THỜI BÁO (Đức)
18-4-21

 Giữa Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính, Tô Lâm chọn theo ai?

Tô Lâm là con người thức thời, từ chỗ phò Trần Đại Quang để được Quang giới thiệu trám vào ghế bộ trưởng của ông Quang, nhưng khi ông Trần Đại Quang mất quyền lực vì ngồi vào ghế chủ tịch nước hữu danh vô thực thì Tô Lâm lại phò Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên khi phò Nguyễn Phú Trọng thì Tô Lâm không về vườn nhưng cũng không leo cao vì bản thân Nguyễn Phú Trọng muốn giữ Tô Lâm ở lại chiếc ghế bộ trưởng bộ Công An để dùng cho mưu đồ của mình.

Có thể nói cũng vì ông Trọng quá cần Tô Lâm mà Tô Lâm không thể rời ghế bộ trưởng để tiến lên. Đấy là mặt trái của việc tiến thân nhờ vào quyền lực bề trên bảo kê. Trong khi đó, Phạm Minh Chính thì không thuộc quyền kiểm soát của ai ngoài Bắc Kinh thì ông ta cứ tiến lên sau một nhiệm kỳ.

Hai nhiệm kỳ liên tiếp dậm chân tại chỗ với chức bộ trưởng bộ công an thì có thể nói cho đến bây giờ, ông Tô Lâm đã gần như hết cơ hội để tiến. Chỉ một cơ hội duy nhất là đến đại hội XIV sau 5 năm, ông Tô Lâm xin ông Nguyễn Phú Trọng ưu tiên cho một suất đặc biệt để tiến lên ghế chủ tịch nước hữu danh vô thực như người tiền nhiệm của ông.

Tô Lâm cũng từng giúp Nguyễn Phú Trọng giải quyết những tình huống khó nhưng bản thân ông Tô Lâm cũng có những yếu kém cố hữu. Yếu kém dễ nhận ra nhất, đó là ông Tô Lâm gần như bất lực với nhóm cá mập ở TP. HCM gồm Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua và Tất Thành Cang. Ông Tô Lâm chỉ có bắt được Lê Tấn Hùng em trai ông Lê Thanh Hải. Tuy nhiên nhân vật Lê Tấn Hùng là con cá bé đâu cần tới bàn tay Bộ Công An như ông Tô Lâm?

Đối với ông Trọng, thì Tô Lâm có công cũng lớn và yếu kém cũng không nhỏ. Trong đó có sai phạm liên quan tới Mobifone mua công ty nghe nhìn AVG có liên quan đến sai phạm hàng ngàn tỷ. Chính những sai phạm lớn đó mà ông Nguyễn Phú Trọng đã dễ dàng nắm thóp Tô Lâm trong suốt 5 năm.

Phạm Minh Chính, sếp mới của Tô Lâm nhưng là người quen

Phạm Minh Chính và Tô Lâm vốn là đối thủ của nhau khi còn làm ở Bộ Công An. Tuy nhiên Phạm Minh Chính rẽ ngang hướng khác phát triển sự nghiệp, điều này may mắn cho ông Chính, bởi nếu ở lại Bộ Công An ông Chính sẽ không thể cạnh tranh nổi với Tô Lâm vì Tô Lâm là thuộc hạ thân tín của Bộ Trưởng Trần Đại Quang. Nếu đấu riêng với Tô Lâm thì Phạm Minh Chính có thể, chứ một mình mà đấu với liên minh Tô Lâm – Trần Đại Quang thì Phạm Minh Chính chắc chắn thua cuộc. Vì vậy tạo bước ngoặt để rẽ sang hướng khác là rất cần thiết. Vả lại, nếu tách ra khỏi Bộ Công An thì Phạm Minh Chính được sự hậu thuẫn nhiệt tình của Nguyễn Tấn Dũng thì ở lại Bộ Công An làm gì?

Đấy là chuyện của ngày ấy, còn chuyện ngày nay thì thời thế đã khác. Tô Lâm dậm chân tại vị trí Bộ trưởng Bộ Công an ở nhiệm kỳ hai nên đã bị Phạm Minh Chính vượt mặt. Điều trớ trêu là giờ Phạm Minh Chính trở lại trong vai trò người đứng đầu chính phủ chỉ đạo các bộ trưởng, mà trong 28 bộ trưởng đó có ông Tô Lâm.

Đã năm năm phục vụ Nguyễn Phú Trọng trải qua biết bao gian lao khó nhọc nhưng không tiến lên được, thì liệu giờ đây ông Tô Lâm có còn lòng nhiệt tình để phục vụ ông Nguyễn Phú Trọng?

Trong 5 năm từ năm 2016-2021, ông Tô Lâm dưới quyền ông Nguyễn Xuân Phúc nhưng thực chất, Tô Lâm hầu như chỉ làm việc cho Nguyễn Phú Trọng. Không biết giờ đây ông Tô Lâm sẽ tiếp tục làm cho Nguyễn Phú Trọng hay còn có thể làm việc cho Phạm Minh Chính? Được biết, Phạm Minh Chính là con người bản lĩnh chứ không nhu nhược như ông Nguyễn Xuân Phúc. Đó là cái khó đối với ông Tô Lâm. Có lẽ khi cùng ngồi chung trong Bộ Công An, ông Tô Lâm hiểu rõ Phạm Minh Chính hơn ai hết. Từ vị trí Trưởng ban Tổ chức Trung ương mà tạt ngang loại Nguyễn Xuân Phúc thì có thể nói ông Phạm Minh Chính có bản lĩnh không thua gì Nguyễn Phú Trọng, nếu không muốn nói là hơn.

Tô Lâm phải làm dâu trăm họ

Nếu nói đến cấp bộ thì hiển nhiên thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Tuy nhiên có 2 bộ không thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của chính phủ, đó là Bộ Quốc Phòng và Bộ Công An. Về mặt nhà nước, hai bộ này chịu sự kiểm soát của thủ tướng chính phủ nhưng về mặt đảng, 2 bộ này chịu sự kiểm soát của Tổng bí thư. Thông thường, quyền lực tổng bí thư lớn hơn thì tổng bí thư sẽ kiểm soát hai bộ này nhiều hơn.

Những bộ mà người đứng đầu là ủy viên bộ chính trị thì điều như thế, chính vì vậy mới có thể duy trì sức mạnh cho tổng bí thư. Hai bộ này là hai cơ quan chuyên dùng súng đạn chính vì vậy mà đảng không giao hoàn toàn số phận của nó cho thủ tướng, mà chia đôi, mỗi bên kiểm soát một phần. Thông thường tổng bí thư kiểm soát sâu hơn.

Với tính đặc thù như vậy, nên Tô Lâm giống như làm dâu trăm họ, vừa phải nghe lời thủ tướng vừa phải nghe lời tổng bí thư. Nếu thủ tướng và tổng bí thư đấu nhau thì Bộ trưởng Bộ Công an phải chọn một bên rõ ràng.

Từ năm 2016-2021, Nguyễn Xuân Phúc nhu nhược để Bộ Quốc Phòng và Bộ Công An rơi hoàn toàn vào tay Nguyễn Phú Trọng. Lúc này Tô Lâm rất nhẹ, ông Tô Lâm chỉ cần vâng lệnh một mình Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, nhiệm kỳ 2021-2026, người đứng đầu chính phủ không phải là Nguyễn Xuân Phúc mà là Phạm Minh Chính. Phạm Minh Chính là một chính trị gia cáo già và có bản lĩnh hơn Nguyễn Xuân Phúc rất nhiều, ông ta thừa biết, nếu không kiểm soát được quân đội và công an thì mãi mãi ông Chính phải chịu lép vế trước Nguyễn Phú Trọng.

Dự đoán, thời gian sắp tới ông Phạm Minh Chính sẽ giành lại quyền kiểm soát của ông đối với Bộ Công An. Chính vì vậy mà ở nhiệm kỳ này, ông Tô Lâm phải chiều lòng cả Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính. Thực tế cho thấy, mối bất hòa giữa Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng ngày một khoét sâu chứ không thể khỏa lấp được.

Vì tranh giành sự ảnh hưởng trong đảng, triển vọng là trong tương lai sẽ có cuộc tranh giành khốc liệt giữa Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng nhằm kiểm soát Bộ Công An. Hơn nữa, ông Phạm Minh Chính vốn là người trong ngành công an ắt hẳn giờ đây với vai trò thủ tướng ông Phạm Minh Chính sẽ tìm cách kết nối với những đồng nghiệp cũ để thiết lập nên mạng lưới kiểm soát sâu rộng hơn trong Bộ Công An.

Hiện nay, ông Phạm Minh Chính chỉ mới tiếp quản chức thủ tướng, còn nhiều việc ở phía trước. Tuy nhiên, trước sau gì ông Phạm Minh Chính cũng tìm cách kiểm soát Tô Lâm hoặc nếu không kiểm soát được Tô Lâm thì kiểm soát thuộc hạ của Tô Lâm thì lúc đó, trong Bộ Quốc Phòng có nhiều phía hay mà coi.

Tô Lâm nên chọn ai hay thỏa hiệp?

Nói gì nói chứ thực tế hiện nay, Tô Lâm không có nhiều sự lựa chọn. Tô Lâm là con người thức thời, ông ta sẽ dễ dàng ngã về ai mà ông thấy mạnh hơn.

Trước mắt, sức mạnh chính trị thì giữa Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính tương đương nhau, tuy nhiên quyền lực ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có giảm sút chứ không thể tăng lên, trong khi đó quyền lực của ông Phạm Minh Chính thì lại biến đổi theo chiều ngược lại. Việc ông Phạm Minh Chính sẽ vượt qua Nguyễn Phú Trọng để giành lấy quyền chi phối trên chính trường Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.

Với con người như Tô Lâm thì có lẽ ông sẽ tìm cách thỏa hiệp, vâng lời bên này nhưng cố gắng không làm mất lòng bên kia để mọi việc ổn thỏa. Có lẽ, tương lai ông Tô Lâm sẽ ngã theo Phạm Minh Chính nhưng bây giờ thì chưa được, vẫn phải nghe lời Nguyễn Phú Trọng.

Là tướng công an, nhưng là tướng tình báo, hiện nay ông Phạm Minh Chính đang có mối quan hệ với Bắc Kinh khá tốt thì không ai không thấy được sức mạnh tương lai của ông Phạm Minh Chính.

Bộ Công an nói cho cùng, linh hồn của nó là tổng cục tình báo. Tuy nhiên, năm 2018, để tránh rắc rối ông Nguyễn Phú Trọng đã dẹp tổng cục tình báo để ông có thể kiểm soát Bộ Công An. Tuy nhiên, với vai trò là thủ tướng mới, rất có thể ông Phạm Minh Chính sẽ tìm cách hồi phục tổng cục này và tìm cách kiểm soát nó. Chỉ có thể như vậy thì Phạm Minh Chính mới có thể vượt qua được Nguyễn Phú Trọng. Việc tranh giành ảnh hưởng Bộ Công An giữa Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng ra sao, hãy chờ xem hồi sau sẽ rõ.

Nguyễn Duy – Thoibao.de (Tổng hợp)