TIẾNG DÂN
Chủ nghĩa tư bản Việt Nam bắt đầu từ… Liên Xô!
Jackhammer Nguyễn Một
số chương của sách “Đông Âu anh hùng truyện” đang được trang
Viet-Studies đăng tải, trong đó, một số người mong đợi là nó sẽ tiết lộ
nhiều chi tiết hậu trường thú vị về những nhân vật đại gia Việt Nam phất
lên … từ dạo ấy (dạo Đông Âu sụp đổ). Tuy
chưa đọc hết quyển sách, người ta cũng thấy là, có thể những chi tiết
như thế sẽ xuất hiện không như mong đợi. Ngoài một số gương mặt đã trở
thành nhân vật công chúng như Nguyễn Quang A, Kiên “đầu bạc”, Trương Gia
Bình… tác giả cũng khá kín tiếng về nhiều nhân vật khác với những dòng
tên viết tắt. Nhưng đọc Đông Âu anh
hùng truyện, ta lại có thêm những ghi chép, những nhận định của
người trong cuộc, để khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản Việt Nam xuất
phát từ … Liên Xô, hay nói đúng hơn là từ cái thây ma của Liên Xô. Rõ
nhất là chương 1001 cách kiếm ăn
thuở Liên Xô tan vỡ. Thuở
Liên Xô sụp đổ là thời kỳ mà nhiều nhà kinh tế học gọi là chủ nghĩa tư
bản hoang dã, hay các sách giáo khoa Marxism gọi là thời kỳ tích lũy tư
bản, nôm na là thời kỳ tích góp tiền bạc để làm ăn về sau. Đa
số các nền kinh tế tư bản tự do phương Tây đều trải qua thời kỳ này, từ
cuộc chinh phục miền Tây, tìm vàng (gold rush) ở Mỹ, cho đến những hạm
thuyền thực dân Anh ở Ấn Độ, Pháp ở Đông Dương, Tây Ban Nha ở Nam Mỹ.
Một thời kỳ đầy máu và nước mắt. Theo
mô tả của tác giả Nguyễn Nam, thời kỳ tích lũy tư bản này của người Việt
ở Liên Xô cũng đầy máu và nước mắt, từ việc phân kim gom vàng cho đến
buôn rượu lậu, từ khuân vác hàng hóa chợ trời cho đến buôn lậu đô la.
Rồi cũng có sự tiếp tay của quan chức, cướp bóc, mãi dâm… Nếu có khác
chăng là sự lén lút rụt rè của người Việt trên một xứ sở không phải của
mình, và mình cũng không có sức mạnh để chinh phục như những thực dân
tiền tư bản Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha thuở trước. Từ
sự hỗn loạn tranh tối tranh sáng, những kẻ khôn ngoan lanh lợi nhất đã
nổi lên, với nhiều tài sản tích góp được, đúng thời cơ nước Việt Nam mở
cửa chấp nhận kinh tế thị trường, họ đã trở thành những nhà tư bản, được
pháp luật bảo vệ cũng giống như những đồng nghiệp của họ ở trời Tây. Có
thể có người sẽ phản biện lại chuyện Chủ nghĩa tư bản Việt Nam (hiện
nay) xuất phát từ Liên Xô, rằng nền kinh tế tư bản Việt Nam hiện nay
có rất nhiều vốn liếng từ đầu tư trực tiếp (FDI), hay là cũng xuất phát
từ cái nền của nền kinh tế thị trường miền Nam, có từ thời Việt Nam Cộng
hòa. Điều này không sai, nhưng theo tôi thì các “soái Đông Âu”, đóng vai
trò quan trọng nhất.
Những đại gia Việt Nam nổi lên từ Đông Âu và Liên Xô này, đại đa số xuất
phát từ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, họ am tường hệ thống cộng sản, thậm
chí họ là người của hệ thống, từ đó họ nắm lợi thế làm ăn khi Việt Nam
được mở cửa. Các công ty nước ngoài vào Việt Nam, cần đất đai, nhân
công, giao dịch giấy tờ… qua tay họ thì rất thuận tiện.
Những hoạt động kinh tế tại miền Nam được hồi phục trở lại cũng một phần
qua tay họ, ví dụ như việc may quần áo, làm nữ trang rẻ tiền tại vùng
Sài Gòn – Chợ Lớn trong những năm cuối thập niên 1980, được các “soái”
này làm đầu cầu chuyển sang thị trường Đông Âu mới mở, khát hàng rẻ
tiền. Bên
cạnh những điều kiện vật chất và kỹ thuật có lợi như thế, các nhà tư bản
Việt Nam gốc Liên Xô còn có một lợi thế nữa là lợi thế tâm lý của kẻ
chiến thắng. Sau năm 1975 đại bộ phận dân chúng miền Nam bị tê liệt vì
thua trận một phần, phần khác họ bị những kẻ chiến thắng đối xử không
công bằng.
Nhiều người miền Nam đã bỏ chạy, bằng con đường vượt biển, hay đoàn tụ
gia đình sau này, thì một đi không trở lại. Của cải họ tạo ra ở lại
phương Tây phần lớn, cũng có một số quay về nhưng không nhiều và không
thành công. Sự tích góp của cải của những người Việt từ miền Nam qua
phương Tây không thể bằng những người miền Bắc sang Đông Âu, vì họ sống
trong một xã hội đã có quy cũ, không phải tranh tối tranh sáng như Liên
Xô lúc sụp đổ.
Không những làm chủ nhân ông kinh tế, tài chính tại Việt Nam, và vẫn còn
làm ăn tại các nước Đông Âu, các đại gia Việt Nam gốc Đông Âu, hay gốc
miền Bắc Việt Nam vươn sang cả phương Tây, như một số tin gần đây nói là
ông Phạm Nhật Vượng có thể sẽ lắp ráp xe hơi ở Mỹ, hay là chủ một quán
ăn Việt Nam tại San Jose, gốc từ miền Bắc, có công ty vận chuyển làm ăn
rất khấm khá với Việt Nam trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Có
thể những thế hệ người miền Nam sau này sẽ không còn cái mặc cảm bại
trận như thế nữa, nhưng cho tới nay chưa thấy những nhân vật tài phiệt
xuất thân từ miền Nam, thành công ở phương Tây, rồi lại trở về Việt Nam
mà cũng thành công. Lịch
sử luôn có những điều trớ trêu. Một trong những điều đó là, chủ nghĩa tư
bản Việt Nam lại xuất thân trên cái xác chết của nhà nước cộng sản Liên
Xô! |