Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
“TRUNG QUỐC HẠ ĐẶT GIÀN KHOAN TRÁI PHÉP…”
Tống Văn Công
Điện đàm với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh “Việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD 981 và một lượng lớn tàu các loại , kể cả tàu quân sự vào hoạt động tại khu vực lô dầu 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1-5-2014 đến nay là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế,vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”. Ngày 5-5-2014 Tập đoàn dầu khí Việt Nam ra Thông báo cho biết “Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD 981 vào định vị khoan tại vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý”. Cũng hôm đó, trao đổi với báo Tuổi Trẻ ông Đỗ văn Hậu Tổng giám đốc PVN cho biết “khu vực lô 143 mà Trung Quốc đặt giàn khoan xuống …hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Hai ngày sau, chiều 7-5-2014 tại cuộc họp báo của Bộ ngoại giao, ông Trần Duy Hải phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia nói: “ Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam…” Sau hôm đó trên tất cả báo chí và các phương tiện truyền thông nước ta đều gọi hành động của Trung Quốc “ hạ đặt giàn khoan trái pháp luật”. Vậy xin thử bàn về một từ mới hạ đặt vừa gia nhập ngôn ngữ Việt Nam. Có lẽ từ hạ ( có nghĩa là ở dưới, rơi xuống, nhún nhường) là một từ gốc Hán được Việt hóa rất sớm. Từ hạ trong các từ Hán Việt có chức năng làm định ngữ (bổ nghĩa cho danh từ) như: hạ du (miền đất gần cửa sông), hạ điền ( lễ cúng Thần nông để bắt đầu làm nông nghiệp), hạ đẳng (bậc dưới) hạ quốc ( nước chư hầu) hạ vấn (chất vấn kẻ dưới)… Sau khi Việt hóa, từ hạ trở thành động từ làm chức năng vị ngữ (nêu hoạt động, tính chất, trạng thái của đối tượng được nêu ở chủ ngữ) như : Hôm nay siêu thị hạ giá bán hàng; Quân ta hạ đồn địch; Ông đội trưởng hạ lệnh, “Quyết tình nàng mới hạ tình” (Truyện Kiều), “Hạ từ van lạy suốt ngày”(Truyện Kiều); Anh ta hạ mình trước ông chủ; Buổi biểu diễn đã hạ màn… Các ví dụ trên đây đều cho thấy sau từ hạ là một danh từ có chức năng làm tân ngữ ( bổ nghĩa trực tiếp cho vị ngữ), chưa thấy sau động từ hạ là một động từ . Do đó hạ đặt là một từ tiếng Việt đầu tiên ghép hai động từ để chỉ hai động thái đi liền nhau là hạ và đặt. Sau gần hai tuần xuất hiện, từ hạ đặt đã được tất cả các cá nhân, và các hội đoàn như Hội Luật gia Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… sử dụng khi lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm lấn trái phép vùng đặc quyền kinh tế của nước ta . Không thấy người nào, hội đoàn nào dùng lại những cụm từ dùng hôm 5-5-2014 là đặt giàn khoan xuống. Tại sao người ta không theo cách dùng quen thuộc là đặt giàn khoan xuống? Tuy từ hạ đồng nghĩa với từ xuống, nhưng nếu dùng từ xuống thì nó nhất thiết phải đứng sau từ đặt . Trái lại từ hạ được đứng trước từ đặt, giống như cách tạo từ của ngữ pháp Trung Quốc. Phải chăng người tạo từ này cho rằng khi ghép hai động từ hạ , đặt liền nhau đã gây cảm giác ngữ điệu có vẻ mạnh lên? Hoặc chỉ là do tâm lý sính dùng từ gốc Hán cho rằng hạ đặt có vẻ trí thức, biết “nói chữ” sang trọng, còn đặt xuống là cách nói nôm na quê mùa của người ít học? Nếu như từ hạ đặt được ra đời từ xa xưa khi từ hạ còn là một từ Hán chưa được Việt hóa với từ đặt là từ thuần Việt thì đó là cách kết cấu tạo từ của ngữ pháp Trung Hoa, hoàn toàn trái với ngữ pháp Việt Nam. Có lẽ chúng ta hãy chờ xem qua thời gian có khi rất dài, để biết từ mới này có đủ sức sống để tồn tại và lan tỏa được vào các lĩnh vực khác của cuộc sống hay không. Ngày 15 -5-2014
|