Có hai loại
trò chơi mà cho đến thời điểm
này vẫn còn rất hiệu dụng, đắc
địa mà nhà nước Cộng sản nói
chung và ngành công an của họ
nói riêng vẫn đang dùng, đang áp
dụng triệt để, đó là: Phân mảnh
thông tin và Tung hỏa mù.
Chặn
luồng và đưa tin trên các phương
tiện truyền thông
Trước tiên,
bàn về phân mảnh thông tin, đây
là trò chơi có tính phổ quát
trong chủ trương và căn tính của
nhà nước Cộng sản. Đặc biệt,
những ai là cư dân mạng và từng
bị làm việc với công an sẽ dễ
dàng nhận thấy điều này. Phân
mảnh thông tin hầu như bao trùm
trên mọi lĩnh vực, nhưng điểm
xoáy của nó vẫn là thế giới mạng
và cư dân mạng.
Về thế giới
mạng, cho đến thời điểm này, nhà
nước Cộng sản vẫn tuyên bố mình
không hề dùng tường lửa, không
hề ngăn chặn facebook và một số
trang mạng có tính bất lợi cho
nhà cầm quyền. Nhưng trên thực
tế thì không phải thế, họ có kĩ
thuật chặn phân mảnh và cục bộ
theo từng đơn vị mà họ cảm thấy
đó là nhạy cảm.
Ví dụ như:
Một số vùng ở miền Trung Việt
Nam hoàn toàn không biết gì về
facebook và không bao giờ vào
facebook được. Đương nhiên, nếu
như cư dân ở vùng này phản ảnh
vấn đề này lên cơ quan bưu
chính, không bao lâu sau đó, họ
vào facebook bình thường. Nhưng
cũng không bao lâu sau nữa, nó
lại bị chặn. Trong khi đó, ở Sài
Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn
Việt Nam, facebook không bị chặn
hoặc chỉ bị chặn trong những
ngày lễ, có sự kiện đặc biệt.
Và nếu như
những thành phố lớn không bị
chặn facebook thì việc vào đọc
trang Bauxite Việt Nam hoặc RFA,
BBC, VOA… nghe có vẻ rất khó,
hiện tượng rớt mạng thường xuyên
xãy ra mỗi khi vào các trang
này. Cách đây chừng một năm, ở
khu vực tây Nguyên, đặc biệt là
Đức Cơ, Nhân Cơ (hai vùng có mỏ
khai thác quặng bauxite do công
nhân và nhà thầu Trung Quốc thi
công), vào facebook và Bauxite
Việt Nam hoàn toàn không được,
phải dùng nhiều cách để vượt
tường lửa, để giấu IP của máy
mới vào được.
Không cần
bình luận gì nhiều cũng có thể
kết luận rằng nếu nhà cầm quyền
Cộng sản thả lỏng các trang này
ở vùng này, nguy cơ của họ rất
cao khi người dân tìm hiểu và
biết được mối nguy hiểm từ công
trình bauxite, đặc biệt là khi
người dân có kiến thức về chính
trị, hiểu ra thế nào là “mái nhà
Đông Dương”, “điểm trọng yếu
chiến lược”… đã rơi vào tay
Trung Quốc, rất có thể, Tây
Nguyên đã là khu vực biểu tình
nổi cộm nhất trong nhiều năm chứ
không phải là Sài Gòn hay Hà
Nội.
Và, ngay
trong cả việc đưa tin về một sự
kiện nào đó có tính nổi cộm, bất
lợi cho chế độ độc tài, kĩ thuật
phân mảnh của họ cũng được sử
dụng rất tinh vi. Ví dụ như vụ
TS Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong
nhà tù, thay vì hoặc im lặng,
hoặc đưa đúng tin thật để đảm
bảo tính khoa học của báo chí
hoặc là lật lọng, nói ngược.
Nhưng họ đã không làm thế, họ
chỉ đưa đúng một mảng tin (xạo)
về sinh hoạt, ăn ở và điều kiện
sống trong phòng giam của TS Vũ,
bản tin VTV1 dừng lại ở vấn đề
đời sống, sinh hoạt của ông. Và
không hề bình luận gì về việc
ông có tuyệt thực hay không,
hoàn toàn không có lời khẳng
định nào trong cái gọi là phóng
sự này.
Ở một bản tin khác trên báo Nhân
Dân, một tờ báo “ruột” của đảng
Cộng sản, họ lại đưa một tin
ngắn, không nói về sinh hoạt của
TS Vũ mà chỉ đưa ra lời khẳng
định là hoàn toàn không có
chuyện tuyệt thực. Theo trình tự
này, ban đầu, họ tung hỏa mù
thông tin để dư luận phân vân,
không biết đâu là thật, đâu là
giả (vì suy cho cùng, hơn chín
mươi triệu dân Việt Nam vẫn bị
chi phối nặng nề bởi thông tin
nhà nước, tỉ lệ người đọc tin
phi nhà nước thấp hơn rất nhiều,
đó là chưa kể đến một bộ phận
“bán tín bán nghi” vì vẫn vừa
nghe tin nhà nước vừa nghe lóm
tin ngoài luồng thông qua những
người quen là cư dân mạng).
Đến khi báo
Nhân Dân tung tin TS Vũ không
tuyệt thực, thì mọi chuyện trở
nên rối mù, và mục tiêu của nhà
cầm quyền là làm cho thông tin
rối mù, còn một nửa sự thật cho
cả hai bên, vì giữ được một nửa
sự thật trong thế giới tin tức
còn được bao lâu thì chừng đó
vẫn còn thành công trong độc
tài. Công thức mị dân của nhà
độc tài luôn là “một nửa sự
thật” cộng với vũ lực và miếng
ăn.
Tung hỏa
mù lấy cung
Những nhà
dân chủ, những blogger, nếu từng
bị làm việc với công an đều có
kinh nghiệm này: Cơ quan an ninh
không bao giờ giao cho họ một
bản (dù là photocopy) biên bản
làm việc. Dù có đấu tranh cách
gì, cũng hiếm có trường hợp được
giao cho một biên bản mang về
mặc dù trên nguyên tắc pháp qui
thì một khi đã có biên bản thì
phải có hai bản, mỗi bên giữ một
bản. Không phải công an họ không
hiểu điều này, nhưng họ cố tình
lờ đi vì một thứ mục tiêu và
chiêu trò khác.
Lẽ thường,
không có một nhà hoạt động dân
chủ hay một blogger nào chấp
nhận khai thật hoạt động, công
việc và quan hệ của mình cho an
ninh cả. Chắc chắn là thế, trừ
một vài người thần kinh không
bình thường hoặc thuộc diện “hai
mang” thì câu chuyện khác đi.
Còn lại, không một ai đủ điên rồ
mà tin tưởng an ninh Cộng sản,
đó là sự thật, một “tất yếu lịch
sử”.
Chính vì
thế, công an buộc phải tung hỏa
mù với các nhà dân chủ, các
blogger bằng nhiều cách trong
lúc hỏi cung (mặc dù họ không
được phép hỏi cung một khi chưa
đủ cơ sở pháp lý để kết tội đối
phương, nhưng họ vẫn làm thế),
đưa ra những câu hỏi đóng, thay
vì “anh chị có biết những người
A, B, C… này không?” thì họ hỏi
“anh chị đang làm việc với A, B,
C như thế nào?”. Xét về khoa học
hình sự, đây là một kiểu ép cung
trá hình.
Và sau hai
hoặc ba ngày làm việc, họ sẽ
chốt vấn đề bằng cách đe nẹt,
dọa dẫm, bắt viết tờ cam kết
“không phản động”, đọc qua loa
biên bản rồi cho ký tên và sau
đó là an ủi vài câu nhẹ nhàng
trước khi ra về. Mấu chốt vấn
đề: Không bao giờ giao bất kì tờ
biên bản làm việc nào cho người
bị khai.
Đó cũng là
kĩ thuật tung hỏa mù khá tinh vi
của an ninh Việt Nam, vì những
lời khai đó không phải là lời
khai thật, đó là những lời cung
đối phó tình thế. Và trong suốt
mấy ngày làm việc, người hoạt
động dân chủ, blogger phải căng
não để đối phó từng tình huống,
đến khi chuẩn bị ra về, thấy
mình “an toàn”, không bị bắt,
thường rơi vào tâm lý chủ quan,
làm mọi thủ tục cho xong chuyện
để ra về.
Đây là điểm
yếu căn bản của người làm việc
với an ninh. Và cũng là nguyên
nhân vì sao, ngoại trừ những
blogger kì cựu hoặc những nhà
dân chủ làm việc quá tinh vi,
phần lớn các blogger và nhà dân
chủ đều bị bắt sau hai hoặc ba
lần làm việc với công an. Bởi
trong quá trình làm biên bản, họ
không giao biên bản cho “đối
tác”, mà những lời khai đối phó
tình huống thì làm sao mà nhớ
cho trọn vẹn. Đương nhiên, lần
khai sau sẽ có những chi tiết
sai lệch so với lần khai trước
và trong vài lần sai lệch như
thế, an ninh sẽ mò ra được điểm
yếu của nhà hoạt động dân chủ,
blogger, để sau đó phát lệnh bắt
khẩn cấp, đánh đòn tâm lý trấn
áp và cuối cùng là đạt được mục
đích: Bắt nhốt, ghép tội!
Chính vì
thế, những ai từng làm việc với
công an, an ninh, phải nhớ đọc
thật kĩ, từng chi tiết của biên
bản trước khi ký, thậm chí có
thể dùng những chi tiết “nhạy
cảm” để bác bỏ hoặc tranh luận
trong chốc lát với nhân viên an
ninh để tạo dấu ấn tiềm thức, để
ấn tượng và ghi nhớ những chi
tiết này, dùng cho lần sau nếu
thấy cần. Tuyệt đối không chủ
quan mà ký tức thì để ra về, vì
như thế vài ngày sau sẽ quên mất
nội dung làm việc và lần làm
việc sau sẽ rất có thể là lần bị
bắt, bị ghép tội.
Dường như
những chiêu trò phân mảnh và
tung hỏa mù vẫn còn đang là trò
chơi rất đắc địa của ngành an
ninh Cộng sản. Đó cũng là yếu
điểm của họ nếu như các blogger,
nhà dân chủ nhìn thấy. Vì, bao
giờ, một người lựa chọn hướng đi
dân chủ cũng thông minh hơn kẻ
độc tài vài bậc, nếu có thua,
thì chỉ thua thủ đoạn, mà thứ
này có thể khắc phục được!