Người Việt
‘A lô là có tiền’ – ‘Tín dụng xã hội đen’ ở Sài Gòn
Nguyễn Sài Gòn
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Như một quy luật bất thành văn của giang hồ “có
vay thì có trả” mà phải trả gấp mười lần hơn, không thể chạy thoát đi
đâu được dù “có trốn lên trời tao cũng lôi mày xuống, có chui xuống đất
cũng kéo mày lên…” Nói chung là “chạy trời không khỏi nắng.”
Đó cũng là tình thế của những con nợ cùng đường khi đã trót vay “tín
dụng xã hội đen” thay vì phải đến ngân hàng nhà nước với hàng chục thủ
tục nhiêu khê, với những điều kiện cần phải có như thế chấp tài sản, bảo
lãnh hợp pháp của chính quyền, điều này với dân đen là bất khả.
Với “anh em xã hội đen” thì không cần gì hết, chỉ cần cho biết địa chỉ
nhà, trường học, nơi ở trọ rồi muốn vay bao nhiêu cũng được! Dễ đến mức
chỉ cần “Alô là có tiền,” bất cứ nơi đâu, chỗ nào, ngoài đường, hè phố
hay cổng trường đại học.
Mọi thứ đều được giải quyết nhanh gọn lẹ còn hơn lấy tiền trong túi. Chỉ
“Alô” là 10 phút sau đã có người trờ xe tới và một tờ giấy nợ viết sẵn
được trưng ra. Bạn chỉ có việc ký vào là có tiền rồi trở thành “con nợ
tiềm năng” 5 triệu 10 triệu… Bao nhiêu cũng có với lãi suất 10 đến 20 có
khi là 50% mỗi tháng.
Một tay trùm cho vay nặng lãi cho biết “sẽ không ai thoát khỏi cái lưới
cho vay nhanh lẹ nhất hành tinh này. Sinh viên học sinh, công nhân, nông
dân, buôn thúng bán bưng, cave gái điếm, lưu manh du đãng hút chích và
ngay cả người bệnh sắp chết, ai có nhu cầu đều được đáp ứng.”
Khi đã vay rồi thì lãi mẹ đẻ lãi con theo cấp số nhân. “Tiền càng cao
máu càng loãng” để nói đến sức hút của cái địa ngục này. Với những con
bạc thì càng kinh khủng hơn, càng sát phạt ăn thua thì càng cay cú “vay
trả trả vay” đến khi táng gia bại sản thì thôi.
Một tay đại ca chủ nợ tuyên bố: “Chúng tôi có cách ‘săn lùng con nợ’ mà
không có chính quyền công an ngân hàng nào có thể làm được, nó hiệu quả
đến mức không một con nợ nào ‘xù nợ’ được khi chúng tôi đã nắm được nơi
ăn chốn ở nơi chốn làm việc học hành.
“Có mà chạy đằng trời khi quân của tôi theo sát con nợ đến từng phút
từng giây, máy điện thoại của bạn sẽ reo suốt ngày. Ra đường thì luôn
luôn có người bám theo, ăn chơi gặp gỡ bạn bè người thân ở đâu đều phải
được đàn em tôi ‘điều nghiên’ và chọn thời khắc ra tay, nếu cần cho nạn
nhân một trận bầm dập cho đến khi nó ‘nôn’ ra tiền mới thôi.”
Cho vay và bắt phải trả là một nghệ thuật tinh vi đến mức con nợ chỉ
biết khóc và quỳ lạy mà van xin trả vì người thân của bạn sẽ là miếng
mồi ngon và bạn cũng sẽ trở thành “con tin” lâu năm không thể thoát được
dưới hàm răng quỷ dữ.
Ở Việt Nam bây giờ từ nông thôn đến thành thị, bất cứ nơi đâu bạn đều có
thể thấy những “tờ giấy cho vay” được dán đầy trên các cột điện vách
tường với số điện thoại “không cần thế chấp, không cần chứng minh, Alo
là có tiền!” Vay nóng vay lạnh, vay siêu tốc, nó nhiều và quyến rũ đến
mức trong cơn túng thiếu bạn chỉ cần “nhá” máy sẽ có người đem tiền tới
nơi trao tận tay.
Chỉ như vậy thôi, sau khi nhận và xài sạch là đau thương nối dài đau
khổ, chủ nợ sẽ bám theo bạn suốt đời.
Một con nợ cho biết “chỉ có chết mới thoát được” vì đi đâu về đâu, ăn
ngủ, ngay cả tắm rửa vệ sinh cũng có những bóng ma lờn vờn theo dõi và
bạn chỉ còn một cách duy nhất là phải tìm mọi cách để được “trả nợ” khi
số nợ ban đầu chỉ 3 con số giờ có thể trở thành 6 con số.
Ở các thành phố lớn người ta gọi đó là “tín dụng đen” dân gian gọi là
“bọn cho vay nặng lãi” và người nghèo, sinh viên học sinh chính là nạn
nhân, họ như con nai tơ bị sập bẫy mà không hề biết rằng mình đang biến
thành mồi ngon cho hổ báo.
Ở một xã hội mà chính quyền như băng đảng mafia công khai lộ sáng trấn
lột đất đai nhà cửa nhân dân bằng nghị quyết, thì xã hội đen như một nửa
của đồng xu chìm lấp trong bóng tối, chúng cùng một mục tiêu là dân
nghèo.
Họ không được trang bị kiến thức và không được pháp luật bảo vệ, nó
hoang dã đến mức một luật sư phải kêu lên, “Con người ở trong xứ sở nầy
không khác gì một con vật và kẻ nào yếu sẽ bị săn đuổi tiêu diệt, không
phải bằng súng đạn cung tên giáo mác nữa mà bằng ‘luật ngầm’ và nếu có
pháp luật thì nó cũng chỉ để phục vụ cho bọn xã hội ‘đỏ’ mà thôi!”
(Nguyễn Sài Gòn) |