RFA 11-5-15

Giới trí thức và diễn văn bế mạc của TBT

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
 

Giới trí thức  cho rằng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 11 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhấn mạnh đến phẩm chất của Ủy viên Ban chấp hành trung ương cần phải hội đủ những tiêu chuẩn vượt quá những gì mà trên thực tế không một cá nhân nào có thể đạt được là chỉ dấu của sự cạn kiệt về lý luận cũng như thực tiễn mà vấn đề nhân sự của Đảng đang đối diện.

Vấn đề nhân sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đang là đề tài nóng bỏng trong nội bộ của Đảng, đặc biệt qua kỳ họp trung ương 11, và nhất là diễn văn bế mạc trong đó TBT thể hiện đầy đủ các câu hỏi mà dư luận trong lẫn ngoài Đảng quan tâm.

Lập lại cái cũ bằng xảo thuật ngôn ngữ

Bài diễn văn được lắng nghe trong tâm lý chờ đợi kết quả của những xung đột ngầm đã xuất hiện từ Hội nghị trung ương 6 khi vai trò của ông Nguyễn Tấn Dũng có dấu hiệu lung lay, thậm chí có thể dẫn tới sụp đổ. Mặc dù ông Dũng vẫn ngồi lại cho đến nay qua suy luận của giới quan sát là ông đang âm thầm vận động chiếc ghế TBT trong khóa tới và người ta chờ đợi kết quả mà giới cá cược chính trị cho rằng phải có điều gì đó khác những đại hội lần trước qua bài diễn văn bế mạc đại hội như thường thấy.

Đặt những nhận định về cuộc chiến quyền lực đang tranh giành chiếc ghế Tổng bí thư sang một bên, giới trí thức tập trung nhận xét về những chi tiết mà ông TBT đề cập về mặt phẩm chất của một Ủy viên trong Ban chấp hành trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong đó có đoạn:

“Ủy viên Bộ chính trị Ban Bí thư phải là những đồng chí thật tiêu biểu của Ban Chấp hành Trung ương. Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý. Có tầm nhìn và tư duy chiến lược. Có khả năng phân tích dự báo tổng hợp đề xuất những vấn đề mới một cách đứng đắn. Có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chinh trị. Biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài. Đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ”.

Ngoài ra về phẩm chất cá nhân liên quan đến yếu tố đạo đức ông TBT đòi hỏi phải “Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.”

...Tôi thấy kinh nghiệm qua những lần đại hội, trừ Đại hội 6 mở đầu cho một tinh thần đổi mới có mức độ, còn tất cả sau đó chẳng qua lập lại cái cũ bằng xảo thuật ngôn ngữ mà thôi.Ông Huỳnh Kim Báu

Nhận định chung của mọi người đều cho rằng hàng loạt phẩm chất cao quý đó trong một con người hoạt động chính trị thật không khác gì tấm áo choàng phù phiếm mà bất cứ chính phủ nào cũng không thể tìm ra, kể cả chính phủ dưới sự giám sát của một đảng như Việt Nam hiện nay. Phẩm chất cách mạng từ khi đảng Cộng sản được thành lập qua thời gian đã lộ ra những mặt trái không trung thực và vì vậy người nghe đã phần nào nghi ngờ sự lý tưởng hóa phẩm chất này nhằm hướng dẫn quần chúng vào một hướng khác thay vì vào người thật, việc thật.

Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội trí thức TP. HCM cho biết suy nghĩ của ông về những điều mà TBT đưa ra:

-Tôi thấy kinh nghiệm qua những lần đại hội, trừ Đại hội 6 mở đầu cho một tinh thần đổi mới có mức độ, còn tất cả sau đó chẳng qua lập lại cái cũ bằng xảo thuật ngôn ngữ mà thôi. Thí dụ bài phát biểu này của Nguyễn Phú Trọng thì dân chủ là sao? Sao là trong sạch. Dân tin, làm sao mà tin? Nói là dân bầu nhưng mà ai ứng cử? Đảng đưa lên cho dân bỏ phiếu!

Chúng tôi thất vọng cho cái bài diễn văn đó nó không mang nội dung gì mới mới. Chẳng qua là xảo thuật, còn cụ thể cái đó là không rõ ràng. Thí dụ như liêm khiết thì thế nào là liêm khiết? Phải minh bạch thì thế nào là minh bạch? Cuối cùng thì nhân dân biến thành nạn nhân mà thôi.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu cùng một nhận xét về cách mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề về phẩm chất:

-Tiêu chuẩn cao quá chắc là chả có người nào đạt được như thế đâu. Chả có vị nào liên tiếp yêu dân yêu nước đến như vậy nhưng công thức thì vẫn cứ nói như vậy.

Nếu là người khôn ngoan thì dù là lập trường của họ có cổ hủ đến đâu thì cũng cố tìm những lời cho nó hợp thời một chút chứ nói toàn những câu quá ư cổ hủ rồi, không có không khí của thời kỳ đổi mới tí nào. Có người bảo ông này ổng khôn ngoan lắm nhưng tôi nghĩ có thể khôn trong mánh khóe đấu tranh nội bộ gì đó chứ còn về ngôn luận thì rõ ràng không thể là người khôn ngoan.

Tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin

Trong khi hội nghị tiến hành Trung Quốc vẫn có những hoạt động trái phép tại Biển Đông nhưng không một chữ nào nhắc tới trong bài diển văn kết thúc. Phải chăng đã có sự đồng thuận nào đó trước vấn đề này? Phó Giáo sư Hoàng Dũng nhận định:

-Đây không phải là một sự đồng thuận rồi mà đó là sự nhạy cảm. Khi nói ra thì có người đồng ý có người không. Tránh sự bất đồng càng nhiều thì càng tốt cón nếu bày tỏ một ý kiến gì chăng thì họ lại quay sang khẳng định lập trường hay còn gọi là biểu diễn lập trường. Tôi nghĩ đó cũng là vấn đề chính trị họ tính toán trong tương quan lực lượng chứ không phải vì quyền lợi của người dân.

Điều mà PGS Hoàng Dũng cho là biểu diễn lập trường có lẽ từ câu nói khẳng định của ông Nguyễn Phú Trọng: “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hàng loạt các nước theo chủ nghĩa Mác-Lênin, gần nhất là Ukraina, vừa giật sập bức tượng Lê Nin vào tháng trước nhưng TBT vẫn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin là ngôi sao dẫn đầu cho người lãnh đạo cả nước thì có vẻ đi ngược với trào lưu cả nhân loại. Nhận xét về chủ nghĩa này, chuyên gia cao cấp Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho biết:

-Chủ nghĩa Mác-Lênin nó không phải ở cái câu chữ nó không phải ở cái giáo điều, nó không ở trong một mô hình cụ thể mà nó ở những cái có tính phương pháp luận. Công bằng mà nói thì phép biện chứng rồi chủ nghĩa duy vật và một loạt những hệ thống lý luận thì tôi cho đấy là thành tựu triết học của loài người. Cái sai lầm ở chỗ là giáo điều đi theo canh vào câu vào chữ sùng bái một mô hình nào đó mà chưa chắc mô hình ấy là đúng, đấy là người ta gán cho nó là mô hình của chủ nghĩa Mác-Lênin chứ chưa chắc đã phải là như vậy

Theo GS Vũ Minh Giang tâm lý của người Việt gắn bó với chủ nghĩa này từ khi cuộc kháng chiến dành độc lập mở đầu và ông cho rằng Ông Trọng theo đuổi nó cũng là điều dễ hiểu, ông nói:

-Chủ nghĩa Mác Lê-nin đối với Việt Nam nó có hai cái cần phải làm cho nó tường minh. Thứ nhất chủ nghĩa Mác Lênin được Nguyễn Ái Quốc và Đảng cộng sản tìm được như là một con đường để đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau đó thì công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc này nó dài dằng dặc không phải một ngày một bữa mà kết thúc được ngay. Người Việt Nam phải cầm súng vì sự độc lập của dân tộc từ sau năm 1885 tức là khi kinh thành Huế thất thủ phải đối phó với người Pháp liên tục, rồi sau đó là 9 năm kháng chiến rồi Geneve ….có hiểu như thế thì mới thấy được tại sao người Việt Nam nó có cái gắn bó với chủ nghĩa Mác-Lênin nó khác lắm đối với người không có hoàn cảnh lịch sử ấy.

Tuy nhiên hầu hết những nhà viết sử và hoạt động chính trị đều cho rằng chiến thắng và dành được ước mơ độc lập không hẳn từ chủ nghĩa này mà do xương máu của người dân trong các cuộc chiến ấy. Vinh danh một chủ nghĩa đã tỏ ra lỗi thời, lạc hậu đã bị hầu hết các nước theo nó từ bỏ không phải là cách làm của một chính phủ do dân bầu ra và từ đó giới trí thức hầu như thất vọng hoàn toàn khi nghe bài diễn văn quan trọng này.