BBC 13-6-13

Một báo VN nói nên lấy tín nhiệm với Đảng

Cập nhật: 14:05 GMT - thứ năm, 13 tháng 6, 2013

 

Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn nói mô hình bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội cũng nên được áp dụng trong Đảng.

Trong một bình luận hiếm hoi của báo chí trong nước, tờ báo nói việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội như vừa qua sẽ buộc các quan chức phải có tinh thần trách nhiệm hơn và nói thêm:

"Rút kinh nghiệm từ lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được xem là mang lại làn gió mới cho bộ máy nhà nước và Chính phủ, rất nên nhân rộng tác dụng tích cực này sang bộ máy của Đảng.

"Chúng ta đều biết Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội cho nên nếu có một cuộc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo Đảng, đó cũng là sự đánh giá mức độ tín nhiệm về việc đưa ra các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

Các Ủy viên Bộ Chính trị và bỏ phiếu tín nhiệm

Những vị thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm
  • Chủ tịch Trương Tấn Sang
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
  • Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
  • Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
  • Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh
  • Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Những vị nằm ngoài phạm vi bỏ phiếu

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
  • Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh
  • Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa
  • Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Đinh Thế Huynh
  • Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ.
  • Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải
  • Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị.

"Việc lấy phiếu tín nhiệm như thế có một thuận lợi lớn: đó là đảng viên hiện nay đều phải tự kiểm điểm đánh giá vào dịp cuối năm. Lấy phiếu tín nhiệm đối với đảng viên lãnh đạo sẽ là sự chính thức hóa quy trình này một cách công khai, minh bạch và rõ ràng hơn thôi."

Tuy nhiên Thời báo Kinh tế Sài Gòn không kêu gọi Ban Chấp hành Trung ương với 175 đảng viên uy quyền nhất bỏ phiếu đối với các chức danh trong bộ máy Đảng Cộng sản ở cấp cao nhất.

Trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, chỉ có chín trong 16 ủy viên Bộ Chính trị được đem ra để đại biểu Quốc hội lấy phiếu.

Đó là Chủ tịch Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Các vị khác trong Bộ Chính trị như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các chức sắc của Đảng như Lê Hồng Anh, Đinh Thế Huynh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Lê Thanh Hải và Phạm Quang Nghị không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm lần này vốn chỉ nhắm vào các quan chức thuộc Chính phủ và Quốc hội.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn chỉ đưa ra đề nghị ở cấp cơ sở:

"Sau khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hay phê chuẩn thì hội đồng nhân dân các cấp cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do hội đồng nhân dân bầu.

"Tương tự, thiết nghĩ bên Đảng cũng cần tổ chức cho ban chấp hành các đảng bộ địa phương lấy phiếu tín nhiệm với những chức danh được đảng bộ bầu ra. Có như thế sự lãnh đạo của Đảng mới được đưa vào một quy trình giám sát mà nhiều ý kiến đã đề xuất lâu nay."

Phiếu 'không tín nhiệm'

Ngoài Thời báo Kinh tế Sài Gòn, báo Tuổi Trẻ hôm 12/6 cũng có bài phỏng vấn các Đại biểu Quốc hội cũ và mới về việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Võ Thị Dung của thành phố Hồ Chí Minh được dẫn lời nói:

"Tôi cho rằng chỉ cần thiết kế nội dung phiếu gồm “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì kết quả sẽ rõ hơn.

"...Nói một cách khác, vẫn còn dư địa an toàn cho người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm [với hình thức bỏ phiếu "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp..."

"Bên cạnh đó, thông tin về các chức danh cung cấp cho đại biểu, ngoài nói về việc đã làm, cần nói thêm về phương hướng sắp tới, nhất là với những vấn đề mà nhân dân đang bức xúc.

"Lần này, đa số các chức danh đều báo cáo công việc kiểu dàn đều, chưa thể hiện rõ mình làm công việc đó với tâm thế ra sao, hướng tới ra sao, như thế cũng rất khó cho đại biểu đánh giá."

Trong khi đó Đại biểu Dương Trung Quốc nói với Tuổi Trẻ:

"Tôi thấy ít nhiều yếu tố cảm tính vẫn còn chi phối [bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội].

"Đó cũng là tập tính của người dân mình. Phải khắc phục dần để lập thành kỹ năng cho đại biểu Quốc hội thể hiện quyền đại diện của mình do người dân trao cho."