Người Đô Thị Sự sai lầm của quy hoạch
Trần Trung Chính
Các nhà quy hoạch lập đồ án quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch là việc của nhà quản lý. Theo quy trình này nếu có đồ án quy hoạch tốt (với nghĩa khả thi chẳng hạn), thì việc quản lý xây dựng sẽ dễ dàng. Vậy, câu hỏi cần đặt ra, làm thế nào để có quy hoạch tốt? 1. Chúng ta đều biết hầu hết công tác quy hoạch đều ít nhiều dứt khoát tác động vào một lãnh thổ (làng mạc, ruộng đồng, thị tứ, thị trấn…) có con người đang cư trú, sản xuất, và nó (quy hoạch) có vai trò đầu tiên tham gia xây dựng các khu định cư, sản xuất mới (khu đô thị mới, khu công nghiệp mới…). Tóm tại các hoạt động quy hoạch ở nước ta đang trực tiếp ảnh hưởng đến sự định cư của hàng triệu người vốn sống ổn định qua hàng trăm, hàng nghìn năm – rồi tiếp tục thay đổi trạng thái sống của họ bằng việc lập nên các khu đô thị mới. Nhưng chúng ta đã và đang chứng kiến rất nhiều làng mạc, thị trấn, đồng ruộng… là không gian cư trú bền vững của người dân bị xáo trộn, thu hẹp, ô nhiễm... sau khi quy hoạch và thực hiện quy hoạch (trên hàng vạn, trăm ha đất nông nghiệp mỗi năm). Tình trạng thất nghiệp, ly hương (mỗi năm chừng một triệu người di vào đô thị) diễn ra ngày càng trầm trọng. Nghĩa là ở trường hợp thứ nhất, những người bị thu hồi đất, mất đất thường lâm vào cảnh khốn khó. Ở trường hợp thứ hai, các chủ đầu tư sau khi có đất dùng nó xây các khu đô thị mới (hiện đã có hơn 700 đô thị), rất nhiều trong số đó đã không thành công với hàng triệu m2 bất động sản không người ở, hàng nghìn tỷ đồng chôn vào đất. Chưa kể khối đất đai, tiền bạc khổng lồ cũng đang nằm chết trong các khu công nghiệp đã được quy hoạch. Trước “hai sự khốn cùng của người mất đất, lẫn người chiếm được quá nhiều đất” tất nhiên không thể chỉ buộc tội cho mỗi quy hoạch, nhưng quy hoạch đã góp phần tạo ra thảm trạng đó. 2- Trở lại câu hỏi vậy làm thể nào để có quy hoạch (bản chất là phân chia đất đai theo yêu cầu phát triển) tốt? Phải trả lời được các câu hỏi sau (trước khi quy hoạch tác động vào một môi trường định cư cũ, hay thiết lập môi trường cu trú mới ): (1) Những con người ở đó đang sống ổn định bằng gì vậy? (2) Bằng những cách tác động nào để họ tiếp tục sống ổn định, có thu nhập cao hơn, hạnh phúc hơn?.. Tức là bắt buộc phải nghiên cứu định cư con người (human settlements), rất tiếc thuật ngữ “định cư con người” với ý nghĩa là một môn khoa học tổ chức sống của con người chưa hình thành ở VN. Những nghiên cứu bước đầu của chúng tôi cho thấy những khu vực định cư bền vững của con người dựa trên sáu thành tố chính: 1-Tài nguyên thiên nhiên (theo nghĩa rộng nhất: vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm..). 2- Khả năng sinh kế, khai thác tài nguyên ( nguồn việc làm, việc làm- kỹ năng khai thác tự nhiên đảm bảo tạo ra nguồn thức ăn từ tài nguyên, duy trì và tăng nhân khẩu tại chỗ) . 3 - Cách tổ chức sống (gồm các phạm trù thể chế hành chính, sản xuất, văn hóa ). 4- Các kiểu cư trú (quần thể giao thông, kiến trúc ở, công trình sản xuất, dịch vụ công cộng… ). 5- Khả năng cộng sinh với các đơn vị định cư khác (liên kết, trao đổi, hợp tác, phát triển phụ thuộc lẫn nhau..). 6- Khả năng chống đỡ thiên tai và tự vệ trước kẻ xâm lược (cộng đồng cư dân bảo vệ thành công lãnh thổ định cư của nó trước thiên tai và kẻ thù). Có thể nhận xét ngay rằng, trong sáu thành tố làm nên sự định cư chỉ có 1 thành tố đầu tiên thuộc thiên nhiên, 5 thành tố còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào con người (giải thích tại sao những vùng đất rất nghèo tài nguyên vẫn có thể giầu có). Hiện chúng tôi đang sử dụng các thành tố này để đánh giá di sản định cư của người Việt và coi nó vừa là kiến thức nền, vừa là đầu bài cho mỗi đồ án quy hoạch nông thôn, đô thị. Nghiên cứu định cư không mới, nó được khởi từ năm 1976 tại Vancouver (Canada ) khái niệm “ human settlements” được xem như một khuôn khổ (mục tiêu phải áp dụng ) với các “mô hình định cư bền vững”, khẳng định: “ Các khu định cư sống tốt (dù mới hay cũ) là một điều kiện hàng đầu cho phát triển kinh tế- xã hội. Không có tiến bộ xã hội, không có tăng trưởng bền vững nếu không xây dựng, bảo tồn được hệ thống mạng lưới các khu định cư hiệu quả.” Có lẽ muốn tránh được “hai thảm họa” tôi đã nêu ở trên, cần bắt đầu tổ chức nghiên cứu định cư, trước khi quá muộn.
|