RFA
10-4-15

Tại sao Thủ tướng muốn “siêu quyền lực”?

Nam Nguyên - RFA
 

Tranh luận lành mạnh?

Tranh luận sôi nổi về vấn đề mở rộng quyền hạn của Thủ tướng trong phiên họp ngày 9/4/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể có được điều gọi là siêu quyền lực nếu ông được tăng thêm 4 quyền mới mà Chính phủ đề xuất trong Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Những quyền này liên quan đến thẩm quyền nhân sự khá rộng, chưa kể quyết định liên quan đến thực hiện lệnh tổng động viên, thực hiện lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Phản biện của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng việc mở rộng quyền hạn của Thủ tướng sẽ không phù hợp với Hiến pháp.

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS một tổ chức tư nhân ở Hà Nội đã tự giải thể, đưa ra nhận định trước các tranh luận ở Quốc hội.

SB: “Đây là một vấn đề rất quan trọng và thực sự nó chứng tỏ có rất nhiều nhóm lợi ích mà họ muốn thể hiện phần lợi ích mình. Phía Chính phủ tức là đại diện cho những người bên hành pháp thì họ muốn nhiều quyền hơn. Quốc hội những người không thuộc hành pháp thì họ không muốn cho nhiều. Đây là một cuộc tranh cãi mà tôi nghĩ nếu cứ tiếp tục tranh cãi như thế là một xu hướng lành mạnh. Tất nhiên ở trong chế độ một đảng thì thực sự là những cuộc tranh cãi như thế ít có ý nghĩa. Nhưng mà dẫu sao có sự tranh cãi như thế với các ý kiến khác nhau được thể hiện ra và đến được tai dân chúng thì tôi nghĩ là một dấu hiệu không phải là dở.”

Thẩm quyền quá lớn

Theo VnEconomy ba quyền gây tranh cãi đó là, thứ nhất Thủ tướng có thẩm quyền giao quyền Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Thứ hai là tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp chưa bầu được chức danh này. Thứ ba là quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.

Riêng điều thứ ba này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự quan ngại là với thẩm quyền lớn như vậy sẽ dễ vi phạm quyền con người, quyền công dân. Theo ông Hùng nếu bổ sung quyền này thì phải qui định cụ thể ngay trong luật, khi thi hành tổng động viên thì Thủ tướng được quyền gì, dùng biện pháp nào…chứ không thể nói chung chung.

Cùng về vấn đề liên quan, TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Quyền ban bố tình trạng khẩn cấp không thể giao cho một người mà phải có một sự thống nhất nào đấy ở trong một vài định chế với nhau. Thí dụ bên hành pháp thì có ông Thủ tướng, ông Chủ tịch nước rồi đến Quốc hội…chứ để vào tay một người thì tôi nghĩ ông Nguyễn Sinh Hùng ông ấy lo như thế là phải.”

Riêng quyền thứ tư theo đề xuất thì đã bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho là không cần thiết. Nội dung quyền này bao gồm việc Thủ tướng có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu phó chủ tịch tỉnh; phê chuẩn phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ý nguyện khó thành

Nhận định về khuynh hướng không tán đồng đề xuất tăng thêm quyền lực cho chức vụ Thủ tướng nhân dịp sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập từ Saigon phát biểu:

“Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này có nhiều ý kiến đưa ra vẫn không thông qua việc tăng quyền cho Thủ tướng, tôi cho đó là một bất lợi lớn đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho dù ông được phiếu tín nhiệm có thể nói là cao nhất tại Hội nghị Trung ương 10. Vì muốn điều động sắp xếp những vị trí then chốt thì đương nhiên phải “làm nhân sự” và nếu như Thủ tướng không có quyền sắp xếp nhân sự các trưởng ngành các lãnh đạo tỉnh thì sẽ rất khó có thể tạo ra một lực lượng hùng hậu để hỗ trợ cho ông, nếu ông muốn vươn tới chức vụ Tổng bí thư Đảng và hơn nữa là nhất thể hóa chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.”

Theo VnExpress dù Đại biểu Quốc hội đề nghị không bổ sung thẩm quyền mới của Thủ tướng, nhưng trong báo cáo tiếp thu giải trình, Chính phủ vẫn xin được giữ nguyên đề xuất bốn thẩm quyền mới như dự thảo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình được VnExpress trích lời cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị thiết kế nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng theo hướng cụ thể hóa các qui định của Hiến pháp, kế thừa quy định còn phù hợp của Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 và không bổ sung thẩm quyền mới.

Đại diện cho Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình biện giải, các qui định thẩm quyền bổ sung là phù hợp với nội dung và tinh thần Hiến pháp về việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành pháp. Ông Nguyễn Thái Bình giải thích nguyên nhân việc bổ sung một số quyền hạn của Thủ tướng xuất phát từ thực tiễn lãnh đạo, điều hành, đảm bảo nền hành chính hoạt động thông suốt, hiệu quả. Tuy vậy đọc bài tường thuật, người đọc báo không thấy Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trực tiếp phản biện điều gì, đối với quan điểm của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, theo đó “Thẩm quyền của các thiết chế trong bộ máy nhà nước, bao gồm cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đã được Hiến định cụ thể. Nếu mở rộng bổ sung mới một số thẩm quyền sẽ không bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.

Đảng vẫn trên luật

Đối với các tranh luận về việc đề xuất tăng quyền lực cho Thủ tướng qua Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội từ Saigon phát biểu:

“Trong luật Việt Nam, Chủ tịch nước là Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang, nhưng thực sự Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang là ông Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đâu phải là ông Chủ tịch nước. Hiều luật Việt Nam là phải hiểu thế nào là thể hiện nhà nước danh nghĩa nhà nước. Khi một người ở vị trí danh nghĩa nhà nước nhưng ở phía sau là Đảng quyết tất cả. Cho nên tăng quyền hay không tăng quyền thực sự đó cũng chỉ là để phân công điều hành thôi cũng không phải là cái gì ghê gớm.”

Theo ông Trần Quốc Thuận khó có chuyện tăng quyền lực cho Thủ tướng để có thể tự quyết mọi vấn đề nhân sự như hình thức ở các nước dân chủ đa đảng. Ông Trần Quốc Thuận tiếp lời:

“ Bí thư, Chủ tịch các Thành phố trực thuộc Trung ương là do Bộ Chính trị Ban Bí thư quản lý, phân công người nào làm là quyết định tập thể, chứ không phải là quyền ông Thủ tướng. Còn về mặt hành chánh nhà nước, người ta có thể hiện như thế nhưng bên trong là Đảng lãnh đạo hết chứ không có cái việc ông Thủ tướng muốn bổ nhiệm ai thì bổ nhiệm. Ở Việt Nam không bao giờ có câu chuyện này.”

Vấn đề tăng quyền lực cho Thủ tướng được đề xuất từ tháng 9/2014 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Lúc đó cũng đã có nhiều bất đồng quan điểm và ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu ý kiến: “Có thẩm quyền thì phải đi liền với trách nhiệm. Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ nói rất rõ về quyền nhưng trách nhiệm không thấy nói. Chính phủ có trách nhiệm thi hành Hiến pháp, mà thi hành không tốt thì ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước ai? Điều này cần phải làm rõ.” Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có thể tìm thấy ở bản tin trên mạng ngày 30/9/2014 của VnExpress

Dự kiến tại kỳ họp thứ 9 từ ngày 20/5/2015 tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến và thảo luận để thông qua Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi