất tồi tệ, chính sách bành trướng cực kì ngang ngược của bá quyền Bắc Kinh và sự kết án của cộng đồng quốc tế về sự chà đạp nhân quyền trước phong trào vận động dân chủ của nhiều thành phần ở VN qua việc hình thành các tổ chức dân sự và phát động phong trào “Chúng tôi muốn biết”. Đặc biệt là ba vấn nạn lớn đang sôi xục này lại có quan hệ hổ tương mật thiết với nhau, không thể chỉ giải quyết vấn đề này nhưng lại muốn bỏ qua các vấn đề khác! Tuy nhiên phần chìm của các cuộc vận động ngoại giao này, mặc dầu các nhân vật không thể nói ra được, nhưng những người am hiểu đều biết, chính là họ muốn chải chuốt lại bộ mã cho đẹp để tạo bộ mặt “vì dân vì nước” trong một số cuộc họp và hội nghị rất quan trọng sắp tới liên quan tới tương lai chính trị của họ và phe cánh. Đó là kì họp thứ 8 của Quốc hội khóa 13 đang diễn ra, trong đó lại tái trò sẽ “bỏ phiếu tín nhiệm” theo ba mức kì quặc, Hội nghị Trung ương 10 vào cuối năm và quan trọng nhất là Đại hội đảng 12 vào đầu năm 2016, trong đó các quyết định về nhân sự cấp cao sẽ diễn ra trong các tháng sắp tới. *** Trong khuôn khổ giới hạn, bài này chỉ đặt trọng tâm phân tích chuyến đi dự Hội nghị ASEM 10 và thăm một số nước trong Liên minh Âu châu (EU) của ông Thủ. Trong tư cách là Thủ tướng, ông Dũng đã giành cả một tuần, từ 12-18.10, để gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị Barroso, tân Thủ tướng Bỉ Michel, Thủ tướng Đức bà Merkel, dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 ở Milano (Ý) và cuối cùng gặp Giáo hoàng Francis tại Rome. Trong tư cách người đứng đầu chính phủ một nước lớn trung bình cả về dân số và diện tích, Nguyễn Tấn Dũng đã vận động và tranh thủ như thế nào trong suốt một tuần lễ đi giải độc và vận động ngoại giao? Ông có đánh tan được những nghi ngại về sự chà đạp nhân quyền và thuyết phục được các nước ủng hộ VN chống lại sự bành trướng của bá quyền Bắc Kinh? Báo chí lề đảng có tường thuật trung thực chuyến đi này không, hay lại chỉ lo tô hồng, xoa thêm phấn cho ông Thủ? Từ đó có thể thẩm định được khả năng và tư cách của ông Thủ như thế nào.
Dân chủ là xu thế của thời đại…,
Nguyễn Tấn Dũng đã chọn Đức là trọng tâm trong chuyến đi EU kì này. Ông đã giành cả ba ngày từ 13-15.10. Sở dĩ như vậy vì Đức là đầu tầu kinh tế của EU, là nước đứng đầu của EU trong quan hệ kinh tế-thương mại với VN, ngoài ra năm tới 2015 sẽ kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Không những thế dư luận Đức cũng rất quan tâm tới tình hình nhân quyền ở VN. Họ rất chia sẻ với nhân dân VN đang bị áp bức, đàn áp. Vì đa số người Đức của các thế hệ sau Thế chiến 2 rất ân hận về những hành động tàn bạo, man rợ của Hitler đã gây ra cho các nước láng giềng và không lâu trước đây một nửa nước Đức cũng đã chìm trong bóng tối đàn áp và mật vụ của chế độ toàn trị Đông Đức. Ngoài ra có khoảng trên 100.000 ngàn người Việt đang định cư tại Đức, đại đa số là thuyền nhân từ cuối thập niên 70 và cựu công nhân VN bị bóc lột lao động ở Đông Đức, cựu Liên xô và Đông Ậu trước đây. Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Merkel, chiều 15.10 Nguyễn Tấn Dũng được Körber-Stiftung –một hội bất vụ lợi của công ti Körber[1], mời nói chuyện trước các chuyên viên chính trị, chính trị gia, doanh nhân và nhà báo Đức tại khách sạn hạng sang Adlon ở Berlin. Trong phần thuyết trình khoảng nửa tiếng ông Dũng hầu như không đả động gì tới tình hình vi phạm nhân quyền tại VN; nói nhiều tới các “thành quả” kinh tế gần 30 năm “đổi mới”, chính sách ngoại giao và đặc biệt thái độ của Hà Nội trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh trên biển Đông và cuối cùng nói về quan hệ kinh tế VN với EU, đặc biệt với Đức. [2] Vì vậy trong phần thảo luận, TS Th. Paulsen - Giám đốc Thời sự quốc tế của Körber-Stiftung - đã mở đầu phần chất vấn hỏi thẳng ông Dũng: “Trong Thông điệp đầu năm 2014 …, ông đã nói đến yêu cầu phải có dân chủ, minh bạch, trách nhiệm giải trình của nhà nước... Ông đã nói đến dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Vậy trong bối cảnh một đảng lãnh đạo, các khía cạnh dân chủ này được thể hiện như thế nào?”[3] Cách nêu câu hỏi như thế cho thấy chuyên gia Đức rất am tường tình hình vi phạm nhân quyền ở VN dưới chế độ toàn trị. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời rất ngọt và sáo ngữ: “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. Việt Nam không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này.”[4] Cách trả lời chung chung này không làm thính giả thỏa mãn, nên Nguyễn Tấn Dũng bị vặn hỏi thêm: “Vậy từ đó đến nay, ông đã tiến hành những biện pháp gì để tăng cường dân chủ trực tiếp?” Ông Thủ đã giải đáp như học trò học thuộc bài: “Chúng tôi đã sửa đổi Hiến pháp, được Quốc hội thông qua năm 2013, là một bước tiến rất quan trọng trong việc bảo vệ và tăng cường quyền dân chủ và kinh tế thị trường. Tôi nghĩ các ông nên đọc Hiến pháp mới của chúng tôi để hiểu thêm.” [5] Cách trả lời như trên của Nguyễn Tấn Dũng không qua mặt được các các chuyên gia chính trị, chính giới và báo chí Đức. Vì các giới này hiểu rất rõ là, Hiến pháp 2013 vừa được “sửa đổi” vẫn chỉ là bình mới rượu cũ thôi. Khi ấy nhiều báo Đức đã tường thuật Điều 4 Hiến pháp 2013 hầu như chỉ lập lại toàn bộ nội dung Điều 4 Hiến pháp 1992, trong đó ĐCSVN vẫn độc quyền nên vẫn giữ toàn quyền sinh sát những ai có chính kiến khác. Cho nên từ “dân chủ” Nguyễn Tấn Dũng dùng ở đây phải hiểu là “dân chủ định hướng XHCN”, “pháp luật” ở đây là “pháp chế XHCN”, tức là sự bố thí và tùy thuộc sự hỉ nộ ái ố của vài người có quyền lực dưới chế độ toàn trị, chứ tuyệt nhiên không phải là quyền thiêng liêng trong một xã hội Dân chủ đa nguyên, ai cũng phải tôn trọng, kể cả những người có quyền lực cao nhất.[6] Vì thế trong thời gian qua các sứ quán của Đức, của nhiều nước EU tại VN cũng như Mĩ đã gặp gỡ nhiều người dân chủ tỏ lập trường ủng hộ và đòi nhà cầm quyền toàn trị ở VN phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Đấy cũng là lí do, khiến chế độ toàn trị ở VN vẫn không đạt thỏa thuận với Mĩ trong Hiệp ước đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) và trong cuộc hội đàm ngày 12.10 với Chủ tịch Hội đồng EU Barroso Nguyễn Tấn Dũng cũng không kí kết được Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU-VN (EVFTA). Không những thế, khi mở miệng khuyên các chuyên gia và chính giới Đức “nên đọc Hiến pháp mới của chúng tôi để hiểu thêm” cho thấy, ông Thủ đã nhầm lẫn lớn, đánh giá thấp trình độ người nghe, coi các thính giả này giống như khi ông Dũng nói chuyện với các cử tri của ông ở VN, tự do ngụy biện, tự do nói láo, nói phét… Tâm lí của Nguyễn Tấn Dũng là muốn được người ta trọng vọng, nhất là giới chuyên viên, học giả; nhưng với thái độ như vậy cho thấy, trình độ và khẩu khí quá yếu của ông Thủ, không những thế ông Dũng còn tỏ thái độ coi thường họ. Chính điều này đã gây hậu quả rất xấu cho Nguyễn Tấn Dũng. Thay vì đi giải độc và vận động dư luận ở Đức, nhưng chuyến đi Đức của Nguyễn Tấn Dũng đã hầu như không được dư luận Đức chú ý. Các đài truyền hình lớn có uy tín như ARD và ZDF không đưa tin và phát hình chuyến thăm này, cũng như các báo lớn –ngay cả tờ Süddeusche Zeitung uy tín hàng đầu- cũng không có một dòng tường thuật nào! Giới truyền thông có trình độ và ý thức trách nhiệm ở Đức không muốn làm cái loa cho kẻ nói láo, nói khoác! Trong khi ấy hầu hết các báo lề đảng ở trong nước, đặc biệt tờ điện tử Chính phủ, đã hết lời ca ngợi chuyến đi Đức và EU của ông Thủ và lờ đi việc báo chí Đức không thèm đả động tới. [7]
Các ông nói hộ chúng tôi đi – Chúng tôi không dám mở miệng ! Tại cuộc họp của Körber-Stiftung vấn đề tranh chấp trên biển Đông cũng được nhiều thính giả rất quan tâm. Trong khi nhiều nước trên thế giới, kể cả Đức, rất quan ngại trước các hành động của Bắc Kinh như dựng giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa của VN, lấn chiếm đảo, bòn rút tài nguyên của VN và nhiều nước lân cận, cũng như xây phi trường quân sự trên đảo Garma, đảo Phú Lâm và còn mở cả các cuộc thao diễn quân sự trên biển Đông. Việc này còn đe dọa cả an ninh đường hàng hải huyết mạch của thế giới. (Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Biển Đông đang bình lặng nguy hiểm”, Dân Việt 20.10; Trung Quốc hoàn tất đường băng quân sự trái phép ở Hoàng Sa, TN 8.10) Nhưng tại sao chế độ toàn trị CSVN lại vẫn kí thỏa hiệp hợp tác chiến lược toàn diện với Bắc Kinh, tuân theo yêu sách của Bắc Kinh là chỉ thảo luận tay đôi, không được quốc tế hóa tranh chấp? Trong diễn văn tại Körber-Stiftung ông Thủ lại nêu ra các nguyên tắc 4 không trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông với Trung quốc.[8] Vì thế thính giả đã đặt câu hỏi trực tiếp với Nguyễn Tấn Dũng: “Vậy ông sẽ làm thế nào để Trung quốc cũng thừa nhận các nguyên tắc này? Nguyễn Tấn Dũng đã lúng túng ú ớ trả lời: “Tôi cũng muốn nhờ các ngài thuyết phục họ. Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, nguyên tắc tôi nêu trên được cả nhân loại và thế giới thừa nhận.”[9] Cách nói gượng gạo và ngờ nghệch như thế của Nguyễn Tấn Dũng có khác nào thừa nhận rằng, chúng tôi không dám mở miệng cãi lại, làm khác ý muốn của Bắc Kinh, xin mời các ông nói hộ chúng tôi đi! Thấy ông Thủ hùng hổ theo lối hô khẩu hiệu suông, nêu ra hết nguyên tắc này tới nguyên tắc khác, trong đó kể cả dùng biện pháp đưa ra tòa án quốc tế kiện Bắc Kinh, nên một chuyên gia chính trị về VN, Đông Nam Á TS G.Will đã nêu thẳng câu hỏi với ông Dũng: ”Ông có nói đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Philippines đã thưa kiện lên Tòa án luật Biển quốc tế, nhưng cho đến nay chúng tôi chưa thấy động thái nào tương tự từ VN. Vậy quan điểm của Chính phủ VN về động thái của Philippines là gì, ủng hộ hay phản đối?“[10] Bị đẩy vào thế kẹt ông Thủ rất ấp úng phải trả lời nước đôi: “Philippines là một nước độc lập có chủ quyền. Việc Philippines kiện Trung quốc về yêu sách đường chín đoạn là quyền của Philippines.”[11] Nhưng còn VN thì sao, có dám làm như Phi luật tân không? Nguyễn Tấn Dũng đã đánh trống lảng trả lời: „Lập trường của VN, như tôi đã nói, độc lập chủ quyền là thiêng liêng, chúng tôi sẽ làm tất cả trong khả năng và bằng mọi cách phù hợp với luật pháp quốc tế, để bảo vệ độc lập chủ quyền của mình. Và biện pháp pháp lý, như tôi đã đề cập, cũng là một biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, là biện pháp tiến bộ và văn minh để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ.“[12] Tuyên bố rất ngon lành như vậy, nhưng cho tới nay nhóm cầm đầu chế độ toàn trị ở VN vẫn không dám động đến chân lông người “bạn“ vĩ đại Bắc Kinh (Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy trước Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 27.2.2012 và nay Phùng Quang Thanh cũng vừa lập lại –xem phần sau), không dám kiện Bắc Kinh như Phi luật tân. Việc này lại cho thấy, „Đồng chí X“, cầm đầu chính phủ chế độ toàn trị, trước sau vẫn chỉ là người thích ba hoa, đao to búa lớn, đánh võ mồm, nhưng thực tình chỉ là thùng rỗng kêu to! Hành động cực kì mâu thuẫn và trái khoáy khác là, trong các cuộc tiếp xúc với các chính khách quốc tế từ Bruxelles, Berlin, Milano tới Rome Nguyễn Tấn Dũng hồ hởi kêu gọi họ kết án chính sách đe dọa an ninh hàng hải quốc tế trên biển Đông, nhưng ngay sáng ngày 16.10 khi đặt chân tới Milano để tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 thì Nguyễn Tấn Dũng đã vội vàng xin gặp Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường cũng đang có mặt ở đây. Lý Khắc Cường đã nói gần như kiểu ra lệnh cho Nguyễn Tấn Dũng: „Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ rõ, Trung Quốc và Việt Nam cần nắm bắt tốt định hướng lớn trong phát triển quan hệ hai nước, xử lý ổn thỏa và kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tạo môi trường tất yếu và có lợi cho hợp tác song phương.“[13] Trong khi đó Nguyễn Tấn Dũng lại giữ thái độ tròn như cục đất, khép nép trả lời: „Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị, Việt Nam dốc sức thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung, sẵn sàng cùng Trung Quốc thực hiện tốt các nhận thức chung đạt được giữa hai bên, tăng cường giao lưu cấp cao, củng cố hữu nghị truyền thống, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển, phát huy vai trò của các cơ chế như Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương, v.v., thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, tài chính-tiền tệ, cùng khai thác trên biển, v.v., thực hiện cùng có lợi cùng thắng, cùng phát triển. „ [14] Dĩ nhiên các nguyên thủ của 50 nước có mặt tại Hội nghị ASEM thấy quá rõ lời nói và việc làm khác nhau như trắng với đen, ngày với đêm của người cầm đầu chính phủ chế độ toàn trị ở VN đối với Bắc Kinh như thế nào. Người ngoài làm sao có thể cứu họ, khi chính họ lại không dám mở miệng và đứng thẳng trước bá quyền Bắc Kinh! Trong cuộc họp báo tại Berlin với Nguyễn Tấn Dũng ngày 15.10 Thủ tướng Đức Merkel cho biết, vấn đề biển Đông sẽ được nêu ra tại Hội nghị ASEM 10 và Đức ủng hộ lập trường của VN. Nhưng tại ASEM 10 đề tài này không trở thành vấn đề thảo luận chính, vì các nước không biết lập trường thực sự của Nguyễn Tấn Dũng như thế nào! [15] Tệ hại nữa là chính lúc ông Thủ đang vận động ngoại giao ở trời Âu thì người dưới quyền của ông, bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lại dẫn một đoàn 13 tướng cao cấp sang khấu đầu Bắc Kinh, giữa lúc Bắc Kinh vừa xây xong phi trường quân sự trên đảo Phú lâm, như một hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm để tiến tới kiểm soát cả đường hàng hải lẫn đường hàng không xuyên qua biển Đông. Trong khi Bắc Kinh đang gia tăng các hành động xâm lấn biển đảo của VN thì Phùng Quang Thanh ngày 20.10 vẫn nói với báo chí trước hành lang Quốc hội gọi rất thản nhiên nhà cầm quyền Bắc Kinh là „BẠN“! Điều này có nghĩa là cứ để BẠN chiếm hải đảo của VN tiếp tục! Trên thế giới chưa từng có một bộ trưởng Quốc phòng nào như vậy! Trong bản tin về lí do chuyến thăm của phái đoàn Phùng Quang Thanh, đài Bắc Kinh đã tường thuật cách nói rất trịch thượng của bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, coi chuyến sang Bắc Kinh là „nguyện vọng“ của những người cầm đầu Hà Nội: „Việc Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dẫn đoàn đại biểu quân sự cấp cao thăm Trung Quốc, đã thể hiện nguyện vọng chính trị tích cực của Đảng và quân đội Việt Nam trong thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Việt, mong hai bên hành động theo cùng một hướng, thúc đẩy quan hệ hai nước và hai quân đội phát triển lành mạnh, ổn định. „[16] Đài này còn trích lời khẩn khoản của Phùng Quang Thanh nói với Thường Vạn Toàn: „Đảng và quân đội Việt Nam chân thành mong tăng cường giao lưu và hợp tác với Trung Quốc, mong quân đội hai nước trở thành lực lượng nòng cốt trong giữ gìn tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, cùng nhau giữ gìn hoà bình và ổn định của khu vực.“[17] Đàm phán trên cơ sở yếu, quị lụy và bất bình đẳng như thế, nên Phùng Quang Thanh lại phải chấp nhận ba nguyên tắc hợp tác quân đội giữa hai nước: „Hai bên đã đạt được ba nhân thức chung nguyên tắc về tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai quân đội. Một là, thể theo phương châm 16 chữ "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", từng bước khôi phục và thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội phát triển lành mạnh. Hai là, tăng cường đoàn kết giữa hai quân đội, cung cấp sự bảo đảm vững chắc cho củng cố vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản ở hai nước, bảo vệ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Ba là, tuân thủ các nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng và hai nước Trung-Việt, phát huy vai trò tích cực vì xử lý thoả đáng vấn đề trên biển, giữ gìn cục diện hoà bình và ổn định.“[18] Như vậy mục tiêu của Hà Nội trước sau như một là dựa vào Bắc Kinh để bảo vệ ĐCS tiếp tục cầm quyền, đây là nguyên tắc bắt quân đội phải trung với đảng, chứ không trung với nước! Trong khi ấy tại cuộc tiếp xúc với báo chí trong hành lang Quốc hội ngày 20.10 Phùng Quang Thanh lại hãnh diện cho biết, phía Bắc Kinh đã tiếp đãi phái đoàn của ông là: "Bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị" và còn cho biết kết quả đã đạt được là: „ Chúng tôi có trao đổi là giờ phải giữ nguyên hiện trạng, trên biển Đông phải thực hiện cho đầy đủ DOC - tinh thần, quan điểm chung là không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm. Khi trao đổi với bạn, nói chung bạn ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam..“ [19] „Bạn ghi nhận“, có nghĩa là Bắc Kinh chỉ nghe cho qua mà thôi! Ngay cả tới những thỏa thuận trước đây ở cấp cao Bắc Kinh cũng vất vào sọt rác. Trong các cuộc họp ở cấp thượng đỉnh với Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang trước đây những người cầm đầu Bắc Kinh cũng đã từng thề thốt không làm xấu thêm tình hình biển Đông. Nhưng không lâu sau họ cho dựng giàn khoan HD 981 ngay trong hải phận của VN, rồi lại xây phi trường quân sự và tổ chức thao diễn quân sự trên biển Đông, đồng thời săn đuổi nhiều tầu đánh cá và giết hại làm thương tích nhiều ngư dân VN. Phùng Quang Thanh còn hớn hở báo tin là, bộ Quốc phòng hai nước đã „thiết lập đường dây liên lạc thường xuyên trực tiếp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng“. Nhưng mọi người còn nhớ, khi xẩy ra giàn khoan HD 981 Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần dùng đường dây nóng để xin sang Bắc Kinh điều đình nhưng Tập Cận Bình không thèm nghe! Chuyện rất ngược đời nữa là, đi vận động ngoại giao chống chính sách xâm lấn của Bắc Kinh, nhưng ông Thủ lại kéo cả Thứ trưởng Quốc phòng tướng Nguyễn Chí Vịnh đi cùng phái đoàn. Nhiều chuyên viên chính trị và chính khách quốc tế đều không quên câu nói bất hủ của ông Vịnh tại Bắc Kinh: “Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam“[20] Như thế ai còn tin được việc vận động ngoại giao của ông Thủ ? *** Suốt một tuần lễ ông Thủ đã long đong lật đật đi nhiều thủ đô Âu châu để giải độc về nhân quyền ở VN và vận động ngoại giao chống chủ trương bá quyền của Bắc Kinh, nhưng kết quả thì lại rất đạm bạc, số người tin thì rất ít, nhưng số người nghi ngờ lại càng đông! Từ đâu nên nông lỗi này? Nhiều chính khách và chuyên viên ngồi nghe ông Thủ nói rồi so sánh với những gì đang xẩy ra ở VN thì đều rất ngỡ ngàng. Trong họ có những dấu hỏi cực kì lớn: Người cầm đầu chính phủ toàn trị ở VN muốn gì? Những gì ông nói với chúng tôi có thực không? Như việc ông hồ hởi ca tụng dân chủ, nhưng tại sao số người khác chính kiến và đấu tranh phi bạo lực cho dân chủ lại ngày càng đông ở VN, mặc dầu bị đàn áp và tù đày? Tại sao ông Thủ gian dối đến độ ngớ ngẩn khi bảo các chuyên viên chính trị, muốn biết dân chủ ở VN như thế nào thì nên đọc Hiến pháp 2013 vừa sửa đổi? Trong khi họ đều biết tỏng Hiến pháp này của chế độ toàn trị chỉ lo bảo vệ cho những kẻ có quyền lực và thẳng tay đàn áp những người dân thấp cổ bé miệng! Trong vấn đề tranh chấp với Trung quốc về biển Đông, các chính khách, chuyên viên và báo giới Đức và Âu châu cũng muốn biết: Nguyễn Tấn Dũng và những người cầm đầu chế độ toàn trị ở VN thực sự muốn gì? Tại sao trước mặt chúng tôi ông Thủ nêu ra những nguyên tắc ngon lành như vậy, nhưng cùng lúc đó ông lại đi dấm dúi với Lý Khắc Cường, rồi lại cho người dưới quyền của ông là Phùng Quang Thanh sang cầu thân với những người đang xâm lấn biển đảo, tài nguyên và gây thương tích các công dân của các ông? Ông nhờ chúng tôi phê bình chủ trương bá quyền của Bắc Kinh, nhưng còn chính các ông khi đứng trước nhóm cầm đầu Bắc Kinh lại vẫn tung hô „16 chữ vàng và 4 tốt“ ! Thế là thế nào? Chính thái độ thò lò sáu mặt, không thành thực với các chính khách và chuyên viên trong chuyến thăm Âu châu đã khiến ông Thủ tự đánh mất tư cách lãnh đạo. Đối với các chính khách và chuyên viên nước ngoài am tường VN, nhưng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tưởng có thể làm anh hề diễn trò như với đảng viên ở trong nước, nói trắng thành đen ai cũng phải tin! Cho nên người ta không tin và cũng không trọng. Một tuần chạy ngược chạy xuôi để giải độc và vận động ngoại giao của ông Thủ chỉ là công dã tràng; không những thế ông tự để lộ chân tướng dối trá, ngụy biện và bất tài!
22.10.2014
Ghi chú
[1]. Theo luật pháp của Đức các Stiftung (hội hoạt động bất vụ lợi) sẽ được giảm hoặc miễn thuế. Körber-Stiftung có ngân khoản hoạt động khoảng trên 500 triệu Euro, trọng tâm hoạt động là các vấn đề đối ngoại-an ninh quốc tế, khoa học tự nhiên, điện tử, âm nhạc…. Trong những năm gần đây chú tâm nhiều tới tình hình Á châu, đặc biệt Đông nam á. Körber-Stiftung là thuộc Công ti cổ phần Körber. Công ti này chuyên sản xuất thuốc lá, máy chế tạo, máy sản xuất giấy và y khoa; http://www.koerber-stiftung.de/aktuelles/im-fokus.html [2] . http://www.koerber-stiftung.de/internationale-politik/schwerpunkt-neuer-osten/news-details-sp-neuer-osten/artikel/vietnams-premierminister-nguyen-tan-dung-sprach-in-berlin.html; http://www.koerber-stiftung.de/mediathek/player/se-nguyen-tan-dung-premierminister-vietnams-haelt-rede-in-berlin.html; . http://baodientu.chinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Phat-bieu-cua-Thu-tuong-tai-Vien-Koerber/211232.vgp; Thủ tướng Dân chủ là xu thế không thể đảo ngược, VietNamNet 17.10 [3] . Thủ tướng Dân chủ là xu thế không thể đảo ngược, VietNamNet 17.10 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2014/10/141020_vn_pm_democracy; http://www.koerber-stiftung.de/internationale-politik/schwerpunkt-neuer-osten/news-details-sp-neuer-osten/artikel/vietnams-premierminister-nguyen-tan-dung-sprach-in-berlin.html [4] . Như trên [5] . Tương tự (tt) [6] . Âu Dương Thệ, Thông điệp năm mới 2014:Nguyễn Tấn Dũng đóng đúng vai anh „treo đầu dê bán thịt chó“! : http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2014/thongdiep.htm#_ednref2 [7] . Đức im ắng về chuyến thăm của ông Dũng? BBC 16. 10.; Chuyến công du với cường độ “chóng mặt”, Chính phủ điện tử 20.10 [8] . http://baodientu.chinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Phat-bieu-cua-Thu-tuong-tai-Vien-Koerber/211232.vgp; http://www.koerber-stiftung.de/mediathek/player/se-nguyen-tan-dung-premierminister-vietnams-haelt-rede-in-berlin.htm [9] . Như 2 [10] . tt [11] . tt [12] . tt [13] . Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, đài Bắc Kinh: http://vietnamese.cri.cn/421/2014/10/17/1s203945.htm [14] . Như trên [15] . Video herunterladen (mp4, 548MB, nicht barrierefrei) [16] . Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Trung Quốc-Việt Nam hội đàm tại Bắc Kinh và đạt được 3 nhận thức chung nguyên tắc về phát triển quan hệ giữa hai quân đội, đài Bắc Kinh 17.10: http://vietnamese.cri.cn/421/2014/10/17/1s203974.htm [17] . tt [18] . tt [19] . Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: ‘Quân đội phải kiểm soát được tình hình trên biển’,TN 20.10: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141020/bo-truong-phung-quang-thanh-quan-doi-phai-kiem-soat-duoc-tinh-hinh-tren-bien.aspx [20] . Thông tấn xã VN 30.8.11; Âu Dương Thệ, Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011 – 1.2013), Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? Phần 1: Lẫn lộn giữa bạn và thù: http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2013/adt1.htm#_edn6
|