RFA 17-4-13 Canhco's Blog Trầm Bê và Đảng ai là đại gia?
Trong khi
câu chuyện sửa đổi hiến pháp còn
râm ran trên các trang mạng thì
xảy ra vụ “chùa Trầm Bê” làm ít
nhiều không khí hứng khởi của
Điều 4 nhạt đi. Người đọc cảm
thấy câu chuyện của đại gia Trầm
Bê có vẻ dính dáng ít nhiều tới
đời sống tâm linh của mình, nhất
là phật tử, hơn là mùi vị chính
trị vừa ngai ngái lại xa vời với
chén gạo nồi cơm trong nhà.
Thật ra hai câu chuyện có liên hệ “hữu cơ” rất mật thiết hơn nhiều người nghĩ. Gia đình đại gia Trầm Bê và Đảng Cộng sản Việt Nam trên căn bản rất gần nhau về bản chất và quá trình tiến tới thành công như ngày nay. Nói không quá lời thì gia đình này là bản sao được thu nhỏ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo chí viết rất kỹ tiểu sử của toàn bộ thành viên gia đình đại gia Trầm Bê sau khi vụ mất sừng tê giác xảy ra cho thấy sự phấn đấu của một gia đình xuất thân từ nghèo khó, thiếu học chỉ sau một thời gian rất ngắn đã chiếm lĩnh gần như tất cả danh vọng, quyền lực, ngôi vị để tiến đến tham vọng cuối cùng là mang hình ảnh gia đình mình trấn trước chánh điện của nhiều ngôi chùa mà Trầm Bê bỏ tiền ra xây dựng. Theo báo chí, Trầm Bê là con cả trong một gia đình nghèo 4 người con tại Trà Vinh. Tuổi thơ cơ cực khiến ông có khát vọng vươn lên làm giàu và bắt đầu sự nghiệp tại công ty chế biến lâm sản Đông Anh. Chỉ trong vòng 10 năm, Trầm Bê tiến quân vào bất động sản, thành lập bệnh viện tư Triều An với nhiều ưu đãi của nhà nước, rồi công ty thủy sản Sơn Sơn và sau cùng là tiến vào ngành ngân hàng với nhiều vị trí lớn. Từ Ngân hàng Phương Nam tới Sacombank, Trầm Bê dần dần nắm trọn cơ cấu và tiến cử ba người con là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa trở thành những đại gia như mình. Trầm Bê sinh năm 1959 con út là Trầm Khải Hòa sinh năm 1988. Cả nhà gom lại gia tài trên ba ngàn tỷ. Con út là triệu phú đô la nổi tiếng trẻ nhất Việt Nam. Tiểu sử cả nhà họ Trầm rất ngắn, ngắn hơn tiểu sử thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng quá trình thì lại giống nhau. Trầm Bê xuất thân là gia đình nghèo. Đảng Cộng sản được gây dựng nên cũng từ thành phần cố nông. Khát vọng Trầm Bê là phải làm giàu vì nghèo. Khát vọng của Đảng Cộng sản là nắm chính quyền, một hình thái khác của tham vọng giàu có và quyền lực. Trầm Bê tiếp tay phá rừng, đôi khi trực tiếp làm lâm tặc trong mười năm tại công ty chế biến lâm sản Đông Anh, kiếm tiền móc nối với chính quyền các cấp và tiến xa hơn vào những lãnh vực mà cả nhà chưa có ai được đào tạo là bất động sản và ngân hàng. Đảng Cộng sản đấu tố trong cải cách ruộng đất, một hành động không khác phá rừng của Trầm Bê là mấy, khác ở điều Trầm Bê đốn cây còn Đảng đốn người, nhằm triệt hạ địa chủ thì ít mà dằn mặt, phá hủy tận cùng bản sắc thuần hậu của nông dân Việt Nam thì nhiều với mục đích duy nhất là nắm chặt và phát triển quyền lực. Trầm Bê sau khi tắm rửa khuôn mặt của một lâm tặc, móc nối với tham quan tiến nhanh tới mục đích làm giàu trong thời gian kỷ lục. Đảng Cộng sản sau khi lãnh đạo thành công cuộc chiến tranh chống Mỹ đã tắm rửa và thay đổi bộ áo vì nhân dân, tiến tới làm giàu cho từng đảng viên, những kẻ có công với Đảng. Lãnh đạo càng cao, bổng lộc càng lớn, cuối cùng tập trung quyền lực vào bốn khuôn mặt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng. Bốn vị này không hề thua kém đại gia Trầm Bê bất cứ lãnh vực nào. Họ cũng đáng gọi là đại gia, đại gia Đảng. Trầm Bê ít người hơn, quyền lực và tiền bạc tập trung vào vợ chồng con cái tổng cộng 5 người cùng giòng họ bà con hơn chục người nữa. Tất cả chia nhau chiến lợi phẩm lấy từ xã hội và nhân dân. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là chuyện Trầm Bê treo hình ảnh gia đình mình ở những nơi tôn nghiêm sau khi cúng dường tiền xây chùa. Ý muốn này thật ăn khớp với ý muốn của Đảng Cộng sản Việt Nam treo điều 4 trong Hiến Pháp, ngôi nhà thâm nghiêm của cả dân tộc, sau khi lấy xương máu nhân dân Việt Nam lập thành chiến tích riêng cho đảng của mình. Trầm Bê lộng hành vì không hiểu hết văn hóa của dân tộc, cốt lấy khiêm cung mà tu dưỡng bản thân chứ không phải dùng tiền để mua một chốn mà y cho là vĩnh hằng ở cõi tạm này. Đảng Cộng sản Việt Nam không biết được sức mạnh thật của quần chúng sau bao năm xa rời họ và lãnh đạo bằng bạo lực. Treo điều Điều 4 trong Hiến pháp chỉ làm cho Đảng sớm vong thân chứ không thể là lá bùa treo yễm lòng căm phẫn của người dân. Giống như Trầm Bê chọn sự hối lộ sư sãi để ngang hàng với thánh thần, Đảng chọn con đường kể công như một sự hối lộ cho tầng lớp đảng viên để treo hình tượng của đảng mình trong hiến pháp với ước muốn thống trị dân tộc đời đời. Lấy Trầm Bê để soi rọi việc làm của Đảng không có gì chính xác hơn và có lẽ đây là cơ hội giúp mọi người nhìn Đảng rõ hơn, nhất là những đảng viên chân chính. Giống như những tín đồ Phật giáo chân chính thấy được Trầm Bê đã lợi dụng lòng tin của mình như thế nào khi bước vào ngôi chùa tôn nghiêm lại phải cúi đầu lòn qua cả nhà Trầm bê đứng ở nơi cao nhất. Và 90 triệu người dân Việt có sẵn lòng chui dưới bảng Hiến pháp có Điều 4 đang ngự trên ấy hay không? Ảo tưởng của Trầm Bê kéo theo lời khinh bỉ, miệt thị. Áo tưởng của Đảng kéo theo cách mạng và máu. Tấm hình gia đình Trầm Bê sẽ bị xé nát không chóng thì chày bởi những tín đồ Phật giáo chân chính. Điều 4 của Đảng cũng sẽ trong hoàn cảnh tương tự nhưng khác ở chỗ: nó sẽ bị xé bằng máu, còn ít hay nhiều tùy thuộc vào âm đức tổ tiên.
|