Ngoài quyết định tăng phạm vi bán kính cấm tiếp cận giàn khoan từ 1 hải lý lên 3 hải lý, nhà chức trách Trung Quốc điều nhiều tàu hộ tống giàn khoan khổng lồ của Tổng công ty Dầu khí Hải dương (CNOOC), được cho là đang ở cách bờ biển Việt Nam trên 120 hải lý.
Trong khi đó, một số trang mạng của Trung Quốc phát tán thông tin nói phía Việt Nam "lần này hết sức hung hăng, đang tìm cách vào bên trong lãnh hải 4 hải lý nhằm bao vây giàn khoan CNOOC 981".
Vị trí mà cảnh sát biển hai bên đối đầu nhau được cho là cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) chừng 17 hải lý, tức khá gần với vị trí khoan mà Trung Quốc tuyên bố từ trước trong lô dầu khí mà Việt Nam đánh số 143.
Hôm thứ Hai 5/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng giàn khoan 981 "hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc".
Thứ Ba 6/5, Hoàn Cầu Thời báo - tờ báo mang khuynh hướng diều hâu của Trung Quốc, đăng bài xã luận tựa đề "Trung Quốc cần tỏ thái độ cứng rắn với Hà Nội".
Thái độ cứng rắn
Bài báo mở đầu bằng cáo buộc gần đây nhà chức trách Việt Nam đã "sách nhiễu nghiêm trọng giàn khoan nước sâu của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc".
"Người ta tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp vì sự khiêu khích của Việt Nam. Không chỉ vì vị trí của giàn khoan nằm trong đường chín đoạn, mà còn vì nó nằm gần Tây Sa, mà Trung Quốc nắm giữ chủ quyền".
Hoàn Cầu Thời báo cho rằng Việt Nam lần này "gây ồn ào với mục đích duy nhất là thêm sức mặc cả để có cơ hội thắng thế trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc" tại Biển Đông.
Ngày 10/5 tới, các nước Asean và Trung Quốc sẽ có cuộc họp thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) ở Miến Điện.
Phía Việt Nam thì khẳng định vị trí CNOOC đặt giàn khoan hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo tờ báo, Việt Nam đã chọn thời điểm hiện nay, khi Trung Quốc đang có xung đột với Nhật Bản và Philippines, đồng thời Mỹ đang chuyển hướng sang châu Á, để gây hấn buộc Trung Quốc nhượng bộ.
Tuy nhiên, báo Hoàn Cầu viết: "Chúng tôi tin Hà Nội không bao giờ dám tấn công trực tiếp giàn khoan của Trung Quốc".
"... Trung Quốc cần tỏ thái độ cứng rắn, rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước."
Bài xã luận dọa nạt: "Nếu Việt Nam có thêm hành động ở Tây Sa, mức độ phản công của Trung Quốc sẽ được tăng lên".
"Trung Quốc cần cân nhắc liệu Việt Nam có thò đầu ra và trở nên hung hăng hơn cả Philippines hay không. Nếu vậy, Trung Quốc cần thay đổi chính sách đối với Việt Nam và dạy cho Hà Nội một bài học thích đáng".
Tờ báo tuyên bố việc khoan thăm dò sẽ không dừng lại vì nếu dừng lại, đây sẽ là "thất bại lớn trong chiến lược Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc".
Dạy cho Việt Nam bài học
Cụm từ 'dạy cho Việt Nam bài học" lần đầu xuất hiện từ cuối những năm 1970, khi nhà cầm quyền Trung Quốc tỏ ra bất bình với chính sách đối ngoại của Hà Nội và khởi xướng cuộc chiến biên giới 1979.
Việt Nam chưa có phản hồi gì về bài xã luận trên Hoàn Cầu Thời báo.
Các kênh thông tin chính thức chỉ tường thuật về phản đối ngoại giao cũng như ý kiến chính thức của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), yêu cầu CNOOC rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam.
Lô 143 tuy chưa thăm dò, khai thác, nhưng thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo PVN.
Trong khi đó trên các trang mạng, một số nguồn tự nhận là có thông tin từ hải quân Việt Nam cho hay một số lớn tàu của cảnh sát biển đã được điều ra ngăn chặn giàn khoan Trung Quốc.
Các nguồn tin này nói hiện hai bên chưa nổ súng, mà chỉ đâm húc để cản đường nhau.
BBC không có điều kiện để kiểm chứng thông tin này.
Giới quan sát cho rằng Việt Nam đang ở trong tình thế khó xử vì không thể không phản ứng nhưng lại cũng không thể để xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc.
Thứ Tư 7/5 Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel sẽ tới Hà Nội trong chuyến thăm hai ngày.
Ông Russel sẽ có tiếp xúc với các quan chức cao cấp của Việt Nam và tham gia Đối thoại châu Á-Thái Bình Dương Mỹ-Việt.
Chủ đề căng thẳng Biển Đông được cho sẽ nằm trên nghị trình cuộc đối thoại.