TIẾNG DÂN
Thưa tướng Vịnh, chẳng có gì mới cả!
Jackhammer Nguyễn
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là người phụ
trách công tác đối ngoại cho Bộ Quốc phòng của nước Việt Nam cộng sản,
chuẩn bị về hưu. Trước khi về hưu, tướng
Vịnh trả lời phỏng vấn tờ báo mạng VnExpress một bài dài tới hai kỳ,
theo kiểu “nói hết một lần” (tell-all interview): Tướng
Nguyễn Chí Vịnh: ‘Mua vũ khí hiện đại để không phải bắn’, đăng
ngày 31/5/2021 và ngày 1/6/2021: Thứ
trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Nếu mất biển Đông là có tội. Nội
dung hai phần của bài phỏng vấn được đặt hai tựa đề, thể hiện khá chính
xác. Tướng Vịnh muốn phân trần với người Việt về những bực bội của họ
trong hàng chục năm qua trước sự lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông.
Người ta thấy quân đội Việt Nam cứ tậu tàu to súng lớn (tàu ngầm Kilo,
hỏa tiễn Extra, máy bay tuần duyên của Hòa Lan, nhận tàu tuần duyên
Hamilton của Mỹ,…) mà không làm gì cả để ngăn chận thế lực bành trướng ở
Biển Đông. Công
bằng mà nói, báo chí “lề đảng”, giới chức Việt Nam và mới nhất chính là
tướng Vịnh đã có lời lẽ thẳng thắn hơn về sự lấn lướt của Bắc Kinh.
Trước đây, khi đề cập đến tàu chiến Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt
Nam, họ chỉ dám gọi là “tàu lạ”. Các địa danh như Trung Quốc, Bắc Kinh,
dường như là điều húy kỵ ở cửa miệng các quan chức Việt Nam. Trong vài
năm trở lại đây, ít nhất về mặt ngôn từ, họ đã can đảm hơn. Về
nội dung hai phần của cuộc phỏng vấn, chúng ta cũng đồng ý với tướng
Vịnh rằng, nếu mất biển Đông thì đương nhiên ông và các đồng chí của ông
trong đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm. Mà không phải chỉ có
biển Đông, các ông cũng phải chịu trách nhiệm về chuyện mất lãnh thổ
trên đất liền qua những lần đàm phán bí mật với Bắc Kinh hàng chục năm
qua. Vì nếu không phải các ông thì là ai? Ai cầm quyền ở xứ này một mình
một cõi mấy chục năm qua?
Chuyện ông Vịnh nói mua vũ khí hiện đại không phải để bắn, tôi cũng đồng
ý, nhưng chỉ một phần thôi. Câu này thật ra là câu ngạn ngữ Latin mà
phương Tây hay sử dụng, đó là “muốn bạn hòa bình, chuẩn bị cho chiến
tranh” (nguyên văn “Si vis pacem, para bellum”). Khi bị bọn Tàu làm mưa
làm gió ngoài Biển Đông, đánh đập, hà hiếp ngư dân Việt Nam trong nhiều
năm, ít ra cũng phải bắn vài quả rốc két hiện đại để bọn hải cảnh Tàu,
bọn dân quân biển Tàu sợ … vãi chứ! Hay là quân lính của ông Vịnh có bắn
mà không nói ra?!
Ngoài hai nội dung chính kể trên, tôi thấy ông Vịnh đột nhiên đưa ra các
gương mặt nhiều tai tiếng của giới lãnh đạo Việt Nam là Lê Đức Anh, Lê
Khả Phiêu, Đỗ Mười… không rõ để làm gì, nhưng đã thấy nói rõ trong
trong bài
bình luận của cây bút Trần Khát Chân. Riêng tôi, tôi có vài nhận
xét về hai điểm mà ông Vịnh đề cập trong bài như là những điều gì đó mới
mẻ. Thứ
nhất, ông nói rằng từ năm 2000 trở đi, ngoại giao Việt Nam thay đổi hẳn,
không còn “đứng trên quan điểm lập trường” địch-ta nữa. Thứ hai, ông cho
rằng ông không ngại gì người Mỹ, khi đề cập với họ về chiến tranh Việt
Nam, ông cho rằng họ cũng phải nghe, mặc dù họ có thể không hài lòng
trong bụng. Ông
Vịnh nói tới hai điều trên như là cái gì đó rất mới, rất đặc biệt, làm
tôi nhớ cụm từ “đổi mới” hay được người cộng sản nhắc tới, nói về thay
đổi chính sách kinh tế xã hội vào năm 1986, cho phép cơ chế thị trường
được hoạt động. Thật ra, đây là chuyện quay về cái cũ chứ không có gì là
mới cả. Thưa tướng Vịnh, không có gì là mới dưới gầm trời của ông và cái
đảng của ông cả.
Chuyện phân định địch-ta là chuyện cố chấp, ương bướng của những người
cộng sản Việt Nam, chứ không có quốc gia bình thường nào như thế cả. Ông
Churchill của nước Anh từng nói rằng, không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ
thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn (We have no
lasting friends, no lasting enemies, only lasting interests), đó sao? Mà
ngay cả các quốc gia cộng sản cũng có khi tư lợi ra phết, chẳng hạn như
Liên Xô trong sách giáo khoa Việt Nam Cộng sản là chống phát xít oai
hùng như vậy, mà từng ký hiệp ước với phát xít để chia đôi Ba Lan kia
mà. Là tướng, chắc ông Vịnh biết chuyện đó chứ? Thôi
thì bây giờ ông Vịnh nói ra như thế cũng hay, nhưng sẽ hay hơn nữa nếu
ông nói: Chúng ta đặt dân tộc lên trên hết, chứ không phải ý thức hệ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bác bỏ “hữu nghị viễn vông” rồi, có sao đâu!
Chuyện ông Vịnh nghĩ rằng, người Mỹ trong bụng không hài lòng khi nghe
nói về chiến tranh Việt Nam, thì tôi nghĩ ông Vịnh sai rồi. Hoặc là ông
không hiểu người Mỹ, nước Mỹ. Nếu ông Vịnh nhớ lại chuyện Watergate,
chuyện hồ sơ Ngũ Giác Đài, chịu khó xem phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam…
thì hẳn ông Vịnh không nói như thế. Với tính chất minh bạch thông tin
của xã hội dân chủ, người Mỹ đã, đang và sẽ bàn nữa về chiến tranh Việt
Nam, dĩ nhiên là dưới góc nhìn của họ. Và
xã hội Mỹ là xã hội đi tới, một mặt nó cũng hay truy lại quá khứ, nhưng
quá khứ đó là để học lại những bài học sai lầm, không ảnh hưởng gì mấy
đến bước đi kế tiếp của nó. Trên
các phương tiện truyền thông Mỹ, trong các tuyên bố của chính quyền Mỹ,
người ta nói nhiều đến Việt Nam như là quốc gia đang có cùng quyền lợi
với Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh, hay gần như chiến tranh lạnh, chống
lại Bắc Kinh. Báo chí Việt Nam, sách vở Việt Nam thì vẫn ra rả về
“Mỹ-Ngụy”, về “chống Mỹ cứu nước”,… Tôi nghĩ là, khi người Mỹ đề cập đến
cuộc chiến Việt Nam qua góc nhìn của họ với những người như ông Vịnh và
các đồng chí của ông, có lẽ chính các ông mới có nhiều bực bội hơn họ.
Nhưng tôi công nhận một điều trong bài trả lời phỏng vấn của ông Vịnh là
mới, đó là ông dùng cụm từ: Chiến tranh Việt Nam, chứ ông không nói
“chiến tranh chống Mỹ”. Khi nói chiến tranh Việt Nam có nghĩa rằng, đây
là một cuộc chiến ý thức hệ, một cuộc nội chiến đó ông Vịnh ạ. Tôi
biết mà, có lẽ do ông Vịnh đi Mỹ nhiều quá, khéo bị “diễn biến hòa bình”
mất rồi! Nhưng mà ông cũng đừng ngại để phải đổi lại, bởi vì ông chuẩn
bị về hưu, cần “làm người tử tế” để sống với dân, ông ạ. |