RFA 5-6-13Trồng cây cao su, nông dân Gia Lai vỡ nợ và tuyệt vọng
Uyên Nguyên, thông
tín viên RFA, Việt Nam
Mười hai năm sau… Nếu như trước đây 12 năm, đi ngang qua quốc lộ 14, đoạn từ thành phố Plâyku đến huyện Chư Sê, sẽ được nghe người ta nhắc nhiều nhất về mũi nhọn kinh tế trồng cao su lấy mủ, lấy gỗ, sự lớn mạnh của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và sự vụ Tin lành Đề Ga. Thì sau đó 12 năm, đi ngang qua con đường này, những câu chuyện lại cũng xoay quanh ba vấn đề này theo một chiều hướng khác. Nếu như trước đây tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được không ít người xem là thánh địa của sự cứu rỗi sức lao động cho đa phần cư dân nghèo Tây Nguyên thì bây giờ, nó được xem là thủ phủ, tổng hành dinh của một trạm lâm tặc lớn nhất Đông Nam Á, và dự án trồng cao su lấy mủ, lấy gỗ, một dự án nông nghiệp tràn trề hy vọng trước đây thì bây giờ trở thành một đống nợ kinh hoàng đối với bà con nông dân tỉnh Gia Lai. Dưới cái nắng trưa gay gắt của Tây Nguyên, những người nông dân hì hục đào bứng từng chiếc rễ cây cao su để lấy mặt bằng canh tác. Gặp một người nông dân, hỏi thăm về tình hình cây cao su ở đây, người đàn ông trạc 50 tuổi này lấy tay áo quệt mồ hôi và nói như khóc rằng đây là nỗi khổ lớn nhất của ông, từ thời cha sanh mẹ đẻ đến giờ, ông chưa bao giờ bị dính một vố quá nặng như bây giờ, sự nghiệp làm rẫy suốt ba mươi mấy năm của ông cộng với một khoản vay nợ ngân hàng lên đến hơn nửa tỉ đồng bây giờ trở thành những đống củi khó chịu. Ông giải thích thêm sở dĩ nói nó là đống củi khó chịu vì thời bây giờ, cũng ít ai nấu nướng bằng củi để mà bán, hơn nữa, cây cao su khi đốt lên, khói tỏa ra mùi khét, khó mà dùng làm củi, còn bán gỗ thì cây cũng chưa đủ lớn để sản xuất bất cứ thứ gì, chỉ biết đào ra để đó, ai chở đi giùm chừng nào, mừng chừng đó. Suốt ba tháng trời hì hục đào bới cùng hai mươi người nữa cộng với một chiếc xe múc để giải phóng mặt bằng rừng cao su, ông tốn gần hai trăm triệu đồng mà vẫn chưa có được đất để canh tác. Nghiệt nỗi là xong vụ dọn cao su này, ông vẫn chưa biết sẽ trồng cây gì trên mảnh đất đã cằn cỗi của mình. Một người phụ nữ cũng đang thu gom cây cao su ở cánh rừng liền kề, cách nơi người đàn ông vừa nói chừng 1500 mét cho chúng tôi biết thêm là kế dự án trồng cao su ở Gia Lai hoàn toàn phá sản, hàng trăm gia đình nông dân cùng vài chục ngàn hecta cao su bị thua lỗ vuốt mặt không kịp. Trước đây, lúc mới trồng rừng cao su, gia đình bà khấp khởi vui mừng khi vay được hơn ba trăm triệu đồng của ngân hàng để mua giống, đầu tư, và hy vọng rằng sau này, khi thu hoạch mủ cao su, bà sẽ lấy lại được số vốn hơn năm mươi lượng vàng của gia đình bà gom góp mấy chục năm nay nhờ trồng tiêu, làm rẫy cộng với ba trăm triệu đồng vay ngân hàng. Bà cũng ước lượng thu hoạch mủ chừng mười năm sẽ có lãi, sau đó, chừng hai mươi lăm năm, bà sẽ cho khai thác gỗ cao su để bán cho công ty Hoàng Anh Gia Lai, vì đây cũng là chiến lược của tập đoàn kinh tế này, họ đã khuyến khích nông dân trồng cao su để bán gỗ cây già cho họ. Và theo như bà nói, thì việc mua, tuyển chọn giống cao su, cũng có sự can thiệp của họ. Bỏ thì thương, vương thì tội Nhưng khi cây cao su đến tuổi khai thác mủ, vẫn chưa thấy gì, cạo mấy cũng không ra mủ, hết năm này sang năm khác lượng mủ chính vụ của cả mấy chục ngàn hecta cao su chỉ bằng sản lượng mủ lấy vét của vài chục cây cao su ở nơi khác. Suốt sáu năm ròng kể từ khi bắt đầu khai thác mủ, năm nào gia đình bà cũng phải còng lưng trả lãi ngân hàng và tiền thuê nhân công đi cạo mủ, năm nào cũng tốn vài ba chục triệu đồng trả công người lao động nhưng chẳng có kết quả gì ngoài mấy giọt mủ leo beo trông chẳng ra làm sao. Cuối cùng, gia đình bà quyết định phá cao su để đỡ phải bù lỗ. Vì theo bà thấy, bây giờ cây cao su hoàn toàn không có mủ, nếu để chờ thêm mười năm nữa để cây đủ già mà bán gỗ cho công ty Hoàng Anh Gia Lai thì cũng chẳng là bao nhiêu, vì trước đây công ty này dùng gỗ cao su để sản xuất, bây giờ công ty này dùng nguồn gỗ từ Lào và các loại gỗ tốt của Việt Nam trong sản xuất. Hiện tại, gỗ cao su ở Gia Lai không tiêu thụ được vì cây non, mà nếu để nó già, thì với giá thành chỉ nhích hơn củi một chút, nghĩa là từ ba trăm ngàn đồng đến một triệu đồng trên mỗi mét khối, thì cả rừng cao su cũng chỉ lấy vào vài chục triệu đồng tiền bán gỗ, chẳng thấm vào đâu. Nếu để nguyên một rừng cao su rồi chờ đợi thêm cả chục năm để bán được vài chục triệu đồng trong khi phải còng lưng trả lãi ngân hàng và trả tiền thuê nhân công lên đến cả vài trăm triệu đồng, tính kiểu gì cũng ra một đáp số là nhắm mắt mà phá sạch cao su cho rảnh của nợ. Sau đó trồng một thứ cây gì đó để gở được chừng nào hay chừng đó. Ngoài hai người nông dân yêu cầu giấu tên trong câu chuyện vừa kể, có hàng trăm nông dân ở Gia Lai lâm vào nợ nần, khốn đốn vì cây cao su. Theo một người nông dân cũng yêu cầu giấu tên khác cho biết thì nếu như đừng có dự án cao su, chỉ cần trồng đậu xanh, đậu phộng hoặc gieo mè trên diện tích đất này, mỗi năm cũng cho ra khoản tiền vài chục triệu đồng mà khỏi phải nợ nần chồng chất, mất trắng tài sản. Ông này tức tối nói thêm rằng đất Tây Nguyên là đất của cao su, chưa bao giờ thất bại, mãi cho đến khi nhà nước nhúng tay vào, làm dự án rầm rộ, tuyển chọn giống và bán cho nông dân trồng thì thất bại, đổ nợ trầm trọng, cánh rừng cao su trở thành rừng nợ và những hàng cao su thẳng thớm lại cho người nông dân cảm giác của những chắn song nhà tù. Một cán bộ lâm nghiệp về hưu, yêu cầu giấu tên, cho biết là trong dự án cây cao su ở Chư Sê nói riêng và Gia Lai nói chung, lẽ ra đã thành công nhưng vì nó đã bị chấm mút quá nhiều để rồi phải nhập loại cây cao su giống có giá rẻ bèo nhưng không cho sản lượng mủ. Cuối cùng, tiền vào túi quan, nợ bấu lưng dân. Rất tiếc, vì những lý do nhạy cảm, chúng tôi không thể nêu tên của những người trên đây. Câu chuyện cho cảm giác hư thực, có thể là thế! Nhưng những con số nợ khổng lồ vì cao su và những giọt nước mắt đau khổ vì nợ nần của người nông dân nhỏ xuống cánh rừng cao su của mình trên đất Gia Lai thì không hư thực một chút nào!
|